NGHỊCH LÝ ĐƯỢC VÀ MẤT
Theo suy nghĩ bình thường, được là tốt, mất là xấu; được thì lợi, mất thì hại; được thì vui, mất thì buồn,… Bởi đó người ta thường chỉ muốn được mà không muốn mất.
Nhưng suy nghĩ sâu hơn thì không phải như vậy, bởi vì có khi trong cái được có cái mất, và trong cái mất có cái được; có khi được cái này thì mất cái kia, mất cái này thì được cái kia. Câu chuyện “Tái ông thất mã” muốn nói lên nghịch lý ấy (Một người kia sống ở vùng biên giới có nuôi một con ngựa. Một hôm con ngựa lạc mất, người ta đến chia buồn với ông. Ông nói ông không buồn vì biết đâu trong cái mất có cái được. Quả thật như vậy: một thời gian sau con ngựa trở về và có thêm một con ngựa con. Người ta đến chia vui, ông lại nói không vui vì biết đâu trong cái được lại có cái mất. Quả thật đứa con trai của ông cưỡi ngựa bị té gãy chân. Người ta lại chia buồn và ông lại nói biết đâu trong cái mất lại có cái được. Ít lâu sau có chiến tranh, mọi thanh niên mạnh khỏe đều phải vào lính và ra trận. Con trai ông vì gãy chân nên được ở nhà…). Câu chuyện trên là một lời an ủi cho kẻ bị mất, đồng thời là một lời khuyến cáo cho những ai đang được. Tuy nhiên nó chưa phải là một chân lý luôn luôn đúng, bởi vì không phải lúc nào cũng hễ mất là được, hễ được là mất. “Có khi” mất thì được, và “có khi” được thì mất.
Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giê-su cũng nói tới nghịch lý mất và được, nhưng Ngài nói cách chắc chắn: “Quả thật ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Ta hãy chú ý đến hai chữ “Vì Tôi”: Nếu ai vì Chúa mà liều mất mạng sống mình thì chắc chắn sẽ được lại sự sống đời đời. Và ta cũng nên hiểu hai chữ “mạng sống” theo nghĩa rộng. Nó chỉ chung tất cả những gì mà chúng ta quý chuộng, như tiền bạc, của cải, danh dự, tính mạng,… Những thứ mà tự nhiên chúng ta không muốn mất. Nếu vì Chúa mà chúng ta dám mất chúng thì chắc chắn Chúa sẽ ban lại cho chúng ta cách dồi dào hơn. Người khôn ngoan phải biết cân nhắc, dám mất những thứ ít giá trị để được những thứ giá trị hơn. Chúa Giê-su dạy rằng: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân thì nào có lợi gì?”. Lời này của Chúa Giê-su đã giúp cho thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê bừng tỉnh, ngài đã từ bỏ mọi danh vọng thế gian để ra đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc châu Á.
Hôm nay chúng ta mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là những người tin vào nghịch lý mất-được mà Chúa Giê-su đã dạy. Các ngài dám liều mất mạng sống mình vì Chúa, và Chúa đã ban cho các ngài sự sống hạnh phúc muôn đời.
Có một vị Tử đạo tuy chưa được phong thánh, nhưng câu chuyện tử đạo của ngài rất đáng cho chúng ta suy nghĩ về cái nghịch lý mất và được. Đó là Phao-lô Bột. Khi bị đưa ra xét xử, Phao-lô Bột vì sợ mất mạng nên đã thụ động không kháng cự, để cho người ta khiêng qua Thánh giá. Anh được tha. Nhưng lương tâm anh ray rứt. Vì thế anh đã trở lại tòa mạnh dạn tuyên xưng đức tin. Và rồi người ta đã xử tử anh và anh cũng được phúc tử đạo. Chuyện của Phao-lô Bột cho thấy sự dằng co trong sự lựa chọn giữa mất và được:
Có những cái “được” chỉ có giá trị tạm thời
Có những cái “được” ta phải trả giá bằng những cái “mất”
Có những cái “mất” đem lại những cái “được”
Do đó, nhiều khi chúng ta phải dám “mất”
Dám “mất” vì ích lợi cho bản thân mình
Dám “mất” vì ích lợi cho tha nhân
Nhất là dám “mất” vì Chúa.
Lm. Ca-rô-lô Hồ Bặc Xái,
Giám đốc ĐCV Thánh Quý, Cần Thơ
TÌM HIỂU DANH XƯNG “TỬ ĐẠO”
Ngày 24.11 hằng năm, Giáo Hội hoàn vũ nói chung, cách riêng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam long trọng mừng kính đại lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày 26.12, phụng vụ mừng kính thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi. Vì lẽ đó, trong hai số báo tháng 11 và tháng 12, trang ‘Ngôn ngữ nhà đạo’ mời quý độc giả cùng tìm hiểu rõ hơn về danh xưng “Tử Đạo”, một danh xưng quen thuộc với đời sống đức tin của người tín hữu.
Thánh Tử Đạo, các ngài là ai?
Một người được gọi là vị Tử Đạo (Martyr) khi liều mạng sống của mình để minh chứng cho Chân Lý hoặc sự xác thực của Đức Tin Ki-tô Giáo. Chữ ‘tử đạo’ đã bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “martus”, có nghĩa là chứng nhân và được thánh Âu-tinh diễn giải rằng: “Chính vì lý do tại sao, chứ không phải sự đau khổ đã làm nên việc tử đạo” (Martyrem non facit poena, sed causa) (Epits. 89.2).
Nhưng chỉ trong sự phát triển của các giáo huấn Ki-tô Giáo mà chữ chứng nhân đã mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Theo thuyết Giu Dêu (Judaism), của dân Do Thái (Israel), thì tử đạo được coi như một việc đạo đức cá nhân đối kháng lại sự dữ, hoàn hảo hóa nạn nhân và được dùng như sự nêu gương đạo đức cho dân được Chúa chọn. Đối với Epictetus, trong sách “Các hành động của những người Tử Đạo dân ngoại và những cuộc độc thoại” (The Acts of the Pagan Martyrs and the Soliloquies), thì tử đạo mang ý nghĩa như tác động của một triết gia: không những ông đã giảng dạy bằng lời, nhưng còn xác định sự thật trong lời dạy của mình bằng hành động, đặc biệt nêu sự khác biệt đối với những hoạt động của đam mê, kinh nghiệm thế tục, và ngay cả sự chết.
Đức Giáo Hoàng Clement I (khoảng năm 96), trong một tông thư sau thời các thánh Tông Đồ, đã dùng chữ ‘chứng nhân’ để diễn tả sự chịu đựng của các thánh Phê-rô và Phao-lô trong những đau khổ của các Ngài. “Phê-rô đã chịu đau khổ vì việc bị ghen tương bất chính… và vì đã tự minh chứng nên đã được vào nơi vinh quang” (5.4); còn Phao-lô đã nêu ra giá đắt của sự chịu đựng… Ngài dạy sự công chính cho toàn thế giới, và minh chứng trước những nhà lãnh đạo… và đã đi từ thế giới này đến chốn linh thiêng” (5.5,7). Tương quan giữa hai sự kiện trên đã nhấn mạnh đến sự chịu đựng của các thánh Tông Đồ mạnh mẽ đến độ gần như mang ý nghĩa của sự lãnh cảm, không còn biết đau đớn là gì. Các ngài đã lãnh đạm với sự đau khổ là vì đức tin mạnh mẽ của các ngài, hơn là dấu hiệu của sự thật về lãnh đạm đó.
Đối với thánh Inhaxiô thành Antiôkhia (khoảng năm 116), ý nghĩa của Ki-tô Giáo về sự minh chứng đức tin vào Chúa Ki-tô là Thiên Chúa, đã được hiểu như là đổ máu mình ra. Tuy nhiên thánh Inhaxiô đã dùng hai chữ ‘người mô phỏng’ và ‘môn đệ’ thay vì ‘Đấng Tử Đạo’, vì ngài nghĩ rằng vị tử đạo là người đã bắt chước được Chúa Ki-tô cách hoàn mỹ trong sự đau khổ và cái chết của Ngài.
Trong cuộc tử đạo của Đức Giám Mục Môlycáp (khoảng năm 155), những chữ ‘đấng tử đạo’ (martyr) và ‘sự tử đạo’ (martyrdom) đã mang trọn vẹn ý nghĩa của việc minh chứng rằng sự sống và chết của Đức Ki-tô là chính thực của Con Thiên Chúa. Những chữ đó dần dần đã được dùng để diễn tả những đau khổ và truyền thuyết về các đấng tử đạo. Những người đã minh chứng đức tin và chịu cực hình, nhưng không tử đạo, thì được gọi là vị tuyên xưng đức tin (confessor).
Giáo Hội đã được hưởng nhờ công ơn các đấng tử đạo rất nhiều. Tuy nhiên sự tôn kính các ngài đã không được phát triển nhanh đủ. Các Ki-tô hữu thời sơ khai chỉ làm một nghi lễ đơn sơ và một nơi an táng riêng biệt cho các ngài. Thánh tử đạo, đã có xương thánh được tôn kính đầu tiên và hằng năm có lễ kính, là thánh Pôlycáp thành Smyrna.
Ông Tertullian đã cho việc tử đạo là một nghi thức rửa tội lần thứ hai, vì sự tử đạo đã tẩy sạch mọi tội lỗi và làm cho đấng tử đạo được hưởng triều thiên muôn đời. Origen (254) thì viết rằng sự tử đạo là một chứng cớ của Ki-tô Giáo, không những chỉ vì các Ki-tô hữu đã chứng tỏ họ có thể chết vì Đức Tin, nhưng bởi vì sự thách đố cái chết của người Ki-tô hữu đã là bằng chứng hiển nhiên của sự chiến thắng trên sức mạnh của sự dữ, và sự minh xác về cuộc sống lại đã làm cho họ vượt qua được những đau khổ. Vì vậy, đời sống của đấng tử đạo là một hoàn thành của việc cố gắng tiến tới hoàn hảo của người Ki-tô.
Đối với thánh Clement thành Alexandria (213), việc chuẩn bị cho sự tử đạo cũng như sự tử đạo trong việc chịu đựng các đau khổ thì tương đương với việc đổ máu mình ra vì Chúa. Origen đã nhìn nhận rằng có biết bao nhiêu Ki-tô hữu đã chịu tử đạo hằng ngày trong thâm tâm bằng sự chấp nhận vác thánh giá theo sau Đấng Cứu Độ.
Để đối phó với các lạm dụng trong việc tôn kính các Đấng Tử Đạo cách thái quá, thánh Âu Tinh đã thay đổi sự nhấn mạnh đến những đau khổ và cực hình mà các ngài đã phải chịu bằng việc nghiên cứu thêm về vị tử đạo. Thánh nhân cho rằng vị tử đạo cũng là người tuyên xưng đức tin trong Chúa Ki-tô bằng việc hoàn bị hóa các nhân đức và sống một đời sống hoàn toàn phù hợp với những giáo huấn tinh thần của Giáo Hội.
(Còn tiếp)
(Biên dịch theo New Catholic Encyclopedia)
CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN C
“Ai muốn theo Ta, phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)
Đúng Lễ Phục Sinh năm 1615, khi cha Buzomi, một linh mục Dòng Tên, người Ý, dâng thánh lễ đầu tiên tại Hội An, Đà Nẵng, thì đạo Công Giáo chính thức khai trương và đặt cơ sở ở Việt Nam. Hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất chữ S này.
Nhưng cũng kể từ năm 1644, với cái chết của thầy giảng An-rê Phú Yên, trong suốt 300 năm đạo Chúa bị bách hại dưới thời vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn; Tây Sơn; Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và phong trào Văn Thân, thì hơn 100.000 tín hữu Công Giáo đã bị chết vì Đạo, trong đó 117 vị đã được Hội Thánh tuyên phong hiển thánh và thầy giảng An-rê Phú Yên được phong Á Thánh.
Tử đạo theo nguyên ngữ là làm chứng. Nhưng làm chứng về cái gì? Thưa làm chứng về Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Chúa sai xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại.
Để có thể đổ máu mình làm chứng cho Đức Ki-tô, cha ông chúng ta đã phải làm một cuộc lựa chọn rất quyết liệt trong tâm hồn. Bởi vì, hạnh phúc đời sau thì chưa thấy nhưng tiền của, danh vọng và những vinh hoa, phú quý đời này thì lại sờ sờ ngay trước mặt, lại cấp bách, cần thiết và hấp dẫn không thể chống lại nổi. Một sự lựa chọn mà bề ngoài xem ra khá đơn giản: bước qua thập giá hay không? Chỉ cần một cái bước nhẹ qua thập giá, thì ngay lập tức được tha về, lại còn được cả tiền bạc, vinh hoa phú quý, thăng quan tiến chức. Còn nếu không bước qua thập giá thì cũng lập tức lãnh lấy cái chết và mất hết mọi sự ở đời này. Đứng trước sự lựa chọn quyết liệt này, rất nhiều người đã bước qua dễ dàng vì họ đã bỏ Chúa để chọn sự sống đời này. Nhưng cũng có hàng trăm ngàn người nhất quyết không bước qua thập giá vì họ đã chọn Chúa, chọn theo Ngài đến cùng! Có người nhất quyết không bước qua, nhưng vì bị cưỡng ép khiêng qua thập giá, nên ông đã phản đối bằng việc co chân lên như ông trùm An-tôn Nguyễn Đích. Có những người vì sợ mà bước qua thập giá, nhưng sau hối hận lại đến xin quan cho được chết vì Chúa, như các ông: Au-gút-ti-nô Phan Viết Huy, Ni-cô-la Bùi Đức Thế, Đa Minh Đinh Đạt. Quan đặt trước các ông một bên 10 nén vàng, còn một bên cây thập giá và thanh gươm rồi nói: “Cho tụi bay tự ý chọn, bước qua thập giá thì được sống, bằng không, thì thanh gươm sẽ chặt đôi bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Nhưng các ngài vẫn sẵn sàng chịu chết.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã phải quyết định một sự chọn lựa sống còn, được ăn cả, ngã về không, một chọn lựa liên hệ đến tương lai và phần rỗi đời đời. Chọn lựa của lòng tin. Bởi chọn lựa là bày tỏ thái độ của bản thân đối với Chúa Giê-su: Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi và thế gian. Thánh trùm họ An-rê Kim Thông đã nói với quan: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được?”. Còn thánh Stephano Venard, linh mục Hội Thừa sai Pa-ri nói: “Suốt đời tôi thuyết giảng về đạo thánh giá, nay tôi lại đạp lên thánh giá sao được? Tôi thiết nghĩ, sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua”. Thật là một đức tin vững vàng. Đó cũng là đức tin chúng ta lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội, nhưng đã được rèn luyện, được thực hành bằng những quyết định hằng ngày, nên mới kiên vững như thế. Chả vậy mà có vị được dỗ dành cứ giả vờ bước qua thập giá để quan có cớ mà tha, còn đức tin trong lòng, đâu có bỏ. Thật là một cám dỗ rất tinh vi và hấp dẫn, có vẻ như được cả đời này và đời sau. Nhưng thực chất thì chỉ là giả hình, dối trá; đối với Chúa, phải dứt khoát, không lấp lửng, không nước đôi vì “không ai có thể làm tôi hai chủ” (Lc 16,13). Đó là điều mà mỗi người tín hữu chúng ta luôn gặp phải từng giây phút mỗi ngày trong đời sống của mình: chọn giữ luật Chúa hay chọn mình, chọn theo người khác?
Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy xét lại những chọn lựa mỗi ngày của mình. Không phải chỉ chọn lựa một lần là xong, nhưng cần được kiểm điểm mỗi ngày. Tôi đang chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Nếu tôi chọn Chúa, tôi đã làm gì để chứng minh điều đó? Những chọn lựa của chúng ta hôm nay có lẽ chưa đòi phải đổ máu, những chắc chắn không dễ dàng chút nào?
Đứng trước một người nghèo đang cần giúp đỡ mà tôi có thể giúp đỡ, tôi sẽ giúp hay giả lơ bỏ qua? Một bạn thân rủ tôi đi xem phim xấu, tôi có đi hay không? Sắp đến giờ lễ chiều Chúa Nhật, bạn bè rủ nhau đi chơi, tôi sẽ đi dự lễ hay vì nể bạn mà đi chơi? Đang làm trong cơ quan Nhà nước ngon lành, được mời vào đảng, nếu không sẽ mất việc, tôi chọn đàng nào? Những cám dỗ trong đời sống nội tâm, trong đời sống trung tín gia đình, trong đời sống công bằng ngoài xã hội,… đầy dẫy. Chúng ta phải luôn lựa chọn giữa Chúa và thế gian. Chúng ta sẽ chọn đàng nào? Tóm lại, mỗi ngày chúng ta phải chết đi những gì không hợp với lương tâm, sự thật và tình thương để làm chứng cho Chúa Ki-tô.
Nhờ lời cầu bầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhất là nhờ sức mạnh của Thánh Thể Chúa, ước gì mỗi ngày chúng ta quyết tâm chọn Chúa và luôn làm những gì đẹp lòng Chúa. Xin giúp chúng con luôn nhớ lời Chúa dạy: “Ai xưng tụng Thầy trước mặt người khác, thì Thầy cũng sẽ xưng nó ra trước mặt Cha Thầy và thần thánh trên trời” (Mt 10,32-33). Ngược lại cũng vậy.
VIẾT TIẾP TRANG SỬ
Mạng sống là điều quý giá nhất trên đời. Vì thế mà theo bản năng tự nhiên, ai cũng tham sống, sợ chết; ai cũng tìm đủ mọi cách để bảo tồn sự sống. Gặp nguy hiểm, đe dọa, người ta trốn tránh, lùi bước. Gặp cơn bệnh người ta lo chạy chữa thuốc thang, dầu phải tốn kém, dầu phải đi hết nơi này đến nơi khác. Đó là điều thường tình, là phản ứng chung của con người. Tuy nhiên, có một điều không thường, một điều đáng khâm phục, đó là có những con người vì Nước Trời, vì yêu mến Thiên Chúa, đã thắng vượt sợ hãi, không sợ đau khổ, không sợ chết, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ cho một lý tưởng cao cả, đó là các vị Tử Đạo Việt Nam mà hôm nay chúng ta long trọng mừng kính vinh quang của các ngài.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là ai? Thưa, các ngài là những giáo dân, là những phụ nữ chân yếu tay mềm, là cụ già tám mươi tuổi như thánh Lê Bảo Tịnh; là một bà cụ sáu mươi hai tuổi như nữ thánh An-nê Đê; như một cậu trai mười bốn tuổi, thánh Phao-lô Bột; là một thiếu nữ mười hai tuổi như cô Lu-xi-a Liễu; như Phao-lô Đạm mười tuổi; như em bé Phao-lô Túc chín tuổi. Là các Giám mục, các Linh mục, các Nữ tu. Là chủng sinh, là Ban Hành Giáo, là quan trong triều đình, là quân lính, là công chức, là y sĩ, là thương gia,… Các ngài thuộc đủ mọi thành phần dù vô danh tiểu tốt hay có chức có quyền trong Hội Thánh, có địa vị trong xã hội. Các ngài cũng đã sống như biết bao nhiêu những con người khác đã sống. Thế nhưng, hôm nay tại sao chúng ta lại nhớ đến các ngài? Thưa tại bởi, các ngài đã sống hơn hẳn rất nhiều người ở chỗ: các ngài vì theo Chúa, nên đã bị bắt, bị kết án và không chịu chối đạo, không chịu bước qua Thánh Giá, các ngài đã bị xử tử hình bằng nhiều cách hung bạo dã man. Các ngài đã biết sống anh hùng, không để cho mình bị mua chuộc, bị khuất phục, không nhường bước, không thỏa hiệp để được sống thảnh thơi. Tiền bạc không làm cho các ngài mù tối. Khổ đau không làm cho các ngài chùn bước. Nhục hình không làm cho các ngài ngã quỵ, thậm chí ngay cả cái chết cũng không uốn cong được lòng trung tín của các ngài. Và chính dòng máu của các ngài đổ ra trên mảnh đất này, đã làm phát sinh một Giáo Hội Việt Nam như hôm nay.
Thế cho nên, họp nhau mừng kính các Thánh Tử Đạo Tổ Tiên anh hùng, không chỉ để chúng ta trầm trồ khen ngợi tán dương các ngài. Nhưng là để chúng ta học noi gương nhân đức của các ngài. Dẫu biết rằng, ngày nay, không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, không ai dùng bạo lực, dùng những cực hình man rợ bắt chúng ta bỏ đạo hay chối Chúa như tổ tiên ta ngày xưa. Nhưng chúng ta lại phải đương đầu với những thách thức mới. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc có thể là những bạo chúa, những sức mạnh gây ra những cuộc bách hại thầm lặng nhưng không kém phần khủng khiếp và tai họa. Bị bắt, bị đâm, bị chém, bị chặt đầu vì Chúa, đó là chứng tá cao quý, đó là tử đạo. Không bị bắt, không bị giết, nhưng âm thầm sống cuộc sống Chúa ban, biết chế ngự những đam mê và ước muốn xấu, biết khước từ những tham lam của cải vì lẽ công bằng, biết vui tươi trong những hiểu lầm vu oan, biết hy sinh tha thứ và phục vụ mọi người trong tình yêu thương, đó cũng là tử đạo, đó cũng là những chứng tá cao quý. Bởi vì, chết thể xác tuy đau đớn nhưng chỉ trong chốc lát, còn sống được một cuộc sống bình thản tươi vui trong những nỗi chết từ bỏ mỗi ngày, trong những ray rứt tiêu hao đau khổ, những quyến rũ kéo dài, đó là cả một cố gắng và một sự trung thành lớn lao.
Vậy, ước gì trong khí thế hân hoan mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, những bậc tiền bối đã lấy cái chết và máu đào làm chứng cho Đức Ki-tô và viết nên trang sử oai hùng cho Giáo Hội Việt Nam, chúng ta cũng hãy noi gương các ngài viết tiếp trang sử mà các ngài còn đang viết dở dang: “Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai. Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai”. Có như thế chúng ta mới xứng đáng là bậc hậu sinh khả úy; có như thế chúng ta mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp đức tin các ngài để lại; và có như thế mai sau chúng ta mới xứng đáng được lãnh vòng hoa chiến thắng và chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc.
Học viện Đa Minh