Các bài suy niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên C

Thứ sáu - 28/10/2022 16:08
Các bài suy niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên C
Lc 19,1-10

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
SUY NIỆM
 Nhiều đệ tử đang theo học Thiền định dưới sự hướng dẫn của thiền sư Sengai. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.
Một đêm kia, Sengai đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết rằng Sengai là chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo :
- Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy ?
Từ đó, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.
*
Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi.
Ông Gia kêu là một trưởng ty thuế vụ thành Giêricô, một người giàu có vì lạm thu bất chính. Ông bị liệt vào số những kẻ tội lội, bị khai trừ và khinh bỉ. Chúa Giêsu không nhìn ông bằng con mắt ấy, Người ngước nhìn ông đang ngồi trên cây sung ; một cái nhìn thân thiện, có sức cảm hoá tâm hồn ; một cái nhìn nhân từ như không thấy tội gì trong ông. Chính cái nhìn đầy chân tình và yêu thương ấy đã khiến ông nhìn lại chính mình và quyết tâm đổi mới.
Người nói với ông : "Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5). Hạnh phúc quá bất ngờ : Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Báctimê là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.
Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương ; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy cần chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa : "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Và chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người : "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham" (Lc 19,9). Thật vậy, ở đâu có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông Giakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Ápraham, con cái của lòng tin, con cái của Thiên Chúa.
Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Gia kêu không còn giàu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa "tìm đến và cứu chữa" bao giờ cũng trỗi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.
Câu chuyện về ông Dakêu có nhiều chi tiết giúp chúng ta hiểu thế nào là hoán cải thật :
- Ông tích cực đi tìm Chúa : "Ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung".
- Khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã nhanh chóng và vui mừng đáp lại : "Ông vội vàng tụt xuống"
- Ông còn "vui mừng đón rước Ngài về nhà".
- Ông nhìn nhận tội lỗi của mình và còn thứ nhận trước mặt mọi người.
- Ông đền bù những thiệt hại mình gây cho kẻ khác
- Hơn nữa, Ông còn lấy tài sản bố thí cho người nghèo.
Hoán cải thật là từ bỏ những tội lỗi, quảng đại đáp lại tiếng Chúa và tổ chức lại đời sống mới.
*
Lạy Chúa, có rất nhiều người cần chúng con nhìn họ với cái nhìn của Chúa. Có rất nhiều người mong chúng con ghé thăm.
Xin cho chúng con một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêu, để cả thế giới này trở nên con cái Ápraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.
 
 

Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật TN 31-C:
Ông Harold Hughes được ơn biến đổi thật lạ lùng

--------------------------------
Harold Hughes, là một doanh nhân rất thành đạt và là một chính tri gia rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ, đã kể lại cuộc đời bồng bột, nông nổi thời còn trẻ của mình như sau:
“Tôi đã từng là một kẻ nghiện rượu, gian dối và lừa đảo người khác…. Một quãng cuộc đời, mà tôi cứ tưởng là đã phải vứt bỏ đi, vì tất cả đều đã hư hỏng.
Rồi một buổi tối nọ, trong nỗi chán chường thất vọng, lòng thì trống rỗng, vì cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, tôi đã bước vào bồn tắm và định tâm sẽ tự sát.
Tôi cầm lấy khẩu súng và chỉa mũi súng vào miệng. Khi tôi định bóp cò súng thì bỗng Chúa đến với lòng tôi, trong âm thầm, rất nhẹ nhàng, mà tôi không cách nào cưỡng lại được.
Chúa gợi lên trong thâm tâm tôi, nhắc tôi nhớ lại một điểm giáo lý hết sức căn bản, hết sức quan trọng, đó là sự sống là của Thiên Chúa, đừng có ai cướp lấy  quyền này của Ngài. Do đó, nếu tôi tự hại thân thể mình, là tôi có tội, một tội rất nặng.
Nhưng rồi, tôi cũng đã viện đủ mọi lý do, và  giải bày hết nỗi lòng của mình với Chúa, để Chúa hiểu cho, để Chúa thông cảm cho, là  tại sao tôi định làm như vậy.
Sau khi giải bày với Chúa hết nỗi lòng mình, thì bỗng có một sức mạnh vô hình, thúc giục tôi quỳ gối lên, ngay tại trong bồn tắm. Tôi quỳ gối, đầu cúi xuống, mà không dám phân trần điều gì nữa, vì tôi có cảm giác là Chúa đang hiện diện trước mặt tôi, bỗng tôi khóc nức nở, như là một sự thú tội trước mặt Chúa.
Sau đó, tồi cảm thấy một sự bình an dạt dào, bừng lên trong tâm hồn tôi... Tất cả tội lỗi trong mình tôi, hầu như đã tan biến đâu hết... Bởi, Thiên Chúa như đang cúi xuống và chạm đến tôi... Tôi như một đứa con đang run sợ, đang  đi lạc trong cơn bão tố và bất chợt tìm thấy được một bàn tay rất ấm áp của người Cha đang ôm ấp tôi vào lòng...
Quì trong bồn tắm, tôi đã dâng mình cho Chúa và đã thưa cùng Chúa rằng: Từ nay trở đi con quyết sẽ làm tất cả mọi sự, những gì Chúa muốn con làm.”
 
*****
Chính giây phút linh thiêng cảm động đó đã biết đổi cuộc đời của Harold Hughes. Mười năm sau, ông được bầu làm thống đốc tiểu bang Iowa. Mười bảy năm sau đó, ông được bầu làm thượng nghị sĩ Hoa kỳ. Khi về hưu, ông đã tham gia vào công việc giúp những người nghiện rượu và hút chích.
Câu chuyện Harold Hughes cũng giống với câu chuyện ông Giakêu trong bài Phúc âm hôm nay (TN 31-C: Luca 19,1-10).
Đó là một câu chuyện kể về một người đã được ơn biến đổi, từ một cuộc đời tội lỗi, thành một cuộc sống phục vụ.
Đó là một câu chuyện về một người đã biết mở rộng cửa lòng đón nhận Thiên Chúa và được tràn đầy niềm vui hạnh phúc, mà ông không hề tưởng là sẽ được.
Chúa Giêsu muốn đi vào trong cuộc đời chúng ta và biến đổi chúng trở nên tốt hơn như Ngài đã làm cho Giakêu.
Chúa Giêsu không bao giờ cưỡng ép chúng ta, hoàn toàn tôn trọng tự do của chúng ta.
Trong sinh hoạt hằng ngày, Chúa Giêsu có thể bước vào cuộc sống mỗi người chúng ta như Ngài đã bước vào cuộc sống của Giakêu. Chúng ta chỉ cần bám lấy Ngài, và Ngài sẽ ban cho chúng ta mọi điều như Ngài đã từng làm cho những người khác.
Chúa Giêsu có thể bước vào cuộc sống chúng ta, gần gủi với chúng ta qua ba trường hợp nầy.
Thứ nhất Chúa Giêsu có thể nói với chúng ta khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa.
Thứ hai là lúc chúng ta đón rước Chúa Giêsu Thánh thể. Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. (Jn 6:56).
Sau hết, Chúa Giêsu bước vào trong cuộc sống của chúng ta lúc chúng ta gặp những người nghèo khổ, túng quẫn. Bởi Chúa Giêsu đã dạy: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40)
Lạy Chúa, xin cho con gặp được Chúa như ông Hughes và ông Giakêu. Và cũng xin Chúa hãy làm nơi con những gì Chúa muốn. Amen.
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 31-C
ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG
+ Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
-----------------------------------------
Chỉ một ánh mắt, cuộc đời Giakêu biến đổi hoàn toàn:
1. Đó là ánh mắt quan tâm.
2. Đó là ánh mắt khiêm nhường.
3. Đó là ánh mắt tha thứ.
4. Đó là ánh mắt tin tưởng.
5. Đó là ánh mắt yêu thương.
 
--------------------------------
Mỗi khi đọc câu chuyện ông Giakêu, tôi ngỡ ngàng trước ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn lên ông Giakêu trên cây sung. Ánh mắt ấy có sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt ấy chất chứa bao tâm tình. Chỉ trong một ánh mắt, cuộc đời Giakêu hoàn toàn biến đổi.
1. Đó là ánh mắt quan tâm.
 Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Giêricô là một thành phố rộng lớn, người đông đúc, buôn bán sầm uất. Một đám đông lớn đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó ông Giakêu thật bé nhỏ. Nên ông phải leo lên cây sung để nhìn Chúa. Thật lạ lùng. Giữa đám đông mênh mông ấy, Chúa vẫn nhìn thấy ông Giakêu, dù ông thấp lùn. Giữa muôn người, Chúa chỉ tìm Giakêu. Lại còn biết rõ tên ông. Điều đó chứng tỏ Chúa quan tâm tới Giakêu, dù ông bé nhỏ trong một đám đông hỗn độn. Giakêu chắc chắn cảm thấy ấm lòng, vì ánh mắt quan tâm của Chúa.
2. Đó là ánh mắt khiêm nhường.
 Hãy tưởng tượng cảnh Chúa ngước lên nhìn Giakêu. Chúa nhìn lên. Giakêu nhìn xuống. Thật là một cảnh tượng phi thường. Người có tầm vóc cao lớn phải ngước nhìn lên mới gặp ánh mắt người thấp bé. Thiên Chúa phải ngước mắt nhìn  lên mới gặp được phàm nhân. Đấng vô cùng thánh thiện, phải ngước mắt nhìn lên, mới gặp kẻ tội lỗi tầy trời. Tạo hóa phải ngước mắt nhìn lên, mới gặp được thụ tạo. Đấng Cứu Độ phải ngước mắt nhìn lên, mới gặp được kẻ cần được cứu. Đấng tha tội phải ngước mắt nhìn lên, mới gặp được kẻ cần được thứ tha. Thật là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Giakêu chắc chắn phải choáng váng, vì ánh mắt khiêm nhường của Chúa.
3. Đó là ánh mắt tha thứ.
Nguyên một việc quan tâm tìm kiếm cũng đã chứng tỏ Chúa tha thứ cho ông rồi. Huống hồ Chúa còn khiêm tốn ngước nhìn lên. Hơn thế nữa Chúa còn ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Giakêu chưa tìm Chúa, thì Chúa đã tìm Giakêu. Giakêu chưa gọi Chúa, thì Chúa đã gọi Giakêu. Giakêu chưa mời, thì Chúa đã ngỏ ý đến nhà. Giakêu chưa xin lỗi, thì Chúa đã tha thứ. Ánh mắt tha thứ mới khoan dung độ lượng và ấm áp làm sao. Giakêu chắc chắn tràn đầy niềm hối cải, khi nhìn vào ánh mắt tha thứ của Chúa.
4. Đó là ánh mắt tin tưởng.
 Chúa Giêsu nhìn Giakêu bằng ánh mắt tin tưởng. Tin tưởng, nên không nhìn về quá khứ, mà chỉ hướng về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Chúa tin vào tương lai của ông. Nên Chúa đã nhìn ông. Nên Chúa tha thứ cho ông. Nên Chúa kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Giakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.
5. Đó là ánh mắt yêu thương.
Tất cả sẽ không thể giải thích được nếu không có tình yêu. Chúa quan tâm tới Giakêu vì Chúa yêu thương ông, như người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Chúa khiêm nhường vì Chúa yêu thương ông, như người cha cõng con trên vai. Chúa tha thứ vì Chúa yêu thương ông, như người cha sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng. Chúa tin tưởng vì Chúa yêu thương ông, như người mẹ không khi nào nói rằng con mình xấu, dù nó phạm tội trăm lần. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương. Ngập tràn trong yêu thương, trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Đời ông được đốt cháy trong yêu thương. Nên ông đã đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vì yêu mến Chúa mà ông yêu thương đồng loại. Yêu thương nên đền bù thiệt hại. Yêu thương nên chia sẻ chân thành.
Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn con bằng ánh mắt yêu thương. Xin cho con biết nhìn vào mắt Chúa, nhận ra tình yêu thương của Chúa và biến đổi cuộc đời như ông Giakêu.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Chúa nhìn Giakêu bằng ánh mắt thế nào?
2) Giakêu đã đáp lại ánh mắt của Chúa ra sao?
3) Bạn có bao giờ nhìn thấy ánh mắt Chúa nhìn bạn chưa?
4) Bạn có muốn nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa không?
 
------------------------------
ÔNG DA-KÊU
Trong đời rao giảng của Chúa Giê-su, chúng ta nhận thấy Ngài là Đấng giầu tình thương xót. Chúa luôn yêu thương con người, yêu thương mọi người. Chúa không chỉ nói suông, nhưng luôn luôn Chúa minh chứng cho mọi người, cho nhân loại về những điều chân thật, những thực tế đang diễn ra xung quanh Ngài, đang xẩy ra giữa xã hội Do Thái lúc đó. Chúa luôn lấy những ví dụ cụ thể, những nhân vật đang sống đương thời với Chúa Giê-su để dạy dỗ nhân loại, dạy dỗ con người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Da-kêu là người được Chúa Giê-su quan tâm, cứu vớt, đưa ông ra khỏi vòng tội lỗi khi Chúa viếng thăm nhà ông ta.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa và ông Da-kêu giúp chúng ta ghi nhận hai thái độ trong cuộc gặp gỡ này. Thái độ thứ nhất là thái độ của những người tự cho mình là công chính, khinh miệt kẻ khác, cho kẻ khác là người tội lỗi. Do đó, họ cản ngăn kẻ khác không được gặp Chúa Giê-su và nhận lãnh ơn lành của Chúa. Họ khó chịu, lẩm bẩm trách Chúa Giê-su niềm nở, hân hoan đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với họ. Thái độ thứ hai là thái độ của ông Da-kêu, người thu thuế trưởng và giầu có, tiếng tăm. Đối với người Do Thái, người thu thuế là người bị liệt vào hàng tội lỗi công khai. Họ bị ghép tội cộng tác với ngoại bang để hút máu hút mủ của nhân dân, của đồng bào, làm giầu trên xương máu đồng bào của mình. Trước mắt người Do Thái, ông Da-kêu là người giầu có bởi vì ông đã thu nhiều, nộp ít, đã có những hành vi thật bất chính. Nên, ông là người tội lỗi, một người ăn bẩn, không thể tha thứ, một người hút máu hút mủ của dân phải đem ra tòa trị tội. Còn đối với Chúa Giê-su: “Nơi đâu tội lỗi ngập tràn, nơi đó cần được cứu độ và tha thứ”. Chúa là Đấng đến trần gian để “tìm và cứu những gì đã hư mất”. Đây là dịp quý hóa để thể hiện tình thương của Thiên Chúa.
Da-kêu tội lỗi thực đó nhưng ông luôn tin tưởng rằng Chúa Giê-su chắc chắn hiểu ông và cứu thoát ông. Do đó, quyết định của ông thật đúng, thật quả cảm. Ông đã không để bất cứ một thế lực nào làm cản đường ông tới gặp gỡ Chúa Giê-su. Tin Mừng cho thấy: Da-kêu vì thấp bé, ông đã có một quyết định táo bạo là leo lên câu sung để nhìn xem Chúa Giê-su đi ngang qua và trong thâm tâm, ông nghĩ biết đâu ông nài nỉ Chúa, Ngài sẽ ghé mắt tới ông. Ông đã khát khao như thế và ông tin Chúa sẽ thương ông. Quả thực khi tới gần nơi ông, Chúa Giê-su không đợi ông lên tiếng mà chính Chúa đã gợi ý trước: “Da-kêu, hãy xuống khỏi cây nhanh lên, ta sẽ lưu lại nhà ngươi hôm nay”. Nghe lời Chúa nói, Da-kêu quá xúc động, hạnh phúc, ông xuống khỏi cây và hộ tống Chúa Giê-su cùng các môn đệ đến nhà ông. Da-kêu hứa với Chúa sẽ sám hối, sẽ thay đổi tất cả, ông cảm thấy rất hạnh phúc trong đời ông. Ông đã tiếp rước Chúa Giê-su và trước mặt Chúa, trước mặt các môn đệ và đám đông, ông đã thật lòng, xúc động thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Ngài, nầy đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đây là thái độ khiêm nhường của một con người biết nhận ra yếu đuối của mình. Thái độ này là thái độ của những kẻ nhỏ bé, những kẻ khiêm nhường. Đây là thái độ sám hối đích thực. Thái độ này khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Da-kêu đã trở về với Chúa bằng một thái độ thiết thực cụ thể. Chúa Giê-su đã không trở thành người khách của chúng ta giống như Da-kêu, chúng ta trở thành vị khách của Người. Qua phép rửa tội, chúng ta được mời gọi đi vào Hội Thánh của Người. Chúa Giê-su trông đợi chúng ta thay đổi như ông Da-kêu đã làm.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn luôn tin tưởng vào tình thương nhân từ của Chúa và luôn biết cộng tác với ơn Chúa và chân thành sám hối, ăn năn trở về với Chúa.
 
 
KHÓ QUÁ ÔNG DA-KÊU ƠI!
Từ giữa chương 18 trở đi, Tin Mừng theo Thánh Lu-ca trình bày ngày càng rõ một điều kiện nhất thiết phải có mới làm môn đệ Chúa Giê-su được. Đó là phải từ bỏ, cụ thể là từ bỏ tiền bạc của cải.
Có một thủ lãnh kia giữ đạo rất tốt, không hề lỗi một điều răn nào cả. Ông này cũng rất giàu. Ông đến hỏi Chúa Giê-su xem phải làm gì nữa để được sự sống đời đời. Chúa Giê-su bảo ông hãy về bán hết của cải phân phát cho người nghèo rồi đến theo Ngài. Ông tiếc của không dám từ bỏ nên buồn rầu bỏ đi. Chúa Giê-su nhìn ông và nói: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,18-27). Câu nói này khiến các môn đệ vô cùng ngạc nhiên. Mà ngạc nhiên cũng phải thôi, bởi vì có mấy ai chịu từ bỏ tiền bạc của cải đâu. Cho nên cứ theo lô-gic của câu Chúa Giê-su nói mà suy thêm thì có mấy ai vào được Nước Thiên Chúa đâu! Khó quá!
Vậy mà có một người đã làm được điều quá khó đó. Thông thường, Thánh Lu-ca rất ít khi nêu tên nhân vật trong tường thuật của mình. Nhưng lần này ngài phá lệ, nêu rõ tên ông là Da-kêu. Ông đáng được nêu tên, vì ông đáng được đề cao như là gương mẫu của những người muốn đi theo Chúa Giê-su.
Cuộc đời của Da-kêu gồm hai giai đoạn khác hẳn nhau. Có thể nói vui là có hai Da-kêu, một “Da-kêu tiền” và một “Da-kêu hậu”. “Da-kêu tiền” vừa có nghĩa là Da-kêu của giai đoạn trước, mà cũng vừa có nghĩa là một Da-kêu mải mê lo kiếm tiền. Để có tiền, ông bất chấp luật đạo, bất chấp tội lỗi, bất chấp dư luận. Ông chọn theo một nghề mà mọi người đều coi là tội lỗi. Đó là nghề thu thuế. Và ông đã thành đạt: Ông đứng đầu những người thu thuế, và ông rất giàu.
Nhưng khi “Da-kêu tiền” gặp được Chúa Giê-su thì đã thay đổi hoàn toàn. Ông không kiếm thêm tiền vô nữa, trái lại còn bỏ tiền ra. “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo. Và nếu tôi có cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Theo lẽ công bình tự nhiên, nếu làm thiệt ai bao nhiêu thì phải đền bấy nhiêu. Luật Do Thái ngặt hơn và phân biệt ba trường hợp: (1) Ai đã ăn trộm, bóc lột một món gì hoặc được gửi một món gì mà không chịu trả, nếu muốn được tha tội thì phải trả lại và cộng thêm một phần năm (Lv 5,21-24); (2) Nếu trộm cắp một món hiện vật gì mà bị bắt gặp đang giữ món hiện vật đó thì phải đền gấp đôi (Xh 22,3); (3) Khi nghe ngôn sứ Na-than kể chuyện một người nhà giàu đã cướp con chiên độc nhất của người nhà nghèo, vua Đa-vít nổi giận và muốn bắt người nhà giàu ấy phải đền gấp bốn (2Sm 12,6). Tội gian tham của Da-kêu thuộc trường hợp thứ nhất, cùng lắm là trường hợp thứ hai. Nhưng ông đã tự xếp mình vào trường hợp thứ ba và chịu đền gấp bốn về tất cả những lỗi công bình của mình. Quả thực là rất quảng đại. Ông không còn là “Da-kêu tiền” nữa mà đã trở thành “Da-kêu hậu”. “Hậu” vừa là “sau” vừa là được hưởng nhờ lòng nhân hậu của Chúa Giê-su: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Tưởng rằng không ai có thể qua lỗ kim được, thế mà Da-kêu đã chui qua được!
Lời Chúa Giê-su kêu gọi những người đi theo Ngài hãy từ bỏ của cải là một lời rất ngược đời, cho nên là một lời ít ai muốn nghe. Mà nếu có buộc phải nghe khi đọc Tin Mừng thì ít ai muốn nhớ và làm theo. Thử tưởng tượng xem sau khi đi lễ nghe đọc đoạn Tin Mừng này rồi về nhà, có người nào dám làm theo gương ông Da-kêu không!
Nếu có thì thật là đại phúc.
Đại phúc cho xã hội, bởi vì cái khốn khổ của xã hội là do một số ít người giàu đang nắm giữ một phần lớn tài sản, còn số đông người nghèo lại sở hữu phần tài sản còm cỏi còn lại; mà người giàu lại không chịu chia sẻ cho người nghèo. Vậy thì lời Chúa Giê-su kêu gọi tuy ngược đời nhưng rất hợp tình hợp lý.
Đại phúc cho chính những người biết nghe lời Chúa mà chia sẻ. Đó là hạnh phúc mà Thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi đã cảm nghiệm được khi phân phát tài sản cho người nghèo. Đó là điều Chúa hứa cho các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em, chẳng hề có ai bỏ tất cả… vì Nước Thiên Chúa mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30).
Nhưng dù sao, từ bỏ của cải cũng quả là khó! Xin Chúa ban ơn giúp chúng ta noi gương ông Da-kêu làm được điều khó đó, bởi vì “Những gì không thể đối với loài người thì đều có thể được đối với Thiên Chúa” (Lc 18,27).
Lm. Ca-rô-lô Hồ Bặc Xái,
Giám đốc ĐCV Thánh Quý, Cần Thơ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB SITE

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc
CÁC DÒNG TU 
Dòng Chúa Cứu Thế VN 
Dòng Đồng Công (Hoa Kỳ) 
Dòng Ngôi Lời 
Dòng Chúa Cứu Thế (Hoa Kỳ) 
Dòng Thánh Tâm Huế 
Dòng Lasan 
Tỉnh Dòng Đa Minh VN 
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ 
Dòng Tên Việt Nam 
Dòng Phanxicô VN 
Giáo Hoàng Học Viện Piô X ( Đà Lạt ) 
Đại Chủng Viện Huế 
Đại Chủng Viện Vinh Thanh - GP Vinh 
Đại Chủng Viện Xuân Lộc 
Dòng Thánh Thể 
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ 
Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm (Hoa Kỳ)
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế 
Dòng Mến Thánh Giá LA (gốc Phát Diệm) 
Dòng Đức Mẹ Trinh Vương 
Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời 
Dòng Đaminh Tam Hiệp 
Dòng Don Bosco 
Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa 
Dòng Thừa Sai Đức Tin VN 
Liên hiệp bề trên thượng cấp VN 
Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô 
Dòng Đồng Công (Việt Nam) 
Dòng Chúa Thánh Thần 
Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô 
Dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô - Scalabrini 
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế
Lời Chúa Hằng Ngày
Radio Công Giáo

 
Hằng Ngày

 


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây