CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A
-----------------
TIN MỪNG (Mt 11,2-11)
… Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phát phơ trước gió ư? Vậy các ngươi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.
CÂU CHUYỆN
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế.
Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu câu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).
Gioan luôn trung tín trong sứ vụ…
SUY NIỆM
Chúa Giêsu muốn đặt đối nghịch cây sậy rung rinh trước gió với sự kiên cố bất lay chuyển của Gioan. Đức tính này làm cho Gioan gần giống với ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1,17-19), một con người bất khuất, không chịu lụy trước quyền lực dù đó là quyền lực của quân vương. Sau này vì thẳng thắn trung trực nên ông đã phải chịu kiếp tù đày, và cuối cùng bị chém đầu, vì sự trung tín với sứ vụ tiền hô làm chứng cho sự thật.
Dân chúng đến xem, và nghe Gioan rao giảng sự thống hối. Gương dọn đường qua cuộc sống giản dị được lời rao giảng sám hối tác động, dân chúng dìm mình xuống dòng sông Giođan để được Gioan làm phép rửa.
Khi được hỏi ông là ai, thì Gioan tiền hô đã trả lời một cách khiêm tốn: “Tôi chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc: hãy dọn đường Chúa đến” (Ga 1,23). Khi nhận ra Đức Kitô, ông đã xác quyết: “Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài” (Ga 1,27). Ông loan báo ngày Đấng Cứu Thế sẽ đến và làm nổi bật sứ vụ Mêssia của Ngài, Gioan đã giới thiệu các môn đệ của mình đến với Đức Kitô và các ông trở thành môn đệ của Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,35-39), như tâm nguyện cả đời ông: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30).
Chúa Giêsu khen Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngài còn khẳng định: “Còn hơn một vị ngôn sứ nữa”. vị ngôn sứ cao cả mang sứ mạng như Êlia: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). Vì vậy, Chúa Giêsu nói Gioan chính là vị sứ giả từ trời, ông là “vị sứ giả” cuối cùng, được tiên tri Malachia loan báo (x. Ml 13,1).
Trong Mùa Vọng, Gioan xuất hiện với đời sống giản dị và bằng lời rao giảng sám hối dọn đường, cho chúng ta hy vọng tràn đầy vào Đấng Cứu Thế đang đến làm cho tâm hồn của chúng ta hy vọng và tình yêu, như lời của Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Philipphê: “Anh em hãy vui lên! Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên” (Ph 4,4). Thật thế, Mùa Vọng với sắc tím của màu áo mang ý nghĩa sự sám hối, sám hối cõi lòng, của buồn sầu khắc khổ lo âu với hình ảnh hoang mạc, cảnh lưu đầy cùng với lời cầu nguyện kêu cứu van lơn: “Trời cao hãy đổ sương xuống… Mây ơi mưa Đấng Cứu Tinh…” (Is 45,8).
Ý LỰC SỐNG
“Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi” (Is 35,3-4a).
SUY NIỆM PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A (11/12/2022)
---ooOoo---
KỂ CHUYỆN THIÊN CHÚA VÀ CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ LÀM
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Vì Chúa Giêsu Kitô là vị thiên sai của Thiên Chúa, nên thân thế và họat động của Ngài đã được các ngôn sứ loan báo trước nhiều năm, nhiều thế kỷ. Khi Chúa Giêsu đến trần gian thì Người cần phải thực hiện những việc mà các ngôn sứ đã loan báo. Thắc mắc và câu hỏi của Gioan Tiền hô "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?" là thắc mắc và câu hỏi của mọi người Do-thái. Đó cũng là thắc mắc và câu hỏi của tất cả dân chúng ngày hôm nay. Chúa Giêsu đã giải đáp thắc mắc và câu hỏi của Gioan và người Do-thái xưa. Các Kitô hữu chúng ta phải giải đáp thắc mắc và câu hỏi của dân chúng ngày nay. Ước gì mỗi người chúng ta đều có thể "thuật lại những gì chúng ta nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 11,2-11: Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".
Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: 'Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con'. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 11,2-11:
3.1 Chúa Giêsu chứng tỏ Người là Vị Thiên Sai của Thiên Chúa bằng những việc làm cứu độ: đó là "người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó". Những việc kể trên được cả 4 Phúc âm ghi lại. Những việc kể trên còn được tái hiện trong lịch sử Hội Thánh và nhân loại, vì Chúa Giêsu vẫn sống và vẫn tiếp tục hoạt động, tiếp tục cứu độ con người. Chỉ cần chúng ta tỉnh thức và dùng con mắt đức tin thì sẽ thấy những việc làm cứu độ ấy!
3.2 Các Kitô hữu chứng minh mình là môn đệ của Chúa Giêsu bằng những việc làm giúp người: Khi nói về ngày Phán Xét, Chúa Giêsu Kitô chỉ tra hỏi mỗi người là đã làm gỉ cho Người? mà những việc mỗi người làm cho Người lại chính là những việc mỗi người làm (hay không làm) cho những người bé mọn của Chúa là những người mù lòa, què quặt, đói rách, bênh tật, tù đầy (đọc Mt 25). Thế có nghĩa là bằng những việc làm giúp người, Kitô hũu chúng ta chứng minh mình là môn đệ đích thực của Chúa Kitô!
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã cứu giúp mọi người, nhât là người nghèo. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
1.- «Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho càng ngày càng có nhiều người thắc mắc và tìm tòi về Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy tích cực giúp người khác nhận ra chân dung của Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho giáo dân trong giáo xứ chúng ta và trong các giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết noi gương bắt chước Gioan Tiền Hô mà dọn đường cho Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng t2 cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Vì có lời chép về ông rằng: 'Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con'. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho các chiến sĩ tông đồ đễ họ vững tin và chu tòan vai trò giới thiệu Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho chúng con; Người muốn chúng con nhận ra Người nhờ những việc cứu độ mà Người đã thực hiện.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con nhiều ơn sủng để chúng con tích cực cứu giúp mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 10 tháng 12 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
MỪNG VUI LÊN
“Mừng vui lên Sion! Này đây Chúa ngươi đến rồi!
Mừng vui lên Sion, Ngài khấng nghe lời ngươi đó!
Ngài dẫn đưa ngươi qua những hố sâu, qua núi đồi,
Về nơi an vui, nơi suối mát đẹp tươi…”
LM. Thành Tâm
(Trích từ bài thánh ca “Vui lên, Sion”)
***
Bạn thân mến! “Mừng Vui Lên” là chủ đề phụng vụ trong Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng hôm nay. Phụng vụ với màu tím bao trùm mùa Vọng. Trong Mùa Vọng, người Kitô được mời gọi sám hối để lãnh nhận ơn giao hòa với Thiên Chúa. Nhiều người ngại xưng tội, ngại đào bới lại quá khứ. Xưng tội mang dáng dấp của một cái gì buồn thảm! Thật ra bí tích Hòa Giải là một điều tươi vui hơn nhiều. Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ, mà còn là hướng đến tương lai với nhiều hy vọng. Sám hối còn có màu hồng như màu áo lễ trong Thánh lễ Chúa nhật hôm nay.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại rằng: Khi dân chúng đến với Gioan, nhận phép rửa sám hối, họ đã hỏi ông: “Thưa Thầy! Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc.3:10). Cả những người thu thuế và binh lính cũng hỏi những câu tương tự.
Tôi phải làm gì đây? Gioan đã trả lời một cách thật rõ ràng. Đối với người thu thuế, ông bảo họ: ”Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc.3:13). Ông cũng bảo các binh lính: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình." (Lc.3:14).
Tôi phải làm gì đây? Phải chăng Gioan muốn mời gọi ta thay đổi cuộc sống, nhắn nhủ ta phải ăn năn sám hối. Sám hối không phải chỉ là một cảm xúc mông lung, xa rời thực tế. Sám hối đích thực dẫn đưa ta đến một hành động cụ thể. Sám hối là sống bác ái, có hai áo chia cho người một. Nhường cơm sẻ áo là ra khỏi nỗi bận tâm về mình. Sám hối là sống công bằng, không tham lam vơ vét, không dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức ai. Sám hối là hết nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực.
Trong niềm trông chờ Chúa đến, Gioan nhắn nhủ ta dọn đường cho Chúa đến bằng sám hối ăn năn, ông mời gọi ta chỉnh đốn lại con đường đến với Chúa và với tha nhân. Trở về với Chúa diễn tả qua việc trở về với anh em. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề ô nhục, cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê. Ông cũng không bảo họ lên đền thờ dâng lễ đền tội, hay vào hoang địa sống nghiêm ngặt như mình. Họ cứ làm nghề của họ, nhưng với một tinh thần mới, một hành động mới … Phải chăng sám hối và thay đổi cuộc sống là bước đầu chuẩn bị cho Chúa đến và cũng là ngưỡng cửa bước vào sự hiệp thông với Người.
Trong dân chúng thời bấy giờ, Gioan cao trọng đến nỗi người ta đã có thể coi ông là Đấng Thiên Sai. Nhưng Tin Mừng hôm nay thuật lại hành động khiêm nhường của Gioan, ông đã tự hạ trước sự cao cả của Đấng Thiên Sai mà ông chỉ đóng vai là kẻ dọn đường cho Ngài:"Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”(Lc.3:16). Vì là kẻ dọn đường nên ông phải nhỏ bé đi để Đấng Thiên Sai được lớn lên.
Hôm nay trong thinh lặng, ta cần lắng đọng tâm hồn và thưa với Chúa: Con phải làm gì để dọn lòng đón Chúa đến trong mùa Giáng Sinh này? Con phải làm gì để luôn luôn sẵn sàng đón Chúa đến, nhất là trong ngày sau hết của cuộc đời con ?
***
Lạy Chúa! Rất nhiều lần con chỉ nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Xin cho con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ. Xin giúp con dọn dẹp tâm hồn, để hạt giống Lời Chúa được lớn lên trong con.
Và Lạy Chúa! Xin giúp con biết sám hối ăn năn, biết thay đổi cuộc sống, biết quay về với Chúa trong mùa Giáng Sinh này, và trong suốt cuộc đời con . Amen
Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Xp 3,14-18a; BĐ2: Pl 4,4-7; PÂ: Lc 3,10-18)
CHÚA NHẬT III MV A: VUI LÊN NÀO! VÌ CHÍNH THIÊN CHÚA SẼ ĐẾN CỨU ANH EM
Trong năm vừa qua, Đức Thánh Cha đã có những chuyến tông du đến nhiều quốc gia vùng miền khác nhau, gần đây là chuyến thăm quốc gia Hồi giáo Bahrain. Một đặc điểm chung có thể thấy trong các cuộc viếng thăm này, đó là niềm hân hoan vui mừng của các quốc gia được đón tiếp Đức Thánh Cha. Mỗi nơi, theo các tập tục văn hoá của mình, từ nguyên thủ quốc gia đến những người dân đều thể hiện niềm vui mừng chào đón Đức Thánh Cha. Từ người lớn đến trẻ nhỏ hò reo, ca hát và đặc biệt họ nhảy múa những điệu múa truyền thống để bày tỏ lòng kính trọng, hiếu khách của mình.
Hôm nay bước vào tuần lễ thứ ba mùa Vọng, phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta một bầu khí hân hoan vui mừng và mời gọi chúng ta hãy vui lên vì Chúa đã đến gần. Chúng ta được mời gọi vui lên vì trong hai tuần vừa qua, Lời Chúa giúp ta tích cực thay đổi lại cách sống cũng như đã chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa. Giờ đây, với tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát chúng ta được mời gọi hân hoan vui mừng vì chắc chắn Chúa sẽ đến, sẽ đem niềm vui ơn cứu độ cho chúng ta.
Dường như xã hội ngày nay đang quá nhiều những cuộc vui; vậy, Lời chúa kêu gọi hãy vui lên, liệu có dư thừa không? Thưa quý OBACE, thực ra xã hội chúng ta đang sống không có niềm vui, trái lại chỉ có ồn ào, sôi động, kèm theo một cuộc sống tất bật nhưng trống rỗng, buồn chán. Niềm vui mà Lời Chúa kêu mời chúng ta đó là niềm vui của ơn cứu độ, là được hạnh phúc đời đời. Niềm vui này hoàn toàn khác với những thú vui của thế gian. Những hình ảnh tiên tri Isaia gợi lên hôm nay cho thấy một sức sống đang hồi sinh, thế giới như sa mạc khô cằn nay trở nên xanh tốt nở hoa, thế gian đang chìm ngập trong bóng tối nay đầy tràn ánh sáng. Vị tiên tri lên tiếng kêu gọi: “Vui lên nào hỡi sa mạc và đồng cỏ khô cháy, hãy mừng rỡ trổ bông. Núi Libăng sẽ phủ lên ánh sáng huy hoàng. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa.”
Lý do mọi người, mọi vật và muôn loài phải hân hoan vui mừng vì Thiên chúa sẽ xuất hiện, sẽ cứu độ muôn loài. Đấy chính là lý do quan trọng nhất, sâu xa nhất đem đến niềm vui cho nhân loại. Nếu những ồn ào, sôi động của thế gian chỉ có thể đem đến những cuộc vui chóng qua, thì niềm vui ơn cứu độ Thiên Chúa mang đến sẽ là niềm vui sâu thẳm từ trong tâm hồn toả lan ra bên ngoài: trên gương mặt, trong cuộc sống và chi phối cuộc đời con người. Vị tiên tri đã diễn tả niềm vui biến đổi này bằng những hình ảnh cụ thể: “Những bàn tay rời rã sẽ nên mạnh mẽ; những đầu gối bủn rủn sẽ nên vững vàng; những người nhát đảm sẽ nên mạnh mẽ.”
Niềm vui ơn cứu độ mà Thiên Chúa đem đến cho nhân loại không phải là ở tương lai, mà đã và đang diễn ra trong hiện tại, đang sinh hoa kết trái trong tâm hồn con người. Ơn cứu độ ấy sẽ là ơn giải thoát con người khỏi sự trói buộc của ma quỷ, khỏi tội lỗi và bệnh tật của thể xác lẫn tâm hồn, đem lại tự do và hạnh phúc tròn đầy: “Thiên Chúa sẽ là Đấng thưởng công phạt tội. Chính Người sẽ cứu anh em. Mắt người mù được mở ra, tai người điếc được nghe, người què sẽ nhảy nhót như nai.”
Tuy nhiên, việc nói về Đấng Cứu Độ và việc tin vào Đấng Cứu Độ là hai việc khác nhau. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthew cho thấy điều quan trọng là tin vào Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ. Niềm tin này sẽ đem đến sự sống, sự biến đổi và niềm vui. Chính Gioan Tiền Hô cũng phải trải qua giai đoạn từ việc loan báo về Đấng Cứu Thế để bước sang giai đoạn tin vào Đấng Cứu Thế.
Lúc đó Gioan đang bị tù, ông nghe biết những việc Chúa Giêsu đã làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi phải đợi ai khác?” Phải chăng Gioan đã có chút nghi ngờ về vai trò của Đức Giêsu? Thưa, có lẽ không phải Gioan nghi ngờ cho bằng ông muốn củng cố thêm niềm xác tín của ông và của các môn đệ vào Đức Giêsu. Với những lời của Isaia nói về niềm vui ơn giải thoát mà Đấng Cứu Thế mang đến, cùng với những lời rao giảng mạnh mẽ của Gioan về việc Đấng Cứu Thế sẽ ra tay sảy sạch sân lúa của Người, Gioan dường như sốt ruột vì chưa thấy Chúa Giêsu ra tay. Thế nên, Gioan muốn hỏi Đức Giêsu lại một lần nữa để lòng tin của ông không bị dao động trong khi thân xác ông đang bị cầm tù.
Đức Giêsu đã lấy lại những lời Isaia tiên báo (trong bài đọc một) để trả lời cho môn đệ Gioan: “Các anh cứ về thuật lại những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn cho Gioan thấy rằng, những lời tiên báo của Isaia đang ứng nghiệm; niềm vui ơn giải thoát đã được ban tặng cho nhân loại. Cách gián tiếp Chúa Giêsu khẳng định cho Gioan để ông tin một cách chắc chắn hơn nữa, sứ mạng của ông đã hoàn tất, ơn cứu độ đã được Thiên Chúa thực hiện, nhân loại đang bước vào một thời đại mới, thời của tự do, thoát khỏi ràng buộc của ma quỷ, đau khổ, tội lỗi và sự chết; thời của vui mừng và hân hoan.
Sau khi môn đệ của Gioan đi rồi, Chúa Giêsu đã hết lời khen ngợi Gioan và lấy ông như là tiêu biểu, gương mẫu cho những người đón nhận thời đại mới của Đấng Cứu Thế. Gioan đã dám khước từ lối sống buông thả, dễ dãi của xã hội đương thời để sống một cuộc sống nhiệm nhặt. Ông đã chu toàn sứ mệnh của mình là trở thành kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế, là người đã dám sống và chết cho niềm tin và sự thật. Ông khiêm nhường hạ mình xuống để cho Chúa được lớn lên, biết rút lui để nhường đường cho Đấng ông tiên báo. Cuối cùng, ông đã chấp nhận cái chết vì bênh vực sự thật và vì những lời ông rao giảng. Cũng vì thế, Đức Giêsu đã nói về Gioan: “Trong số những người được sinh ra, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan.”
Thưa quý OBACE, chúng ta đang sống trong những ngày vui mừng chuẩn bị đón chờ đại lễ Chúa Giáng Sinh. Lời Chúa hôm nay mời gọi hãy vui lên vì ơn cứu độ Chúa đã ban tặng. Nhưng trong thực tế, nhiều người, nhiều gia đình đang đánh mất niềm vui trong cuộc sống. Những khó khăn đau khổ vì vợ, chồng, con cái, vì bệnh tật, đang làm cho nhiều người trở nên héo hắt, gia đình trở nên nặng nề. Nhiều người khác không thể sống vui vì cuộc sống còn quá nhiều bừa bộn bởi đam mê, tật xấu và những ràng buộc lôi kéo của ma quỷ tội lỗi, thói quen xấu. Nói cách khác, nhiều người đã đánh mất niềm vui nụ cười là vì không còn nhận ra sự hiện diện đồng hành của Chúa; cảm thấy cuộc sống nặng nề, bế tắc bởi vì đã lâu ngày không đọc kinh cầu nguyện, không mở lòng ra với Chúa. Nhiều người, nhiều cha mẹ đang tìm cách lấp đầy sự buồn chán trong tâm hồn và gia đình bằng rượu chè, cờ bạc và các hình thức bận rộn khác.
Có nhiều bạn trẻ ngày nay đang tìm thật nhiều những thứ ồn ào bên ngoài để lấp đầy sự buồn chán thiếu thốn trong tâm hồn. Sự buồn chán thể hiện qua bên ngoài bằng các hình thức trầm cảm, bế tắc hoặc ngược lại là lao mình vào những chốn vui chơi ồn ào, nấp mình vào công nghệ, vào nghiện ngập, công việc hầu quên đi sự trống rỗng trong tâm hồn của mình.
Để tìm lại được niềm vui trong tâm hồn và có thể nhảy múa hân hoan, cần phải thực hiện những điều Chúa chỉ cho chúng ta. Mỗi người hãy mạnh dạn trở lại với căn phòng tâm hồn của mình, quét dọn những rác rưởi bẩn thỉu bằng Bí tích Giải tội; thắp sáng căn phòng tâm hồn bằng ánh sáng của Tin Mừng; mời Chúa đến trong tâm hồn qua việc tham dự Thánh lễ và rước lễ; để cho Lời Chúa cắt tỉa và hướng dẫn đời sống, chúng ta sẽ tìm lại được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
Bên cạnh đó, cần can đảm để điều chỉnh, sửa lại những tương quan với người bên cạnh: vợ, chồng, con cái, láng giềng, … nhìn nhận những sai lầm khiếm khuyết của bản thân, sẵn sàng xin lỗi và khắc phục những sai phạm. Khi thực hiện như thế, chúng ta sẽ nối lại mối dây hoà thuận với anh chị em. Thêm nữa, là hãy mạnh dạn mở rộng trái tim, mở rộng đôi tay để có thể đón nhận, cảm thông và chia sẻ với anh chị em chung quanh. Niềm vui của sự chia sẻ cũng là niềm vui thiêng liêng thánh thiện giúp cho cuộc sống chúng ta thêm vui tươi, phấn khởi.
Xin Chúa Giêsu - Đấng đã đến đem niềm vui và sự giải thoát cho nhân loại, giải toả khỏi chúng ta sự buồn chán và ban lại cho chúng ta niềm vui thánh thiện của Ngài trong tâm hồn. Amen.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A
-----------------
Ý LỰC: “Hãy vững lòng, vì Thiên Chúa gần đến.” (Gc 5,9)
Hôm đó, Nathaniel Howthorne, một văn hào Mỹ, đã trở về nhà với một trái tim tan vỡ, anh nói với Sophia, vợ anh: Anh không thể làm gì được nữa! Tất cả cố qắng và công việc của anh đã tan thành mây khói! Sophia thấy chồng thất vọng. nàng nói: “Thế thì bây giờ anh có thời gian viết sách đấy!”
Nhưng Nathaniel trả lời: “Chúng ta sẽ sống bằng gì trong thời gian anh viết sách đây?”. Sophia mở ngăn kéo, lấy ra một số tiền lớn trước sự ngạc nhiên của chồng. Anh la lên: “Làm sao em có số tiền khổng lồ này?” Nàng đáp: “Em luôn biết anh luôn là nhà văn thiên tài, em tin rằng một ngày nào đó, anh sẽ viết được một kiệt tác. Vì thế em đã tiết kiệm số tiền này, và bây giờ chúng ta có đủ tiền để chi dùng đến cuối năm.
Và tác phẩm “The Scarlet letter” đã ra đời.
Sophia đã mang đến cho Nathaniel một cuộc sống mới. Isaia cũng loan báo ngày Đấng cứu thế đến cho nhân dân Israel là họ đang gặp cảnh khốn cùng (BĐ1). Chúa Giêsu cũng cho Gioan tiền hô biết sự có mặt của nước Chúa dù ông đang ngồi tù (TM). Thánh Giacôbê cũng khuyên cộng đoàn Kitô hữu hãy vững lòng vì chắc chắn Chúa sẽ đến (BĐ2).
Chúng ta đang sống trong một Xã hội nhiều phức tạp và lo âu, nhưng hãy vững lòng vì Chúa đã đến và sẽ đến.
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
NIỀM VUI CÓ CHÚA Ở CÙNG
Mt 11,2-11
-----------------
CHÚA nhật thứ ba Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống niềm vui, niềm hy vọng ngày Đấng Cứu thế đến gần, còn được gọi là “Chúa nhật hồng giữa mùa tím” bởi lẽ niềm mong đợi Đấng Cứu thế của nhân loại đã lên đến đỉnh điểm, chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ đến nên niềm mong chờ từ khi khởi đầu Mùa Vọng giờ đã ở ngay bên: Hãy vui lên, hãy vui lên trong Chúa. Hãy vui một niềm vui đích thực, niềm vui trong Chúa, niềm vui có Chúa ở cùng.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho ta thấy hai hình ảnh: hình ảnh của Đức Giêsu, Ngài chính là Đấng Mêsia qua những xác tín của Gioan Tẩy Giả và hình ảnh của chính Gioan Tẩy Giả, được Đức Giêsu phác họa khi giới thiệu ông với đám đông dân chúng.
ĐẤNG CỨU THẾ MUÔN DÂN MONG ĐỢI
Dung mạo của Đức Giêsu được phác họa qua thắc mắc của Gioan Tẩy Giả: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tội còn phải đợi ai khác?”.Câu hỏi này có vẻ đi ngược lại với những gì Gioan đã rao giảng và xác tín trước đây. Khi làm phép rửa tại sông Giodan, Gioan Tẩy Giả đã khẳng định Ngài là Đấng Mêsia. Ông đã rao giảng cho nhiều người biết là Đức Giêsu như vị thẩm phán, thực hiện những điều ông loan báo” Cái rìu đã đặt sát gốc cây (Mt 3,10); Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi (Mt 3,12). Thế nhưng sau một thời gian dài nhìn thấy những gì Chúa Giêsu đã làm khác với những gì ông đã loan báo và hành động của Đức Giêsu không giống như một vị quan tòa xét xử dân thì Gioan Tẩy Giả lại nghi ngờ về chính những gì ông loan báo.
Khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả tới, Chúa Giêsu đang chữa nhiều người mù, què, câm điếc… và họ chứng kiến tận mắt các phép lạ của Người. Vì thế, câu trả lời của Đức Giêsu chính là những gì các môn đệ của Gioan đang thấy: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Đó chính là chân dung đích thật của Đức Giêsu, Ngài là sứ giả hòa bình, luôn đem bình an và tình yêu, lòng bao dung quảng đại đến cho nhân loại chứ không như một vị quan án đến xét xử dân. Ngài đến để cứu thoát dân khỏi ách nô lệ tội lỗi, để nâng con người trỗi dậy chứ không đến để trừng phạt. Ngài đến để trao ban sự yêu thương chứ không phải là hận thù, ghét bỏ. Ngài đến để ban Tin Mừng cho nhân loại và đó là niềm vui, niềm hy vọng của dân Do Thái xưa và của chúng ta ngày nay.
Sống niềm hy vọng đó, chúng ta được mời gọi mở lòng ra đón tiếp Ngài. Chúng ta có thể nhận ra chân dung đích thật của Ngài khi chúng ta sống khiêm nhường, bác ái biết quan tâm đến lợi ích chung mà gạt bỏ những gì mang lại cho chúng ta những lợi ích cá nhân. Chúng ta cũng cần cây dựa vào lòng thương xót của Chúa và nhận biết Ngài khi thay đổi nhãn quan của chính mình về hình ảnh của Ngài: một Thiên Chúa yêu thương và giàu lòng tha thứ.
GIOAN TẨY GIẢ VỊ CHỨNG NHÂN GIAO THỜI
Trước mặt dân chúng, Đức Giêsu đã hết lòng khen ngợi Gioan Tẩy Giả, một người lâu nay ẩn mình trong hoang địa, sống đời sống khổ hạnh, nhiệm nhặt để rao giảng về Đấng Cứu Thế sẽ đến giải thoát dân khỏi ách nô lệ tội lỗi: “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Lời giảng của Gioan tuy không hợp với tâm tư của người Do Thái lúc bấy giờ nhưng lối sống giản di và đời sống nhiệm nhặt của Gioan Tẩy Giả là một lời chứng sống động vể Đấng sẽ đến. Đời sống thánh thiện và giản dị của ông có ảnh hưởng to lớn đối với dân chúng, có sức hấp dẫn mọi người và làm cho họ coi ông như một tiên tri hay một vị thiên sai phải đến. Dưới nhãn quan của Thiên Chúa, những điều nhỏ bé đơn sơ lại là những điều cao cả.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta tưởng nghĩ đến những việc lớn lao, những công trình để đời; chúng ta tìm kiếm những vị trí quan trọng theo cái nhìn trần gian, mong muốn sở hữu những khối tài sản kếch sù…, và rồi chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa dựa trên khả năng của mình, dựa trên của cải và địa vị mình đang có. Chúng ta không biết rằng Thiên Chúa cần đến tấm lòng đơn thành của chúng ta cũng như cách thức ta mở lòng đón nhận Ngài. Một trong những nhân đức khiến Gioan Tẩy Giả trở nên chứng nhân đích thật là nếp sống giản dị, thánh thiện và khiêm nhường. Chính đức khiêm nhường làm cho ông trở nên chứng nhân cho Đức Kitô. Chúng ta học nơi Gioan Tẩy Giả đời sống khiêm nhường, khiêm tốn nhìn nhận tương quan của mình với Chúa, biết giá trị của mình, nhận ra sự thật nơi mình và tôn trọng người khác. Thực hành được như vậy chúng ta sẽ đón nhận niềm vui thật khi có Chúa ở cùng.
MÙA VỌNG – HY VỌNG
Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
Vọng là trông, là đợi, là chờ, là đón…
Khi nàng chờ đợi người yêu trong hò hẹn, mong chàng mang cho mình được niềm vui được tìm thấy trong tình yêu. Mong chờ đến hôn nhân trong tương lai được hạnh phúc, bản thân nàng mong được che chở dưới cánh tay rộng mở và lòng can đảm của người mình yêu…
Cha mẹ chờ đợi người con đi xa trở về, hy vọng được luôn mạnh khỏe bình an và gia đình được đoàn tụ dưới mái ấm trọn vẹn tình thương.
Người vợ ngóng trông chồng mình đang chinh chiến bảo vệ quê hương hay làm việc phương xa, ngày tao phùng trở về, mong được gia đình đoàn tụ trong hạnh phúc bình an:
“…Hẹn ngày lấp lánh vinh quang lại về…
Một trời hạnh phúc giữa tầm tay ta”.
(Trăng Thập Tự, Ma-ra-na-tha, Ngày chinh phụ trở về)
Con thơ ngóng mẹ về từ phiên chợ sáng, mong có phần quà cho mình như là chờ đợi tình thương của lòng mẫu tử.
Những người con chờ mong ba má từ phương xa trở về, hay đoàn tụ bao năm xa cách, họ ngóng trông sự trọn vẹn lòng phụ tử, tình mẫu tử tạo ra mái ấm gia đình trọn vẹn bảo bọc cho con trẻ…
Vâng, mọi sự chờ đợi đều mang một sứ điệp hy vọng, hy vọng mình sẽ được thêm gì đó trong cuộc sống hôm nay và ngày mai… Đó là ý nghĩa nhân văn của sự chờ đợi trong cuộc sống thường ngày.
Mùa Vọng chờ đón Chúa đến, cũng mang một sứ điệp hy vọng. Chờ đón biến cố trong năm Phụng vụ: Mừng Chúa Giáng Sinh, Vị Hoàng Tử Hòa Bình sẽ mang bình an cho nhân loại như lời Gloria của các Thiên Thần:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”
(Lc 2,14)
Vì thế đêm Giáng Sinh người người trao cho nhau lời chúc bình an, và dịp lễ No-en gửi cho nhau những cánh thiệp với những lời chúc tốt đẹp nhất. Mùa Vọng cần chuẩn bị chờ đón Chúa Hài Nhi đến trong tương lai khi Ngài quang lâm. Chúng ta – những người chờ đợi với hy vọng được Ngài đón vào Vương quốc vĩnh cửu, chia sẻ tình yêu bất diệt với Đấng nguồn Tình Yêu. Cho nên vạn vật, người người ngóng trông:
“Giữa nỗi bàng hoàng của đêm đen
Trời đất căng lên chờ đợi
Một buổi Bình Minh tuyệt vời”
(Trầm Tĩnh Nguyện, Chờ Sáng)
Vâng, Mùa Vọng là mùa hy vọng tràn đầy, hy vọng nơi Hài Nhi Giáng Sinh, nơi Đấng Thiên Sai sẽ đến. Niềm hy vọng không chỉ ở “thì tương lai” vào Chúa quang lâm trong ngày sau hết mới bắt đầu ló dạng, nhưng niềm hy vọng được thực hiện bắt đầu “thì hiện tại” được thực hiện ngay trong sự đợi chờ của mọi người tín hữu, nơi người sẵn sàng tỉnh thức, mở lòng sám hối để chuẩn bị đón Chúa đến. Niềm hy vọng đó là câu trả lời của Chúa Giê-su đến với các môn đệ của Gio-an về Đấng phải đến khi nhân loại trông chờ: “Người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta” (Mt 11,5-6). Chính niềm hy vọng này mà Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo trước: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,5-6). Vì thế, vị ngôn sứ I-sai-a luôn kêu gọi mừng vui lên khi chờ đón Đấng Thiên Sai: “Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỉ vui mừng bởi được Người cứu độ” (Is 25,9).
Đó là niềm vui và hy vọng vào Đấng Thiên Sai, niềm hy vọng luôn nối tiếp cho nên Thánh Phao-lô đã hân hoan kêu gọi mọi người tín hữu sống vui trong sự chờ đợi của Mùa Vọng: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5). Lời này được đặt làm lời đầu tiên của Chúa Nhật III Mùa Vọng, vì thế Mùa Vọng không chỉ dừng lại với màu tím của đợi chờ hay màu tím của lòng sám hối mà còn là Mùa hy vọng vui lên. Cho nên phụng vụ của Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng là Phụng vụ niềm vui, Chúa Nhật của Mừng vui lên với màu rất đặc biệt là màu hồng: Màu của sự vui mừng và hy vọng, Chính niềm hy vọng đã làm màu tím sám hối trở nên màu hồng của niềm vui. Niềm hy vọng mà dân Chúa đã luôn chờ mong như Thánh Vịnh đã kêu cầu:
“Tôi mòn mỏi trông chờ Chúa cứu độ,
và tôi tin tưởng ở lời Ngài.
Tôi mòn mỏi trông chờ Chúa
hơn người lính gác mong chờ hừng đông”
(Tv 130)
Ơn cứu độ đang đến và Đấng Thiên Sai đang ở giữa nhân loại để bắt đầu thực hiện ơn cứu độ trong Mùa Vọng hiện tại, nhưng chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Ngài trong đời mình vì ta thiếu thức tỉnh nên thánh Gio-an quả quyết: “Giữa các ngươi có một Đấng mà các ngươi không biết” (Ga 1,26). Ngài đang hiện diện chia sẻ với chúng ta niềm trông đợi. Trong Mùa Vọng ta đợi Đấng Thiên Sai, Ngài cũng đợi ta và Ngài cũng luôn sẵn sàng chữa lành cho những người mang tâm tình Mùa Vọng. Tâm tình đó như Đức Ki-tô chỉ dạy: Phải luôn sẵn sàng tỉnh thức và sám hối:
- Tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ trong cuộc đời mình mà Thiên Chúa thi ân. Cái thức tỉnh mà con người hôm nay thiếu, nên thường mê ngủ trong những đam mê trần thế. Vâng, thức tỉnh để nhận rõ đâu là cơn say của cuộc đời đang níu kéo ta lại bằng những nét đẹp và hạnh phúc phù du. Thức tỉnh để nhận ra “Em-ma-nu-en – Thiên Chúa ở giữa chúng ta” và đâu là hồng ân Ngài trong cuộc đời, là dấu chỉ, la bàn cho ta cất bước đi theo.
- Trong tỉnh thức, phải không ngừng sám hối, sám hối những việc chưa tốt mà mình đã lỡ vấp phạm. Sám hối là bước đầu để chữa lành tâm hồn. Sám hối là tin vào Thiên Chúa, chứ không dựa vào quyền năng riêng của con người. Là tự đặt vào trong bàn tay nhân ái của Thiên Chúa, chính Ngài chăm sóc băng bó những vết thương tâm hồn do tội lỗi gây ra, Ngài băng bó chữa lành như mục tử chăm sóc chiên. Sám hối hoàn toàn tuân phục và chịu tác động của ơn tha thứ, chịu sự khuất phục nơi Tình Yêu mà chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trong sám hối, đặc biệt là Bí Tích Hòa Giải. Trong Bí Tích tình yêu này, tâm tình của tôi của bạn như tâm tình của Rabindranath Tagore: “Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi”. Vâng, sự ràng buộc với thế gian tan rã để gắn bó cuộc đời với Thiên Chúa.
- Trong tâm tình hòa giải, chính Đấng tha thứ sẽ đến hàn gắn những vết thương trong cuộc đời của người sống Mùa Vọng hôm nay: Tỉnh thức và sám hối. Ngài chữa lành vết thương lòng trong cuộc đời của họ, đó là những vết thương bất hòa giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ, anh chị em và con cái không cùng cái nhìn, suy nghĩ do sự khác biệt của tuổi tác, thế hệ,… Vâng, Ngài đến trong cung lòng người tín hữu sống tâm tình Mùa Vọng và giúp họ sửa đổi cách sống tiêu cực, bi quan và làm lại cuộc đời mới trong tinh thần lạc quan được gợi hứng từ ơn cứu độ. Ngài đến giải thoát chúng ta khỏi cảnh cô đơn, đau khổ trong cuộc sống lạnh lẽo, thiếu tình người, bằng niềm vui được chính Ngài chia sẻ… Đó là những dấu chỉ của vương quốc tình yêu vĩnh cửu mà Ngài sẽ đón người tỉnh thức trong ngày quang lâm, nhưng Ngài hiện thực hóa bắt đầu bằng những giây phút hiện tại với sự sẵn sàng mở rộng tâm hồn của con người.
Vâng, chúng ta đang ở đỉnh Mùa Vọng: Chúa Nhật III, đừng chậm trễ nữa, hãy tỉnh và thức dậy từ những cơn mê trần thế: Chỉ có Thiên Chúa là vĩnh cửu, mọi sự ham muốn của trần gian chỉ tạo ra những hạnh phúc ngắn ngủi và phù du. Hãy sám hối từ tận đáy lòng. Chính trong tâm tình Mùa Vọng, tôi và bạn khám phá được niềm vui của hy vọng mùa đợi trông.
“Lần theo dòng nước trong xanh
Đi ngược lên ghềnh tìm ngọn suối tiên.
Uống đi cho hết muộn phiền,
Tắm đi cho sạch nỗi niềm vấn vương.
Đầu nguồn có ngọn suối Thương”.
(Trầm Tĩnh Nguyện, Về nguồn)
Vâng, ngọn suối Thương là Thiên Chúa đang chờ đợi chữa lành mọi vết thương… Hãy tìm đến và mừng vui lên!
Chúa Nhật III Mùa Vọng A
Chúa nhật III MV năm A “ về thuật lại … những điều mắt thấy tai nghe “ Mt 11,2-11
CAM KẾT CHO ĐI
13 năm trước, Bill Gates và Warren Buffet, hai trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới, bắt đầu nói về một chiến dịch từ thiện mang tên Giving Pledge (Cam kết cho đi), kêu gọi các cá nhân giàu có cống hiến ít nhất một nửa tài sản của họ cho các mục đích nhân đạo - trong cuộc sống hiện tại của họ hoặc sau khi họ qua đời. Sứ mệnh này (còn được gọi là “Thử thách 600 tỷ đô la”) khuyến khích mọi người trả lại cho thế giới, thay vì để lại tài sản của họ cho con cái của họ và giữ của cải đó trong tay một số ít.
Hiện đã có hơn 230 người thông qua Giving Pledge cho biết ý định cống hiến một phần tài sản của họ để giúp ích cho cộng đồng, mặc dù đây không phải là một hợp đồng ràng buộc mà chỉ là một tuyên bố về ý định của họ. Dưới đây là một số tỷ phú và triệu phú đã tham gia chiến dịch này:
Elon Musk: là một trong những tỷ phú đã thông qua Giving Pledge, ký vào năm 2012. CEO Tesla và Space X là người giàu nhất thế giới tính đến năm 2022, với khối tài sản ròng trị giá 232,4 tỷ USD.
Musk là một trong những tỷ phú có nhiều con nhất (hiện có 10 người con) song người đàn ông giàu nhất thế giới vẫn tuyên bố sẽ quyên góp một nửa tài sản của mình vào việc tái tạo năng lượng, khoa học, giáo dục kỹ thuật và giáo dục trẻ em.
Bill Gates
Như đã đề cập, Bill Gates là một trong những người tạo nên chiến dịch Giving Pledge.
"Với sự hỗ trợ và đồng tình của hội đồng quản trị, quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates có kế hoạch tăng chi tiêu của mình từ gần 6 tỷ đô la mỗi năm hiện nay lên 9 tỷ đô la mỗi năm vào 2026. Để giúp mức chi tiêu này có thể tăng lên, ngay trong tháng này, tôi sẽ chuyển 20 tỷ đô la để tài trợ quỹ từ thiện", Bill Gates viết trên trang Twitter cá nhân. Nhà đồng sáng lập Microsoft cũng đang có kế hoạch ủng hộ mạnh tay hơn nữa cho các hoạt động từ thiện.
Warren Buffett là đối tác chính của Bill Gates trong việc tạo ra dự án này và đã thuyết phục các tỷ phú khác chấp nhận cam kết. Người đứng đầu Berkshire Hathaway cũng nằm trong số những người giàu nhất thế giới và ông dự định sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình trước khi qua đời. Giống như Gates, nhà tiên tri xứ Omaha sẽ không để lại khối tài sản khổng lồ của mình cho những người thừa kế.
Mark Zuckerberg
CEO Mark Zuckerberg của Meta (trước đây là Facebook) đã ký cam kết Giving Pledge vào năm 2010. Mặc dù Zuckerberg không cho biết số tiền mà ông dự định quyên góp cho các hoạt động từ thiện, nhưng ông đã tạo ra một nền tảng để điều phối các nỗ lực của mình, Chan Zuckerberg Initiative, được thành lập với vợ ông, Priscilla Chan.
Larry Ellison, người đồng sáng lập và cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Oracle, có khối tài sản khoảng 87,8 tỷ USD và cũng là một trong những người sớm nhất thông qua Giving Pledge, ký vào năm 2010.
MacKenzie Scott là vợ cũ của người sáng lập Amazon Jeff Bezos. Chỉ vài tháng sau khi ly hôn, bà MacKenzie đã quyết định ký tên vào quỹ Giving Pledge, cam kết cho đi 1 nửa số tài sản trong suốt cuộc đời mình cho các hoạt động từ thiện. https://en.wikipedia.org/wiki/The_Giving_Pledge
***
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến lần thứ I, mang lấy sự yếu hèn của nhân loại, đó là mặc lấy kiếp phàm nhân, để cứu chuộc phàm nhân. Từ hang đá Bethlehem, đến hành trình Nhập Thế ba mươi ba năm, và sau cùng chịu tử nạn trên Thập Gía. Ôi! Tất cả Hành Trình đó là để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Xin Chúa thương ban cho con người biết nhận ra tình Chúa cao vời, mà đáp đền muôn một, bằng cách nhận ra tình Chúa đối với nhân loại, để họ được sống và sống dồi dào. Amen