Suốt ngày luôn có những làn sóng âm thanh và hình ảnh phát ra từ các thiết bị truyền thanh và truyền hình lượn quanh chúng ta. Nếu ai có một chiếc máy thu thanh hay thu hình thì có thể bắt được những âm thanh và hình ảnh ấy. Tuy nhiên, nếu chiếc máy ấy chưa được chỉnh đúng tần số thì âm thanh và hình ảnh sẽ không rõ, có khi còn lệch lạc, khiến chúng ta không nhận định được chính xác.
Con người, với các giác quan, với khả năng suy nghĩ và đánh giá, cũng giống như chiếc máy thu thanh hay thu hình. Nhưng điều cần thiết để chúng ta nhận thức đúng điều ta nghe hay nhìn là chiếc máy chúng ta phải được chỉnh đúng tần số.
Những người Do Thái trong bài Tin Mừng này là những chiếc máy bị lệch tần số. Họ bắt được tín hiệu: một số người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô tàn sát và 18 người bị tháp Si-lô-ê sập xuống đè chết. Nhưng vì tần số chưa được chỉnh đúng cho nên họ chưa có nhận thức đúng. Trước hết, họ nghĩ rằng cái chết của bao nhiêu người ấy là chuyện của ai đó, chẳng liên quan gì đến họ. Họ còn cho rằng những người xấu số ấy phải chết là vì họ có tội nhiều hơn những người khác.
Đức Giê-su chỉnh lại tần số cho họ, để họ nhận thức rõ những cái chết ấy thực sự có liên quan tới họ. Thấy người ta chết, hãy nhớ tới sự chết của mình. Hôm nay người ta chết, một ngày nào đó mình cũng chết. Cái chết có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ khi chúng ta đang làm việc gì,… cho dù đang ở trong Đền thờ làm một việc rất đạo đức là dâng lễ tế lên Thiên Chúa, như trong sự kiện thứ nhất… cho dù đang nấp mình an toàn dưới chân tháp Si-lô-ê bên cạnh bức tường thành vững chắc của Giê-ru-sa-lem, như trong sự kiện thứ hai.
Đức Giê-su kể thêm dụ ngôn cây vả để chỉnh tần số cho chính xác hơn nữa. Nếu biết nghĩ đến sự chết thì cũng phải biết nghĩ đến thời gian, bởi vì chết là khi thời gian của đời mình chấm dứt. Cõi đời này giống như một sân khấu, và người đời giống như những diễn viên. Mỗi diễn viên được đạo diễn dành cho một khoảng thời gian diễn suất trên sân khấu cuộc đời. Diễn xong thì rút lui, nhường chỗ cho diễn viên khác bước lên. Nhưng có một điều không hoàn toàn giống sân khấu, đó là cuộc đời không phải chỉ là đóng kịch. Bởi vậy, điều quan trọng không phải là mình đóng vai chính hay vai phụ và thời gian đóng của mình dài hai ngắn, nhưng là mình có đóng trọn vai trò của mình đúng ý đạo diễn hay không, mình có hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao cho mình thực hiện trong khoảng thời gian mà Thiên Chúa ban cho mình ở cõi đời này hay không. Khi nào màn kịch của đời ta chấm dứt, Vị Đạo Diễn Thiên Chúa sẽ đáng giá đời ta: Ngài không đánh giá xem ta sống ở đời này dài hay ngắn, ta làm ăn có khá không, nhưng chỉ đánh giá xem ta có dùng thời gian Ngài ban để làm đúng ý Ngài hay không. Rồi Ngài sẽ thưởng phạt ta. Một khoảng thời gian ngắn ngủi trên đời sẽ là thước đo định đoạt số phận của ta muôn đời.
Lm. Ca-rô-lô Hồ Bặc Xái – DCV Thánh Quý, Cần Thơ.