(Mc 7,1-8. 14-15. 21-23)
Các người Pha-ri-sêu và các kinh sư rất chú trọng tới những việc giữ tỉ mỉ luật Mô-sê cho đầy đủ hình thức. Thời gian đã làm cho những người có trách nhiệm tự ý thêm vào luật
Chúa, nhiều lề luật họ đặt ra và sau này, người ta gọi những cái thêm vào đó là truyền thống của tiền nhân. Các người Pha-ri-sêu và kinh sư tuân giữ kỹ lưỡng những truyền thống đó và đòi hỏi mọi người cũng phải tuân theo tỉ mỉ như họ. Họ quan trọng cái hình thức bên ngoài và muốn người khác cũng phải chú tâm đến cái bên ngoài như vậy.
Ở đời này người ta cũng chú trọng và để ý đến cái hình thức bên ngoài rất nhiều. Nhà cửa, đồ dùng không chỉ sử dụng được, mà còn phải đẹp mắt nữa. Người ta cũng dựa vào quần áo, son phấn, đầu tóc mà làm đẹp cho cái bên ngoài. Trong lãnh vực tôn giáo, người ta cũng có khuynh hướng sống đàng hoàng bên ngoài và cho vậy là được. Nhiều người đi lễ Chúa Nhật chỉ vì luật buộc, nếu không, họ cũng chẳng mấy khi đến nhà thờ. Có những người giữ lễ Chúa Nhật nhưng chỉ giữ hình thức bên ngoài: đứng ngoài nhà thờ, đứng xa cũng cho là được! Có khi vào nhà thờ nhưng chỉ có đàng hoàng bên ngoài: đúng giờ, không nói chuyện, nhưng lòng trí không tập trung mà trái lại nghĩ những chuyện đâu đâu!
Tôi có thói quen làm những việc đạo đức cho đủ hình thức, cho xong, chiếu lệ không? Như vậy thực chất của lòng đạo đức ở chỗ nào? Từ nay tôi nên làm những việc đạo đức như đi lễ, đọc kinh như thế nào cho đúng ý Chúa?
“Dân này tôi kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
Chúa Giê-su gọi các kinh sư và Pha-ri-sêu là những kẻ đạo đức giả, vì họ chỉ đến với Chúa qua hình thức bề ngoài, họ tôn kính Chúa bằng môi miệng, mà không có lòng, thiếu sự chân thành. Đạo đức giả là thứ đạo đức chỉ có vỏ mà không có ruột, chỉ có hình thức bên ngoài mà không có thực chất bên trong. Đạo đức giả là thứ đạo đức không đúng ý Chúa, không đẹp lòng Chúa. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng dạ con người, đi vào những nơi sâu kín ẩn khuất của tâm hồn. Người biết rõ ai là người mến Chúa thật lòng, ai là người mến Chúa chỉ có bề ngoài, người nào có lòng với Chúa, người nào không! Thiên Chúa là tình yêu, người muốn tình mến. Thiên Chúa là tấm lòng, Người cần những tấm lòng!
Thiên Chúa biết rõ lòng tôi, Thiên Chúa hiểu lòng tôi. Vậy lúc này, tôi có thật tình yêu mến Chúa không? Tôi không cần làm bộ, tôi không cần làm ra vẻ yêu mến Chúa, tôn kính Chúa. Lúc này tôi hãy chân thành nói với Chúa về quá khứ của tôi trong cách đối xử với Chúa. Lúc này tôi hãy chân thành với Chúa, dù tôi thấy gì, sốt sắng hay hứng thú. Tôi có thể nói thẳng với Chúa rằng tôi khoe khoang, nguội lạnh, tôi hình thức bôi bác, tôi đã từng đối xử với Chúa chỉ có bề ngoài. Ngay lúc này, trước mặt Chúa, tôi cũng chẳng có tâm tình sốt sắng yêu mến! Vậy bây giờ tôi muốn gì và Chúa muốn gì nơi tôi?
“Từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu”.
Tâm hồn con người là nơi sâu kín và riêng tư nhất của con người. Đây là nơi mang tính quyết định về mọi hành vi, cử chỉ và cuộc sống của một người. Từ lòng mình, con người chịu trách nhiệm về tất cả những dự tính tốt lành hay những hành động xấu xa của mình. Ở đáy lòng của mỗi người luôn diễn ra những chọn lựa tự do làm nên trách nhiệm của họ. Cũng chính nơi đáy lòng, tiếng Chúa vẫn vang lên mỗi giây phút để mời gọi con người. Chính nơi đây, con người luôn được tự do để chọn lựa hay từ chối ý muốn của Thiên Chúa. Nơi những người xấu, thì lòng họ là nơi chất chứa mọi ý định xấu xa, mưu toan bất chính và dự tính mờ ám.
Như vậy, muốn đổi mới, muốn thay đổi con người, người ta phải đi từ cõi lòng, phải bắt đầu từ bên trong. Sám hối theo Tin Mừng, luôn đòi hỏi hoán cải nội tâm trước hết, rồi sau đó mới thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể. Không có thay đổi từ bên trong, những việc làm bên ngoài chỉ là một mớ những hình thức chiếu lệ và vô bổ. Chẳng hạn như khi đi xưng tội, điều quan trọng và chính yếu nhất là một quyết tâm hối cải bên trong, chứ không phải là để kể tội qua loa trong tòa giải tội, rồi sau đó cho là an tâm để được đi rước lễ.
Giờ phút này, trước mặt Chúa, tôi hãy chân thành và can đảm nhìn thẳng vào tâm hồn của mình. Hãy để cho ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi vào phần thâm sâu cõi lòng, để xua tan bóng đêm tội lỗi, những điều xấu xa. Đâu là những quyến luyến bất chính đang ẩn sâu trong tâm hồn tôi? Đâu là những ý định xấu xa, những ước mơ không trong sáng còn lởn vởn và chi phối tôi? Tôi đã từng để cho thói quen, tính lưởi biếng, tật hững hờ điều khiển các việc đạo đức của tôi? Vậy từ nay, tôi sẽ quyết tâm làm mọi sự bằng tấm lòng, vì đối với Chúa chỉ có tấm lòng mới là đáng kể.
Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng