Nếu xét về địa dư, thì trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, sứ vụ của Đức Giê-su được chia làm ba giai đoạn: Sứ vụ tại Ga-li-lê-a (4,14-9-50); trên đường lên Giê-ru-sa-lem (9,51-19,27); và sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem (19,28-21,38 và 22,1-24,53). Trích đoạn Tin Mừng mà hôm nay chúng ta được nghe là phần mở đầu cho giai đoạn thứ hai trong sứ vụ của Đức Giê-su là lên đường đi lên Giê-ru-sa-lem. Trích đoạn này có thể chia làm hai điểm chính: Đức Giê-su băng qua Sa-ma-ri để lên Đền Thánh Giê-ru-sa-lem; và những điều kiện để bước theo Người.
Đức Giê-su biết rằng sứ vụ của Người nơi trần gian không kéo dài bao lâu, nên Người “nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”, nơi Người sẽ phải trải qua những đau khổ tột cùng với cái chết tủi nhục, nhưng Người sẽ trỗi dậy vinh quang và hoàn tất sứ mạng mà Chúa Cha đã trao. Đức Giê-su chọn con đường băng qua xứ Sa-ma-ri-a để đi, nhưng dân làng nơi đây không tiếp đón Người. Trái với phải ứng nóng nảy, hung hăng của hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an, muốn lấy lửa từ trời xuống thiêu hủy họ, Đức Giê-su chỉ quở mắng nhẹ nhàng các ông rồi Thầy trò lánh sang đường khác mà đi.
Điểm thứ hai trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay xem ra chẳng ăn nhập gì với điểm thứ nhất, nhưng có lẽ lại là điểm quan trọng, với những điều kiện để trở thành môn đệ Chúa Ki-tô. Những điều kiện ấy là phải sống siêu thoát với tiền của vật chất, dấn thân lên đường rao giảng Tin Mừng và từ bỏ một cách dứt khoát những gì không phù hợp với con đường theo gót Chúa Ki-tô. Việc bị từ khước trên đường băng qua Sa-ma-ri-a và thái độ nóng nảy của vài vị tông đồ đã khiến Đức Giê-su phải lên tiếng về những đức tính cần thiết trên con đường rao giảng, đó là sự nhẫn nại, khiêm nhường, đặt Tin Mừng của Chúa lên trên tất cả mọi thứ khác, kể cả quan hệ gia đình, cha mẹ, vợ con, chấp nhận sự thiếu thốn, bấp bênh và có khi bị hất hủi vì Tin Mừng, chấp nhận thân phận ba chìm bảy nổi như Đức Giê-su khi xưa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.
Là những người môn đệ theo gót Chúa Ki-tô, tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Người qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng được mời gọi để loan báo Triều Đại của Thiên Chúa cho người khác. Nhưng việc từ bỏ cách dứt khoát các mối tương quan thân thuộc, không vướng bận vào của cải vật chất quả là một thách đố lớn lao. Bởi bản thân các mối quan hệ ấy vốn dĩ là tốt đẹp, chính Đức Giê-su cũng đã dạy phải thảo kính cha mẹ, hiếu thuận với mọi người, phu phụ tương kính như tân,… Và của cải vật chất là phương tiện tốt cho việc thi hành sứ vụ, nếu biết sử dụng nó cách hợp lý. Điều quan trọng ở đây là làm sao biết dung hòa những nhu cầu của bản thân, và luôn đặt sứ vụ loan báo Tin Mừng lên trên hết nếu có sự xung khắc giữa quyền lợi và nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa với sự lưu luyến thân bằng quyến thuộc.
Anh chị em Đa Minh chúng ta cũng hãy noi gương cha thánh Đa Minh, dấn thân loan Tin Mừng của Chúa đến cho người khác bằng lời kinh nguyện mỗi ngày, bằng đời sống đượm tình bác ái huynh đệ, bằng đời sống khiêm nhường, thân ái với hết mọi người, với tiêu chí mà Dòng đã nêu cao: chỉ nói với Chúa và nói về Chúa.
Học viện Đa Minh.