Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của Kinh thánh. Chúa Giêsu dùng chủ đề này để khắc họa nên hình ảnh về mầu nhiệm Nước Trời ; về chính mầu nhiệm Giáo hội được Người thiết lập. Kitô hữu là những người thợ được Chúa giao phó chăm sóc vườn nho của Chúa, vườn nho Giáo hội, vườn nho gia đình, vườn nho xã hội. Vì thế cần phải ý thức trách nhiệm của bản thân để hết mình cộng tác với ơn Chúa làm cho Giáo hội ngày càng phát triển, làm cho xã hội ngày càng được hòa bình thịnh vượng, làm cho gia đình ngày càng hạnh phúc.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc I : Is 5,1-7
Ẩn dụ về vườn nho
Tiên tri Isaia so sánh dân Chúa với một vườn nho, đối tượng mà Thiên Chúa quan tâm chăm sóc nhất. Khởi đi từ dụ ngôn, Tiên tri Isaia minh chứng cho thấy dân được Thiên Chúa tuyển chọn để ký kết giao ước tình yêu với Ngài. Thế nhưng, dân được Chúa chọn lại luôn phản bội và thù nghịch với Chúa.
a. Bài ca “Vườn nho” gợi nhớ những bài ca trữ tình. Khởi đầu bằng một cung giọng ngọt ngào, tiếp nối với tiết tấu nhanh mang đậm âm hưởng diễn tả nỗi đau khổ và kết thúc bằng một lời tuyên sấm mang tính đe dọa.
b. Thay vì trổ sinh hoa trái công chính như Thiên Chúa chờ đợi, dân Israel chỉ trổ sinh những trái nho dại và chua : thường xuyên bất trung, vòi vĩnh, hối lộ và coi khinh người nghèo khổ.
c. Nếu cứ như thế, Thiên Chúa sẽ bỏ măïc họ, không chăm sóc nữa. Được Thiên Chúa tuyển chọn sống giao ước tình yêu với Ngài, cần phải trung thành với giao ước. Càng trung thành sống trong tình yêu của Chúa, càng trổ sinh nhiều trái nho thơm ngọt là lòng bác ái, sự thánh thiện và đời sống công chính.
2. Bài đọc II : Pl 4,6-9
Bí quyết để có bình an
Trong các thư của Thánh Phaolô, thư gửi tín hữu Philipphê có tính cách tâm thư hơn hết, chứa đựng nhiều tâm sự của Phaolô. Trong phần trích đoạn được đọc hôm nay, thánh nhân kêu gọi tín hữu hãy vui mừng, tín thác vào Chúa, chính Ngài mới mang lại bình an đích thực.
a. Những lời khuyên nhủ nhấn mạnh đến việc gắn bó với Chúa, cầu nguyện cùng Ngài trước mọi lo lắng của cuộc sống. Đây là bước đầu tiên để tìm kiếm được bình an của Chúa.
b. Kế đến là việc thực thi các nhân đức. Sự quan tâm chú trọng việc thực hiện các nhân đức, các điều thiện hảo là điều kiện cần thiết để đón nhận được bình an của Chúa.
c. Theo Thánh Phaolô, đấy chính là bí quyết để có được bình an. Dựa trên lời của thánh Tông đồ, mỗi Kitô hữu hôm nay biết mình phải làm gì để kiến tạo được bình an cho mình, một sự bình an đích thực trong Chúa. Sự bình an ấy chỉ có được nếu biết cầu nguyện gắn bó với Chúa và thực hành lời Ngài qua các nhân đức và việc tốt phải làm.
3. Tin mừng : Mt 21,33-43
Dụ ngôn những tá điền bất lương
Trong dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn tố cáo cách cư xử quá đáng của những người thủ lãnh dân Israel : Vua chúa, thượng tế, kỳ lão, luật sĩ và biệt phái. Họ không hướng về Đấng Messia là lợi ích của họ, nhưng lại đi tới chỗ bách hại, tàn sát những sứ giả của Chúa được sai đến nhắc nhở họ.
a. Matthêu đặt dụ ngôn này nằm giữa dụ ngôn hai người con (21,28-32) và dụ ngôn tiệc cưới (22,1-4), trong bối cảnh lịch sử của các cuộc tranh luận, đấu tranh giữa Chúa Giêsu và những người thủ lãnh trong dân.
b. Dụ ngôn này đề cập rất thẳng thắn đến các giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Câu kết luận như là một cuộc tính sổ chung cuộc với họ và với dân Do Thái cứng tin. Và cho thấy rồi sẽ có một “Dân Mới” của Thiên Chúa thay thế họ.
c. Giữa dụ ngôn này của Chúa Giêsu với bài ca vườn nho của Isaia (Bài đọc I : Is 5,1-7) có sự liên hệ khá rõ. Tuy có sự khai triển theo chiều hướng khác nhau, nhưng cùng có chung một chủ điểm : Dân Israel không sinh trái sẽ bị phán xử. Điểm khác nơi dụ ngôn là vườn nho sẽ không còn là Israel nữa mà là Nước Thiên Chúa.
II. GỢI Ý BÀI GIẢNG
1. Từ dụ ngôn vườn nho suy nghĩ về mầu nhiệm Giáo hội hôm nay :
Hình ảnh vườn nho là hình ảnh rất quen thuộc mà Chúa Giêsu dùng để trình bày về Nước Chúa, về Giáo hội của Người. Vườn nho là chính dân được Thiên Chúa tuyển chọn, khởi đầu là dân Israel. Isaia đã cho thấy Thiên Chúa yêu mến vườn nho Israel như thế nào : yêu thương chăm sóc, vun trồng với tất cả hoài bão nó sẽ trổ sinh nhiều trái nho ngon ngọt. Thế nhưng, vườn nho ấy lại chỉ sinh trái nho chua dại. Chính với một tình yêu sâu xa mà Thiên Chúa đã tạo dựng nhân loại và giữa họ Ngài tuyển chọn một dân tộc để ủy thác Lời Ngài và chuẩn bị họ đón nhận Con Một Ngài đến ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Ngài đã ân cần yêu thương chăm sóc và sai phái những sứ giả của Ngài, sai chính Con Một yêu dấu của Ngài đến với dân. Thế mà, dân được tuyển chọn lại trở nên bội phản, bất trung. Hy vọng hái được nho ngon, Thiên Chúa chỉ nhận được trái chua. Vườn nho của Chúa hôm nay chính là Giáo hội. Thiên Chúa thiết lập vườn nho Giáo hội cũng mong muốn có được những trái nho ngon ngọt là những giá trị Tin mừng được loan truyền khắp thế giới ; được đón nhận và đặt làm tiêu chuẩn cho sự phát triển hòa bình, công lý, thịnh vượng cho toàn thể nhân loại. Giáo hội cũng đã và đang được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, vun trồng tưới bón bằng ân sủng của Ngài, bằng các vị chủ chăn được sai đến phục vụ và bằng chính tất cả mọi Kitô hữu đang nỗ lực sống Tin mừng giữa lòng trần thế.
Giáo hội, vườn nho của Chúa hôm nay có sinh được trái tốt hay không, là tùy thuộc vào chính đời sống đức tin, vào lòng tận tụy phục vụ của mọi thành phần dân Chúa.
2. Từ những tá điền sát nhân của dụ ngôn suy nghĩ về đời sống Kitô hữu hôm nay :
Điểm nhấn mạnh của Chúa Giêsu trong dụ ngôn này chính là nói đến các tá điền. Họ là những người được chủ thuê mướn làm vườn nho, trông coi săn sóc. Thế nhưng họ lại đang tâm muốn chiếm đoạt của chủ. Họ đã từ chối những sứ giả của chủ gửi đến và đang tâm giết luôn người con của chủ hầu tước đoạt tất cả. Đây là một lỗi nặng của họ, khiến chủ không thể tha thứ cho họ được. Qua hình ảnh các tá điền này, Chúa Giêsu lên án những nhà lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ được trao phó trách nhiệm coi sóc dân riêng của Chúa nhưng họ lại muốn biến thành của riêng cho họ, muốn vượt mặt Thiên Chúa. Họ đã nhân danh Chúa để trục lợi cho bản thân, để thỏa mãn thói tự kiêu… Từ hình ảnh những người trong dụ ngôn, Chúa Giêsu cảnh cáo những người lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ giúp chúng ta suy nghĩ về đời sống Kitô hữu hôm nay.
Mỗi Kitô hữu tùy theo phận vụ của mình trong Giáo hội là những tá điền được Chúa ủy thác làm vườn nho của Chúa là xây dựng Nước trời. Tất cả có làm vì ích lợi Nước Trời, vì ích lợi cho anh chị em hay vì quyền lợi của bản thân mình ? Có khi làm việc bác ái không phải vì người nghèo mà chỉ vì muốn đánh bóng hình ảnh một nhà từ thiện của mình ; lấy người nghèo để làm bậc thang tiến đức. Kinh kệ, cầu nguyện thánh lễ… tham dự rất sốt sắng đều đặn nhưng không phải để gắn bó với Chúa, yêu mến Chúa và sống Lời Chúa, nhưng vì luật và vì muốn bảo đảm được ơn cứu rỗi.
3. Từ hình ảnh nhẫn nại của chủ vườn nho suy nghĩ về hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại hôm nay :
Trước những người tá điền bất trung sát nhân, ông chủ vẫn cứ kiên nhẫn, kiên nhẫn đến độ lạ lùng, sai người này đến người nọ, ngày càng nhiều hơn và cuối cùng sai chính con của mình đến với họ. Chúa Giêsu đã mạc khải cách rõ ràng về lòng thương xót của Chúa được thể hiện qua đức kiên nhẫn. Trong suốt dòng lịch sử cứu độ Thiên Chúa vẫn luôn gửi các tiên tri, các sứ giả đến với dân của Ngài, nhẫn nại kêu gọi và chờ đợi dân lắng nghe sứ điệp tình thương, trở về với Ngài. Thế nhưng, họ lại bắt bớ hành hạ giết chết các Tiên tri. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một Ngài là Đức Giêsu và người con ấy đã bị đóng đinh trên thập giá. Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa không chỉ bày tỏ cho Israel, cho Giáo hội theo dòng lịch sử mà còn tỏ bày cho mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi hình thái xã hội và cho mọi người. Thiên Chúa luôn kêu nài tất cả, đánh động mọi tâm hồn với sự kiên trì của lòng mến và luôn ban phát ân huệ để tất cả có đủ khả năng đứng dậy vươn mình về với Ngài. Ngài chỉ bất lực khi lòng người dứt khoát từ chối tình yêu của Ngài.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn kiên nhẫn chờ đợi và tìm mọi cách để lôi kéo con người trở về sống trong tình yêu của Ngài. Trở về với Ngài không bao giờ là muộn. Mỗi Kitô hữu cần phải coi lại lòng mình, coi lại cuộc sống đức tin của mình để biết nhận ra tình yêu, nhận ra sứ điệp của Chúa được gửi đến cho mình qua những sứ giả là anh chị em chung quanh, qua Giáo hội.
Dẫn vào Phụng vụ Thánh thể
Chúa Giêsu bị người ta kết án tử hình trên thập giá, Người đã biến nó trở nên hiến tế hy sinh để cứu độ nhân loại. Ngày nay nơi hy tế Thánh thể, Người lại tiếp tục đón nhận đau khổ, đón nhận sự loại trừ của nhân loại để không ngừng yêu thương cứu độ chúng ta. Đến với Chúa nơi Bí tích Thánh thể chúng ta sẽ đón nhận được tình yêu tha thứ của Chúa và có khả năng quên mình, sống vì Chúa và vì tha nhân.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU :
Mở đầu : Thiên Chúa mời gọi và giao phó vườn nho của Ngài cho chúng ta. Ý thức sứ vụ cao cả này và sự bất trung của thân phận con người, chúng ta cùng dâng lên Ngài tâm tình của mỗi chúng ta.
1. Giáo hội là vườn nho của Thiên Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu xin cho các vị chủ chăn trong Giáo hội luôn ý thức xây dựng, bảo vệ và gìn giữ vườn nho của Chúa đang được trao phó trong tay các ngài.
2. Con cái là hoa trái Chúa ban cho các bậc làm cha mẹ. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho các bậc phụ huynh ý thức được trách nhiệm chăm sóc và dưỡng dục con cái thành những hoa trái như lòng Chúa ước mong.
3. Thực thi Lời Chúa là con đường làm trổ sinh hoa trái. Chúng ta cùng hiệp ý cho từng thành viên trong gia đình Giáo hội luôn ý thức lắng nghe và thực thi lời Chúa trong đời sống hằng ngày ; để vườn nho của Chúa trổ sinh những hoa trái đích thực đem lại lợi ích cho toàn thế giới.
Lời kết : Lạy Chúa, xin đón nhận những tâm tình chúng con tiến dâng và xin thương tuôn đổ Thánh Thần của Chúa trên chúng con, giúp mỗi người chúng con biết mở lòng lắng nghe tiếng Chúa và cộng tác làm trổ sinh hoa trái đích thực trong vườn nho của Ngài.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn