Các bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá A

Thứ sáu - 31/03/2023 04:41
Untitled
Untitled
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá ABC Bài 093:
Thế thái nhân tình đổi trắng thay đen
 
-------------------------------------
 
Bạn thân mến,
 
Có một nhà hiền triết đi tới một đô thị, và được biết ở nơi đó có một tay nhà giàu, rất quí mến khách: Bởi bất cứ người khách bộ hành nào đến, thì cũng đều được ông ta tiếp đón và chiêu đãi, ăn uống, rất tử tế.
 
Nghe biết thế, nhà hiền triết mới thử tới, trong bộ quần áo rách rưới. Trông thấy thế, chủ nhà đã chẳng những không kính trọng, mà còn tỏ vẻ khinh miệt, và hất hủi nữa.
 
Sau đó, nhà hiền triết lại mượn được một bộ đồ tươm tất, sạch sẽ, mặc vào, rồi lại đến. Lần này, thì chủ nhà lại đon đả, tiếp đón một cách rất nhiệt tình và còn sai dọn tiệc thiết đãi khách.
 
Khi nhà hiền triết ngồi vào bàn ăn, thì ông cứ bốc thức ăn bỏ cho vào vạt áo, mà lại không cho vào miệng.
 
Thấy lạ, chủ nhà mới hỏi: “Ngài làm gì vậy ?”
 
Nhà hiền triết mới ngẩng đầu lên thong thả đáp:
 
“Hôm qua, tôi đến đây, với quần áo cũ, rách nát, thì chẳng được ăn uống gì. Hôm nay, tôi được thiết đãi linh đình thịnh soạn như thế này, chẳng qua là nhờ bộ đồ mới này, cho nên tôi phải khao cho nó một bữa”.
 
Nghe thế, ông chủ nhà ngượng quá và rồi không dám nói gì thêm gì nữa.
 
*****
 
Cái cách sử sự của nhà hiền triết, là để minh chứng cho chúng ta thấy một sự thật phũ phàng: Là tình đời đen bạc thật phủ phàng.
 
Nó đen bạc, một phần là do trên cõi đời này có lắm chuyện, lắm điều, dường như  rất khó hiểu, khó tin, khó ngờ, thế mà nó vẫn cứ xảy ra, khiến chúng ta lúng túng, không biết trước như thế nào, để mà lường, để mà đoán được nữa.
 
Phần khác, là do lòng con người quá dễ đổi trắng thay đen, đến độ không còn biết tin ai được nữa.
 
Tuy nhiên, mọi rắc rối, mọi phũ phàng đau thương, mọi hiểu lầm chống đối, chung qui đều bắt nguồn từ nơi lòng dạ con người.
 
Bởi vì, tất cả mọi sự việc ở đời, tự chúng không thể biến hóa thành trắng hay đen, nhưng do nơi con người điều khiển, khiến chúng thành trắng hay đen mà thôi.
 
Nói khác đi, một khi lòng con người đã bị nhuộm màu gian tham, độc ác, mù quáng, cố chấp, thành kiến, hẹp hòi, nông cạn, mưu mô, xảo quyệt, thì sẽ dễ dàng bóp méo hay vo tròn, để đổi trắng thay đen mọi sự theo ý mình.
 
Vì thế, không lạ lùng gì khi chúng ta thấy những phản ứng khác nhau của con người trong biến cố Chúa Giêsu long trọng vào Thành Thánh Giêrusalem hôm nay (Lễ Lá).
 
Có những người, như các môn đệ và mọi kẻ thiệt tâm, thì hoan hô Chúa thật tình.
 
Bên cạnh đó, lại cũng có những người, do bầu khí phấn khởi của đám đông, cũng a dua, hùa vào, tung hô Chúa cho vui.
 
Lại có những người, như Biệt Phái, Luật sĩ thì đả đảo, chưởi bới, căm tức, hận thù.
 
Tại sao, cũng một con người, nhất là con người đó lại là Một Ngôi Vị Thiên Chúa, không có làm chi sai trái, chỉ biết chí công vô tư, sống nhân ái hiền lành, lại khiến cho kẻ ghét người thương ? Như thế, sự đối xử đầy mâu thuẫn này không tại nơi Chúa, mà là tại do lòng con người phát sinh ra.
 
Lòng con người thật khó hiểu: Hôm nay tốt, mai lại xấu. Anh hùng can đảm có thừa, nhưng hèn nhát sợ sệt cũng không thiếu. Mới trong sạch thánh thiện đấy, lại xấu xa bẩn thỉu ngay. Như thế, sự mâu thuẫn luôn có trong con người. Ánh sáng và bóng tối luôn lẫn lộn, khiến con người nhìn đời, nhìn sự việc, cũng hay thay đổi tùy theo ý nghĩ và cảm xúc của mình.
 
Vì thế, trên con đường tin Chúa và theo Chúa, cũng như trong cách cư xử với tha nhân, nếu muốn thành công, nghĩa là muốn đi đúng và trung thành với ơn gọi làm con cái Chúa, sống đúng và làm tròn trách nhiệm công bằng, bác ái với tha nhân, thì mỗi người chúng ta phải làm thế nào, và phải sống làm sao, để phần thánh thiện, trong sạch, ngay thẳng, luôn luôn vượt trội hơn, nổi bật lên trên phần đam mê xấu xa, hư hèn tội lỗi vốn sẵn có nơi ta.
 
Vì thế, bao lâu chúng ta cứ quen thói dầm mình trong ham mê sự đời, cứ nuông chiều theo bản năng hạ cấp, là bấy lâu chúng ta, chẳng những cố tình đối xử bất công với Chúa, với mọi người, mà còn sẽ tự chuốc lấy vào thân, mọi tai họa ở đời này và đời sau.
 
Đối với Chúa, vì lười biếng, khô khăn, thờ ơ, trễ nải, chúng ta hay khinh thường lời Chúa dạy, ngạo mạn, chống lại thánh ý Ngài. Đôi khi, vì hèn nhát sợ sệt, chúng ta lại cố tình bêu xấu danh dự của Thiên Chúa, từ chối thánh danh Người trước mặt thiên hạ.
 
Còn đối anh em là những con người yếu đuối đáng thương, thế mà chúng ta cứ đan tâm đối xử ác cảm với họ, nhỏ nhen, bẩn thỉu, thành kiến, triệt hạ họ, gian tham, xảo quyệt, tranh dành quyền lợi của nhau, nghi ngờ đổ tội cho nhau, làm khổ cho nhau.
 
Như thế, phải chăng loài người là loài không  đáng tin cậy, không đáng quí trọng như người ta vẫn thường đề cao ?
 
Dĩ nhiên, không phải tất cả đều bại hoại, xu thời, hay thay đổi, nhưng vẫn còn có những con người trung kiên, một dạ, một lòng, luôn trong sáng, đầy nhân ái từ bi.
 
Nếu họ có yếu đuối, sa ngã như các Tông đồ, nhưng đã biết đứng dậy từ lầm lỗi, để làm lại cuộc đời cách tốt đẹp trước mặt Chúa, thì đáng chúng ta trân trọng biết mấy.
 
Lạy Chúa, dù cho cuộc đời có đổi trắng thay đen, dù ai có thay lòng đổi dạ, thì xin cho con luôn là người con đích thực của Chúa, luôn kiên vững trong đức tin, nồng nàn trong tình mến và son sắt trong niềm cậy trông phó thác vào Chúa, và chỉ một mình Chúa mà thôi. Amen.
 
----------------------------------
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá:
Tình yêu đáp lại hận thù
+ Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
-----------------------------------------
(Lc 22,14-23,5)
 
Ngày Lễ Lá cho ta chứng kiến những đổi thay bất ngờ của cuộc đời và của lòng người:
 
- Dân chúng vừa mới hân hoan cầm cành lá đón tiếp Chúa đã lập tức quay lại la ó kết án Chúa.
 
- Chúa Giêsu vừa mới long trọng vào thành như một ông vua, nay đã phải đứng trước toà Philatô như một tử tội.
 
- Giuđa vừa ăn chung một bánh, uống chung một chén với Thầy, đã vội vàng ra đi nộp Thầy.
 
- Các môn đệ vừa mới ngồi đồng bạn với Thầy, nay đã bỏ trốn.
 
- Phêrô vừa mới hăng hái thề sống chết bên Thầy, đã mau chóng hèn nhát chối Thầy.
 
Những biến cố dồn dập, những đợt sóng thù hận giận dữ dâng cao đến tột đỉnh như muốn nghiền nát Chúa Giêsu. Nhưng Người vẫn luôn giữ được tâm hồn bình an thanh thản, thái độ quan tâm ân cần và trái tim chan chứa yêu thương.
 
*****
 
Trước hết ta thấy Người thanh thản và chủ động bước vào cuộc Thương khó khi Người nói với các môn đệ: “Thầy ước ao dự bữa tiệc Vượt qua với các con”.
 
Trước cái chết ai cũng run sợ. Nếu chết là hết thì cái chết thật là đáng sợ. Nhưng với Chúa Giêsu, chết là về cùng Chúa Cha. Người yêu mến Chúa Cha, khao khát kết hiệp với Chúa Cha, nên Người thanh thản bước vào cuộc khổ nạn để được về cùng Cha.
 
Quân lính hung hãn đến bắt Chúa Giêsu, nhưng Người vẫn hiền hoà không kháng cự.
 
Bị vây bọc trong bầu khí sát máu, Người vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung. Không lo cho an nguy của bản thân, giữa lúc khó khăn khốn đốn vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đày tớ vị thượng tế.
 
Khi Giuđa đến hôn mặt Chúa Giêsu, Người vẫn đối xử một cách lịch sự, tế nhị. Đối lại tội phản nghịch tày trời, Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, hy vọng đánh thức lương tâm người học trò mê tiền mà đi đến phản bội.
 
Lúc đang xét xử, dù phải chịu nhục nhã cay đắng, Người vẫn quan tâm đưa mắt nhìn Phêrô. Vị đại diện các môn đệ, sau khi chối Thầy, đã nhận được ánh mắt âm thầm của Thầy. Ánh mắt hiền dịu mà đau khổ. Ánh mắt trách móc thì ít mà tha thiết van xin thì nhiều. Ánh mắt nhân từ tha thứ đã khiến Phêrô ray rứt khôn nguôi.
 
Trên đường lên Núi Sọ, dù vai phải mang cây thánh giá nặng nề, dù bản thân yếu mệt và tủi nhục, Người vẫn còn đứng lại an ủi những người phụ nữ khóc lóc, an ủi đám dân đã tố cáo, đã kết án Người.
 
Trên thập giá, lúc đớn đau đã thấm vào đến tận xương tuỷ, lúc sức lực đã cạn mòn, Người vẫn còn quan tâm lắng nghe người trộm lành.
 
Còn hơn thế nữa, Người tha thứ cho những sĩ quan, những binh lính đã hành hàn. Người không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho tất cả mọi người có dính líu vào việc xử án Người.
 
Tình yêu thương của Người là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi cả những người ghét ghen. Tình yêu thương của Người giống như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó (Fulton Sheen). Tình yêu của Người như đoá hoa sen. Bùn lầy có dậy lên cũng không nhiễm được vào đoá hoa tinh khiết thánh thiện. Tình yêu của Người là tình yêu nguyên tuyền không vẩn một chút oán hờn giận ghét, vượt lên trên tất cả những hận thù, nhỏ nhen, hèn nhát, phản bội. Giữa những hung hãn tàn bạo, Người vẫn yêu thương. Giữa những phản bội, Người vẫn tha thứ. Tình yêu của Người đã thắng.
 
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
 
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
 
1. Thời nay người ta thay đổi tất cả thật nhanh chóng. Thay đổi quần áo, giầy dép, điện thoại và cả bạn bè, vợ chồng nữa. Bạn có bị cuốn theo nếp sống thay đổi nhanh chóng này không?
 
2. Tình yêu của Chúa Giêsu đã chiến thắng. Bạn hiểu điều này thế nào qua cuộc thương khó của Chúa?
 
3. Đạo Công giáo là đạo bác ái. Bạn sống đạo như thế nào khi bị phản bội, bị oan ức và thiệt thòi?

KHAI MỞ MỘT KỶ NGUYÊN MỚI
Nói chung về các Bài Thương Khó:
Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta nghe đọc Bài Thương Khó theo thánh Mát-thêu (năm A), thánh Mác-cô (năm B), thánh Lu-ca (năm C). Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì năm nào cũng đọc Bài Thương Khó theo thánh Gio-an. Nói chung, các sách Tin Mừng kể về cái chết của Chúa Giê-su với nhiều chi tiết diễn tả những đau đớn, nhục nhã nhưng không cay đắng, oán hận, trái lại rất điềm tĩnh, tế nhị, nêu lên những nét mà những người xét xử, hành hạ, sỉ nhục Chúa Giê-su tưởng là mình thắng thế, nhưng lại vô tình làm theo những gì đã được báo trước trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, trình thuật Cuộc Thương Khó và Phục Sinh trong mỗi sách Tin Mừng cũng có những tính cách riêng và phải đọc trong mạch văn của mỗi sách Tin Mừng mới hiểu được.
Ghi nhận vài điểm trong Bài Thương Khó theo thánh Mát-thêu của năm nay:
Mở đầu Bài Thương Khó, thánh Mát-thêu viết: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá”. Nói cách tổng quát, thánh Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do Thái, nên ông quan tâm đến việc chứng minh những việc xảy đến với Đức Ki-tô đều “ứng nghiệm Lời Kinh Thánh” mà người Do Thái thường đọc.
Khi Đức Giê-su đổ máu mình ra và chết trên thánh giá, chính là lúc lập Giao ước bằng Máu của Người. Về mục đích của việc đổ máu trên thánh giá, theo cách trình bày của Mát-thêu, chỉ sau khi thánh Phê-rô tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giê-su mới nói đến việc Người phải lên Giê-ru-sa-lem, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại. Như thế, cuộc Thương Khó là con đường Chúa phải đi qua rồi mới nhận được quyền năng của Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống.
Đối với các môn đệ, trong khi người ta âm mưu giết Chúa và một người trong nhóm Mười Hai tiếp tay cho họ, thì Chúa Giê-su sai các môn đệ đi dọn lễ Vượt Qua. Trong bữa ăn này, Chúa cho nhóm Mười Hai biết là Si-môn Phê-rô sẽ chối Chúa, và một người trong các ông sẽ nộp Chúa. Người ta mưu giết Chúa nhưng Chúa dùng bàn tay sát nhân của họ để hoàn thành sứ mạng của Chúa. Chúa cũng chấp nhận sự phũ phàng là đêm nay đàn chiên của Chúa sẽ tan tác. Nhóm Mười Hai sẽ bỏ Chúa, và Phê-rô sẽ chối Chúa trước khi gà gáy: “Lúc đó gà liền gáy. Ông sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: ‘Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy đến ba lần’”. Khi nhớ lại lời ấy, “ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết”. Còn Giu-đa thì không nhớ lại lời nào của Chúa, nhưng “hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: ‘tôi đã phạm tội nộp máu người vô tội’. Họ nói: ‘Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh’”. Thế là đấp sụp dưới chân Giu-đa. Có thể nói tội Giu-đa nhẹ hơn Phê-rô, nhưng ông đã không biết khóc! Rồi sợi dây đã vĩnh viễn không bao giờ cho tiếng khóc bật lên từ cổ họng ông được nữa.
Để đi vào cuộc thương khó, Chúa Giê-su đã cầu nguyện và thưa “VÂNG” với Chúa Cha, dù “tâm hồn Thầy buồn đến chết được”. Chúa Giê-su đã chiến thắng trong cầu nguyện, nên Người hoàn toàn làm chủ tình hình: Người ra đón kẻ phản nộp và những kẻ đến bắt Người; Người vạch cho Giu-đa thấy ông ta đang làm gì; Người ra lệnh cho môn đệ không dùng bạo lực: “Hãy xỏ gươm vào bao”, hãy để cho kế hoạch của Thiên Chúa thể hiện. Trong khi bị hỏi cung, bị làm chứng gian, Chúa Giê-su im lặng. Đấng vô tội im lặng như con chiên bị đem đi làm thịt, “Người chẳng hề mở miệng”.
Về phía những người âm mưu giết Chúa, Mát-thêu ghi lại rằng các thượng tế và kinh sư phủi tay với Giu-đa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh”. Phi-la-tô rửa tay trước mặt họ: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy”. Điều này chứng tỏ những người âm mưu giết Chúa, kể cả Giu-đa, biết và nhìn nhận Chúa Giê-su vô tội. Nhưng họ không hiểu rằng máu Chúa Giê-su là “máu Giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.
Khi lính điệu Đức Giê-su đi đóng đinh vào thập giá, “chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn, chúng bắt ông vác thập giá của Người”. Thánh Mát-thêu muốn truyền đạt điều gì? Những người đã theo Chúa bấy lâu nay đều đã bỏ chạy. Chúa vô tội mà phải vác thập giá, vậy thì thập giá này là của ai? Của mỗi người chúng ta là kẻ có tội đấy! Si-môn vác thập giá là hình ảnh người môn đệ đúng nghĩa mà Chúa Giê-su đã tuyên bố là “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Khi Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng, thánh Mát-thêu ghi nhận: “Bỗng bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ”. Khi Thiên Chúa ngự xuống trên núi Si-nai thì “núi rung chuyển mạnh” (Xh 19,18). Trên núi Can-va-ri-ô, bóng tối và động đất là dấu chỉ sự hiển linh của Thiên Chúa. Với cái chết của Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã tỏ mình để khai mở một kỷ nguyên mới, trong đó Thiên Chúa thật sự “ở với chúng ta”, không còn bức màn ngăn cách như trong đền thờ của Cựu Ước. Chúa Giê-su đi vào cõi chết để tiêu diệt quyền lực của sự chết vốn ngự trị từ khi tội lỗi vào được thế giới loài người.
“Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất sợ hãi và nói: Quả thật ông này là Con Thiên Chúa”. Họ đã nhận ra sự hiển linh của Thiên Chúa. Họ là những người đầu tiên nhận ra vị anh hùng đến giải cứu. Trên một ngọn núi Thiên Chúa truyền cho Áp-ra-ham đem con lên tế lễ, Thiên Chúa hứa ban cho ông dòng dõi đông đúc và nhờ dòng dõi ông, muôn dân sẽ được chúc phúc (22,16-18). Trên ngọn núi Can-va-ri-ô, lời Thiên Chúa hứa cho Áp-ra-ham thành hiện thực. Theo thánh Mát-thêu, Chúa Giê-su đứng trên một ngọn núi để sai các môn đệ đi làm cho muôn dân thành môn đệ, bằng cách làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Người đã truyền cho các ông. Trong bữa tiệc ly, Chúa đã báo cho các môn đệ biết trước là Chúa sẽ trỗi dậy và về Ga-li-lê trước họ, hẹn gặp lại họ ở Ga-li-lê, nơi Chúa và các môn đệ đã bắt đầu sứ vụ, để lại sẽ bắt đầu.
Đó là sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, mà mỗi người chúng ta phải thi hành

Thập Giá, dấu chỉ của tình yêu và hi vọng-
Suy niệm Lễ Lá
Nghi thức phụng vụ khai mạc Tuần Thánh mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: khởi đầu là bầu khí náo nhiệt tưng bừng, kết thúc là một thảm kịch bi thương. Bài thương khó theo thánh Matthêu đưa chúng ta từ phòng Tiệc ly, đến chân thập giá và cuối cùng kết thúc nơi một nấm mồ được niêm phong. Nghe đọc trình thuật thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta cũng hoảng hốt như các môn đệ và số đông dân chúng đương thời. Có lẽ nào một người tự xưng là Thiên Chúa mà nay phải chết cách nhục nhã thương đau? Có lẽ nào một vị ngôn sứ đã từng nổi tiếng về quyền năng trong lời nói cũng như hành động mà nay phải thất bại trước mưu mô toan tính của con người? Công lý ở đâu? Phải chăng trời không có mắt? Còn biết bao vấn nạn nữa được đặt ra, trong sự hoang mang sợ hãi của những người chứng kiến. Nỗi sợ ấy lớn đến mức các môn đệ sợ hãi chạy trốn. Giây phút Chúa Giêsu chịu thương khó và chịu chết là thời điểm của quyền lực tối tăm. Bạo lực và gian dối nhấn chìm tất cả trong đau thương và bi đát.
Những sự kiện được trình bày trong Bài Thương khó, sẽ được lần lượt cử hành qua các lễ nghi của Tam nhật Vượt qua. Ngày lễ lá chỉ là khúc dạo đầu của các lễ nghi Tuần Thánh. Trong Tam nhật Vượt qua, chúng ta sẽ từng bước đi theo Chúa Giêsu từ nhà Tiệc Ly (thứ Năm Tuần Thánh) đến chân đồi Canvê (thứ Sáu Tuần Thánh). Cùng cảm nhận sự hoang mang trống vắng của các môn đệ, chúng ta đến bên mộ Chúa (thứ Bảy Tuần Thánh), rồi cuối cùng là niềm vui Phục sinh vỡ oà nơi chúng ta và các Kitô hữu trên khắp địa cầu.
Hãy trở lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Tác giả Phúc âm cũng như các độc giả gốc Do Thái nhận ra nơi Chúa Giêsu người tôi tớ đau khổ mà ngôn sứ Isaia diễn tả. Bài đọc thứ nhất Lễ Lá là Bài ca thứ ba, trong số bốn bài ca về người tôi trung của Đức Giavê. Ngôn sứ Isaia diễn tả một người bị đánh bầm dập, chịu phỉ nhổ nhạo cười mà không thẹn thùng và cũng không cãi lại. Đó là người tôi tớ trọn niềm trung kiên để thực hiện thánh ý Đức Giavê. Tương tự như thế, thánh Matthêu diễn tả những nhục hình mà Chúa Giêsu đã chịu. Những người lĩnh La Mã chế giễu Chúa và trút lên Người những trận mưa đòn trong sự ngạo nghễ của một đại quốc đối với công dân của một nước chư hầu. Họ đã biến Người thành một tên hề để giải khuây. Trong tình huống này, Chúa Giêsu vẫn nhẫn nhục. Người mang vào bản thân sự đau đớn tinh thần cũng như thể xác. Đối với một người đã có thời nổi tiếng và vinh quang, mà nay chịu nhuốc nha sỉ nhục, thì nỗi nhục càng lớn hơn gấp bội.
Trong trình thuật thương khó, đám đông dân chúng, dù không phải là nhân vật chính, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn. Mới trước đó họ cầm ngành lá để tung hô Chúa khi Chúa vào thành thánh, với sự thán phục và tự hào. Vậy mà giờ đây họ giơ cao tay để đòi Philatô giết Chúa. Họ nằng nặc đòi tha Baraba là một tù nhân khét tiếng, và đòi lên án tử cho Chúa Giêsu. Lòng thù hận đã làm cho con mắt họ trở nên mù tối. Dù biết Chúa Giêsu là người vô tội, họ vẫn tìm cớ để tố cáo Người.
Đức Giêsu cô đơn giữa một đám đông khát máu. Chặng đường thập giá cho chúng ta thấy chỉ có vài người phụ nữ bày tỏ lòng xót thương theo cảm tính nữ nhi. Các môn đệ sợ hãi chạy trốn. Những người đã trầm trồ thán phục khi Người rao giảng và làm phép lạ, nay chẳng thấy đâu. Chúa đã đón nhận thập giá trong tâm tình vâng phục Chúa Cha. Bài đọc II, trích thư của thánh Phaolô gửi giáo dân Philipphê đã diễn tả điều đó. Người đã vâng lời cho đến chết và chết trên cây thập tự.  Tuy vậy, Chúa Giêsu không kết thúc cuộc đời ở nấm mộ. Người đã phục sinh. Qua sự phục sinh vinh quang này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người. Cả trên trời dưới đất và nơi âm phủ đều phải tuyên xưng Người là Chúa.
Trình thuật thương khó không chỉ là sự kiện của quá khứ cách đây hai ngàn năm, mà còn là của ngày hôm nay. Thế giới hiện tại chính là đám đông hỗn độn năm xưa. Quả vậy, trong xã hội của chúng ta, vẫn còn đó những người vô tội bị kết án oan sai và bị giết chết. Biết bao người là nạn nhân của bạo lực, của chiến tranh, của kỳ thị. Họ là những người yếu thế trước cường quyền. Khi đọc trình thuật thương khó, mỗi chúng ta đều có thể nhận ra mình là một nhân vật trong vở kịch bi thương đó. Hai ngàn năm đã qua, vẫn còn đó một đám đông ồn ào quan điểm bất nhất. Vẫn còn đó những Philatô, những ký lục và biệt phái. Họ là những người cậy quyền thế để áp bức dân nghèo. Chúa Giêsu vẫn đang vác thập giá ngang qua cuộc đời chúng ta. Người hiện thân nơi anh chị em chúng ta, nhất là nơi những người đau khổ và bất hạnh. Chúng ta thờ ơ với những đau thương của Người, khi chúng ta thờ ơ với nỗi đau của đồng loại. Biến cố thập giá giúp ta hồi tâm để tìm lại chính mình, đồng thời xin Chúa ban sức mạnh để tiếp tục tiến bước trong hành trình cuộc đời.
Chứng kiến biến cố thập giá năm xưa, nhiều người đương thời cũng đặt ra những vấn nạn về bất công, đau khổ và về sự gian ác của con người. Hôm nay, trong cuộc sống của chúng ta, những vấn nạn đó cũng vẫn đang được đặt ra, thậm chí vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về lòng thương xót của Người. Chúng ta hãy nhìn lên thập giá Chúa Giêsu để phần nào hiểu được ý nghĩa của đau khổ. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: đã sinh vào kiếp người, ai cũng phải chết. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Những ai yêu mến và hy sinh vì tha nhân, sẽ tìm được hạnh phúc cho bản thân mình. Hạnh phúc đó, không ai lấy mất, nhưng tồn tại mãi mãi. Thập giá cũng nói với chúng ta: chính con người đang huỷ hoại đồng loại và không ngừng gây đau khổ cho nhau. Hãy ngưng bạo lực! Hãy xây đắp tình huynh đệ! Như thế đau khổ sẽ bị đẩy lui và hạnh phúc sẽ tràn đầy. Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ chúng ta trong hành trình thập giá, như chính Người đã hứa.
Trong những ngày sắp tới, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ cử hành nghi thức Tam nhật Vượt qua. Những nghi thức này, thường là khá dài, hàm chứa những ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc. Trong thinh lặng sâu lắng, chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh người Tôi tớ Giavê và suy tư cuộc khổ nạn của Người. Qua đó, cuộc đời chúng ta được biến đổi, bao dung quảng đại hơn. Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta. Người là nạn nhân của bạo lực và của vu khống. Người khiêm nhường và hiền lành giữa cơn lốc hận thù của những người đồng bào. Người chấp nhận cái chết để đem lại tự do và giải thoát cho muôn dân. Người chính là con chiên vượt qua mới, thay thế cho con chiên vượt qua cũ của phụng tự Cựu ước.
Thập giá không chỉ là biểu tượng của thương đau và thất bại, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu và hy vọng. Nếu Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, thì Người cũng đã sống lại vinh quang. Thập giá chỉ là một giai đoạn mang tính nhất thời. Đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi. Sau cơn mưa trời lại hửng sáng. Sự phục sinh vinh quang mới là đích điểm của Đức tin Kitô giáo. Thế nhưng, không chết thì làm sao sống lại? Khi tham dự các nghi thức Tuần Thánh, Giáo Hội mượn lời thánh Phaolô để kêu mời chúng ta hãy cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Người. Hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất chấp nhận mục nát để nảy nở, mọc cây và sinh hoa kết trái, chính là biểu tượng cho niềm hy vọng của chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 

 


(Mt 21,1-11)
ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG KHIÊM NHƯỜNG

 
Khiêm nhường hay còn gọi khiêm tốn, là một thái độ không khoe khoang những gì tốt đẹp về bản thân, không tự cao với những gì mình có, không tranh giành cái tốt về mình, chịu thiệt về mình vì cái lợi của người khác và nhìn nhận sự thật về chính mình. Có lẽ trong trần gian duy một mình Chúa Giêsu tự nhận mình là mẫu gương của sự khiêm nhường khi mời gọi mọi người: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
 
Trong chiều hướng đó, bài Tin Mừng được công bố trước cuộc rước lá Chúa Nhật hôm nay một phần nào đó chứng minh về sự khiêm nhường của Chúa Giêsu khi mô tả hình ảnh Người ngồi trên lưng một con lừa tiến vào thành thánh Giêrusalem. Có lẽ đây là lần đầu tiên trên hành trình làm môn đệ của Chúa Giêsu, các ông được chứng kiến cảnh Thầy mình được đoàn người đông đảo tung hô, reo hò. Các môn đệ đã rất ngạc nhiên khi thấy: “Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!" (Mt 21,8-10). Bằng hành động và bằng lời nói, đám đông nhìn nhận Đức Giêsu là Vua và là Đấng đem lại niềm hy vọng lớn lao không chỉ cho riêng họ mà còn cho cả dân tộc đang bị cai trị bởi người Rôma. Khi họ dùng lời “chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Tv 118,26), điều này cũng đồng nghĩa việc họ tuyên nhận chính Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến; Người sẽ thực hiện sứ mạng do Thiên Chúa trao phó, là mang lại cho dân phúc lành và sự trợ giúp quyền năng của Thiên Chúa. Họ tràn ngập hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ mang đến cho họ một triều đại mới giống như triều đại của vua Đavít, tổ phụ của họ. Thực ra, chính Đức Giêsu từng công bố một Vương Triều đã đến gần, nhưng đó là Nước Trời (x. Mt 4,17; 10,7) chứ không phải triều đại Đavít[1]. Nói đúng hơn, qua sự việc vào thành Giêrusalem một cách đột xuất, với vẻ bề ngoài vừa mộc mạc cỡi trên lưng lừa, nhưng lại vừa náo nhiệt như vậy, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu Người chính là Đấng phải đến, nhưng Người không phải là Mêsia mang tính cách chính trị như người ta mong đợi, một thứ nhà ái quốc xuất hiện một cách oai hùng để giải phóng dân tộc khỏi nền thống trị ngoại bang[2], nhưng là một Đấng Khiêm Nhường.
 
Cách thức Đức Giêsu đi vào Giêrusalem trên lưng lừa tương ứng một cách rõ ràng khi thánh Matthêu trích dẫn những gì đã được loan báo trong Cựu Ước: “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ. Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và hiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà  bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9,9-10). Dưới cái nhìn của thánh Matthêu, thì lúc này dân chúng đảm nhận vai trò của các thiếu nữ Xi-on mà ngôn sứ Dacaria đã loan báo. Họ vui sướng reo hò đón Người, bởi Người là Đức Vua, là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa. Tuy nhiên, vị Vua mà họ đang tung hô sẽ không phải là vị vua giải phóng dân tộc mang tính chính trị, cũng không phải là vị vua ưa thích bạo lực, chiến tranh mang tính cách trần thế. Ngược lại, bằng hình ảnh cỡi lừa tiến vào thành, Chúa Giêsu để cho dân chúng thấy Ngài chính là Vua Mêsia, Vua bình an.
 
Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu cũng đã được trình bày trong bài đọc II của Lễ Lá hôm nay khi thánh Phaolô khẳng định: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Điều này giải thích cho chúng ta rằng: tâm tình của Đức Giêsu khi đi vào Giêrusalem giữa tiếng reo hò của dân chúng chắc chắn sẽ không phải là hình ảnh oai nghi vô đối bằng một chương trình hành động uy quyền, nhưng là tâm tình vâng phục trọn vẹn trong mầu nhiệm tự hủy để đem ơn ơn cứu độ đến cho con người.
 
Đức Giêsu là Đấng Khiêm Nhường ngồi trên lưng lừa tiến vào Giêrusalem để thi hành thánh ý của Chúa Cha, cứu toàn thể nhân loại bằng giá máu của Người; cùng với lời mời gọi của Người: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), giúp chúng ta ý thức về những ơn đã lãnh nhận, để mỗi ngày sống ơn gọi làm Kitô hữu, một khi đã theo Chúa thì phải biết từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa và buông mình để cho Đức Giêsu hướng dẫn, hoàn toàn cùng với Người phó thác cho quyền năng của Thiên Chúa và cùng với Người đi vào cuộc khổ nạn đau thương.
 
 
_______________________
 
[1] x. Giuse Nguyễn Thể Hiện, Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, 2013, tr. 160.
[2] x. Chú giải Mt 21,15 của Nhóm Phiên dịch Các giờ Kinh Phụng Vụ, 2011.

 

M. Matthêu Lê Văn Viết


VÌ YÊU THƯƠNG NHÂN LOẠI

(Mt 26,14-27,66)

 

Vì yêu nhân loại lầm than, Thiên Chúa trao tặng Con Một yêu dấu là Đức Giêsu, để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, nô lệ ác thần, để trao ban sự sống thần linh, sự sống của Thiên Chúa cho con người. 

 

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sáng tạo nên trời đất, muôn vật và cả con người chúng ta nữa, cho con người làm chủ tất cả mọi loài. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Tình yêu ấy được bộc lộ nơi sự nhập thể của Con Một Ngài. Con Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị là một Thiên Chúa để xuống thế làm người, không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Sự trao ban ấy đạt tới tột đỉnh trong cuộc tử nạn và Phục sinh của Ngài, nhờ đó chúng ta được cứu độ.

 

Đức Giêsu đã sống vì yêu và đã chết vì yêu. Chính tình yêu Ngài đã nuôi dưỡng, thôi thúc biết bao thế hệ những người tin quyết tâm sống cho tình yêu Ngài, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

 

Tình yêu đòi buộc sự từ bỏ và hy sinh. Một tình yêu không hy sinh là một tình yêu trống rỗng, vô nghĩa. Hy sinh càng nhiều tình yêu càng sâu đậm. Tình yêu đích thực phải là một tình yêu biết cho đi, hy sinh và hành động.

 

Tuy nhiên, vì yêu thương mà Đức Giêsu trả một cái giá quá đắt. Vừa mới chào đời đã phải trốn sang Ai Cập, nơi đất khách quê người không ai nương tựa, để trốn khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê. Bởi đã mang kiếp phàm nhân, sống như người trần thế, nên Ngài cũng phải kinh qua đau khổ, có thể vì bệnh tật, đói khát, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị chối từ và cao điểm là những nhà cầm quyền và các Thượng tế quyết định ra lệnh bắt Đức Giêsu.

 

Trong vườn Giếtsimani, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”. Thánh Anphongsô Liguori suy niệm rằng: “Nỗi buồn này, vốn giáng xuống Chúa Giêsu Kitô trong khu vườn ấy một cách sâu sắc nhất, cũng đã giáng xuống Ngài trong suốt cuộc đời của Ngài; kể từ giây phút đầu tiên khi Ngài bắt đầu sống, đã từng thấy trước mắt Ngài những nguyên cớ của nỗi đau buồn nội tâm mình; trong số đó, nỗi đau khổ lớn lao nhất là cảnh tượng về sự vô ơn của con người đối với tình yêu mà Ngài đã bộc lộ cho họ trong cuộc Khổ nạn của Ngài[1]. Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài chẳng được đón nhận, bị chối bỏ, bị người đời khinh khi, bị người đời vô ơn, bị bỏ rơi và phản bội. Thánh Thomas Aquino đã có lý khi viết rằng: “Chúa Kitô đã phải đau khổ vì những người bạn bỏ rơi Ngài; trong tiếng tăm của Ngài, vì những lời phạm thượng ném vào Ngài; trong danh dự và vinh quang của Ngài, vì những lời nhạo báng và sỉ nhục chồng chất lên Ngài... trong tâm hồn Ngài vì buồn bã, mệt mỏi và sợ hãi[2].

 

Nhưng trong sự vô ơn, bội bạc của chúng ta, Ngài đã chọn cách chịu đựng một cách âm thầm và bất công vì lòng kiên nhẫn và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta. Ngài chỉ mong chu toàn thánh ý Chúa Cha: “Này con đến để chu toàn thánh ý” (Tv 40). Mà thánh ý Chúa Cha trao là “chén đắng”, là nhục hình, để cho chúng ta được sống hạnh phúc.

 

Ai trong chúng ta cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, bởi vậy rất khó chấp nhận với những bất công, bỏ rơi, chỉ trích, lên án, nhạo báng, sỉ nhục, vô ơn mà người khác gây ra cho mình. Trần gian mọi sự đều chóng qua, Vịnh gia đã phải thốt lên:

 

“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế” (Tv 39, 5).

 

Tóm lại, chúng ta được mời gọi sống tâm tình trở về với Thiên Chúa, trong Đức Giêsu. Nơi Ngài chứa chan mọi ơn phúc cho chúng ta được no thỏa mà thôi. Xin Chúa dẫn đưa chúng con về bên Chúa là nguồn mạch của ơn cứu độ. Amen.

 

M. Aelredo Quản

 


SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ NĂM A

Xin nêu ra mấy điểm nhấn trong bài thương khó theo thánh Matthêô hôm nay:
1)    Giuđa và các thượng tế hành động ám muội. Nếu họ làm ngay chính thì họ đi bắt Chúa ban ngày. Đàng này họ cầm võ khí với đèn đuốc đi bắt Chúa ban đêm. Giuđa dùng ám hiệu là cái hôn để nộp Thầy. Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói: “Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt ta như bắt một tên cướp? Hằng ngày Ta ngồi giảng trong đền thờ giữa các ngươi mà sao các ngươi không bắt Ta?” Rồi Các thượng tế nhóm họp xử Chúa cũng trong đêm đó. Chúa Giêsu  thường ví von đêm tối là giờ của ma quỉ.
2)    Vai trò của Giuđa: Các thượng tế rất cần Giuđa vì Giuđa chỉ điểm cho họ và  lấy cái hôn là cử chỉ yêu thương làm dấu hiệu để họ khỏi bắt sai người. Giuđa có hối hận vì đã nộp Thầy nên đem trả lại số tiền và dùng cái chết tự tử để như muốn chuộc lại lỗi lầm này. Nhưng Giuđa vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Vì thế Chúa Giêsu mới nói:”Thà nó đừng sinh ra thì hơn”
3)    Khi Chúa bước vào cuộc Thương khó, các môn đệ đã không đồng hành với Chúa: Giuđa thì phản bội, Phêrô tuy có theo dõi Chúa từ sân dinh Thượng tế nhưng lại chối Chúa cách hèn nhát: không phải trước những người có quyền hành mà trước đứa đầy tớ gái và những người thuộc hạ của thượng tế, còn các môn đệ khác thì sợ liên lụy nên đã bỏ trốn hết. Phêrô đáng trách ở tội chối Chúa nhưng ông đã sớm biết lỗi của mình và khóc lóc về tội này.
4)    Quan Philatô biết các thượng tế và nhóm Biệt phái chỉ vì ghen tương mà nộp Chúa Giêsu cho ông. Từ thâm tâm ông muốn tha Chúa, nhưng ông không vượt qua được áp lực tâm lí của đám dông Do Thái: ông cho đánh đòn Chúa Giêsu tưởng họ thấy Chúa máu me thương tích thì thương, nhưng do sự xách động của Thượng tế và biệt phái, họ vẫn la lên: “Đóng đinh nó vào Thập giá!” Tiếp đến ông dùng kế cho họ chọn tha hoặc là Chúa Giêsu hay Baraba nhưng ông không dè họ lại xin tha Baraba là tên cướp của giết người và vẫn đòi đóng đinh Chúa Giêsu, nên cuối cùng ông đã phải nhượng bộ lên án Chúa như họ yêu cầu.
5)    Nhưng Chúa Giêsu đã vâng theo ý Chúa Cha vui lòng chết Thập giá để đem ơn tha tội cho cả nhân loại. Chúng ta nhận biết mình có tội, đấm ngực ăn năn và xưng ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa như viên sĩ quan sau khi ông chứng kiến Chúa Giêsu tắt thở đã tuyên xưng để được Chúa tha tội và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Amen

 

 Lm GB Phạm Hồng Thái

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB SITE

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc
CÁC DÒNG TU 
Dòng Chúa Cứu Thế VN 
Dòng Đồng Công (Hoa Kỳ) 
Dòng Ngôi Lời 
Dòng Chúa Cứu Thế (Hoa Kỳ) 
Dòng Thánh Tâm Huế 
Dòng Lasan 
Tỉnh Dòng Đa Minh VN 
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ 
Dòng Tên Việt Nam 
Dòng Phanxicô VN 
Giáo Hoàng Học Viện Piô X ( Đà Lạt ) 
Đại Chủng Viện Huế 
Đại Chủng Viện Vinh Thanh - GP Vinh 
Đại Chủng Viện Xuân Lộc 
Dòng Thánh Thể 
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ 
Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm (Hoa Kỳ)
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế 
Dòng Mến Thánh Giá LA (gốc Phát Diệm) 
Dòng Đức Mẹ Trinh Vương 
Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời 
Dòng Đaminh Tam Hiệp 
Dòng Don Bosco 
Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa 
Dòng Thừa Sai Đức Tin VN 
Liên hiệp bề trên thượng cấp VN 
Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô 
Dòng Đồng Công (Việt Nam) 
Dòng Chúa Thánh Thần 
Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô 
Dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô - Scalabrini 
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế
Lời Chúa Hằng Ngày
Radio Công Giáo

 
Hằng Ngày

 


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây