(Mc 15,1-39)
Trước những lời vu khống tố cáo với tổng trấn Phi-la-tô của các Thượng tế và Kinh sư, Chúa Giê-su đã giữ thái độ thinh lặng, không đáp lại lời nào. Ông Phi-la-tô phải kinh ngạc vì thái độ của Chúa Giê-su. Theo ông, Chúa Giê-su phải nói lại, phải thanh minh trước bao nhiêu lời tố cáo như vậy. Nhưng Chúa Giê-su bắt đầu giữ thinh lặng, không trả lời gì nữa.
Chúa Giê-su trả lời để làm gì? Để tự biện hộ cho mình, để chứng minh cho người ta thấy là mình vô tội! Nhưng Người đã giữ thinh lặng. Trước những lời vu khống bịa đặt của những người có ác ý nhằm kết án Người cho bằng được, thì trả lời có ích gì? Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa đến trong trần gian, để bày tỏ Cha trên trời, để nói lên tình yêu thương, mà người ta từ chối không muốn nghe lời của Người, lời chân lý đem đến giải thoát. Trái lại, người ta muốn nói lời của mình, muốn la to nhằm bộc lộ sự gian tà từ bên trong, nhằm phơi bày lòng độc ác xấu xa của mình. Lúc đó coi như Chúa không nói nữa mà giữ thinh lặng. Khi Chúa là Lời mà không nói nữa, thì gian dối sẽ thay thế sự thật, bóng tối sẽ lấn lướt ánh sáng và cái chết bao trùm tất cả. Còn gì những lời nói rỗng tuếch, hứa hẹn suông, chỉ đem lại hão huyền và thất vọng! Còn gì những lời nói cay chua, độc ác, thóa mạ, chỉ gieo đắng cay, chua xót và hận thù chồng chất! Còn gì những lời nói hành, nói xấu, vu oan giá họa, chỉ gây ra những hiểu lầm chia rẽ và buồn bực! Giữa một thế giới tràn đầy tiếng động, đủ mọi thứ quảng cáo lừa bịp và đầy dẫy những lời nói vô ích, vô tội vạ, thái độ im lặng vẫn là thái độ khôn ngoan. Ngày nay Chúa vẫn giữ thái độ thinh lặng như vậy. Phải chăng đó là thái độ đầu hàng hoặc đành chịu số phận thấp cổ bé miệng? Thật ra Chúa thinh lặng là để bắt đầu nói. Nói trong nội tâm mỗi người.
Chúa là Lời từ muôn thuở cho đến muôn đời. Là Lời Toàn Năng không cần phát ra tiếng nhưng vang dội từ cõi vĩnh hằng, mạnh mẽ trong công trình sáng tạo, đi tới trong suốt dòng lịch sử vũ trụ và âm thầm êm dịu tận trong thâm tâm mỗi người. Chúa thinh lặng là để nói, nói trong thinh lặng. Người lên tiếng khi mọi tiếng nói loài người và trần gian đã lắng xuống. Người Ki-tô hữu chúng ta học được gì trước thái độ thinh lặng của Chúa Giê-su trong cuộc thương khó?
Trước hết chúng ta học cho biết thinh lặng với Chúa, giữa một thế giới ồn ào náo động, một xã hội chỉ có tiếng động và tiếng nói. Thinh lặng để dừng lại, thinh lặng để nhìn lại và thinh lặng để tìm lại chính mình.
Nhưng hơn hết và trên tất cả, mỗi chúng ta cần giữ thinh lặng để nghe được tiếng Chúa. Thinh lặng của khung cảnh bên ngoài và nhất là thinh lặng trong nội tâm mỗi người. Nội tâm mỗi người là một cung thánh để cầu nguyện, gặp gỡ và kết hợp với Chúa. Những ngày Tuần Thánh là thời gian tốt nhất để thinh lặng, là cơ hội thuận tiện nhất để trở về với cung thánh nội tâm mà nghe tiếng Chúa, mà cảm nhận tình thương, mà chia sẻ đau khổ với Chúa.
“Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”.
Đây là lời tuyên bố công khai của viên đại đội trưởng người Rô-ma được giao trách nhiệm đem lính thi hành án của Chúa Giê-su. Ông đã không nói nhiều, nhưng đã nhìn xem và nghe ngóng. Ông đã chứng kiến tất cả sự dữ dằn hung bạo của một đám đông cuồng tín khát máu đòi đóng đinh Chúa Giê-su cho bằng được. Ông đã nghe thấy bao lời chế nhạo, mỉa mai và sỉ nhục Chúa Giê-su ngay cả khi Người bị đóng đinh vào thập giá. Nhưng hơn tất cả, điều làm ông suy nghĩ và rất ngạc nhiên là chính Chúa Giê-su, Đấng bị khinh chê nhạo cười và bị đóng đinh. Ông chiêm ngắm một con người hiền lành nhẫn nhục trước tất cả mọi hung dữ, một con người im lặng bình thản trước bao lời độc địa chửi bới và thóa mạ, một con người chịu đựng không phản kháng trước những hình khổ ghê sợ người ta thi nhau để tăng thêm. Và trong suốt ba giờ hấp hối của người tử tội trên thập giá, ông đã thấy rõ trời đất tối sầm lại, để cảm thông và chia sẻ với cái chết vô cùng kinh khủng của Chúa Giê-su. Lòng tràn ngập niềm cảm phục sâu xa và với một lòng tin mạnh mẽ, ông tuyên xưng con người Giê-su, tử tội bị đóng đinh thập giá: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.
Mỗi người chúng ta đều có mặt trong đám đông cuồng tín và khát máu để sỉ nhục và đòi giết Chúa Giê-su. Bởi vì tất cả chúng ta đều có tội, đã phạm tội. Chính tội lỗi của toàn thể nhân loại đã gây ra những đau khổ nhục nhã cho Chúa Giê-su và chính tội lỗi chúng ta đã đóng đinh Chúa Giê-su vào thập giá. Chúa Giê-su tự nguyện chết trên thập giá, Người đã đón nhận tất cả tội lỗi của loài người để đóng đinh vào thập giá cùng với mình. Như vậy, các Ki-tô hữu chúng ta tin vào Chúa Giê-su chịu đóng đinh thì cũng tin rằng mọi tội lỗi của mình cũng đã được đóng đinh, được chôn vùi với cái chết của Chúa. Từ nay tôi không còn sống cho tội lỗi nữa, không còn chạy theo những đam mê xấu xa, nhưng tôi bắt đầu sống cho Chúa. “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9).
Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng