1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? 8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm:
Bài trình thuật Tin Mừng của thánh Luca hôm nay ghi một vài biến cố thời sự. Chúa Giêsu dạy các môn đệ và dân chúng biết học hỏi ý nghĩa các dấu chỉ của mọi biến cố trong đời, các tai ương như quan Philatô sát hại người Do Thái và biến cố tháp Siloe sập đè chết nhiều người.
Các nạn nhân là những người chẳng may gặp những hoàn cảnh đó, chớ không phải vì họ bị tháp sập đè chết hay bị sát hại, mà có thể giải thích hay kết luận là họ tội lỗi hơn những người khác nên Chúa phạt. Hay nói cách khác, không phải vì người gian ác tội lỗi không gặp các tai ương mà có thể kết luận họ là những người thánh thiện.
Các tai ương, các biến cố khổ đau, tội lỗi và bất công đó sẽ trở thành dấu chỉ. Đó là sấm sét báo động kêu mời mỗi con người hoán cải tâm lòng, thay đổi cuộc sống và canh tân phù hợp với cuộc sống tốt lành thánh thiện hơn, để đừng gây ra chết chóc và khổ đau cho người khác, để khỏi phải chết đời này và nhất là khỏi phải chết đời sau.
Kêu gọi loài người trở lại sống với Chúa, bởi vì ác giả ác báo, gieo gió thì gặt bão. Mỗi người sẽ gặp những gì mình đã gieo vào trong cuộc đời trên trần gian. Chính con người tự phạt mình qua kiểu cách sống tội lỗi gian tham đó. Vì Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, điều duy nhất Thiên Chúa muốn là họ hoán cải tâm lòng để hình ảnh Ngài trở nên trong sáng tinh tuyền. Đó là cuộc giải phóng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa không ngừng tiếp tục trong lịch sử loài người. Cuộc giải phóng con người khỏi kiếp sống nô lệ tội lỗi, sự dữ và cái chết. Cuộc giải phóng đó là một cuộc giải phóng cụ thể toàn diện, liên hệ đến mọi bình diện cuộc sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và tôn giáo.
Để thực hiện nó, Thiên Chúa luôn luôn định mức trước và từ đó hiện ra cho con người như được kể trong sách Xuất Hành. Tường thuật của gặp gỡ giữa Môisê với Thiên Chúa trong sa mạc là một bằng chứng.
Thiên Chúa mạc khải cho Môisê , là Đấng sống với con người, luôn luôn hiện diện bên con người, luôn luôn dấn thân hoạt động và ra tay can thiệp để trợ giúp, giải thoát và cứu vớt con người. Cho dầu có sự việc gì xảy ra đi nữa, Thiên Chúa là Đấng giải phóng Israel, muốn và sẽ cứu độ loài người.
Đứng trước Thiên Chúa, Đấng hằng giải phóng và cứu độ con người, thái độ đúng đắn duy nhất mà tín hữu phải có là thái độ ký thác trọn vẹn. Mọi nghi ngờ, mọi than trách lẩm bẩm, phản kháng và chống đối, không diễn tả bước tiến của niềm tin trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Và thường khi, đó là thái độ của những người không có lòng tin.
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô chương 10, thánh Phaolô nhắn nhủ mọi người đừng lặp lại tội lỗi của cha ông họ ngày xưa đã từng lẩm bẩm than trách Thiên Chúa, vì không có khả năng nhận ra sự hiện diện giấu ẩn, nhưng sống động quyền năng và hữu hiệu của Ngài trong cuộc đời họ và trong lòng lịch sử thế gian.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn