Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 32-C:
Kinh nghiệm của những người trở về “từ cõi chêt” nói với ta
+ Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
-----------------------------------------
Kinh nghiệm của những người trở về “từ cõi chêt” nói với ta:
1. Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết.
2. Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại.
----------------------------------------
Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 tuần rồi có tường thuật một trường hợp lạ lùng:
Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại.
Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế.
Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày.
Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm.
Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi, vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào.
Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: Chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.
*****
Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết, mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra.
Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì:
Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại.
Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay (TN 32-C Luca 20,27-38). Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:
Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết, mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết, như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.
Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm, mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết:
“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.
Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào.
Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát, nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi, vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác?
Thưa, tuy có khác, nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ, mà bà đã là cách nay 70 năm.
Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay, chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.
Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt, nhưng vẫn có liên tục.
Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê, nay được trở lại nhà cha mẹ.
Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta.
Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì, so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết:
- Đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta.
- Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do.
Đúng như lời thánh Phaolô nói:
“Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?
2) Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?
3) Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?
CHẾT LÀ BIẾN ĐỔI
(Suy niệm Tin mừng Lu-ca (20, 27-38) trích đọc vào Chúa nhật 32 thường niên)
Khi chết rồi, số phận con người ra sao? Đây là một vấn nạn muôn thuở của con người.
Nhiều người cho rằng chết là hết, là đi vào hư vô, chẳng còn gì. Có người tin là sau khi chết, con người sẽ đầu thai kiếp khác, vân vân…
Là người phàm, không ai có thể biết rõ số phận con người sau khi chết, chỉ có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người cũng như muôn vật muôn loài mới biết rõ mà thôi.
Vì thế, muốn biết sự thật về bí mật nầy, chúng ta phải cậy nhờ vào giáo huấn của Thiên Chúa.
Nhờ ánh sáng Chúa Thánh Thần soi chiếu, thánh Phao-lô dạy chúng ta biết rằng chết không phải là hết, nhưng là biến đổi nên người mới. Ngài viết:
“Chúng ta sẽ không chết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến đổi... vì chưng thân xác hư hoại nầy sẽ mặc lấy bất hoại, đồ chết dở nầy sẽ mặc lấy trường sinh bất tử” (I Cor 15, 51. 53).
Chúa Giê-su dạy có sự sống đời sau
Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giê-su về cuộc sống đời sau, Chúa Giê-su khẳng định là có. Ngài dạy rằng: "Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau … thì không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20, 36).
Trong dụ ngôn “Phán xét cuối cùng”, Chúa Giê-su dạy ta biết: đến ngày tận thế, Ngài sẽ ngự đến phán xét loài người. Kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời” (Mt 25, 46). Như thế, Chúa Giê-su khẳng định không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”
Chúa Giê-su còn tỏ cho các môn đệ cũng như chúng ta biết: Ngài về trời để dọn chỗ cho chúng ta và Ngài sẽ trở lại, đưa chúng ta về với Ngài. Ngài nói: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở... Thầy đi dọn chỗ cho anh em. … và Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-2).
Ngoài ra, qua cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giê-su xé tan bức màn bí mật bao trùm sự chết.
Chúa Giêsu đã làm người như chúng ta, đã mang thân phận con người mỏng giòn, đã sống và đã chết như chúng ta nhưng Ngài đã sống lại. Sự sống lại của Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng đằng sau cái chết là một đời sống mới.
Công trình cứu chuộc của Chúa Giê-su chứng tỏ có sự sống đời sau
Để cứu con người thoát ách tội lỗi và sự chết, đưa họ vào thiên đàng hưởng phúc muôn đời, Chúa Giê-su phải trả giá bằng cuộc khổ nạn đau thương và chịu chết thê thảm trên thập giá.
Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng, hoả ngục; con người chết rồi là hết và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là hoàn toàn vô ích; cái chết đau thương của Chúa Giê-su trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai.
Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa lại chịu khổ nạn và chịu chết cách vô ích sao?
Đây là một bằng chứng mạnh mẽ cho biết có sự sống đời sau trên thiên đàng.
Lạy Chúa Giê-su,
Niềm tin vào sự sống đời sau mang lại cho con người niềm hy vọng và hạnh phúc.
Xin cho niềm tin nầy trở thành động cơ mạnh mẽ thúc đẩy chúng con sống tốt lành thánh thiện để mai đây đáng được hưởng phúc đời đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Tin mừng Luca 20, 27-38
Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? "
Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
LẠC SÓNG
Nội dung bài Tin Mừng hôm nay, nói theo ngôn ngữ khoa học – kỹ thuật hiện đại, như một câu chuyện lạc sóng. Mấy người thuộc nhóm Xa-đốc, nhóm này chủ trương không có sự sống lại, đến hỏi Đức Giê-su về một vấn đề oái oăm, oái oăm nhưng là dựa theo Luật Mô-sê hẳn hoi. Điều có thể thấy, qua ví dụ mà họ đưa ra về trường hợp bảy anh em lần lượt lấy một người phụ nư làm vợ, không phải là họ không có ý căn vặn, dồn Đức Giê-su vào thế bí. Họ nêu ra một chuyện tuy hơi bị hiếm nhưng rất đời thường, nằm trong tầm băn khoăn của con người với cách nhìn và bối cảnh cũ, để đặt vấn đề về một lãnh vực xa hơn, cao hơn, mới hơn – sự sống lại – mà họ không tin. Làn sóng thấp.
Nhưng Đức Giê-su đã từ chuyện băn khoăn đời thường kiểu cũ ấy để nâng vấn đề lên cao hơn: Với sự sống lại, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” sẽ vượt qua những giới hạn vật chất, những ràng buộc của tội lỗi, những níu kéo của cuộc sống trần gian… để “không thể chết nữa” và “được ngang hàng với các thiên thần”, nghĩa là một cuộc sống mới, khác xa nếu không nói là hoàn toàn trái ngược với cuộc sống cũ. Câu trả lời của Đức Giê-su là một lời giải đáp cho thấy cách suy nghĩ và đặt vấn đề của những người Xa-đốc là… lạc đề, do họ không tin vào sự sống lại, tức không tin vào sứ mệnh cứu độ trần gian của Đức Giê-su. Làn sóng cao.
Thái độ của những người trong nhóm Xa-đốc ấy có lẽ, cho đến ngày hôm nay, cũng không phải là cá biệt. Chúng ta, những người tự nhận là tin vào sự sống lại, lắm khi trong lối sống và suy nghĩ cũng có những biểu hiện không khác những người Xa-đốc. Chúng ta chạy theo tiền tài danh vọng, chức tước, quyền lực,… đời này như thể chúng ta có thể ôm được tất cả theo mình sau khi chết. Lắm lúc chúng ta cũng có khuynh hướng băn khoăn khi nghĩ về đời sau – nơi con người “không thể chết nữa” – với cung cách và những tiêu chuẩn của cuộc sống trần thế, đến độ muốn thiết lập cả một thứ trật tự nào đó cho Nước Trời theo khuôn mẫu của xã hội con người.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng gợi cho chúng ta một số suy nghĩ về sự chết và sự sống lại trong cuộc sống của chúng ta. Vì tin vào Ơn Cứu Độ của Chúa, một mặt chúng ta tin vào sự sống lại sau khi chết, mặt khác chúng ta cũng tin sự sống lại có thể diễn ra trong cuộc sống đời này của mỗi người qua những lần chúng ta từ bỏ những ràng buộc của vật chất, của tội lỗi, của lòng tham, lòng ích kỷ,… Và những cuộc sống lại ấy từng bước hoàn thiện con người chúng ta trong cuộc sống trần thế và dẫn đưa chúng ta đến sự sống lại sau cùng để bước vào thế giới của “những người không thể chết nữa” mà Thiên Chúa đã hứa.
Vấn đề là chúng ta đừng để lạc sóng, mà phải bắt đúng làn sóng của Đức Tin đích thực vào Đức Ki-tô để nhận biết ra đâu là Con đường của Sự sống và là Sự Sống lại.
CHÚA NHẬT XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN C
2Mcb 7,1-2.9-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Đời sống tương lai không thể chỉ là đời sống của linh hồn sống ngoài thân xác.
Bởi lẽ tại trần thế này, người ta sống lành thánh hay sống tội lỗi, thì đều có cả xác và hồn tham dự vào. Thế thì trong ‘cuộc sống mai sau’ cả hồn lẫn xác đều phải chịu tránh nhiệm về các hành vi của con người khi họ còn sống tại trần thế.
Nghĩa là xác cũng phải sống lại, để cùng với linh hồn mà chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Vì thế, Chúa Giê-su đã mạc khải cho biết về một đời sống mới. Là đời sống không đơn thuần chỉ là đời sống sinh học được kéo dài ra, mà là một cuộc sống được tái tạo thiêng liêng.
Cuộc tạo dựng mới này còn hiện thực hơn cả cuộc tạo dựng thứ nhất. Vì đó là cuộc ‘sinh lại mầu nhiệm’, sinh lại bởi Chúa Thánh Thần.
Để xứng đáng dâng thánh lễ xin ơn vững vàng trong niềm tin rằng ‘xác loài người sẽ sống lại’, chúng ta hãy thống hối, cách riêng về những tội chúng ta đã sống như là người chỉ sống bám víu vào cuộc sống tại trần thế này.
BẢI GIẢNG
- Những người thuộc phái Xa-đốc, một hệ phái của Do Thái giáo, chối bỏ sự sống lại, chối bỏ sự bất tử, chối bỏ sự thưởng phạt đời sau.
Họ đến đặt vấn đề với Chúa Giê-su về sự sống lại mà họ không tin. Họ cũng muốn đo lường xem kiến thức thần học của vị Ngôn Sứ trẻ tuổi này ra sao, bằng cách dựa vào giáo huấn luân lý của Lề Luật:
“Cho phép một người đàn bà góa chồng, mà không có con, được cưới người em trai của chồng còn độc thân”. Dựa vào giáo huấn đó, họ tưởng tượng ra trường hợp kỳ cục là: “Có một người đàn bà liên tiếp cưới bảy anh em trai”.
Rồi họ bảo: “Làm gì có việc kẻ chết sống lại, vì khi ở thế giới bên kia, sau khi sống lại, người đàn bà đó không thể làm vợ cùng một lúc bảy anh em”.
Kết luận là việc sống lại sẽ phi lý, vì sẽ gợi lên một tình trạng vô lý. Ngày nay cũng có:
- Nhiều người cho là cuộc sống sau cái chết chỉ là tiếp tục đời sống hiện tại trong thành quả cao nhất.
- Nhiều người lại chối bỏ đời sống sau cái chết.
- Nhiều người khác cho rằng ‘địa đàng’ có ngay lập tức, chứ không phải ở đời sau.
Chúa Giê-su bảo những người Xa-đốc đã sai lầm khi dùng kinh nghiệm trần thế để nói về sự sống lại, về cuộc sống đời sau. Vì trong thế giới mai sau tất cả sẽ khác hẳn, không có gì có thể so sánh được.
Khi đó, “người ta không thể chết nữa, vì họ giống như các thiên thần” (Lc 20,26). Nghĩa là người ta vẫn là con người, nhưng người ta đã ra khỏi điều kiện trần thế. Và cuộc sống mới đó khác biệt với cuộc sống loài người bây giờ, giống như cuộc sống của các thiên thần bây giờ khác hẳn với cuộc sống con người.
Chúa Giê-su còn nại đến ông Mô-sê để chứng minh cho việc người chết sống lại. Luận cứ này có tính thuyết phục các thẩy Xa-đốc. Chúa nói với họ:
“Mô-sê gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người thì không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,37-38).
Như vậy, Chúa Giê-su đã nhờ Thánh Kinh để khẳng định: chối bỏ sự sống lại sẽ thiếu chiều rộng, chiều sâu, cũng như thiếu kính trọng Thiên Chúa hằng sống chân thực, vì nếu tin Người là Thiên Chúa của các kẻ sống thì phải tin cậy vào Người. Còn chối bỏ sự sống lại thì đã xếp Thiên Chúa hằng sống ngang hàng với các ngẫu tượng câm nín và vô dụng.
- Chúng ta còn có câu trả lời trong cuộc tử đạo của bảy anh em mà chúng ta vừa nghe sách Ma-ca-bê thuật lại.
Tác giả cho biết vào lúc sắp chết, một người trong bảy anh em đó đã bảo nhà vua rằng:
“Vua vũ trụ sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7,9). Một người khác trước khi chịu cắt lưỡi, chặt tay, đã chìa tay ra và tuyên bố:
“Thà chết vì tay người đời, đang khi dựa vào Lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại” (2Mcb 7,14).
Những người này, dầu không biết gì về cuộc sống mai sau, nhưng đã có được sự an tâm, một lòng can đảm chịu đựng lạ lùng, như thể họ tự hiến thân làm lễ vật hy sinh dâng kính Thiên Chúa. Vì rằng niềm xác tín của họ vào sự sống lại được đặt cơ sở trên lời hứa của Thiên Chúa.
Vì sao họ có được niềm xác tín mạnh như thế?
Thưa, sự trung thành của họ không phải chỉ mới khởi sự khi bị dẫn đến nhà vua, mà từ lâu họ đã chọn trung thành và chấp nhận hiểm nguy sẽ có vì việc trung thành này. Nghĩa là họ vẫn trung thành với niềm tin của họ, dầu có bị đe dọa đủ loại, vì họ vẫn biết họ đang chịu lấy hiểm nguy là sẽ chịu chết vì đạo.
Sự kiện quan trọng là: không thể tin vào sự sống mai sau, nếu niềm tin này chỉ ở trên bình diện trí tuệ nghĩ suy, nếu thế sẽ là niềm tin không tưởng. Mà phải có cái tối thiểu ở chỗ dấn thân, phải trả giá bằng các hiểm nguy phải chịu vì đức tin.
Trong ‘thế giới đối nghịch với đức tin’ hiện nay, người ta khó có thể hiểu được việc bảy anh em bị nhà vua bắt tử đạo ngay trước mặt bà mẹ. Bởi vậy, chúng ta sẽ khó trung thành với đức tin, nếu không có tỉnh thức và can đảm. Đồng thời phải tách mình lìa khỏi những gắn bó trần thế, khỏi những nghĩ suy trần thế.
Có thể chúng ta mới có được một lòng tin vững vàng vào sự sống lại. Chính lòng tin này là đỉnh cao của sự khôn ngoan có được về sự sống, chứ niềm tin không phải là kết quả của một lý luận thuần lý trí.
- Vì vậy, thư Thê-xa-lô-ni-ca đã khuyến cáo là hãy cầu nguyện để “được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin” (2Tx 3,2).
Khi chúng ta trung thành từng giây phút với niềm tin vào sự sống lại cho biết lòng tin của chúng ta đã được củng cố và còn làm cho chúng ta nên mạnh mẽ mà vượt qua những khó khăn khác, với nhiều gian lao hơn. A-men.
HẠNH PHÚC ĐỜI SAU
Sắp kết thúc năm Phụng vụ, Lời Chúa hôm nay muốn hướng suy nghĩ của chúng ta về cái chết. Chết là kết thúc cuộc đời, nhưng chết rồi chúng ta sẽ đi về đâu?
Hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết sẽ tiếp tục sống một cách nào đó, sẽ biến đổi qua một kiếp sống khác, sẽ đầu thai vào một kiếp sống khác… nghĩa là có một sự sống ở đời sau. Tuy nhiên không có một tôn giáo nào tuyên xưng: “Tôi tin kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” như đạo chúng ta.
Trong bài đọc I, tường thuật về cuộc tử đạo của bảy anh em nhà Ma-ca-bê, đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong truyền thống Cựu Ước là sau khi chết, con người tiếp tục được sống, xác người lành sẽ được phục sinh. Đang khi đạo Do Thái rất mơ hồ về sự chết, người Do Thái tin có đời sau, nhưng đó là một đêm tối. Chính bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến phái Sa-đốc, là hàng tư tế của Do Thái, không tin có sự sống lại. Họ chỉ tin vào những điều mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Mô-sê. Họ đưa ra một giả thuyết: Một phụ nữ có tới bảy đời chồng hợp pháp và cuối cùng người phụ nữ này chết. Nếu có sự sống lại, tức bảy ông chồng cùng một bà vợ đều sống lại, thì người phụ nữ này sẽ là vợ của ai? Đức Giê-su trả lời họ có cái nhìn vật chất, thế giới đời sau khác hẳn với thế giới đời này, Ngài mượn lý chứng là Mô-sê gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các Tổ phụ, Người không là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống.
Đức Giê-su không nói rõ sống lại là thế nào. Lần mở mọi trang, mọi câu trong Kinh Thánh, tìm tòi mọi giáo huấn của Giáo Hội, chắc chúng ta sẽ thất vọng vì không biết gì về đời sau. Chúng ta hãy đọc Tin Mừng của Thánh Gio-an, đoạn 13-17, có thể tóm tắt: “Thầy không thể giải thích cho anh em biết có những gì ở bên kia cái chết. Thầy chỉ dám nói với anh em là Chúa Cha ngự trên trời yêu thương anh em và anh em đi đến đâu thì đó là nhà của anh em và đó là nơi ở của Thầy”.
Một vài vị thánh đã cảm nghiệm đến cái chết là một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Còn với chúng ta, trên chặng đường đời đi về cái chết, như là đích điểm của cuộc đời, sướng hay khổ, hạnh phúc hay không ở đời sau, là kết quả mà chúng ta đã sống như thế nào ở trên đời này.
Thanh Thiện
Sự sống mai hậu
1- Vấn nạn về sự sống mai hậu
Gần cuối năm phụng vụ, chủ đề chính mà Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu là sự sống lại, hướng chúng ta tới cuộc sống mai sau. Đây là chủ đề được con người mọi thời quan tâm, cả những người Do Thái vào thời Chúa Giêsu và cả chúng ta hôm nay. Trong bài Tin Mừng, khi trả lời câu hỏi mà những người Xađốc đặt ra để gài bẫy Chúa Giêsu về người đàn bà có bảy người chồng. Trước hết Chúa Giêsu tái khẳng định rằng có sự sống lại ở đời sau, đồng thời Người điều chỉnh quan niệm méo mó duy vật và thực dụng của phái Xađốc về sự sống lại mai hậu.
Quả thế, hạnh phúc đời sau không phải là sự gia tăng niềm vui trần thế hay là kéo dài sự sống trần thế. Đời sống mai hậu là một đời sống hoàn toàn khác, có một phẩm chất khác như Chúa Giêsu quả quyết: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,35-36).
Ở cuối bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giải thích lý do tại sao có sự sống lại sau khi chết khi nói rằng: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy Thiên Chúa của tổ phụ Ápbraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,37-38). Vậy đâu là nền tảng của sự sống lại? Nếu Thiên Chúa được định nghĩa là Thiên Chúa của Ápbraham, Ixaác và Giacóp và là Thiên Chúa của sự sống, chứ không phải của sự chết, thì điều này có nghĩa là các tổ phụ Ápbraham, Ixaác và Giacóp vẫn còn sống ở bên Thiên Chúa, dầu họ đã chết hàng thế kỷ rồi so với lúc mà Thiên Chúa nói với Môsê. Như thế, Thiên Chúa của sự sống là nền tảng cho niềm tin vào sự sống lại của con người. Người là Đấng hằng sống và Người không muốn con người phải chết, nhưng được sống mãi. Việc Thiên Chúa đã sai Con Một làm người, chịu tử nạn và phục sinh vinh hiển để giải thoát con người khỏi chết và cho họ được sống mãi trong Thiên Chúa là bằng chứng hùng hồn cho sự sống lại mai sau.
2- Vấn nạn về hôn nhân sau khi chết
Một số người giải thích cách sai lầm câu trả lời của Chúa Giêsu cho phái Xađốc, nên đã quả quyết rằng: hôn nhân gia đình sẽ không còn tiếp tục ở trên thiên đàng. Nhưng trong câu trả lời này, Chúa Giêsu bác bỏ quan niệm méo mó mà những người Xađốc trình bày về đời sau, một quan niệm cho rằng thiên đàng đơn thuần là một sự tiếp tục tương quan vợ chồng ở trần gian. Đồng thời Chúa Giêsu mời gọi các đôi vợ chồng phải tái khám phá trong Thiên Chúa sợi dây đã liên kết họ khi ở trần gian.
Chúng ta thử đặt ra vài câu hỏi: phải chăng khi ở trần gian các đôi vợ chồng đã sống với nhau và suốt đời kính sợ Thiên Chúa, nhưng khi chết, những gì thuộc về hôn nhân của họ như tương quan vợ chồng, tình yêu và dây hôn phối… sẽ bị quên lãng hay biến mất để chỉ dành cho tình yêu Thiên Chúa mà thôi? Phải chăng có điều gì đó trái ngược với điều mà Chúa Giêsu đã nói rằng: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, thì loài người không được phân ly?” (Mt 19,6). Nếu Thiên Chúa đã liên kết họ ở trần gian, tại sao Người lại phân ly họ trên thiên đàng? Phải chăng toàn bộ cuộc sống hôn nhân này không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống của họ ở thiên đàng sao?
3- Định mệnh của sự vĩnh cửu
Chúng ta tìm thấy câu trả lời từ chính mạc khải Kinh Thánh về niềm hy vọng này. Đó cũng chính là ước vọng tự nhiên của các đôi vợ chồng. Kinh Thánh quả quyết rằng hôn nhân là “một bí tích,” bởi vì hôn nhân biểu tượng sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5,32). Theo cái nhìn này, làm sao có thể hiểu được nếu hôn nhân sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn ở trên thiên đàng. Hôn nhân không hoàn toàn kết thúc với cái chết, tương quan và sợi dây hôn phối vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng nó được biến đổi, được “thần hóa” nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhờ đó, nó xóa bỏ những giới hạn, bất toàn của đời sống hôn nhân ở trần gian.
Một cách tương tự, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái hoặc tương quan bạn bè cũng vẫn tiếp tục tồn tại mà không bị quên lãng. Trong lời Kinh Tiền Tụng của thánh lễ cầu hồn, phụng vụ nói rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi.” Chúng ta có thể nói một cách tương tự như thế về hôn nhân, là một phần của đời sống, nó chỉ thay đổi, chứ không mất đi ở đời sau.
Đó là trường hợp của các cặp vợ chồng sống yêu thương và chung thủy với nhau trọn đời. Nhưng đối với trường hợp những người đã phải trải qua những kinh nghiệm bất đồng và đau khổ trong hôn nhân ở trần gian thì sao? Số phận của họ như thế nào? Phải chăng sợi dây hôn phối vẫn còn sẽ là một sự an ủi hay là lý do gây sợ hãi cho họ? Dựa vào giáo lý của Giáo Hội, chúng ta có thể trả lời rằng: trong thế giới của Thiên Chúa, sự dữ sẽ không còn tồn tại; những khiếm khuyết, sự thiếu thấu hiểu, cả những đau khổ đã làm họ tổn thương sẽ biến mất. Chỉ còn lại tình yêu và những gì tốt lành giữa họ tồn tại.
Các đôi vợ chồng sẽ được trải nghiệm tình yêu đích thực khi họ được tái kết hợp trong Thiên Chúa và nhờ đó, họ có niềm hạnh phúc và sự viên mãn của sự kết hợp mà họ đã có khi ở trần gian. Nhà thơ Goethe diễn tả điều này trong câu chuyện tình yêu giữa Faust và Margate: “Chỉ trên thiên đàng, sự kết hợp và niềm hạnh phúc viên mãn giữa hai thụ tạo yêu nhau mới trở thành hiện thực. Đó là điều không thể tìm thấy ở trần gian.” Trong Thiên Chúa, tất cả sẽ hiểu nhau, sẽ được hòa giải và mọi người sẽ tha thứ cho nhau.
Còn đối với trường hợp những người đã kết hôn một cách hợp luật nhiều lần thì sao? Tương quan giữa họ thế nào? Đây chính là trường hợp mà nhóm Xađốc hỏi Chúa Giêsu về bảy anh em lấy cùng một người vợ khi sống (x. Mc 12,18-27). Khi chết ai là chồng của người đàn bà này? Ngay cả trường hợp này, chúng ta phải nhắc lại một điều tương tự: đó là tình yêu đích thực và sự hiến dâng giữa vợ chồng là một điều tốt lành đến từ Thiên Chúa, chúng sẽ không bị biến mất. Nhưng trên thiên đàng không có sự tranh dành, tranh đua và ghen tuông trong tình yêu vợ chồng. Chúng là những giới hạn thuộc bản năng của thụ tạo khi ở trần gian, chúng sẽ biến mất khi ở trên thiên đàng, sẽ được hoàn toàn biến đổi. Họ sống như các thiên thần, được kết hợp nên một với Thiên Chúa và với nhau. Họ sống tình yêu đích thực của Thiên Chúa, nên họ vẫn yêu thương và tôn trọng nhau trong “trời mới đất mới.”
Như thế, cuộc sống hôn nhân ở trần gian là sự chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Trong thế giới đó, ơn gọi và đời sống gia đình sẽ được viên mãn nhờ quyền năng và ân sủng Thiên Chúa. Vì thế, các đôi vợ chồng được mời gọi hãy sống yêu thương và trung tín với nhau khi ở trần gian, để cùng nhau hưởng hạnh phúc trên thiên đàng. Đó là lời hứa và phần thưởng cho những ai sống đời sống gia đình. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An