CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C
--------------
Đã mang thân phận con người, chúng ta thường xuyên đối diện với việc mình sẽ bị cám dỗ thử thách. Chúng ta ai cũng đã từng có kinh nghiệm về cám dỗ. “Cám dỗ” nghe thật đáng sợ, nhưng lại không dễ dàng để khước từ.
Chính Đức Giêsu cũng phải chịu những cơn cám dỗ như vậy. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, việc đầu tiên Đức Giêsu thực hiện đó là rút vào trong hoang mạc ăn chay cầu nguyện, và cũng tại đây Người trải qua những cơn cám dỗ thử thách.
Cám dỗ đầu tiên mà ma quỷ dành cho Người là cám dỗ về những nhu cầu và đòi hỏi của thể lý. Trong thời gian ở trong hoang mạc, Đức Giêsu không ăn gì, và khi ấy, Người thấy đói. Lúc này ma quỷ xuất hiện và đưa ra cho Đức Giêsu lời cám dỗ nghe có vẻ thật hợp lý: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”. Đây rõ ràng vừa là một lời mời mọc, vừa là một lời thách thức. Đức Giêsu đang đói, và việc tìm kiếm bánh ăn cho thỏa nhu cầu cơ bản của thân xác quả là một lời mời gọi hợp lý. Nhưng ẩn trong đó là một lời thách thức. Quỷ thách thức Đức Giêsu thể hiện mình là Con Thiên Chúa – Đấng quyền phép bằng cách hóa đá thành bánh ăn. Khi cám dỗ Đức Giêsu như thế, ma quỷ dường như chỉ muốn Đức Giêsu chỉ chú trọng đến cái nhu cầu của thân xác, và đáp ứng những nhu cầu của thể xác ấy mà thôi. Đức Giêsu đã khước từ lời cám dỗ này của ma quỷ bằng cách cho hắn biết rằng: con người có quyền lo cho nhu cầu thể xác của mình, yêu chiều cái thân xác ấy quá đáng mà quên đi phần rỗi linh hồn. Vì “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn bằng lời Chúa nữa”
Cám dỗ thứ hai Đức Giêsu trải qua, đó là cám dỗ về vinh quang và quyền lực. Ma quỷ hứa sẽ cho Người toàn bộ thế gian và quyền hành cai trị trên thế gian nếu như Người tôn thờ bái lạy hắn. Một khi đã chấp nhận thờ lạy ma quỷ, nghĩa là đã chấp nhận thân phận của kẻ làm tôi, của kẻ bị sai khiến, và do đó phải hành động theo ý muốn của “tên chuyện lừa gạt”. Ai cũng biết, hành động theo ma quỷ là hành động của bóng tối, ích kỷ, tham lam và gian dối. Trong cám dỗ này, tên quỷ khôn lanh xảo quyệt không trực tiếp cám dỗ Đức Giêsu làm những điều xấu, hắn chỉ yêu cầu bái lạy hắn mà thôi. Thế nhưng chấp nhận tôn thờ ma quỷ nghĩa là chấp nhận sự gian dỗi, ích kỷ vốn là bản chất của hắn. Ma quỷ muốn Đức Giêsu đánh đổi tự do của Người để đổi lấy sự giàu sang, quyền lực. Được làm vua uy quyền thế gian, nhưng lại trở nên nô lệ cho quỷ dữ. Trong thương vụ này, ma quỷ muốn dùng của cải và quyền lực thế gian, để mua lấy sự tự do của linh hồn. Hắn muốn thay thế vị trí chủ tế của Thiên Chúa trong cuộc đời con người. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã ban cho con người một món quà vô cùng cao quý. Đó là sự tự do. Đó là sự tự do để phụng thờ Thiên Chúa. Sự tự do của một người con chứ không phải của kẻ nô lệ. Thế mà giờ đây ma quỷ lại muốn Đức Giêsu đánh đổi món quà vĩnh cửu ấy để lấy được lợi lộc trần gian mau hư nát. Và ngay lập tức, Đức Giêsu đã dùng lời chính lời Kinh Thánh, cụ thể là giới răn đầu tiên trong mười điều răn, để đối đáp lại tên quỷ: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Quả vậy, sự tự do Thiên Chúa ban cho con người là để chúng ta phụng thờ Chúa trong bình an và hạnh phúc. Con người không được thay thế vị trí chủ tể của ngài trong cuộc đời chúng ta.
Cám dỗ thứ ba đối với Đức Giêsu là một cách dỗ về đức khiêm nhường. Ma quỷ muốn khơi lên sự kiêu ngạo cho Đức Giêsu bằng cách cám dỗ người hãy thể hiện uy quyền của Con Thiên Chúa. Một lần nữa chúng ta lại nghe ma quỷ lặp lại điệp ngữ như trong lời cám dỗ thứ nhất: “nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy…”. Con Thiên Chúa nghĩa là đấng có quy quyền, có khả năng thực hiện những dấu lạ. Ma quỷ đưa ra một lời thách thức hòng muốn Đức Giêsu rơi vào tham vọng “thể hiện mình”. Lời cám dỗ này cho người nghe cảm giác thật bình thường. Nếu ma quỷ muốn Đức Giêsu chứng tỏ người là con Thiên Chúa, thì người cũng có thể thực hiện cho hắn xem, mà chẳng hại đến ai, cũng chẳng làm gì xấu xa, nguy hiểm. Thế nhưng ẩn sau lời thách thức đó, là một cám dỗ về sự kiêu ngạo. Người ta thường có xu hướng thể hiện mình là kẻ tài năng, giỏi giang, thông thạo. Và khi đó, họ nghĩ mình có thể làm được tất cả, không cần đến Thiên Chúa, thậm chí bất tuân lời Chúa. Khi đó người ta nghĩ mọi thành quả đều do công sức của mình chứ không còn do ơn Chúa ban. Tuy nhiên với Đức Giêsu, Người ý thức được công trình cứu độ Người đang thực hiện là lời vâng phục thánh ý Chúa cha, Người hiểu rõ rằng mọi việc mình đang làm nhằm tôn vinh Cha trên trời chứ không để tìm kiếm vinh quang cho bản thân, do đó Người đã khước từ cám dỗ này của ma quỷ bằng lời cảnh cáo: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Những cám dỗ mà Đức Giêsu phải đối diện trong Tin Mừng hôm nay cũng là những cám dỗ mà chúng ta thường gặp phải trong cuộc sống của mình. Hằng ngày, chúng ta vẫn bị cám dỗ yêu chiều và thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác. Đó là những cám dỗ ươn lười không đi lễ nhà thờ, cám dỗ vể chiều theo những thú vui xác thịt ngoài hôn nhân, cám dỗ xử lý mọi việc theo bản năng nóng nảy, bộc trực mà không cần suy nghĩ cầu nguyện. Rồi ngay giữa một xã hội theo chủ nghĩa vật chất và hưởng thụ, chúng ta cũng bị cám dỗ chạy theo lợi lộc tiền tài. Tìm mọi cách để kiếm tiền, kể cả bằng cách tham ô, gian dối, lừa gạt nhau. Chúng ta đứng trước cám dỗ tôn thờ ma quỷ thông qua những việc làm ám muội, mê tín như xem bói, cầu cơ, xem thầy, coi ngày giờ… Ma quỷ ngày nay cũng đang cám dỗ chúng ta giũ bỏ vị trí chủ tế của Thiên Chúa trong cuộc đời mình bằng sự xem nhẹ những giới răn của Thiên Chúa, coi thường giáo lý của Hội Thánh để chạy theo những trào lưu hưởng thụ đầy ích kỉ. Rồi ngày nay, khi truyền thông và mạng xã hội trở nên phổ biến, chúng ta lại càng bị cám dỗ mạnh mẽ để thể hiện mình, đó là cám dỗ về sự kiêu ngạo. Chúng ta làm việc gì cũng muốn được nhiều người biết đến, đôi khi người ta làm việc thiện nguyện, bác ái xã hội là để có cái khoe với mọi người. Làm những việc đạo đức nhưng chúng ta chỉ muốn tôn vinh bản thân hơn là để làm vinh danh Thiên Chúa.Tất cả những cám dỗ ấy vẫn đang ngày lôi kéo chúng ta. Tuy cám dỗ là điều không tránh khỏi, nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do để lựa chọn chiều theo cám dỗ hoặc can đảm chống lại nó. Như Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã can đảm chống lại mọi cám dỗ của Ma quỷ, chúng ta cũng được mời gọi để mạnh dạn từ khước những lời mời gọi của thế gian, xác thịt. Đặc biệt bước vào Mùa Chay là mùa ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa, chúng ta cùng giục lòng mình thống hối những tội ta đã phạm, những lần đã yếu đuối chiều theo những cơn cám dỗ mà lỗi nghịch của Thiên Chúa. Chúng ta hãy quyết tâm sửa đổi bản thân, cùng xin ơn Chúa giúp sức để từng ngày ta đổi mới cuộc đời, trở nên người con đích thực của Ngài.