Các bài suy niệm Chúa Nhật XXX Thường Niên C

Thứ sáu - 21/10/2022 06:18
Các bài suy niệm Chúa Nhật XXX Thường Niên C
Địa thế của Philippin nằm chơ vơ ở giữa đại dương, vì thế mỗi năm quốc gia này phải hứng chịu nhiều trận bão. Đài khí tượng Philippin dùng mẫu tự để đếm các trận bão. Trận bão đầu mùa mang tên khởi đầu của mẫu tự A. Sau mỗi trận bão, người ta có thể quan sát thấy những cây càng cao thì càng bị gió đánh ngã, cành lá tả tơi, nhiều khi bị cuồng phong bứng lật cả gốc. Trong lúc đó thì những cây nhỏ, những bụi rậm thì không hề hấn gì, lại có thể trở nên xanh tươi mơn mởn hơn. Hiện tượng thiên nhiên này nhắc tôi nhớ lại câu nói : “Trèo cao té nặng”.
Bước từ thiên nhiên sang xã hội loài người, ta cũng thấy những cảnh tượng tương tự. Sau những cuộc đảo chính, thường những kẻ có địa vị cao bị lật đổ, những người trước kia ăn cao ngồi tróc bây giờ có thể bị hạ bệ, gánh chịu số phận lên voi xuống chó. Còn những người thuộc đám dân đen bé cổ thấp miệng ít bị ảnh hưởng, ngược lại họ còn có thể nuôi một chút hy vọng, biết đâu những người lãnh đạo mới thanh liêm, yêu nước thương nòi và có khả năng lèo lái con thuyền quốc gia hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng thuật lại một vài dụ ngôn để dẫn đến kết luận : “Tất cả những ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Câu chuyện ngụ ngôn vẽ ra một khung cảnh trang nghiêm của một buổi cầu nguyện, cũng như những người ngoan đạo ngày nay cũng năng đọc kinh hôm, kinh mai. Các người Do Thái mộ đạo thời  Chúa Giêsu giữ kỹ ba lần cầu nguyện vào 9 giờ sáng, 12 giờ trưa và 3 giờ chiều. Ngoài ra họ cũng tin tưởng là lời cầu nguyện sẽ được hiệu nghiệm hơn nếu được dâng lên trên đền thờ. Vì thế vào giờ kinh, có người leo đồi để vào đền thờ cầu nguyện. Đức Giêsu đề nghị những người đang nghe Ngài rao giảng và chúng ta đặc biệt chú ý đến hai người : Người cầu nguyện thứ nhất thuộc nhóm biệt phái. Ông tiến sâu vào nơi cực thánh, đứng thẳng, ngửa mặt giơ hai tay lên cao để cầu nguyện. Ông cũng biết cầu nguyện là thưa chuyện với Chúa, nhưng ông ta chỉ gọi Chúa đến để nghe ông ta nói chuyện về mình. Ông ta tự phụ vì không xâm phạm những tội đang lan tràn trong xã hội bấy giờ, đó là tham lam bất công, ngoại tình. Ông ta tự cao tự đại, so sánh tự cho mình vượt xa mọi người, nhất là những người thu thuế và nhất là ông ta tự mãn nêu lên thành tích ăn chay và nộp thuế của ông.
Về luật ăn chay bắt buộc tuyệt đối một năm phải ăn chay một lần vào ngày sám hối, nhưng cũng như những người đạo đức thánh thiện khác, ông ăn chay mỗi tuần hai lần để lập thêm công nghiệp. Thường những người Do Thái đạo đức thời ấy ăn chay vào hai ngày : thứ Hai và thứ Năm. Hai ngày lại trùng vào hai ngày nhóm chợ. Vì thế có nhiều người buôn bán và có đông dân chúng tấp nập qua lại và thường những người ăn chay thời ấy thường thoa trắng mặt mũi và mặc áo quần vải thô, không lên gấu. Như thế khi đi mua sắm hay đi ngang qua chợ, họ thu hút được sự chú ý của nhiều người khác. Mặt khác luật nộp thuế chỉ bắt buộc nộp thuế thập phân lúa thóc hằng năm và trái cây đầu mùa, nhưng những người siêu đẳng tự nguyện đóng 10% tất cả mọi hoa màu, kể cả các loại rau cải, cây cỏ dùng làm thuốc và phó sản khác dùng làm đồ gia vị. Nói tóm lại, người biệt phái lên đền thờ không phải để cầu nguyện, nhưng là để kể cho Chúa nghe đời sống luân lý lành thánh hơn người, đời sống đạo đức vượt bậc của mình.
Còn người cầu nguyện thứ hai là một người thu thuế. Ông ta không dám tiến đến nơi cực thánh, không dám đứng thẳng lưng cũng không dám ngước mặt lên trời. Ông ta chỉ biết hổ thẹn cúi đầu, đấm ngực, ăn năn. Vì ông quá rõ nghề thu thuế của ông đã nhuộm đen con người và cuộc đời ông trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. Chúng ta biết hành nghề thu thuế thời Chúa Giêsu là cộng tác với lực lượng ngoại xâm Rôma, để bóc lột đồng bào. Ngoài ra người thu thế nào cũng lạm dụng quyền thế và cơ hội để làm giàu bằng cách thu thuế trội hơn luật định. Vì thế ông không có thành tích gì để khoe, ngoại trừ khẩn khoản lòng thương xót của Thiên Chúa và khiêm nhường thú nhận mình là con người tội lỗi. Nhưng chính những thái độ và hành động khiêm nhu này đã cho phép ông đến gần Thiên Chúa hơn, và chính sự van nài lòng thương xót của Thiên Chúa, có thể nói được đã giúp ông đánh trúng điểm yếu nhất đồng thời cũng là điểm mạnh nhất của Thiên Chúa. Đó là lòng thương xót của Người. Vì Thiên Chúa được nhiều soạn giả viết Cựu Ước diễn tả là Đấng từ bi nhân hậu, nhẫn nại đầy lòng lân tuất và thành tín. Kết quả của lời cầu nguyện của người thu thuế và người biệt phái trên như lời Thiên Chúa đoán xét, là người thu thuế ra về được khỏi tội còn người biệt phái thì không. Tóm lại câu chuyện dụ ngôn về hai người cầu nguyện trên Chúa Giêsu muốn lưu ý chúng ta :
Thứ nhất, không người tự phụ tự mãn nào có thể cầu nguyện đúng nghĩa, bởi lẽ cửa trời vừa hẹp vừa khó, chỉ có những người khiêm nhu khom mình khiêm tốn mới có thể chui lọt vào để có thể đến gần Thiên Chúa.
Thứ hai, không người tự cao tự đại nào có thể cầu nguyện hợp lý, vì ai trong chúng ta cũng có phạm tội. Vì thế khi cầu nguyện không ai có thể so sánh mình đạo đức thánh thiện hơn kẻ khác, nhưng phải tự thú mình thuộc về đoàn người những tội nhân chung lời khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thứ ba, không có người tự kiêu tự đắc nào có thể cầu nguyện hợp tình, vì cầu nguyện là để thờ phượng, ca ngợi, yêu mến và cảm tạ Chúa chứ không là thời gian để phúc trình những thành tích vĩ đại của mình.
Qua ba Chúa nhật liên tiếp, chúng ta đã dõi theo bước chân của Chúa để nghe Ngài dạy những bài học có liên quan đến việc cầu nguyện. Qua bài đọc trong mười người bệnh cùi chỉ có một người được chữa lành trở lại để tạ ơn Chúa, Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự quan trọng và cần thiết của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện. Vào Chúa nhật vừa qua, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta phải kiên tâm bền chí cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng và hôm nay, Ngài khuyên chúng ta phải khiêm nhu trong lúc cầu nguyện và hãy đánh vào điểm yếu của Thiên Chúa, đó là lòng thương xót của Người. Đáp lại lời Chúa Giêsu dạy, trong mỗi thánh lễ ở phần chuẩn bị, chúng ta khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và của Đức Giêsu cũng như trước khi rước lễ, một lần nữa chúng ta cầu xin lòng thương xót của Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa.
Ước gì lời cầu xin lòng thương xót lúc đầu lễ thật ra từ lòng ăn năn thống hối để Thiên Chúa thanh tẩy tâm hồn, giúp chúng ta xứng đáng đón nhận Người. Qua phần phụng vụ Lời Chúa và ước gì lời cầu xin thương xót trước khi rước lễ thốt lên từ lòng chân thành yêu mến, để Đức Giêsu có thể đến biến đổi cuộc sống và biến đổi trọn con người chúng ta. Nhờ đó sau mỗi thánh lễ, chúng ta có thể ra về không những được khỏi tội mà còn được tràn đầy hồng ân và tình yêu Thiên Chúa, để đem ngọn lửa hồng ân tha thứ và ơn tình thương thắp sáng mọi nơi.
2
 
Không kể ba tôn giáo độc thần là Do Thái, Kitô và Hồi Giáo, trên thế giới này có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Làm thế nào để phân biệt lời cầu của Kitô hữu với lời cầu của các tín đồ khác đây ?
Người ta kể, một lần kia, Thiên Chúa từ trời hiện xuống dương gian xem loài người tôn kính Ngài như thế nào. Thiên Chúa thấy một tín đồ Ấn giáo ngồi xếp bằng trong chiếc khăn và chăm chỉ chìm sâu trong tĩnh niệm, dẹp hết mọi sự trên trần gian này. Ngài rất hài lòng nhưng tự hỏi : “Tại sao chịu khổ hạnh như vậy ?”. Ngài lại thấy một nhà sư Trung Hoa tươi cười tìm dung hoà sự thiện và sự ác một cách thật khó khăn. Thiên Chúa vui mừng nhưng nói : “Tại sao phải cố gắng nhiều như thế mà lại không muốn có sự trợ giúp của trời cao”. Sau đó, Ngài trông thấy một người tiền sử tế lễ trước vật linh, vẻ mặt đầy sợ hãi. Thiên Chúa cảm động nhưng tự hỏi : “Tại sao lại phải sợ hãi quá như thế ?”. Ngàøi lại trông thấy một tín hữu Hồi Giáo chân không quỳ trên tấm thảm, đầu cúi sát đất cầu nguyện theo tiếng hát kinh ê a ngân dài vang vọng của vị trưởng đền đứng trên tháp cao. Thiên Chúa cảm phục nhưng hỏi : “Tại sao lại phải cung kính và quỳ luỵ tùng phục quá như thế ?”. Một Rabbi Do Thái lớn tiếng đọc lời kinh chúc tụng Giavê, trên trán và trên cánh tay ông có đeo các văn bản luật. Ngài vui nhận lời cầu của ông nhưng tự hỏi : “Tại sao lại phải có nhiều luật lệ rườm ra như vậy ?”. Vì thế một hôm Thiên Chúa Cha nói với Chúa Con : “Con hãy đem thần linh tình yêu thương xuống trần gian. Ta không muốn các lễ vật vô ích, Ta không muốn cái chết, Ta cũng không muốn sự sợ hãi và luật lệ mà chỉ muốn tình yêu thương, an bình và chân thành mà thôi. Bởi vì Ta là Cha và tất cả mọi người đều là con cái của Ta”.
Phải, khiêm tốn, tin tưởng, chân thành và yêu thương phó thác, đó là thái độ đặc thù mà Kitô hữu phải có khi cầu nguyện, khi đứng trước mặt Thiên Chúa và đối thoại với Ngài. Đây cũng là thái độ Chúa Giêsu và Giáo Hội khuyên chúng ta phải có được trong cuộc sống đức tin. Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta kiểm điểm lại kiểu cách cầu nguyện và nội dung lời cầu của chúng ta, xem nó đã trưởng thành tới đâu hay vẫn còn mang nặng các hình thái ấu trĩ hời hợt không trung thực mà còn xa cách tinh thần Kitô ?
Sách Huấn Ca hay sách Bensira là tác phẩm được viết vào khoảng năm 190 trước Tây lịch, chứa đựng nhiều giáo huấn khác nhau liên quan tới cuộc sống lòng tin của tín hữu Do Thái. Chương 35 là một bài giáo lý khuyến khích các tín hữu trung thành tuân giữ luật Chúa và phụng thờ Ngài một cách đích thực. Cũng giống như các ngôn sứ, soạn giả đả phá các kiểu cách thờ phượng Thiên Chúa một cách máy móc vô hồn, nặng hình thức bề ngoài mà không phát xuất từ lòng tin tươi vui, sống động, quảng đại cụ thể và trung thực. Ông khẳng định rằng Thiên Chúa không chấp nhận các cử chỉ thống hối bề ngoài nhằm che đậy các bất công mà tín hữu gây ra đối với người khác, đặc biệt đối với lớp người nghèo nàn và thấp cổ bé miệng không được ai bênh đỡ trong xã hội, nhất là người goá bụa và trẻ mồ côi. Bởi vì Thiên Chúa không thiên vị như con người trần gian, Ngài không giống như một số giới chức chính trị hay quan án sẵn sàng im lặng hay nhắm mắt làm ngơ trước tội ác, hay ra sức bênh vực người có tội khi được lợi lộc hay khi đứng trước các quyên lực chính trị và kinh tế.
Chính vì thế nên khi chủ trương dùng các lễ vật để mua bán đổi chác ơn thánh hay phúc lành của Thiên Chúa là tín hữu không sống lòng tin, không sống đạo mà làm thương mại, mà tạo thương mại thì không phải là đạo thật. Không, Thiên Chúa không nhận quà hối lộ, Ngài luôn đứng về phía nghèo nàn yếu đuối, những người không trông mong gì được người đời trợ giúp vì không có gì để trả công hay hối lộ đút lót cho người khác. Và do đó luôn luôn phải chịu thiệt thòi, bị ức hiếp bóc lột, bị chèn ép hất hủi và loại trừ.
Do đó tiếng kêu than van duy nhất thấu tới trời cao, thấu lên tới Chúa là tiếng kêu than của tấm lòng khiêm tốn chân thành, biết ăn năn sám hối và biết khát khao sự công chính. Thiên Chúa đáp lại tiếng kêu than ấy vì nó liên lụy tới chính Ngài. Thật vậy trong Sách Xuất Hành chương 22, Thiên Chúa truyền cho dân Do Thái như sau : “Người không được ức hiếp người goá bụa và trẻ mồ côi, nếu người ức hiếp họ, cơn thịnh nộ của Ta sẽ bốc cao và Ta sẽ khiến họa”. Người khiêm tốn nghèo hèn và lời cầu nguyện của người công chính là sứ điệp sống động và hùng hồn nhất mà nhân loại có thể gởi lên tới Chúa, Đấng công thẳng và giàu lòng xót thương.
3.
Lời cầu nguyện khiêm tốn cũng được thánh Luca nêu bật trong dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ, như tường thuật trong chương 18. Ông biệt phái không đẹp lòng Thiên Chúa và không được công chính hoá nghĩa là được ơn tha tội và cứu độ. Không phải vì ông đứng thẳng người dang tay ngửa mặt lên trời và cầu nguyện to tiếng, vì đây là tư thế tự nhiên của người Do Thái khi cầu nguyện. Cũng không phải vì các việc lành phúc đức ông làm được, luật buộc ăn chay tuần một lần mà ông ăn chay những hai lần, ông lại còn trả thuế thập phân cho mọi thứ ông mua sợ người bán đã trốn thuế chưa trả chăng ? Nhưng lời cầu của ông không đẹp lòng Thiên Chúa vì nó là dịp cho ông khoe khoang kể công với Chúa và lên án khinh bỉ người khác. Nó phản ánh thái độ giả hình, nô lệ luật, trọng hình thức bề ngoài và nhất là nó phản ánh hình thức giữ đạo thương mại. Và tấm lòng kiêu căng của ông, thứ lòng tin dựa trên số lượng, việc tuân giữ các luật lệ hình thức bề ngoài và tự mãn ấy, không giúp tín hữu đạt ơn cứu độ.
Đến trước mặt Thiên Chúa cầu nguyện mà ông biệt phái không biết lấy Thiên Chúa nguồn mạch sự thánh thiện và trọn lành làm tiêu chuẩn đối chiếu và kiểm điểm đời mình, mà lại lấy người thu thuế làm chuẩn để lên mặt tự đắc và khinh khi họ. Đây là lý do khiến cho lời cầu của ông không đẹp lòng Thiên Chúa. Ông ra về mà không được ơn tha thứ và cứu độ.
Trong khi đó, người thu thuế biết mình có cuộc sống tội lỗi, gian tham, ác độc. Quỳ trước mặt Chúa là Đấng thánh thiện vẹn toàn, ông lại càng cảm thấy mình xa cách Ngài nên không dám ngửa mặt lên nhìn Chúa và tất cả lời cầu của ông chỉ tóm gọn trong cử chỉ thống hối ăn năn, đấm ngực và cầu : “Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội”. Ông không phải là tín hữu có cuộc đời lương hiện gương mẫu, nhưng thái độ nhận thức ra được sự thật về con người và cuộc đời ấy của ông trước mặt Chúa, khiến cho ông trở thành kẻ có lòng tin. Vì thế lời cầu nguyện của ông là lời cầu nguyện diễn tả lòng tin vào tình xót thương vô vàn của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng giúp con người khám phá ra tình trạng sức khoẻ tâm linh đích thực của mình và toạ độ cuộc đời mình trong tương quan với Thiên Chúa.
Trong chương 4 thư thứ hai gởi cho Timôtê, trước viễn tượng cái chết gần kề, thánh Phaolô dùng bốn hình ảnh rất cụ thể nhưng sâu sắc, giúp chúng ta hiểu đâu là bản chất đích thực của cuộc sống như là cuộc sát tế. Cái chết vì đạo của thánh Phaolô và của mọi tín hữu cũng giống như lễ vật hiến dâng lên Thiên Chúa, con đường cuộc sống bôn ba rao truyền Tin Mừng của thánh nhân, con đường cuộc sống của mỗi Kitô hữu khi tiến đến gần cái chết cũng giống như con thuyền lé đé sóng đại dương, đã trải qua bao nhiêu bão táp giông tố. Giờ đây sắp sửa cập bến vĩnh cửu bình an với cái chết, cuộc chiến đấu lòng tin của thánh nhân và của mỗi một tín hữu kết thúc được vào với cái chết, cuộc chạy đua lòng tin trong vận động trường trần gian này chấm dứt với lễ trao giải thưởng là triều thiên mà Thiên Chúa dành để cho những người đã biết chạy với hết sức lực của mình. Tuy nhiên, trong tất cả mọi nỗ lực lòng tin ấy, Chúa Giêsu Kitô vẫn luôn luôn là năng lực, là suối nguồn trao ban ơn cứu độ. Kitô hữu có sống được trọn vẹn lòng tin của mình trong cuộc sống cũng là nhờ ơn thánh Thiên Chúa ban qua máu cứu chuộc của Chúa Kitô. Cũng vì thế, cả khi có phải đối diện với các thất bại, khổ đau, cô đơn, bị mọi người bỏ rơi và quên lãng, thánh Phaolô không buồn nao núng, biết rằng Thiên Chúa vẫn luôn luôn hiện diện bên cạnh và trợ lực Ngài cho tới cùng.
4
Thiên Chúa không thể bị mua chuộc, Chúa là quan án, Ngài không xen vào vinh quang loài người. Khởi đầu bài đọc thứ nhất đã nhắc chúng ta như vậy. Thiên Chúa không thể bị mua chuộc, Ngài không xen vào vinh quang loài người, con người không thể nào ỷ lại các công việc làm tốt của mình để được Thiên Chúa phát ban ơn cứu rỗi. Thái độ tôn giáo tốt nhất trước nhan Chúa là thái độ khiêm tốn, cầu xin ơn tha thứ. Ơn cứu rỗi con người đến từ Thiên Chúa nhân từ, giàu tình thương và hay tha thứ, chớ không đến từ công nghiệp riêng.
Bài dụ ngôn của Chúa Giêsu về người Pharisêu và anh thu thuế Publicanô được ghi lại nơi Phúc Âm theo thánh Luca, và được Giáo Hội nhắc lại cho các con cái mình vào hôm nay, có thể nhắc chúng ta nhớ đến nguyên tắc căn bản trên của đời sống Kitô. Thiên Chúa không thể bị mua chuộc, con người không thể nào ỷ lại vào những việc làm tốt của mình. Một Pharisêu tự khoe mình và khinh chê kẻ khác và một Publicanô khiêm tốn hướng về Chúa : “Xin Ngài hãy thương xót”. Thử hỏi ai là kẻ hạnh phúc, công chính, thánh thiện trước nhan Chúa ? Chắc chắn không phải là kẻ cho mình là thánh thiện không có tội, kỳ thực ra người nào mà không có tội trước nhan Chúa.
Thánh Phaolô nơi thơ Rôma đã nhận định rằng tất cả đều là người có tội và không có vinh quang Thiên Chúa nơi họ. Kẻ hạnh phúc nhất, thánh thiện nhất trên đời này là kẻ được Thiên Chúa tha thứ cho mọi tội lỗi. Thiên Chúa không xét xử con người một cách trừu tượng và theo những điều bên ngoài, mà nhìn đến thái độ bên trong. Khi con người khiêm tốn đặt mình trước nhan Ngài và xin Ngài tha thứ tội lỗi : “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”. Nói lên được lời này, con người ý thức về chính thực thể mình trước nhan Thiên Chúa, nhìn nhận mình như là kẻ cần nhờ ơn tha thứ của Chúa, cần nhờ ơn công chính của Chúa.
Mở đầu dụ ngôn, chúng ta được chỉ cho thấy một mẫu người công chính nhưng không công chính, một mẫu người công chính mà không có sự thánh thiện. Họ lên đền thờ cầu nguyện, họ cảm tạ Thiên Chúa vì không như kẻ khác : không tham lam, không bất công, không ngoại tình. Họ ăn chay mỗi tuần hai lần. Luật Do Thái buộc mỗi năm ăn chay một lần mà thôi, nhưng đây thì ăn chay hai lần mỗi tuần thật là sốt sắng biết chừng nào. Họ dâng một phần mười tất cả những huê lợi. Luật Do Thái thì chỉ buộc dâng một phần mười hoa lợi chính mà thôi, còn đây thì dâng một phần mười tất cả hoa lợi. Thật là quảng đại biết chừng nào.
Nếp sống đạo đức của người Pharisêu xem ra thật là tốt, nhưng chỉ có một điều lệch lạc làm hư đi tất cả mọi sự, đó là thái độ tự kiêu, khoe khoang : “Tôi không giống như kẻ khác, tôi không phải như chàng thu thuế tội lỗi kia”. Đó là sự công chính mà không có công chính, đó là sự công chính mà không có ơn Chúa, sự công chính mà không có sự thánh thiện. Và cuối dụ ngôn, chúng ta được Chúa Giêsu chỉ cho thấy một mẫu người công chính có sự thánh thiện, một mẫu người công chính có ơn thánh của Chúa. Đó là người được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho, được Thiên Chúa ban ơn công chính, họ lãnh nhận ơn thánh từ Thiên Chúa.
Ngày nay, chúng ta vẫn còn có thể nhìn thấy hai hạng người công chính như được mô tả trong bài dụ ngôn hôm nay. Một hạng người công chính nhưng có ơn Chúa, không có sự công chính, không có sự thánh thiện nơi họ. Những kẻ không còn ý thức tội lỗi gì cả, họ làm những công việc tốt để khoe khoang và lòng họ khinh thị anh chị em.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp mình sống khiêm tốn trước nhan Ngài, ý thức thân phận tội lỗi và thật lòng xin Chúa : “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”. Chúng ta cần được ân sủng Chúa để được thánh hoá, để được trở nên công chính, trở nên thánh thiện trước nhan Ngài.
Lạy Chúa, xin ban ơn thánh hoá cho con được nên trinh trong trước nhan Chúa và nhờ lòng nhân từ Chúa mà thôi.
5.
Qua dụ ngôn trên đây cùng với dụ ngôn ông quan toà bất chính và bà goá mà chúng ta đã suy niệm tuần trước, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn các môn đệ về cuộc sống luân lý của người môn đệ. Qua đó Ngài giáo huấn về việc cầu nguyện và đặc biệt về thái độ khiêm nhường phải có khi cầu nguyện. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế là một tài liệu riêng của Luca đã thâu thập được, nhưng thánh Luca biết sử dụng dụ ngôn này trong một mục đích riêng của ông để giáo huấn các tín hữu của ông, điều này được nhận ra qua câu mở đầu : “Khi ấy Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây : “Nếu ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác...”, và với câu kết cuối cùng : “Vì tất cả những ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Bỏ hai câu này ra, thì dụ ngôn nguyên thuỷ nhằm trình bày một thái độ của con người đối với Thiên Chúa và đối với người bị loại ra khỏi xã hội như người thu thuế, đồng thời dụ ngôn cũng chỉ trích một lối xống đạo sai lầm của một số người. Tuy nhiên chúng ta cũng nhận ra một ý hướng khác mà Luca muốn nhấn mạnh, đó là việc con người được công chính hoá. Tóm lại, chúng ta có thể hiểu nội dung của dụ ngôn này như là giáo huấn về đời sống luân lý chân thực, về thái độ khiêm nhường phải có khi cầu nguyện và rồi, giáo huấn về việc công chính hoá.
Đi vào cụ thể chúng ta có được bức chân dung mô tả người biệt phái. Ở đây chúng ta nên nhớ điều này là thánh Luca không có ý đả kích nhóm người biệt phái, nhưng là đả kích bất cứ ai có một thái độ tương tự, một lối hành động giống như người biệt phái. Vì thế dụ ngôn hướng về mọi người tín hữu chớ không có ý chỉ trích người biệt phái. Bức hoạ về người biệt phái là bức hoạ mang tính cách khôi hài và châm biếm. Người biệt phái xa tránh các tội phạm nặng nề như tham lam, bất công, ngoại tình và không giống như người thu thuế được coi như là đặc trưng mọi nết xấu mà người biệt phái không muốn kể thêm ra. Đang khi đó ông đã thực hành việc cầu nguyện với lời cảm tạ Thiên Chúa, rồi tuân giữ lề luật Môisê truyền dạy như ăn chay, làm phúc bố thí.
Khi nghe kể lại các hành động này, người ta cho rằng người biệt phái này như một người công chính, người đạo đức. Nhưng phán đoán của Chúa Kitô là dầu cho người biệt phái có sống như trên, họ không được tha tội giống như người thu thuế kia. Còn bức hoạ về người thu thuế thật đơn sơ, chỉ có hành động cúi mặt và đấm ngực và chỉ có một lời nguyện khiêm nhường, là xưng thú mình là kẻ có tội. Dấu ấy là yếu tố để ông lãnh nhận được ơn thứ tha tất cả và được ơn công chính, được tha tội.
Về dụ ngôn ông quan toà bất chính và bà goá, người ta chờ mong một sự xét xử công minh của Thiên Chúa vào thời cánh chung. Còn trong dụ ngôn này, người ta nhận ra tiêu chuẩn Thiên Chúa phán xét con người là chính thái độ và hành động của con người. Sau cùng, tư tưởng về sự công chính hoá được nổi bật ở cuối cùng dụ ngôn, sự công chính này được trình bày như là một ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa ban cho con người. Vì chỉ Thiên Chúa mới có thể tha tội, chỉ Thiên Chúa mới thấu suốt mọi tâm can, chỉ Thiên Chúa mới có thể ban thưởng xứng đáng cho con người. Phần con người phải chấp nhận sự công chính này trong thái độ khiêm cung và hoàn toàn tuỳ thuộc phó thác và coi đây là ý nghĩa nguyên thuỷ của dụ ngôn.
Trong áp dụng cụ thể vào đời sống đạo đức, chúng ta lưu ý đến lời Chúa Giêsu nói để kết thúc dụ ngôn : “Ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Đời sống của chúng ta luôn có một sự đối nghịch giữa cái siêu nhiên và cái tự nhiên. Trong phạm vi tự nhiên, con người muốn nâng mình lên, muốn được chú ý tới thì trong phạm vi siêu nhiên, cái đó tự làm cho mình bị hạ xuống, bị kém giá trị. Chỉ khi nào con người kinh nghiệm được rằng việc nên công chính là ơn huệ của Thiên Chúa và chỉ khi nào họ lãnh nhận trong thái độ tuỳ thuộc vào khiêm nhường, thì con người mới thật sự được nâng lên và được thăng tiến. Và đây là điều mỗi người chúng ta cần suy tư để có thêm xác tín và để đem ra thực hành trong đời sống.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB SITE

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc
CÁC DÒNG TU 
Dòng Chúa Cứu Thế VN 
Dòng Đồng Công (Hoa Kỳ) 
Dòng Ngôi Lời 
Dòng Chúa Cứu Thế (Hoa Kỳ) 
Dòng Thánh Tâm Huế 
Dòng Lasan 
Tỉnh Dòng Đa Minh VN 
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ 
Dòng Tên Việt Nam 
Dòng Phanxicô VN 
Giáo Hoàng Học Viện Piô X ( Đà Lạt ) 
Đại Chủng Viện Huế 
Đại Chủng Viện Vinh Thanh - GP Vinh 
Đại Chủng Viện Xuân Lộc 
Dòng Thánh Thể 
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ 
Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm (Hoa Kỳ)
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế 
Dòng Mến Thánh Giá LA (gốc Phát Diệm) 
Dòng Đức Mẹ Trinh Vương 
Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời 
Dòng Đaminh Tam Hiệp 
Dòng Don Bosco 
Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa 
Dòng Thừa Sai Đức Tin VN 
Liên hiệp bề trên thượng cấp VN 
Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô 
Dòng Đồng Công (Việt Nam) 
Dòng Chúa Thánh Thần 
Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô 
Dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô - Scalabrini 
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế
Lời Chúa Hằng Ngày
Radio Công Giáo

 
Hằng Ngày

 


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây