Thánh sử Lu-ca đã ghi chú đặc biệt là Đức Giê-su biến hình đổi dạng sáng láng chói lòa khi Người đang cầu nguyện trên núi. Núi là tượng trưng nơi Thiên Chúa ngự trị; lên núi là đi gặp Thiên Chúa, là cầu nguyện. Thiên Chúa là nguồn ánh sáng, bất cứ ai đến gần Thiên Chúa là nguồn ánh sáng, giao tiếp, gặp gỡ và kết hợp với Thiên Chúa, đều được ánh sáng Chúa chiếu tỏa và người đó trở nên ánh sáng chói lòa. Chúa Giê-su là Thiên Chúa, là nguồn ánh sáng, nhưng khi mặc lấy xác phàm, Người đã muốn hoàn toàn nên giống mọi người. Người tự ý che giấu vinh quang rạng ngời thiên quốc mà Người vốn có nơi Chúa Cha. Hôm nay trong lúc cầu nguyện với Chúa Cha trên núi, Người muốn cho ba môn đệ thấy trước vinh quang phục sinh sẽ tràn ngập trên con người của mình, khi Người từ cõi chết sống lại. Đồng thời có tiếng Chúa Cha phán từ đám mây, dạy các môn đệ là phải vâng nghe lời Chúa Giê-su. Vâng nghe lời Chúa Giê-su ở đây vừa có nghĩa là lắng nghe và làm theo lời Chúa dạy, vừa có nghĩa là đi theo bắt chước Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn thập giá, để có thể thông phần vinh quang phục sinh với Người.
Mùa Chay có mục đích kêu gọi mọi người môn đệ nhìn lại chặng đường đã qua, để quyết tâm đi theo Chúa cách dứt khoát và trọn vẹn. Thật ra người môn đệ chân chính là người luôn đi theo Thầy và tư cách môn đệ được xác định tùy mức độ đi theo Thầy nhiều hay ít, sát bên hay xa xa. Và đi theo Thầy cũng chính là vâng nghe lời Thầy. Lời Chúa Giê-su thật rõ ràng và mọi môn đệ đều đã biết: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
Lúc này tôi có nghe được Lời Chúa nói với tôi không? “Ai muốn theo tôi”. Ai đó có phải là tôi không? “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày”. Tôi có sẵn sàng vâng nghe những lời này, nghĩa là sẵn sàng làm theo không? Bất cứ lúc nào người môn đệ được nghe lời Chúa và quyết tâm làm theo, thì lúc đó người môn đệ gặp gỡ Chúa, cầu nguyện với Chúa. Mà có gặp gỡ, có cầu nguyện là có biến hình đổi dạng, có vinh quang Thiên Chúa tràn đầy. Nghe và nhận ra Chúa đang nói lời Người cho mình, tức là ta đang cầu nguyện, đang có biến đổi trở nên sáng láng. Đàng khác, nghe được Lời Chúa, cầu nguyện với Chúa cũng chính là đi theo Chúa. Vậy ai muốn đi theo Chúa, muốn lắng nghe Lời Chúa, muốn cầu nguyện thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày. Không từ bỏ mình và vác thập giá, không ai đi theo Chúa được, cũng không gặp được Chúa khi cầu nguyện và không nhận ra Chúa khi nghe lời Người. Mùa Chay là để quyết tâm đi theo Chúa và cũng chính là quyết tâm từ bỏ chính mình, quyết tâm vác thập giá. Ai quyết tâm như vậy thì có biến đổi hình dạng, trở nên sáng láng, tràn ngập vinh quang của Chúa Phục Sinh.
“Phải từ bỏ chính mình”. Đây là điều kiện thứ nhất để đi theo Chúa, để được biến đổi. Mọi tội lỗi đều do quy về mình, là tìm mình, là sống cho mình. Do đó, từ bỏ chính mình trước hết là từ bỏ tội lỗi và mọi điều xấu xa. Không dứt khoát với tội lỗi; không tránh xa những dịp tội và những người làm cớ phạm tội; không bỏ đi những cái xấu xa như phim ảnh đồi trụy, sách báo thiếu lành mạnh, nghiện ngập hút sách, rượu chè; không diệt trừ được lòng tham lam, tính ích kỷ, lòng hận thù thì không bao giờ người môn đệ có thể bước theo Thầy. Họ cũng chẳng nghe được Lời Chúa và dĩ nhiên không thể cầu nguyện được. Không có vinh quang, không có biến đổi khi không bỏ được tội lỗi và người ta vẫn ở lì mãi trong bóng đêm tối tăm. Tôi cần tập trung lại và nhìn vào nội tâm lúc này để tìm xem: tôi còn đang mắc tội nào? Tôi còn quyến luyến với những con người, những hoàn cảnh không trong sáng nào? Và tôi có nhất định từ bỏ mọi tội lỗi và mọi điều xấu xa không?
Hơn nữa, khi Chúa Giê-su đòi hỏi từ bỏ chính mình, thì không chỉ là từ bỏ tội lỗi mà còn phải bỏ đi cái “tôi”. Còn cái “mình” là còn tất cả, người ta vẫn chưa tiến theo Chúa được bước nào. Thích ăn ngon mặc đẹp đâu phải là tội, nhưng còn giữ cái “tôi” nghĩa là chưa từ bỏ được. Muốn người khác theo ý mình; muốn được khen lao, kính phục; dễ buồn giận, hơi chút hờn dỗi, dễ chạm tự ái; hay phàn nàn kêu trách… đều là những biểu lộ muôn hình vạn trạng của cái “tôi” cần phải từ bỏ. Chấp nhận mọi người sống chung quanh mình để chịu đựng và hòa hợp, chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống không tiếc xót hay phàn nàn để vui sống, bằng lòng với chính mình và với gia đình mình… là những cách thức từ bỏ chính mình mà đi theo Chúa.
“Phải vác thập giá hằng ngày”. Thật ra khi cố gắng từ bỏ chính mình liên tục thường xuyên, thì người ta đã vác thập giá mình hằng ngày rồi. Nhưng Chúa Giê-su muốn nói rõ hơn và nhấn mạnh tới những đau khổ, trái ý và nghịch cảnh không hề thiếu trong đời người, nhất là đời sống của người môn đệ. Phải vác thập giá hằng ngày để đi theo Chúa chịu đóng đinh vào thập giá, nhưng muốn đi theo Chúa thì chỉ có một cách duy nhất là vác thập giá. Thập giá của Thầy cũng là thập giá của môn đệ. Thầy nào môn đệ nấy. Không thể có chuyện ngược đời khi Thầy vất vả lê bước vác thập giá đau thương, còn môn đệ thì nhởn nhơ, khỏe khoắn, đi tìm tiện nghi dễ chịu, tìm thoải mái sung sướng. Không có đau khổ không có vinh quang. Sự việc Chúa biến hình sáng láng là lời mời gọi với tất cả mọi môn đệ cùng với Thầy đi vào con đường khổ giá để cùng Thầy đạt tới vinh quang!
Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng