Các bài Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh A

Thứ sáu - 14/04/2023 20:15
Các bài Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh A
CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II PHỤC SINH_A, 16-4-2023 ֎

 

BÀI THÁNH CA NGỢI KHEN NIỀM VUI

Cả ba bài đọc đều nhấn mạnh đến niềm vui phát sinh từ những cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh với các Tông đồ của Ngài, niềm vui đánh dấu cái hàng ngày của các cộng đoàn Kitô hữu. Thánh Vịnh 117 cũng hô vang niềm vui của cả một dân tộc không ngừng kinh ngạc trước tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Bài đọc I : Cv 2, 42-47

Bức phác hoạ mà Luca vẽ về cộng đoàn Giêrusalem chắc chắn đã được lý tưởng hóa, nhưng tác giả nhấn mạnh đến tính chuyên cần hàng ngày của các thực hành được cộng đoàn này áp dụng. Hơn nữa, các thực hành được đặt dưới dấu chỉ của tính liên tục (sự thường xuyên lui tới đền thờ) và trên hết là tính mới mẻ. Tính mới mẻ này chủ yếu là do việc lắng nghe “lời giảng dạy của các Tông đồ”, lời nhận được từ Thầy của họ, và do việc “bẻ bánh” để tưởng nhớ Chúa Giêsu. Thêm vào tính mới mẻ cơ bản này là một thực hành diễn ra “tại các tư gia” chứ không phải tại Đền thờ. Cuối cùng, sự hiệp thông huynh đệ phát xuất một cách hoàn toàn tự nhiên từ những chỉ dẫn của Chúa Giêsu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Thánh vịnh đáp ca : Tv 117

Việc tạ ơn trong Kinh Thánh không chỉ đơn giản là “cảm ơn” Thiên Chúa. Đó là một sự tuyên xưng đức tin cách đích thực. Ở đây, tác giả thánh vịnh triệu tập toàn dân và mời gọi họ lớn tiếng công bố, bằng “những tiếng reo mừng chiến thắng”, tình yêu bền vững của Chúa. Niềm vui sâu xa này không loại trừ những thử thách, nhưng niềm tin tưởng của tác giả thánh vịnh vẫn không đổi. Câu 22 đã trở thành điều tiêu biểu cho “kỳ công” là sự phục sinh của Đức Kitô : “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường”.

Bài đọc II : 1 Pr 1, 3-9

Lời chúc tụng mà Phêrô công bố cũng tập trung vào một trong những phẩm tính của Thiên Chúa : lòng thương xót của Ngài. Đó là một diễn tả đích thực về đức tin của Phêrô, và đức tin này dựa trên cảm nghiệm về tình yêu của Đức Kitô: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin”. Điều này chuẩn bị tình thế cho mối phúc mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu nói chuyện với Tôma.

Tin Mừng : Ga 20, 19-31

Vào ngày thứ nhất trong tuần”, các môn đệ vẫn còn bị nhốt trong sợ hãi. Ngay từ lần hiện ra đầu tiên, Chúa Giêsu đã nói với họ một thông điệp bình an và này, họ “tràn đầy niềm vui”. Tin mừng này được tiếp nối bằng việc sai đi truyền giáo: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Sứ mệnh được ủy thác cho các môn đệ trước hết và trên hết là sứ mệnh tha tội, gắn liền với ân huệ Thánh Thần. Về phần môn đệ Tôma, Chúa Giêsu không đối xử nghiêm khắc với ông về phản ứng cứng lòng tin của ông. Chúa nhìn nhận lời tuyên xưng đức tin của Tôma (“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”) và mối phúc mà Chúa công bố, cho chúng ta thấy rõ ràng rằng đức tin không dựa trên thị kiến. Để “thấy” Chúa Giêsu, trước tiên phải tin vào Ngài.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệchuyển ngữ



SỰ SỐNG MỚI TỪ ĐỨC GIÊ-SU PHỤC SINH
  1. Tỏ lộ và ẩn giấu
Từ bầu khí căn phòng đóng kín của các môn đệ được diễn tả trong bài Tin Mừng, cho đến bầu khí của Giáo Hội sơ khai được diễn tả trong bài đọc I, ta thấy có một sự biến chuyển quá rõ ràng. Từ căn phòng “các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19) cho đến thái độ “đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,46) của các tín hữu thời sơ khai, rõ ràng có một sức sống hoàn toàn mới, sức sống của Đức Giê-su Phục Sinh, và sức sống của cuộc sáng tạo mới trong Thánh Thần mà Đức Giê-su Phục Sinh đã “thổi” trên các môn đệ:
“Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…’” (Ga 20,22).
Sự đổi mới kỳ diệu ấy, trước tiên, có thể cho thấy rõ hơn đường lối mặc khải của Thiên Chúa. Suốt dòng lịch sử ơn cứu độ, Thiên Chúa luôn tỏ bày chính mình như một sự ẩn giấu: Ngài mặc khải quyền năng và tình yêu của Ngài như một “Đấng Hoàn Toàn Khác” với vũ trụ và thế giới con người; Ngài tỏ bày chính Ngài trong những sự vật tầm thường và những con người yếu đuối; Ngài tỏ bày, nhưng con người lại không bao giờ có khả năng thấu triệt được chính bản thân của Ngài… Do đó, mầu nhiệm tỏ bày của Thiên Chúa vẫn luôn hàm chứa phần ẩn giấu; bầu khí chung của đạo mặc khải vẫn luôn mang dáng vẻ “lung linh”.
Quả thật, trong nhiều nơi nhiều lúc, Thiên Chúa tự mặc khải chính Ngài, sự kiện Giáo Hội được khai sinh nơi những con người tầm thường, được sống còn trước bao nhiêu thử thách, được lớn lên một cách kỳ diệu qua bao thăng trầm… là một dấu chỉ đặc biệt về quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chẳng có ai có thể làm cho một nhóm những con người nhát đảm, như các môn đệ sau cái chết của Đức Giê-su, lại có thể gây dựng được một cộng đồng đầy sức sống, hiệp nhất với Chúa và với nhau… đến độ chấp nhận “bán đất đai tài sản” (Cv 2,45) của mình. Chẳng ai có thể tin được những người quê mùa và yếu đuối như các Tông đồ lại có thể là nền móng cho Giáo Hội; chẳng ai dám tin một tập thể yếu ớt, lỏng lẻo, manh mún… như Giáo Hội, trong thực tế, lại có thể vượt qua bao nhiêu thách thức hiểm nguy để tồn tại cho đến hôm nay.
Sự hiện diện và sự sống của Giáo Hội là một huyền nhiệm làm chứng cho quyền năng Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô qua suốt dòng lịch sử.
  1. Sự sống tinh tuyền
Sự sống của Đức Giê-su trong quyền năng cuộc sáng tạo mới của Thánh Thần cũng tỏ lộ trong sự quy tụ, hiệp nhất và phong phú. Từ một cộng đoàn các môn đệ bắt đầu tan rã thì sự sống mới quy tụ lại, như trong trường hợp hai môn đệ trên đường Em-mau; từ sự chia rẽ của các môn đệ, giữa Tô-ma và các môn đệ khác, lại đã được củng cố vững vàng hơn trong Đức Tin, như trong trình thuật Tin Mừng hôm nay; và sự sống của Đức Giê-su tỏ bày trong sức sống phong phú nơi cộng đoàn các tín hữu sơ khai.
“Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47).
Sự sống chân chính không phải như một mãnh lực mù quáng, không phải là một phương thức đối đầu, không phải như một sự trả thù; không phải là một sức mạnh tàn phá…, mà là một sự sống chân chính, âm thầm lớn mạnh, kiên trì trước mọi thử thách, như một sự “trưởng thành” đích thực của một sự sống đích thực.
Sự sống mới nơi Đức Giê-su thật sự tinh tuyền, không mang một chút phẩm tính sự chết. Sự sống ấy có thể bị đe dọa và bách hại nhưng không đe dọa và bách hại ai, trừ ra là những người “thần hồn nát thần tính”. Ngược lại, chính cái chết của những Ki-tô hữu đầu tiên lại còn trở nên chứng tá rõ rệt hơn của sự sống không gì có thể tiêu diệt được.
Các môn đệ của Đức Giê-su vẫn mãi mong manh; cộng đoàn các Ki-tô hữu vẫn mãi nhỏ bé, nhưng sự sống của Chúa lại tỏ lộ trọn vẹn trong sự mong manh nhỏ bé. Quả thật, mỗi người, hoặc một số người, Ki-tô hữu vẫn có thể yếu đuối, vẫn có thể nhát đảm, vẫn có thể chối từ Đức Tin và bị vùi dập trong bóng ma của sự chết, nhưng sự sống của Đức Giê-su nơi cuộc sáng tạo mới của Thánh Thần thì vẫn không bao giờ có thể bị phá hủy.
Lòng thương xót của Thiên Chúa có lẽ giống như thứ tình cảm của con người một phần, nhưng chắc chắn giống nhiều hơn như một sự sống. Tình cảm thuần túy sẽ bấp bênh theo hoàn cảnh, luôn phiến diện và bị phai nhạt theo thời gian; nhưng tình cảm xuất phát từ sự sống đích thực thì có khả năng tăng trưởng đúng đắn, lan tỏa sức sống chân thật đến mọi lãnh vực và chín mùi trong sự hy sinh bản thân cho người mình yêu thương. Sự sống mới từ cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô đích thực là lòng thương xót làm cho nhân loại được sống và sống dồi dào.
Tạm kết: Chỉ có một sự sống tinh tuyền, thật tinh tuyền nơi Đức Giê-su Phục Sinh, mới có thể “phục sinh” sự sống đích thực cho nhân loại. Đức Giê-su Phục Sinh “thổi” Thánh Thần Sáng Tạo trên cộng đoàn các môn đệ và các Ki-tô hữu đầu tiên, chuyển thông sự sống của Thiên Chúa cho con người, đó là Tin Mừng được loan báo cho mọi người và cho chúng ta, những người Ki-tô hữu hôm nay.
“… để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31).

CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH A
Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
CỨNG LÒNG
Biến cố Chúa Giê-su Phục Sinh không phải là chuyện dễ thuyết phục cho những người vốn sống gần Chúa, như các Tông đồ, mà Tô-ma là một ví dụ điển hình. Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay sẽ dẫn chúng ta làm một cuộc đột phá hành trình đức tin, từ sự cứng lòng được đánh thức: tin vì thấy, để rồi bằng lòng với tâm thức: không thấy vẫn tin.
  1. Từ sự cứng lòng được đánh thức: tin vì thấy
Khác với cuộc sống trước đây của dân chúng la ó đóng đinh Chúa, bây giờ họ lại chuyên cần lắng nghe lời các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, chăm chỉ cầu nguyện, mà sách Công Vụ Tông Đồ vừa diễn lại khung cảnh đạo đức ấy.
Và để đánh thức lòng tin từ sau biến cố Phục Sinh, trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô Tông đồ lại gợi lại một gia tài cộng đoàn đức tin, gia tài ấy không bị hư hoại.
Cho dù có cứng lòng đến đâu, Chúa Giê-su vẫn phá bung tất cả để đến với các Tông đồ. Sự hiện diện của Chúa không còn lệ thuộc vào luật lệ thể xác. Sự hiện diện của Chúa tỏa một sức sống của lời chào bình an, đây không phải là lời chào xã giao, mà còn có nghĩa là dấu tích cứu độ được thể hiện rõ nét qua vết thương của Chúa.
Tiếp nối việc trao ban bình an, Chúa Giê-su giao phó cho các ông một sứ mạng sai đi làm chứng cho Chúa bằng hơi thở của Thần Khí. Trong gian phòng cộng đoàn đó hình như chỉ có một góc nhỏ của sự cứng lòng nơi Tô-ma, vì ông không có mặt khi Chúa đến. Vì trong Tin Mừng hôm nay, tuy tin muộn màng nhưng ông luôn thể hiện lập trường của mình là chỉ tin vào lương tri giác quan bản thân.
Chúa Giê-su sống lại vừa đánh thức sự sợ hãi đa nghi của tập thể Tông đồ, giờ đây Ngài phải tiếp tục làm công việc trở lại vạch xuất phát ban đầu cho một con người cứng lòng tin đến chỗ bằng lòng với tâm thức lòng mến của mình.
  1. Đến sự bằng lòng tâm thức: không thấy vẫn tin
Có lẽ những lời Chúa Giê-su loan báo việc sống lại trước đây, đối với Tô-ma chỉ là giả thuyết xảy ra vào thời cánh chung mà thôi. Ông là người tuy được mời gọi vào nhóm đồng môn cùng đi cùng chết với Chúa Giê-su, hôm nay lại chối từ cùng các bạn đi theo Chúa trong lãnh vực tin nhận. Nhờ ông cứng tin mà ta được Chúa chúc phúc.
Một du khách đứng trên bờ vực thẳm và đang ngất ngây trước cảnh hùng vĩ của núi đồi, bỗng sơ ý trượt chân rớt xuống vực thẳm. May mắn ông nắm được một rễ cây lớn và đang bị treo lơ lửng trên vực thẳm, ông kêu la cầu cứu: “Có ai ở trên đó không? Cứu tôi với!”.
Bỗng có tiếng trả lời: “Có Ta đây, Ta là Thiên Chúa của ngươi…”. Người du khách vô cùng mừng rỡ nói: “Lạy Chúa, thật may phước cho con quá! Chúa đến thật đúng lúc, nếu không con sẽ toi mạng mất rồi. Lạy Chúa, xin mau cứu con, con không thể bám lâu được nữa”. Chúa liền hỏi: “Nhưng trước khi cứu ngươi, Ta muốn biết ngươi có thật sự tin Ta không?”. Du khách đáp: “Lạy Chúa, Chúa thông biết mọi sự. Chúa biết con thật sự tin Chúa”. Chúa vẫn hỏi lại: “Nhưng ngươi có thực sự tin Ta không?”. Du khách hơi thất vọng thưa: “Lạy Chúa, con mỏi tay lắm rồi. Chúa cứu con mau đi!”.
Chúa phán: “Nếu ngươi thực sự tin Ta, ngươi có sẵn sàng tuân lệnh Ta không?”. Du khách quả quyết: “Lạy Chúa, con xin sẵn sàng, bất cứ Chúa bảo con làm gì, con sẽ làm ngay mà!”. Chúa liền phán: “Vậy hãy buông tay ra!”. Du khách hoảng hốt, ấp úng thưa: “Nhưng… nhưng… Lạy Chúa…”. Chúa lại giục: “Nếu ngươi thực sự tin Ta, thì hãy buông tay ra!”. Thinh lặng giây lát, du khách la lớn: “Ngu gì! Có còn ai khác trên đó nữa không? Mau cứu tôi!”. Chúa thở dài đáp: “Bó tay”.
Thánh Gregory Cả có nhận định: “Sự cứng lòng của Tô-ma đã mưu cho đức tin của chúng ta hơn là đức tin các Tông đồ. Khi thánh nhân chạm đến Chúa Ki-tô và được cải hóa, thì mọi hoài nghi nơi ngài đều bị loại trừ và đức tin của chúng ta được củng cố”.
Sống đạo không phải chỉ tin những gì mình thấy mà còn thể hiện những điều mình thấy trong niềm tin, đồng thời biết khám phá và tin những điều mình chưa thấy một mai sẽ được thấy trong vinh quang, hạnh phúc và tình thương của Chúa. Lạy Chúa, chúng con thật có phúc vì tin Chúa, xin Chúa tiếp tục đánh thức mỗi lần chúng con cứng lòng tin vào Chúa. A-men.

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh 2 ABC:
Xem tận mắt bắt tận tay
+ Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
-----------------------------------------
 
Mỗi khi nói đến Tông đồ Tôma, người ta thường kèm theo biệt hiệu “Cứng lòng tin”.
 
Thật ra, Tôma không cứng lòng tin hơn các Tông đồ khác. Khi Chúa đã chết rồi, các ngài hoang mang sợ hãi. Khi nghe tin Chúa sống lại, các ngài bàng hoàng bỡ ngỡ, nhưng nửa tin nửa ngờ. Vì thế hai môn đệ đi đường Emmau vẫn còn buồn bã. Dù đã nghe các phụ nữ tường thuật việc Chúa sống lại, các ngài vẫn không tin, nên muốn bỏ về làng cũ. Vì thế, Chúa phải hiện ra nhiều lần. Và mỗi lần hiện ra, Người phải trấn an các ngài, cho các ngài xem các vết thương, cùng ăn uống để các người tin tưởng.
 
Tuy các môn đệ chưa hoàn toàn tin, nhưng không ai trong các ngài phát biểu câu nào. Chỉ có Tôma nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Chính vì câu nói mạnh mẽ này mà ông bị mang biệt danh “Cứng lòng tin”.
 
*****
 
Tôma đại diện cho những người thời nay, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay. Chỉ tin những gì thấy được. Chỉ chấp nhận những gì sờ được. Đòi kiểm nghiệm tất cả. Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả. Không chỉ tin vào lời nói suông.
 
Nhưng ta phải cám ơn thánh Tôma, vì nhờ Ngài, mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người. Vì nhờ ngài mà Đức Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ ngài mà ta được nghe mối phúc cuối cùng Chúa hứa cho ta: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
 
*****
 
Việc thánh Tôma đòi xem vết thương ở tay chân và cạnh sườn Chúa đặt ra cho ta những tiêu chí mới cho việc truyền giáo hôm nay.
 
Người thời nay không còn tin vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa rời thực tế. Những lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời nói hay chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt. Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở.
 
- Làm sao người ngoài đạo mến đạo nếu những người trong đạo cũng chia rẽ, bất hoà?
 
- Làm sao đạo có sức thuyết phục khi người theo đạo vẫn còn ham hố danh vọng, chức quyền, đến nỗi bán rẻ cả lương tâm của mình và tìm cách chà đạp bôi nhọ người khác?
 
- Làm sao làm chứng được đạo là tốt, trong khi những người tin đạo vẫn còn bất công, gian tham của cải không phải là của mình.
 
Thỉnh thoảng tôi có dịp gặp một ông trùm xứ Long Châu. Long Châu là một giáo xứ thuộc giáo phận Nam Ninh. Trước đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa. Kết quả là sau 20 năm, hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa. Cứ mỗi dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh có khoảng 20 người xin rửa tội. Tôi hỏi ông nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát, ông trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”.
 
Bên Trung Quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng tăng lên. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau: “Đây là đạo tốt, vì có thể gìn giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ tấm gương sống đạo của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng tin theo Chúa.
 
Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng, mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay đẹp.
 
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
 
1. Chứng kiến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, niềm tin của các Tông đồ bị chao đảo. Đời bạn cũng đã gặp nhiều thử thách, niềm tin của bạn có bị chao đảo không?
 
2. Lời nói hay và việc làm tốt, đàng nào có sức thuyết phục hơn?
 
3. Trong mùa Phục Sinh này, bạn quyết định làm gì để góp phần vào việc truyền giáo?

CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH A
  1. Chúng ta đã nghe thánh Phê-rô loan báo việc Chúa Ki-tô Phục Sinh và việc Thánh Thần tràn đầy các tâm trí. Bài đọc hôm nay, sách Tông đồ Công vụ phác họa bức tranh về cộng đoàn tiên khởi được khai sinh do lòng tin và phép Rửa. Đời sống của các tín hữu đầu tiên thật tuyệt vời: họ bỏ mọi sự làm của chung, chăm lắng nghe các Tông đồ giảng lẽ đạo, sống thông hiệp trong tình huynh đệ và chăm tham dự các nghi thức phụng vụ. Tất cả đều sống trong một bầu không khí hân hoan phấn khởi của niềm vui Phục Sinh.
  2. Nhờ niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, người Ki-tô hữu có được niềm vui sâu xa thấm nhuần suốt cả cuộc đời mình. Đó là đại ý lời mở đầu của bức thư Tông đồ Phê-rô gửi cho những người mới được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Là những môn đệ của Chúa Ki-tô Phục Sinh, chúng ta sống trong niềm hy vọng chính mình cũng sẽ được phục sinh. Niềm tin Phục sinh là khởi điểm của cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng có điều trước khi nhìn thấy thánh nhan Chúa, người tín hữu trong tin yêu kiên trì chịu đựng những thử thách, trong đó có thử thách phải vững lòng tin trong bóng tối ngờ vực.
 
 
LỜI CHÚC BÌNH AN CHO MỌI NGƯỜI
Ngoài việc có cơm ăn, áo mặc, ước vọng của nhiều người muốn có một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Ước nguyện đó thật chính đáng.
Tâm trạng con người của mọi thời đại luôn phập phồng lo sợ đủ thứ. Có nhiều người sống trong sự hận thù dai dẳng, có cả những người rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng thì làm sao họ có thể hạnh phúc và bình an? Ngay cả các thánh Tông đồ, những con người đã từng gần gũi với Đức Ki-tô, đón nghe Tin Mừng của Ngài, thế mà sau khi Đức Giê-su Ki-tô bị treo trên cây thập tự, các ông hết sức lo âu, thất vọng, không dám đi đâu cả, thậm chí ở với nhau trong nhà cũng đóng kín mít các cửa ngõ (Ga 20,19). Và thật bất ngờ, Đức Giê-su đã đến, đứng giữa các ông và có tới ba lần Ngài nói: “Bình an cho các con” (Ga 20,19;21;26). Tuy nhiên, các ông chỉ nhận ra được Đức Giê-su khi Ngài cho các ông xem thấy bàn tay và cạnh sườn, khiến các ông hết lo sợ…
Bình an mà Đức Giê-su Ki-tô đem đến cho các Tông đồ cũng như cho chúng ta và Người muốn chúng ta mang sự bình an đó đến với tất cả những người anh em khác qua việc tha thứ cho nhau. Bởi vì, chúng ta được tha thứ, nên chúng ta được bình an. Do đó, chúng ta cũng phải biết đem sự bình an đến với anh em chúng ta bằng cách sẵn sàng tha thứ cho họ và cho họ biết Thiên Chúa không hề hẹp hòi với bất cứ một ai, luôn tha thứ cho mọi người biết sám hối và tin vào Tin Mừng. Việc ta tha thứ cho nhau để có sự bình an và hạnh phúc cần thiết dường nào, đến nỗi Đức Giê-su đã có lần nhắc nhở chúng ta: không phải chỉ tha bảy lần mà là bảy mươi lần bảy (Mt 18,21-22). Ơn cứu độ mà Đức Giê-su mạc khải cho chúng ta trước hết là ơn tha thứ, đồng thời cứu vớt chúng ta khỏi diệt vong, độ trì chúng ta có cuộc sống bình an và hạnh phúc viên mãn. Thực vậy, nếu cứu độ con người chúng ta để hưởng được bình an và hạnh phúc ở đời này, cuối cùng phải chấm dứt bằng cách này hay cách khác thì sự bình an và hạnh phúc đó chỉ là tạm bợ và chắc chắn không giải thoát chúng ta khỏi sự lo âu, đau khổ,… Và, nói như thánh Phao-lô: “Nếu chúng ta trông cậy vào Đức Ki-tô chỉ đời này thôi thì thật ta vô phúc hơn hết mọi người” (1Cr 15,19). Chính vì thế, ngay từ những dòng đầu của Tin Mừng, thánh Gio-an công bố:
“Lời Thiên Chúa đã trở thành người có xương có thịt” (Ga 1,14), kết thúc trong mầu nhiệm Phục sinh, trong đó thân xác bằng huyết nhục của Đức Giê-su được Thần Khí hóa hầu có thể thâm nhập vào trong mỗi người tín hữu, khiến họ có thể từ nay thực sự được sống nhờ Người, và vì thế được hưởng niềm vui mừng và bình an luôn.
Lời chúc bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh đọng lại nơi tâm hồn của những con người biết nghĩ đến và chăm lo hạnh phúc của kẻ khác.
 
SỐNG NIỀM TIN
Chúng ta thường hay trách thánh Tô-ma là cứng lòng tin, nhưng không hẳn là ông không có lý để không tin những gì các Tông đồ kể về việc Thầy đã sống lại. Bởi vì: “Nếu các anh đã thấy Thầy sống lại, một việc lạ lùng đến thế, ắt Thầy phải là Con Thiên chúa, là Thiên Chúa thật, ắt các anh phải tràn đầy hưng phấn và tràn cả ra ngoài đường kia mà loan báo sự thật đó, chứ cớ sao các anh lại co ro sợ hãi như thế kia!?”. Đối với Tô-ma, tin là sống niềm tin ấy.
Do đó, khi Chúa hiện ra với các Tông đồ một lần nữa, trong đó có cả Tô-ma… thì, cái lô-gic đã xuất hiện: “…! Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!” – một câu tuyệt vời đã được thốt ra, ngay cả khi Chúa Thánh Thần chưa hiện xuống. Và lòng Tô-ma đã được đổi mới lạ lùng!
Người Công Giáo vẫn thường xuyên tuyên xưng đức tin qua kinh Tin Kính, trong đó, biết bao điều đã tuyên xưng là tôi tin; nhưng mỗi điều tuyên xưng đó, phải chăng tôi chỉ nói ra như một bài thuộc lòng, hay tôi đã hiểu và sống từng điều tôi tin. Và thực thi mỗi điều tôi tin, tôi phải dám từ bỏ tất cả vì niềm tin của tôi và đem vào thực hành những gì chúng ta thật sự tin.
Nếu: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất”, tôi phải cư xử như mình là con và sung sướng có một người Cha “phép tắc vô cùng” như thế, nên tôi sẽ luôn chạy đến với Cha và xin Cha cứu giúp mọi lúc tôi gặp gian truân trên đường đời.
Lô-gic của niềm tin đương nhiên là phải thế. Bởi nếu không chúng ta sẽ luẩn quẩn trong những ngõ cụt của cuộc đời. Tin nhưng không tin! Biết nhưng không làm! Thấy nhưng không hiểu! Hiểu nhưng không sống! Và cứ mãi chúng ta chẳng đi đến đâu với niềm tin đó. Vì nó cứ vẫn dừng lại ở những ngõ cụt của cái thiếu: sống niềm tin.
Nguyễn Thị Chung

CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH A

Ý lực: “Tám ngày sau Chúa Giê-su hiện đến” (Ga 20,26).
Cha O’Malley đang ngồi soạn bài giảng cho Thánh lễ Chúa Nhật, thì thình lình điện thoại từ bệnh viện gọi đến, xin cha tới ban Bí tích cuối cùng cho một bệnh nhân. Vượt 30 dặm đường trong đêm mưa bão, cha tới với bệnh nhân. Ông ta tên Tom, và dù suy sụp nhưng còn tỉnh, không thân nhân, không bạn bè, gần như nát bét vì rượu. Cha O’Malley bắt đầu nghi thức cầu cho bệnh nhân.
Sau khi thưa “A-men”. Tom thấy chút phấn khởi nên ông muốn nói chuyện. Cha O’Malley liền chộp cơ hội: “Thế ông có muốn xưng tội không?”. Tom trả lời: “Hẳn là không rồi, nhưng tôi chỉ muốn nói chuyện với cha một chút trước khi lìa bỏ thế gian”.
Rồi cả hai cùng nói chuyện. Suốt hai tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng cha lại hỏi ông Tom có điều gì muốn xưng thú không. Mãi đến lần thứ năm, ông Tom nói ông có làm một điều xấu xa và cảm thấy không thể nói ra được. Cho đến gần sáng, ông nói: “Thôi được, tôi là một người làm nghề bẻ ghi trên đường xe lửa. 32 năm trước, tôi làm việc ở Babers Field vào một đêm như đêm nay. Tối đó, tôi và các bạn uống quá say, và đến 8 giờ 30, tôi tình nguyện ra bẻ ghi tàu cho chuyến xe lửa chở hàng về phía bắc. Và tôi đã quá say nên đẩy trật đường ghi và kết quả là vận tốc 45 dặm/1 giờ của xe lửa đã đâm vào một chiếc xe khách, giết chết một cặp vợ chồng và hai đứa con gái của họ. Từ đó, tôi luôn bị ám ảnh là nguyên nhân cái chết của họ”. Một khoảng yên lặng sau lời tự thú đó.
Bỗng Cha O’Malley nhẹ nhàng đặt tay lên vai Tom và nói: “Nếu tôi có thể tha cho ông, thì Thiên Chúa cũng có thể tha cho ông, vì chiếc xe bị nạn hôm đó chính là bố mẹ và hai chị của tôi”.
Chắc chắn ông Tom hoàn toàn bất ngờ và không thể tin được nhưng đó là sự thật. Cũng như sự bất ngờ và không thể tin được trong lòng Tô-ma thì bây giờ Chúa Giê-su đứng đấy, hoàn toàn là sự thật.
“Ngài đã sống lại như lời đã phán hứa”. ALL.

Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật II Phục Sinh “Lòng Thương Xót Chúa” Năm A

Khi nghe hay được nhắc đến “Lòng Thương Xót Chúa”, ACE có những cảm nhận, tâm tình và suy nghĩ như thế nào? Hay nói khác hơn, “Lòng Thương Xót Chúa” đã, đang và sẽ làm gì cho chính bản thân mình? Có nhiều người cho rằng, đến với “Lòng Thương Xót Chúa” chính là để cầu xin với Chúa, để Ngài thương ban ơn cứu giúp, chữa lành… Thực ra, cầu xin Chúa ban ơn cứu giúp chỉ là một phần, nhưng điều quan trọng, cốt lõi trong việc cổ võ “Lòng Thương Xót Chúa” chính là việc con người cần phải đặt trọn niềm tín thác cậy trông của chúng ta vào Chúa như cách mà những người con yêu mến, tin tưởng khi trao phó mọi sự cho Người Cha, Đấng đầy lòng khoan dung nhân hậu, vì Người Cha là Thiên Chúa luôn làm và ban muôn điều tốt lành nhất cho con cái mình. Vậy thì, hôm nay ACE và tôi có muốn chọn lựa “Lòng Thương Xót Chúa” để tin tưởng phó thác cuộc sống mình cho Chúa? Giờ đây, trong tâm tình cảm tạ, chúng ta hãy để cho Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn cho chúng ta về “sứ điệp tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Bài đọc một (Cv 2, 42-47) thuật lại cho chúng ta mẫu gương tuyệt vời của các tín hữu thời sơ khai. “Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung”. Có người tự hỏi: Những con người này, không biết họ có quá khờ dại, nhẹ dạ, cả tin khi đem bán hết của cải và tài sản rồi dâng cúng cho các Tông đồ để làm của chung hay không? Xin thưa, đây là những con người của niềm tin, con người đã trưởng thành trong đời sống chứng tá về đức tin và lòng mến. Họ thực hành và sống quảng đại-quên mình được như vậy, bởi vì họ xem việc đón nhận được đức tin như là ơn ban, là hồng ân, như là nguồn gia sản cao quý không có gì có thể sánh bằng. Thật vậy, một khi những con người này đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, thực hành và vâng theo thánh ý Chúa, thì chính Chúa là Đấng ban cho họ được mọi sự bình an, ơn thánh trong cuộc sống.
Ngày nay trong cuộc sống, cũng có rất nhiều người cũng đem của cải tiền bạc của mình để đầu tư để làm ăn, để kiếm lời…, nhưng rồi, kết cục mà họ nhận được là sự thất tín vì bị lừa lọc, tiền mất-tật mang. Khi được hỏi: Tại sao lại làm như vậy? Thì câu trả lời là: Vì đặt niềm tin của mình vào sự tư vấn của người này người kia, vì thấy có lợi cho bản thân…  Vậy thưa ACE, trước những thăng trầm của cuộc sống, người con cái Chúa, người Kitô hữu cần nên làm gì? Bài đọc hai (1 Pr 1, 3-9) Thánh Phêrô mời gọi chúng ta hãy đặt trọn niềm tín thác của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và Phục Sinh cho chúng ta. Vậy thưa ACE, lời khuyên dạy này có viễn vong, có hồ đồ không, vì chúng ta không thấy Thiên Chúa bao giờ? Thực ra, chính Phêrô hơn bất cứ ai khác đã đặt trọn niềm tín thác của mình vào Chúa, qua chính cuộc sống chứng tá và ngay cả với giá máu và mạng sống của mình. “Bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn”. Vậy thì, liệu rằng, hôm nay trong cuộc sống, chúng ta có dám tin vào Chúa, có dám đánh cược cả cuộc đời của mình cho Thiên Chúa để sống chứng tá cho niềm tin của mình vào Chúa, vào sứ vụ mà Chúa ủy thác, trao ban cho chúng ta hay không?
Tôma trong Tin mừng hôm nay (Ga 20,19-31) vừa là nhân chứng và là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta. Suy niệm về con người và sứ vụ của Tôma, chúng ta như được Lời Chúa soi sáng, để nhìn lại chính con người thật yếu đuối, tội lỗi của mình. Với Tôma, dù ông đã theo Chúa, là môn đệ của Chúa, dù được Chúa soi sáng và chỉ dạy; ngay cả khi Tôma được các môn đệ khác cho biết và làm chứng về Chúa, Đấng đã sống lại cùng hiện ra, thì ông vẫn chưa tin. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Đặt con người của Tôma vào trong vị trí và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay, liệu chúng ta có chấp nhận và tin Chúa đã sống lại hay không? Thật khó để tin! Vì đây là cách suy luận thông thường của lòng trí con người. Chính vì lẽ này mà chúng ta thấy lòng dạ của con người hẹp hòi trước sự kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa. Dẫu vậy, Chúa đã tạo mọi điều kiện để giúp cho con người; “Tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các môn đệ, và lần này có Tôma”. Chúa đã ân cần mời gọi ông “Tôma, đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Thoạt qua người ta có thể nói, Tôma cứng đầu hay thiếu lòng tin; nhưng thật ra, chúng ta phải cảm tạ Chúa vì qua con người thật của Tôma, chúng ta nhận ra chính con người thật của mình, cũng còn rất nhiều yếu đuối và cứng lòng. Điều quan trọng ở đây là: Khi chấp nhận và tin vào Chúa Giêsu, Tôma đã có một thái độ khiêm tốn, một đức tin chân thật, kiên trung cho đến cùng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Thật vậy, Tôma chính là môn đệ đầu tiên đã tuyên xưng Đức Giêsu, Đấng đã chết và Phục Sinh chính là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật. Không những thế, sau này, trên hành trình truyền giáo, Tông đồ Tôma đã làm chứng về niềm tin của mình vào Chúa bằng chính cái chết và mạng sống của Ngài nhờ đó mà ơn thánh của Chúa được lan tỏa đến cho nhiều người. 

Anh chị em rất thân mến, qua việc Tôma tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa; chúng ta cũng được Chúa mời gọi để nhìn lại chính niềm tin và cách sống chứng tá của chúng ta vào Chúa. Đức tin vừa là một ơn ban, là niềm hạnh phúc mà Chúa dành cho chúng ta. Đồng thời, Chúa cũng đang chờ đợi sự đáp trả của ACE và tôi; vậy, chúng ta hãy đến với lòng thương xót Chúa, hãy vững tin vào tình thương của Ngài và hãy để cho Ngài làm cho chúng ta trở nên chứng tá tình thương và ơn thánh của Chúa cho ACE mình. Amen. 
Lm Ga Phan Tiến Dũng
 



 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEB SITE

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc

Các Giáo Phận

Giáo phận Bà Rịa
Giáo phận Ban Mê Thuột
Giáo phận Bắc Ninh
Giáo phận Bùi Chu
Giáo phận Cần Thơ
Giáo phận Đà Lạt
Giáo phận Đà Nẵng
Giáo phận Hải Phòng
Tổng Giáo phận Huế
Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Kon Tum
Giáo phận Lạng Sơn
Giáo phận Long Xuyên
Giáo phận Mỹ Tho
Giáo phận Nha Trang
Giáo phận Phan Thiết
Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phú Cường
Giáo phận Qui Nhơn
Giáo phận Thái Bình
Giáo phận Thanh Hóa
Tổng Giáo phận TP HCM
Giáo phận Vinh
Giáo phận Vĩnh Long
Giáo phận Xuân Lộc
CÁC DÒNG TU 
Dòng Chúa Cứu Thế VN 
Dòng Đồng Công (Hoa Kỳ) 
Dòng Ngôi Lời 
Dòng Chúa Cứu Thế (Hoa Kỳ) 
Dòng Thánh Tâm Huế 
Dòng Lasan 
Tỉnh Dòng Đa Minh VN 
Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ 
Dòng Tên Việt Nam 
Dòng Phanxicô VN 
Giáo Hoàng Học Viện Piô X ( Đà Lạt ) 
Đại Chủng Viện Huế 
Đại Chủng Viện Vinh Thanh - GP Vinh 
Đại Chủng Viện Xuân Lộc 
Dòng Thánh Thể 
Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ 
Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm (Hoa Kỳ)
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế 
Dòng Mến Thánh Giá LA (gốc Phát Diệm) 
Dòng Đức Mẹ Trinh Vương 
Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời 
Dòng Đaminh Tam Hiệp 
Dòng Don Bosco 
Tu đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa 
Dòng Thừa Sai Đức Tin VN 
Liên hiệp bề trên thượng cấp VN 
Dòng Nữ Tử Thánh Phaolô 
Dòng Đồng Công (Việt Nam) 
Dòng Chúa Thánh Thần 
Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô 
Dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô - Scalabrini 
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế
Lời Chúa Hằng Ngày
Radio Công Giáo

 
Hằng Ngày

 


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây