CHÚA NHẬT XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN B (Mc 8,27-35)
Chúa Giê-su Ki-tô là cốt lõi niềm tin của người Ki-tô hữu, là bản chất làm nên đức tin của mỗi người chúng ta. Không có Đức Ki-tô thì không có gì hết: không có đạo, không có nghi lễ phụng vụ, không có cầu kinh và không có tín hữu. Vì thế đức tin của mỗi tín hữu khác nhau, tùy ở mức độ người đó tin vào Đức Giê-su Ki-tô nhiều hay ít. Và niềm tin bắt đầu ở chỗ nhận biết Người. Do đó, sau một thời gian chung sống, Đức Giê-su muốn đặt vấn đề cho các môn đệ, để họ ý thức việc họ tin vào Người, đi theo Người: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Không phải Đức Giê-su không biết về niềm tin của các môn đệ, mà Người hỏi các ông để các ông có dịp nhìn lại niềm tin của mình, xác định rõ ràng hơn và củng cố chắc chắn hơn.
Giờ đây Chúa Giê-su Ki-tô cũng muốn hỏi chúng ta, là những người đã tin và đã theo Chúa một thời gian dài và hiện vẫn còn tin theo Chúa: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Nếu mỗi người chúng ta thành thật với chính mình và thành thật với Chúa, thì chúng ta phải thú nhận rằng mình biết rất ít về Chúa, đức tin của mình còn rất mơ hồ và lỏng lẻo. Ngay cả trường hợp chúng ta đã đi học thêm giáo lý, đã đọc Tân Ước, thì niềm tin của mỗi người cũng vẫn rất hời hợt. Nhiều người bằng lòng với những hiểu biết của mình về Chúa Giê-su, qua sách vở, qua Kinh Thánh và qua học hỏi. Nhưng thật ra cái biết đó chỉ là cái biết của đầu óc, cái tri thức của sách vở. Những ai biết như vậy chỉ có thể là khởi đầu của đức tin, nhưng chưa góp phần xây dựng và củng cố đức tin, bởi vì “tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3,19).
Tôi đã biết Chúa Ki-tô tới mức nào? Tôi biết bằng đầu óc học hỏi suy luận hay biết bằng lòng mến? Ngay lúc này, tôi có thật tình muốn nhận biết Chúa và yêu mến Chúa bằng tấm lòng, bằng tình nghĩa thân mật không?
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế, cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.
Những đau khổ và cái chết của Đức Giê-su trong Cuộc Thương Khó là ý định và đường lối của Thiên Chúa. Ý định thật nhiệm màu và đường lối thật kỳ diệu. Thiên Chúa Cha muốn Con Một yêu dấu của mình mặc thân xác, trở thành con người là để chịu đau khổ và chịu chết, hầu đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá dẫn tới cái chết trên Đồi Sọ. Đức Giê-su biết rõ điều đó và ý thức sâu xa. Người chỉ xứng đáng mang tước hiệu Ki-tô, khi chấp nhận cái chết theo chương trình của Chúa Cha. Ông Phê-rô đã chẳng hiểu gì về Thầy mình và càng không hiểu về sứ mạng của Thầy, nên đã muốn can ngăn Thầy, không muốn để Thầy bị đau khổ và chịu chết. Nhưng Đức Giê-su cho thấy đó là ý nghĩ tự nhiên, là phản ứng của con người, đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa. “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ý nghĩ và tư tưởng của mỗi người chúng ta không phù hợp với ý nghĩ và tư tưởng của Thiên Chúa, như vậy chúng ta tiếp tay với Sa-tan để ngăn cản đường lối của Thiên Chúa, để chống lại Thiên Chúa.
Cũng như thánh Phao-lô, mỗi người chúng ta đều tin vào “Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Tin vào Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá nghĩa là gì? Tôi có hiểu điều này không? Tin vào Đức Giê-su Ki-tô thập giá nghĩa là tôi phải “cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá” để từ nay “tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Không có Đức Ki-tô nào khác ngoài Đức Ki-tô thập giá và cũng không có niềm tin nào khác ngoài việc cùng chết với Đức Ki-tô mỗi ngày, chết cho tội lỗi, chết cho trần gian, chết cho cái tôi của mình!
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Đi theo Đức Giê-su là một lựa chọn tự ý, là một quyết định tự do, không bị bó buộc, không bị cưỡng ép. Vì thế Đức Giê-su tuyên bố là: ai muốn theo tôi. Điều đó có nghĩa là: ai muốn theo thì theo, không muốn theo thì thôi. Ở đây Đức Giê-su muốn nói với những ai tự ý muốn theo Người. Theo Đức Giê-su thì trước hết có nghĩa là đi theo sau Người, không đi trước Người cũng không đi ngang hàng với Người. Theo sau Đức Giê-su có nghĩa là đi vào con đường Người đã đi, sống như Người đã sống, luôn tìm kiếm và thi hành ý muốn của Người là Thiên Chúa. Khi muốn làm theo ý mình, khi người môn đệ muốn đi trước Đức Giê-su, muốn Người theo ý mình chứ không muốn mình theo ý Người. Lúc đó người môn đệ hết là môn đệ! Sau đó Đức Giê-su cho thấy một chướng ngại khó nhất và lớn nhất trong việc đi theo Chúa, làm theo ý Chúa, là cái tôi của người môn đệ, cái ý riêng của họ! Không từ bỏ chính mình, người môn đệ không thể nào đi theo Đức Giê-su được. Càng từ bỏ chính mình, người ta càng có khả năng đi theo Đức Giê-su và theo sát Người hơn nữa. Việc từ bỏ chính mình là công việc không phải một lần là xong, nhưng phải là suốt đời. Bao lâu còn đi trên đường đời, bấy lâu người ta còn phải đi theo sau Đức Giê-su và như vậy người ta phải từ bỏ mình mãi mãi cho đến lúc chấm dứt cuộc đời! Tôi có nghĩ rằng sở dĩ tôi sống đạo tà tà, tôi không sẵn sàng đi theo Chúa, tôi chưa yêu mến Chúa nhiều, là vì tôi chưa sẵn sàng và quyết tâm từ bỏ chính mình không? Thực sự tôi có bao giờ dám liều mạng vì Chúa đâu! Tôi có thể đã liều mạng vì tiền của, vì người thân, vì bạn bè,… nhưng vì Chúa và Tin Mừng thì tôi chưa nghĩ tới hay không bao giờ nghĩ tới. “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Lúc này Chúa đang nói với tôi như thế đó, tôi tính sao?
Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng