VỊ VUA NHÂN TỪ
Đoạn Tin Mừng được phụng vụ chọn đọc trong lễ kính Chúa Ki-tô Vua thật là lạ. Tại sao không chọn đoạn Chúa Giê-su được dân chúng đón rước vào thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng, hay đoạn dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua sau khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, mà lại chọn đoạn Chúa Giê-su đang bị đóng đinh trên Thập giá? Vua gì mà lạ vậy?
Quả thật Chúa Giê-su là Vua một cách rất lạ. Ngài không là vua như Alexandre của Hy Lạp, dẫn quân đi chinh phạt các nước, đánh đâu thắng đó nên nổi danh là Đại đế. Ngài không là vua như Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa, huy động sức dân để xây bức Vạn lý Trường thành vĩ đại lưu danh muôn thuở. Chúa Giê-su là một vị Vua chịu chết thay cho thần dân của mình. Chính vì thế mà Ngài là một vị Vua theo nghĩa cao cả nhất. Nho gia có câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đạo làm Vua là phải thương dân, phải lo cho dân, và nếu cần thì chết cho dân.
Chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ Chúa vì mình được làm dân của Vua Giê-su thương yêu chúng ta đến như vậy.
Đoạn Tin Mừng này cũng cho ta thấy một công dân đặc biệt của Vua Giê-su. Đó là tên trộm đã ăn năn sám hối mà người ta thường gọi là “kẻ trộm lành”. Về “kẻ trộm lành” này, người ta đã thêu dệt nhiều câu chuyện thật thú vị: Có chuyện kể rằng khi Thánh gia tị nạn bên Ai Cập thì được một gia đình cho ở nhờ, mà gia đình này cũng có một trẻ trai cùng lứa với Chúa Giê-su. Một hôm, sau khi Đức Mẹ tắm Chúa Giê-su xong, người mẹ Ai Cập lấy lại nước đó để tắm cho con trai mình. Nhờ đó sau này đứa trẻ Ai Cập tuy sống đời trộm cướp nhưng đã được ơn hoán cải khi bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-su. Một chuyện khác nữa thì kể khi Thánh gia trên đường sang Ai Cập thì bị cướp. Một thanh niên, con của lãnh tụ nhóm cướp ấy, thấy trẻ Giê-su dễ thương quá nên đã tha cho. Nhờ đó sau này khi chàng thanh niên cướp ấy bị đóng đinh thì được ơn sám hối và còn được diễm phúc là người đầu tiên vào nước Thiên đàng… Không biết những câu chuyện trên chứa đựng bao nhiêu phần sự thật. Tuy nhiên đoạn kết của những câu chuyện trên chắc chắn là sự thật: trước khi chết, anh đã ăn năn sám hối và đã được Vua Giê-su nhận làm công dân Nước của Ngài: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên đàng”.
“Có những việc khi ta muốn làm thì đã muộn. Nhưng không bao giờ là quá muộn để ăn năn trở lại” (William Barclay).
Lm. Ca-rô-lô Hồ Bặc Xái
Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ
“… ĐỂ LÀM GIÁ CỨU CHUỘC”
Lc 23,35-43
-----------------
Hôm nay chúng ta tuyên xưng Vương quyền của Chúa Giêsu, một Vương quyền tuyệt đối: Người là Vua Vũ Trụ, Người là Vua của mọi tâm hồn; Người là Vua cứu độ, Vua nắm vận mệnh đời đời của từng người. Lẽ ra, với quyền cao cả như thế, khuôn mặt của Vua Giêsu sẽ đầy uy quyền, sẽ rạng rỡ, sẽ đáng khiếp sợ…
Nhưng không, trong khi tuyên xưng Vương quyền cao cả của Chúa, Hội Thánh lại trình bày khuôn mặt của một vị Vua đầy đau khổ, đầy chấp nhận, dù phải chịu roi đòn, dù phải chịu khổ hình thập giá, dù phải bị giết chết, dù phải cam chịu ruồng bỏ…
Đặc biệt, ngay phần mở đầu bài Tin Mừng, trong khi bị treo trên thánh giá, xung quanh Chúa Giêsu chỉ toàn những lời nhạo báng. Những lời nhạo báng ấy, đại diện cho mọi tầng lớp, mọi thành phần của loài người chúng ta.
- Trước tiên là sự cười nhạo của các thủ lãnh. “Các thủ lãnh buông lời cười nhạo: ‘Hắn cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được Chúa tuyển chọn!’ ”.
- Lính tráng, chỉ là kẻ thừa lệnh, cũng lên tiếng cười nhạo Chúa: “Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: ‘Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!’ “.
- Kẻ trộm cướp, dù mang thân phận đầy tội lỗi, cũng không đứng ngoài cuộc: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ‘Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa!’ ”.
Như vậy, với bài Tin Mừng chứa đầy lời nhạo báng, Hội Thánh không nhắm trình bày khuôn mặt Vua của Chúa Giêsu theo kiểu suy nghĩ của người trần thế chúng ta, nhưng là trình bày Vương quyền của Đấng đã từng phán: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20.27-28).
Vì thế, nhìn vào khuôn mặt Vua của Chúa Giêsu, chúng ta không ngần ngại khẳng định: Chúa làm Vua là để phục vụ ơn cứu độ, phục vụ sự sống đời đời của loài người chúng ta. Người làm Vua không phải để thông trị, không phải để thể hiện quyền bính, nhưng là “phó mạng sống làm giá cứu chuộc” loài người. Chính vì thế, trong kinh Tin Kính, chúng ta xác tín mạnh mẽ: “Vì loài người chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” nhập thể làm người, chịu khổ hình, chịu đóng đinh vào thánh giá, chịu chết và sống lại…
Vậy, đứng trước Vương quyền tình yêu của Vua cao cả, chúng ta phải sống làm sao cho xứng hợp?
Trọn bài Tin Mừng, không phải chỉ bao gồm những lời nhạo báng, mà còn có lời thú tội hết sức khiêm nhường của người trộm cùng bị chết treo với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Nếu có ba lời nhạo báng của ba hạng người, thì lời cầu xin ơn tha thứ của người trộm cũng gợi lên trong ta ba tâm tình giúp ta sống, nhằm khả dĩ đáp lại phần nào tình yêu của Đức Vua. Ba tâm tình đó là:
1. Như người trộm, chúng ta hãy chân nhận Vương quyền của Chúa trên cuộc đời mình.
Lời cầu nguyện: “Khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” của người trộm, cho thấy anh nhìn nhận Chúa có quyền trên mình. Bằng sự chân nhận Vương quyền của Chúa, chúng ta trung thành và tận tụy từng giây phút của đời mình sống cho Chúa, vươn lên sự thánh thiện và biết thanh luyện nội tâm để luôn luôn được là người sống trong Chúa, sẵn sàng để Chúa làm chủ đời mình.
2. Như người trộm, chúng ta tin tưởng phó mình trong tay Chúa.
Lời cầu xin: “Xin nhớ đến tôi” của người trộm, cho thấy anh một lòng tín thác cho Chúa. Cũng vậy, đã là người mang lấy đức tin, chúng ta hãy tin tưởng, hãy trọn vẹn tín thác cho Chúa đời mình, mọi hoàn cảnh xảy ra trong đời mình. Chúng ta không ngần ngại hiến dâng lên Chúa mọi ngày sống, mọi năng lực sống, mọi sức sống, mọi chiều kích sống trong suốt đời mình. Quyết một lòng để Chúa dẫn đưa đến bến bờ bình yên của ơn cứu độ do Chúa thực hiên.
3. Như người trộm, chúng ta chân thành nhìn nhận lỗi lầm của mình để ăn năn chừa tội.
Trong lời đối đáp với người đồng bọn, người trộm khẳng khái: “Chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm”. Đó là bài học về lòng sám hối tội lỗi của chúng ta. Hãy mềm lòng để ơn hoán cải Chúa ban có thể thấm vào cuộc đời, thấm vào từng hành động, từng lời ăn tiếng nói, từng biểu hiện sống, từng mối tương quan… của chúng ta. Hãy để ơn hoán cải thấm sâu vào tâm hồn, để chúng ta luôn biết ăn năn tội thật lòng, và không ngần ngại dọn tâm hồn bằng bí tích hòa giải, bằng việc xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau.