(13) Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (15) Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi. Vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. (16) Đức Giê-su bảo: “họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”. (17) Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá !” (18) người bảo: “Đem lại đây cho Thầy !”. (19) Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. (20) Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
BÀI HỌC TIẾT KIỆM
Phép lạ “Hóa bánh ra nhiều” có nội dung phong phú về Thần học và Giáo lý về Bí tích Thánh Thể. Đồng thời cũng chứa đựng rất nhiều bài học về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về
tình liên đới và sự cộng tác... Hôm nay tôi chia sẻ với anh chị em về bài học tiết kiệm.
Tin mừng kể Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi hàng ngàn người ăn. Sau khi dân chúng ăn bánh no nê, chính Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ: "Anh em hãy đi thu lại những miếng thừa, kẻo phí đi. Họ liền đi thu những miếng thừa… và được mười hai thúng đầy” (Ga 6,1-12). Hôm ấy, hàng ngàn người ăn. Hàng ngàn chiếc bánh đã được phát ra. Bánh nhiều như vậy, tại sao Chúa Giêsu lại tiếc những miếng bánh vụn còn dư?
Thưa, Chúa Giêsu quý những mẩu bánh vụn, vì đó là phép lạ Chúa làm. Phép lạ là tình thương, là ơn sủng, là ơn cứu độ của Chúa trao ban cho con người. Chúa Giêsu muốn cho con người biết quý trọng ân ban của Chúa.
Chúa Giêsu quý những mẩu bánh vụn, để dạy cho các môn đệ và chúng ta bài học tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng kết quả lao động của mình và của người khác.
Chúa Giêsu quý những mẩu bánh vụn, để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sự sống, sức khoẻ, thời gian, tài năng,trí tuệ, tài nguyên đều là ân huệ được ban tặng. Ta cần trân trọng nâng niu, gìn giữ.
Người ta bảo rằng: “Muốn phát triển, thì phải cần kiệm”. Đó là qui luật của muôn đời. Các nước văn minh đã sống qui luật này một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ. Chẳng hạn: Ở bên Mỹ, trong các trường tiểu học, người ta đã dạy cho trẻ em biết: Muốn có một đồng, thì phải bắt đầu từ một xu. Muốn có một triệu, thì phải bắt đầu từ một đồng. Ở bên Nhật cũng vậy. Trong các gia đình, người ta luôn nhắc nhở con cái sống theo phương châm: “Mua gì ăn nấy. Ăn đâu hết đấy. Không để thừa, không lãng phí”.
Trông người mà nhớ tới ta. Trên báo “Tuổi trẻ Chủ nhật”, tác giả Phạm Đình Nghiệp đã đưa ra một vài trường hợp lãng phí điển hình.
Trước hết là lãng phí sức người, được thể hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau: Nào là thất nghiệp, lao động trái ngành, chéo nghề được đào tạo. Nào là sử dụng nhân lực bất hợp lý, nhân tài không được trọng dụng, chảy máu chất xám, v.v…
Tiếp đến là lãng phí tài sản, tiền bạc của dân, của nước. Người ta sẵn sàng tiêu phí hàng trăm triệu đồng “của chùa” cho một đêm liên hoan gặp gỡ, hay chia tay nào đó.
Việt Nam chúng ta là một nước có thu nhập vào loại thấp, nhưng đã “hội tụ” đủ các loại bia ngon nhất. Trong nhiều cuộc nhậu, người ta thi nhau uống bia, hay nói chính xác hơn là thi nhau “gội bia”, “tắm bia” với hàng chục, thậm chí hàng trăm lít. Hằng ngày ta cũng chứng kiến biết bao cảnh lãng phí tiền bạc, làm nghèo cho gia đình, cho dân, cho nước.
Thiết tưởng ta cũng nên phân biệt: Tiết kiệm khác với hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn. Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lý, đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác, như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, tiết kiệm tiền của, v.v...
Hơn nữa, tiết kiệm còn đi chung với giản dị. Sống giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Người giản dị thì không xa hoa, không lãng phí, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài.
Lạy Chúa! Xin giúp con luôn sống tiết kiệm, noi gương Chúa