Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần. Ngày thứ nhất trong tuần trở thành ngày của Chúa Ki-tô, ngày của Chúa (Chúa Nhật). Sáng ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su đã sống lại và hiện ra với các môn đệ. Ngay chiều hôm đó, Người cho các môn đệ trên đường về Em-mau nhận ra Người và Người ban Thánh Thần cho nhóm mười một để sai các ông ra đi.
Tám ngày sau, Chúa Phục Sinh lại đến với các tông đồ đang nhóm họp. Từ đó, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn cộng đoàn Dân Chúa là Hội Thánh thường họp nhau vào ngày Chúa Nhật để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, tức là tưởng niệm cái chết và tuyên xưng cuộc sống lại của Chúa mình, cho tới khi Chúa lại đến. Ngày của Chúa Phục Sinh cũng là ngày của cộng đoàn Ki-tô hữu, những người đã được sinh ra do mầu nhiệm Vượt Qua. Ngày Chúa Nhật trở thành ngày hẹn của Chúa Phục Sinh với các môn đệ qua các thời đại.
Trong ngày của Chúa, Chúa Phục Sinh đến quy tụ cộng đoàn Hội Thánh, để cùng Chúa cử hành mầu nhiệm chết và sống lại của Người, hầu tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và đem lại ơn cứu độ cho toàn thể loài người. Chính Chúa Phục Sinh quy tụ cộng đoàn lại, để Người hiện diện giữa họ. Chúa đích thân nói Lời qua các thừa tác viên đọc Sách Thánh và Người giải thích Lời Chúa qua thừa tác viên giảng dạy. Chính Chúa hiện diện nơi chủ tế khi cử hành Thánh Lễ và đến hiện diện cách đặc biệt trong hình bánh rượu. Ngày của Chúa trở thành ngày Chúa Phục Sinh gặp gỡ các tín hữu Ki-tô, tuôn tràn Thánh Thần xuống thanh tẩy và đổi mới cộng đoàn dân Chúa, để qua họ đổi mới toàn thể nhân loại, hầu thiết lập Trời mới Đất mới như lời Thiên Chúa hứa (x. 2Pr 3,13). Lệnh truyền ra đi và việc thông ban Thánh Thần vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, vẫn còn tiếp diễn trong mỗi ngày Chúa Nhật: “Như Chúa Cha đã sai phái Thầy đi, thì Thầy cũng sai phái anh em đi. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”.
Trong ngày của Hội Thánh, cộng đoàn dân Chúa tụ họp để cùng nhau gặp gỡ Chúa Phục Sinh và gặp gỡ nhau. Cộng đoàn các Ki-tô hữu được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt Qua, mà Thánh Lễ là cử hành mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Ki-tô. Trong ngày Chúa Nhật, cộng đoàn Ki-tô hữu đến dâng lễ để trở về nguồn gốc của mình và được tăng thêm sức sống thần linh. Đây là một nhu cầu sống còn của cộng đoàn cũng như của các Ki-tô hữu. Vì thế ngày của Chúa cũng là ngày của cộng đoàn. Giữa Chúa Phục Sinh là Đầu và cộng đoàn Ki-tô hữu là Thân mình, không thể tách rời nhau mà phải liên kết với nhau mỗi ngày một hơn. Trong Thánh lễ, Chúa Phục Sinh nuôi sống và liên kết cộng đoàn với Người bằng Lời Chúa và bằng Thánh Thể. Chúa Thánh Thần nơi Lời Chúa và Thánh Thể, làm cho cộng đoàn cũng như từng thành phần, gắn bó mật thiết với Chúa Ki-tô Phục Sinh. Thánh Thể là mối dây liên kết hiệp nhất yêu thương giữa các Ki-tô hữu với Chúa Phục Sinh và giữa các Ki-tô hữu với nhau. Không ở đâu và không lúc nào, cộng đoàn Hội Thánh thể hiện đầy đủ và rõ ràng bằng cộng đoàn cử hành phụng vụ Thánh lễ ngày Chúa Nhật.
Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa Ki-tô Phục Sinh, vậy tôi đã sống ngày đó đối với Chúa và cho Chúa thế nào? Khi dâng lễ ngày Chúa Nhật, tôi có coi đó là đáp lại tiếng gọi yêu thương của Chúa bằng lòng mến và tự nguyện, hay chỉ coi đó là luật buộc phải giữ mà thôi? Dâng lễ với cộng đoàn, tôi có thực sự liên kết với anh chị em trong lời ca tiếng hát, những câu đối đáp,… hay chỉ biết xem lễ một mình cho xong lễ rồi ra về? Ngoài việc đi dâng lễ, trong ngày của Chúa, tôi có dành giờ để cầu nguyện, đọc Lời Chúa, đi thăm bạn bè hoặc những người già cả, bệnh tật, neo đơn? Nếu chỉ dành giờ để đi lễ trong ngày Chúa Nhật mà thôi, thì ngày đó có thực sự là ngày của Chúa đối với tôi không?
“Phúc thay những người không thấy mà tin”.
Ông Tô-ma là một người trong nhóm Mười Hai không có mặt trong lần đầu tiên Chúa Phục Sinh đến. Ông không tin vào lời các bạn nói và ông đòi được chính mình mắt thấy tai nghe Chúa Phục Sinh. Cũng vào ngày thứ nhất trong tuần sau, Chúa Phục Sinh lại đến. Ông Tô-ma đã thấy Chúa, đã tin và tuyên xưng đức tin vào Chúa. Nhân đó, Chúa mới tuyên bố: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. Ông Tô-ma đã thấy Thầy, ông tin Thầy là Thiên Chúa, Đấng ông không thể thấy. Thầy Giê-su là dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Vậy ông Tô-ma thấy điều mà một người bình thường có thể thấy. Nhưng ông tin vào Đấng ông không thấy, điều mà chỉ có tín hữu mới có. Tóm lại, ông Tô-ma thấy một điều và tin một điều khác. Vì “không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18), Người “ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6,16). Ngày nay, các Ki-tô hữu tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là nhờ đức tin vào lời giảng dạy của các Tông đồ, là những người đã đi theo Chúa Giê-su suốt thời gian Người sống ở Pa-lét-tin, kể từ khi Người được ông Gio-an làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ các ông và được rước lên trời (x. Cv 2,21-22). Ngày nay chúng ta không thấy Chúa Phục Sinh như ông Tô-ma và các Tông đồ, nhưng chúng ta thấy những dấu chỉ của Chúa Phục Sinh để lại. Đó là các Bí tích và Kinh Thánh, Chúa Phục Sinh có mặt và tiếp tục “thi ân giáng phúc” cho tất cả những ai có lòng tin đến gặp Chúa. Như vậy, chúng ta là những người có phúc, vì không thấy Chúa như ông Tô-ma, nhưng chúng ta đã tin và vẫn giữ vững đức tin. Tuy vậy, chúng ta cần nhìn lại tâm tình cà cách thức khi lãnh nhận các Bí tích, cũng như khi nghe và đọc Sách Thánh.
Mỗi lần đi dâng lễ hay đi xưng tội tôi chỉ thấy cha này cha kia nhưng tôi có tin rằng chính Chúa Phục Sinh đang hành động trong các linh mục đó không? Người này người kia đọc Sách Thánh, nhưng tôi có tin là chính Chúa đang nói Lời cho tôi, để rồi tôi sốt sắng thưa “tạ ơn Chúa” không? Tôi có tin rằng mỗi lần nghe hay đọc Sách Thánh, là một lần gặp gỡ Chúa Phục Sinh cũng như khi tôi đi rước lễ không? Có thể nhiều lần làm các việc đạo đức, tôi đã thiếu đức tin nên tôi không thêm lòng đạo đức chăng?
Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng