- Bạn biết gì về ông Gioan trong Tin mừng Mác-cô? Đọc Mc 1,19.29; 3,17; 5,37; 9,2.38; 10,35.41; 13,3; 14,33. Đọc thêm Lc 9,51-56.
- Bạn có thấy gì lạ khi đọc Mc 9,14-29 và Mc 9,38 không?
- Đọc Mc 9,38. Bạn thấy ông Gioan và các môn đệ có khuyết điểm gì? Đọc thêm sách Dân số 11,26-30.
- Đọc Mc 9,39-40. Cho biết hai lý do Đức Giêsu đã đưa ra để sửa sai ông Gioan và các môn đệ.
- So sánh Mc 9,40 với Mt 12,30. Hai câu này có mâu thuẫn với nhau không?
- Đọc Mc 9,42. “Những kẻ bé mọn” ở đây để chỉ ai vậy? “Làm vấp ngã” nghĩa là gì? Câu nói này của Đức Giêsu có kinh khủng không?
- Đọc Mc 9,43-48. Trong những câu này, nguyên nhân làm vấp ngã đến từ đâu? Các câu 43, 45 và 47 có gì giống nhau không?
- Đọc Mc 9,42-48. Có phải hiểu các câu này của Đức Giêsu theo nghĩa đen không? Tại sao không? Nếu không hiểu theo nghĩa đen, thì qua những câu kinh khủng này, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Đọc Mc 9,43.48. Trong hai câu trên, hoả ngục được mô tả như thế nào? “Bị ném vào hoả ngục” khác với
được “vào cõi sống” hay “vào Nước Thiên Chúa” như thế nào? Bạn tin có hoả ngục không? Tại sao?
PHẦN TRẢ LỜI
- Gioan là một trong bốn ngư phủ đầu tiên theo Đức Giêsu, là con ông Dêbêđê và là anh em ruột với Giacôbê (Mc 1,19.29). Hai anh em này nằm trong Nhóm Mười Hai tông đồ, và cả hai được Thầy Giêsu đặt cho biệt danh là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là “những đứa con của thiên lôi” (3,17; xem thêm Lc 9,51-56). Phêrô và Giacôbê và Gioan là ba môn đệ thân tín thường được Thầy Giêsu dẫn đi riêng. Chỉ ba ông này được đến nhà ông trưởng hội đường và được dẫn vào phòng cô con gái mới chết để chứng kiến phép lạ (5,37). Chỉ ba ông này được Thầy dẫn lên núi cao để thấy Thầy hiển dung (9,2). Chỉ ba ông này được đi theo Thầy và ở gần Thầy hơn các ông khác trong vườn Dầu (14,33). Nhưng Gioan cũng là người có nhiều tham vọng trần tục, thích chức quyền (9,38-40; 10,35-40).
- Ở Mc 9,14-29, Thầy Giêsu xuống núi cùng với ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chín môn đệ còn lại trong Nhóm Mười Hai không có khả năng trừ quỷ khi được người cha của một cậu bé yêu cầu (Mc 9,18). Ngược lại, ở Mc 9,38, một người không thuộc nhóm Mười Hai lại có thể trừ được quỷ, nhân danh Đức Giêsu!
- Qua câu nói của ông Gioan ở Mc 9,38, ta thấy nhóm Mười Hai (“chúng con”) tỏ ra bực tức khi thấy có người “không theo chúng ta,” nghĩa là không thuộc về nhóm môn đệ Đức Giêsu, mà lại dám “nhân danh Thầy mà trừ quỷ”. Cả nhóm đã cố gắng ngăn cản người này, vì họ muốn độc quyền sử dụng Danh của Thầy. Họ không chấp nhận để người ngoài nhóm được dùng Danh này, như thế họ cũng muốn độc quyền trong việc trừ quỷ. Trong Cựu ước, Giosuê cũng đã từng xin Môsê ngăn cản để hai ông En-đát và Mê-đát đừng nói tiên tri nữa, chỉ vì họ không thuộc nhóm 70 kỳ mục ưu tuyển (Ds 11,26-30).
- Đức Giêsu không chấp nhận phản ứng tiêu cực của Nhóm Mười Hai. Ngài đưa ra hai lý do. Lý do 1: Đức Giêsu cho rằng ai làm phép lạ đuổi quỷ nhân danh Ngài thì cứ sự thường, ngay sau đó người ấy sẽ không trở mặt mà nói xấu chống lại Ngài (Mc 9,39). Khi nhân danh Đức Giêsu mà trừ quỷ hay làm phép lạ, người ấy hẳn phải có lòng tin vào Danh của Ngài rồi. Lý do 2: Đức Giêsu khẳng định rằng ai không chống lại chúng ta thì coi như đứng về phía của chúng ta (Mc 9,40). Đây là một thái độ cởi mở đối với những ai không thuộc nhóm của mình, nhưng không chống đối nhóm. Ngài đòi các môn đệ coi họ như bạn.
- Trong Mc 9, 40 Đức Giêsu nói: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Còn trong Mt 12,30, Đức Giêsu nói một câu có vẻ ngược lại: “Ai không với tôi là chống lại tôi…”. Hai câu trên không mâu thuẫn, nhưng khác nhau vì được nói trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong Mt 12,30, khi những người Pharisêu cố chấp không tin Đức Giêsu, thậm chí cho rằng Ngài dựa vào quỷ lớn để trừ quỷ nhỏ, thì Ngài đòi họ phải dứt khoát chọn theo Ngài, nếu không họ sẽ thuộc phe chống lại Ngài. Còn trong Mc 9,40 Ngài cho thấy ai dùng Danh của Ngài mà đuổi quỷ, ai không chống lại nhóm của Ngài (= chúng ta) thì coi như đã đứng về phía nhóm rồi.
- “Những kẻ bé mọn” ở Mc 9,42 để chỉ những người tin vào Đức Giêsu, nhưng không có vai vế trong cộng đoàn tín hữu. Đây cũng có thể là các trẻ em hay những người yếu đức tin. “Làm ai vấp ngã” nghĩa là làm cho ai đó phạm tội, hay khiến họ mất đức tin. Đối với Đức Giêsu, tội này rất nặng, vì ảnh hường đến sự sống đời đời của một người, dù là người bé nhỏ trong cộng đoàn. Hình phạt kinh khủng Ngài dành cho người gây gương mù cho thấy sự trầm trọng của tội này: cột cái cối lớn (cối kéo bởi con lừa) vào cổ mà quăng người ấy xuống biển.
- Trong Mc 9,43-48 nguyên nhân làm một người vấp ngã không đến từ bên ngoài, nhưng từ chính thân xác của người đó như tay, chân, mắt. Cả ba câu 43, 45 và 47 có cấu trúc giống nhau: “Nếu… làm cớ cho anh vấp ngã, thì…; thà… mà được vào cõi sống/vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ… mà phải vào hoả ngục”. Đây là lối nói giàu hình ảnh gây ấn tượng của Đức Giêsu. Nói cho cùng, tay, chân hay mắt không phải là nguyên nhân chính khiến ta phạm tội, nhưng những dục vọng và tư tưởng xấu xa mới là nguyên nhân chủ yếu. Bởi đó chặt tay chân hay móc mắt cũng không đủ để làm ta tránh được sa ngã.
- Chúng ta không nên hiểu lời Chúa dạy trong Mc 9,42-48 theo nghĩa đen. Đây chỉ là lối nói cường điệu của Đức Giêsu. Ta không được cột cối đá vào cổ người gây dịp tội rồi ném xuống biển, hay chặt tay chân, móc mắt chính mình, nếu chúng làm cớ cho ta phạm tội. Qua lối nói mạnh mẽ này, Ngài dạy ta phải cương quyết dứt khoát loại bỏ những nguyên nhân trong ngoài khiến ta vấp ngã phạm tội, dù làm như thế đòi ta phải hy sinh đau đớn như người mất một phần thân thể. Chỉ với thái độ từ bỏ quyết liệt ấy, ta mới được “vào cõi sống” (Mc 9,43.45), “vào Nước Thiên Chúa” (Mc 9,47), và thoát khỏi “hoả ngục” (geenna, Mc 9,43.45.47). MANNA…..
MANNA SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B Mc 9,38-43.45.47-48
KHÔNG CHỐNG LÀ ỦNG HỘ
Con người thích liên kết với nhau thành nhóm,
khi có chung một ngành nghề, một sở thích, một lý tưởng…
Các quốc gia cũng thích lập những liên minh
để giúp nhau bảo vệ lợi ích của đất nước mình.
Khi có những người gắn bó với nhau trong một nhóm
thì tự nhiên có những người đứng ngoài nhóm đó.
Ta dễ coi những ai ở ngoài nhóm là người xa lạ.
Ông Gioan và cả Nhóm Mười Hai thật sự không vui
khi thấy có một người lấy danh Thầy Giêsu mà trừ quỷ.
Họ khó chịu vì tại sao người này dám làm như vậy.
Chỉ ai ở trong nhóm của Thầy Giêsu mới có quyền đó.
Bởi thế họ đã cấm anh ta và mách với Thầy chuyện này.
Thầy Giêsu hiểu nỗi ấm ức của cả Nhóm,
nhưng Thầy coi đây là một cơ hội để giúp họ mở lòng.
Các ông chỉ thấy anh trừ quỷ là người ở ngoài Nhóm,
nhưng họ lại không thấy anh này có sự gắn bó với Thầy.
Anh ấy đã tin vào sức mạnh của Danh Giêsu trên ma quỷ,
và đã thành công trong việc trừ quỷ cho người ta,
điều mà trước đây chín môn đệ không làm được (Mc 9,18).
Thầy Giêsu bảo các môn đệ cứ để anh ta yên.
Anh ấy không phải là kẻ thù, nói xấu chống lại Thầy.
Anh ấy là bạn của cả Nhóm, dù không ở trong Nhóm.
Thầy Giêsu đã phá vỡ nơi trái tim của các môn đệ
những hẹp hòi, độc quyền, những tự hào kiêu hãnh.
Thầy mở họ ra trước một thế giới bạn bè đông vô kể.
Có bao người không phải là Kitô hữu hay Công giáo
mà vẫn làm được những điều tốt đẹp lớn lao
nhờ được Thánh Thần Chúa âm thầm ban ơn soi sáng.
Chúng ta phải coi những người ấy là bạn.
Có người ngoài Nhóm trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu,
cũng có người ngoài cho anh em uống một chén nước,
vì anh em thuộc về Đấng Kitô, vì anh em là Kitô hữu.
Đức Giêsu nói người ấy sẽ được Thiên Chúa thưởng.
Như thế có nhiều người tốt ở ngoài Công giáo.
Ta sẽ gặp lại họ trên thiên đàng,
những người này được thưởng vì họ đã gắn bó với Giêsu,
theo những cách thức mà chính họ không hề biết.
Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những người bé nhỏ.
Họ là những người không có vai vế hay học thức cao.
Họ dễ bị lôi kéo, bị tổn thương hay bị quên lãng.
Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến họ.
Ngài đòi không ai được khinh những người bé nhỏ,
vì họ cũng có thiên thần riêng của mình (Mt 18,10).
Ngài mời mọi người đón tiếp trẻ nhỏ (Mc 9,37),
và cho những người anh em bé nhỏ nhất của ngài
được ăn uống viếng thăm, được ân cần săn sóc (Mt 25).
Chính thái độ này sẽ định đoạt cuộc sống vĩnh hằng,
sẽ khiến họ được Chúa cho đứng bên hữu hay bên tả.
Đức Giêsu còn mạnh mẽ bảo vệ người bé nhỏ.
Không ai được làm cớ cho một người bé nhỏ vấp ngã,
nghĩa là làm họ mất đức tin hay phạm tội (Mc 9,42).
Người gây cớ sẽ phải chịu hình phạt rất nặng nề,
vì đã làm một người yếu đuối mất ơn cứu độ.
Thầy Giêsu mở rộng tầm nhìn của Nhóm Mười Hai,
để họ thấy những người ở ngoài và tín hữu ở trong,
những người đang làm phép lạ và đang cho họ ly nước,
những thiểu số bị phân biệt đối xử trong cộng đoàn.
Nhóm Mười Hai sẽ là những người lãnh đạo Giáo hội.
Thầy mời họ đón nhận và không loại trừ một ai,
để vòng tay Giáo hội mở ra đến vô cùng,
để từ bây giờ, mọi người đã bắt đầu vào Nước Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại,
Chúa đã sáng tạo mọi người bình đẳng về nhân phẩm.
Xin hãy đổ vào lòng chúng con tình huynh đệ,
và gợi lên nơi chúng con ước mơ làm mới lại
các cuộc gặp gỡ, đối thoại, công lý và hoà bình.
Xin hãy thúc đẩy chúng con tạo ra
những cộng đồng lành mạnh hơn,
và một thế giới cao quý hơn,
thế giới không có đói nghèo, chiến tranh hay bạo lực.
Xin cho trái tim của chúng con mở ra
trước mọi dân tộc và quốc gia trên mặt đất.
Xin giúp chúng con nhận ra sự thiện mỹ
mà Chúa đã gieo nơi lòng từng người chúng con,
nhờ đó chúng con rèn đúc mối dây hiệp nhất,
chia sẻ những dự án và những giấc mơ chung. Amen.
Đức Thánh Cha Phanxicô