Năm 1206, thánh Đa Minh đã được trao ban chuỗi Mân Côi làm phương thế thần diệu để dẹp bỏ bè rối Albigeois. Chính nhờ Kinh Mân Côi mà dân Chúa thông thạo giáo lý hơn. Kết quả, nhờ sự hiểu biết ấy, người ta đã từ khước những sai lầm của bè rối và bè rối đã bị chôn vùi vào quên lãng. Mân Côi quả là có tương quan mật thiết với đức tin. Tóm tắt mối tương quan này, thông điệp “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a” của chân phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã mô tả con đường của Đức Ma-ri-a dẫn từ các mầu nhiệm đến Mầu Nhiệm.
“Các chu kỳ suy niệm do Kinh Mân Côi Thánh đề nghị không thể bao gồm hết mọi khía cạnh, nhưng nó thật sự nhắc nhớ điều cốt yếu và gợi lên trong linh hồn một nỗi khát khao hiểu biết Đức Ki-tô, sự khao khát không ngừng được nuôi dưỡng từ nguồn mạch tinh tuyền của Tin Mừng” (TĐ. Kinh Mân Côi số 24).
Trong bóng đêm của tội lỗi, nhân loại mong đợi Đấng Cứu Thế đến, và “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con của một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta được nhận làm nghĩa tử” (Gl 4,4).
Người phụ nữ đã đón nhận Đấng Cứu Thế ấy chính là Đức Ma-ri-a. Ngài là “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Thiên Chúa sủng ái Ngài, vì là thật có phúc, “vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Người chị họ Ê-li-sa-bét đã nhận định như vậy. Tin, Đức Ma-ri-a đã bộc lộ bằng lời quyết định: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Một lời thưa khi đi vào thực tế đời sống không luôn là chuyện dễ dàng. Có lúc Ngài “không hiểu”, nhưng “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,50-51). Tuyệt đỉnh của đức tin xin vâng, Ngài đã theo chân Đấng Cứu Thế, đến tận chân Thánh Giá: “đứng gần bên thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người” (Ga 19,25).
Tin, Đức Ma-ri-a không chỉ đón nhận Đấng Cứu Thế để sinh Người cho đời, Ngài còn cưu mang và góp phần sinh ra Hội Thánh, nhiệm thể Chúa Ki-tô, khi hiện diện để chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần, sức sống của Hội Thánh: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14).
Việc chèo ra chỗ nước sâu của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba sẽ được xác định tùy theo khả năng các Ki-tô hữu tiến vào trong “sự hiểu biết hoàn hảo về mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Ki-tô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,2-3) (TĐ. Kinh Mân Côi số 24). Trên con thuyền trong biển mầu nhiệm này, Đức Ma-ri-a quả là hoa tiêu lành nghề với đức tin trổi vượt của Ngài, và với phương thế hiệu nghiệm mà Ngài từng kêu gọi tại Lộ Đức, Pha-ti-ma… Kinh Mân Côi nhằm phục vụ lý tưởng ấy, nó trao ban bí quyết để thực hiện để dẫn đến sự hiểu biết sâu xa và nội tâm về Đức Ki-tô. Chúng ta có thể gọi đó là con đường của Đức Ma-ri-a. Đó là con đường gương mẫu của Đức Trinh Nữ Na-da-rét, người phụ nữ của lòng tin, của thinh lặng, của chăm chú lắng nghe. Đó cũng là con đường của lòng sùng kính Đức Ma-ri-a, được gợi hứng bởi sự hiểu biết và mối liên kết không thể tách rời giữa Đức Ki-tô và Mẹ Thánh Người: các mầu nhiệm của Đức Ki-tô, theo một nghĩa nào đó, cũng là các mầu nhiệm của Mẹ Người, ngay cả khi chúng không trực tiếp nhắc đến Đức Mẹ, vì Mẹ sống nhờ Người và qua Người (ĐT. Kinh Mân Côi số 24).
Lm. Phao-lô Phạm Quốc Túy, Gp. Phú Cường