MÙA XUÂN ĐÃ VỀ TRÊN THUNG LŨNG SÔNG KWAI
(Chúa nhật 2 Mùa Chay Năm A 2023)
Chúa Nhật II Mùa Chay, sứ điệp Lời Chúa vọng lại giữa cộng đoàn chúng ta hôm nay đó chính là “tiếng gọi mời hãy lên cao và hãy đi xa”. Lên cao như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên đĩnh núi Tabo để Ngài biến hình rạng rỡ; đi xa như tổ phụ Ápraham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình tiến về hứa địa. Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của Dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của các anh chị em dự tòng và của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước lời Chúa vẫy gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá…
Ngay từ ngày đầu khai mạc Mùa Chay thánh, khi nhận tro trên đầu, chúng ta đã được Lời Chúa nhắc nhở: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Như vậy, có thể nói được rằng, trong cuộc hành trình Mùa Chay, mà cũng là cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu, hay sự chọn lựa của các anh chị em dự tòng trong những ngày này, có hai yếu tố cốt lõi, hai hành vi đức tin căn bản, đó là “Sám hối” và “Tin vào Tin Mừng”.
Thế nhưng, hành vi “sám hối” mà ngôn ngữ Thánh Kinh bằng nguyên tự Hy Lạp đó là một động từ kép “Metanoéite”, bao gồm hai động thái: “Meta” là vượt khỏi, vượt lên trên; và “Noésis”: cách nhận thức, cách nhìn hay hiểu biết mang tầm con người, hay “tư tưởng kiểu Phêrô” và đã bị Đức Kitô lên án gay gắt: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt 16, 23).
Như vậy, “sám hối” đó chính là “thay đổi nhận thức theo kiểu con người, vượt lên trên cái nhìn thường tình nhân loại…”[1]. Nói cách khác, “sám hối” đúng nghĩa phải là một cuộc “cách mạng nội tâm”, một cuộc “thay đổi tận căn”, một cuộc “bứng gốc” để “làm lại từ đầu”, chứ không hề là một “giải pháp tình thế”, một “cải biên mang tính đối phó” nhất thời để sau đó lại “đâu hoàn đấy”. Phải chăng từ ý nghĩa “sám hối” mang tính “bứng gốc” và “đoạn tuyệt” nầy mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã đề nghị “hình tượng cụ tổ Apraham” và cuộc “dứt áo ra đi khỏi quê cha đất tổ” theo tiếng gọi của Chúa: Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho…”. Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy.
Chắc chắn, khi công bố sứ điệp nầy vào thời điểm khởi đầu Mùa Chay, Mẹ Hội Thánh muốn rằng: đây chính là thời gian của cố gắng từ bỏ những quyến luyến, ràng buộc tầm thường, những cái nhìn thiên lệch, méo mó, những phán đoán ích kỷ nhỏ nhen, những mưu toan và dục vọng trần tục… để “dứt khoát ra đi” theo tiếng gọi của Lời Chúa; “bứng gốc” khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi để dấn thân trên con đường chọn Chúa và đường lối của Ngài. Và như thế, “sám hối”, cuộc “cách mạng nội tâm” hay “lên đường theo Chúa” không bao giờ là câu chuyện của quá khứ, của riêng Tổ phụ Abraham, mà chính là câu chuyện của chính mỗi người chúng ta hôm nay, câu chuyện của cuộc “hành trình Mùa Chay”, câu chuyện của cuộc đổi đời miên viễn theo tiếng gọi của Lời Chúa. Vâng, đây chính là một “cam kết từ bỏ” mà chúng ta cùng với các anh chị em dự tòng sẽ long trọng đáp trả ba lần trong đêm Vọng Phục sinh: “Con có từ bỏ tội lỗi…, những quyến rũ bất chính… sa tan… không ?”. “Thưa từ bỏ” !
Thật sự, chúng ta đã bao lần “hoán cải”, đã bao lần quỳ xuống trước Tòa Giải Tội, đã bao Mùa Chay đi qua cuộc đời, đã bao Đêm Vọng Phục Sinh thưa “Con từ bỏ”…, nhưng hình như chưa thật sự “dứt áo ra đi như cụ tổ Apraham” mà vẫn “cầm cày ngó lại sau lưng” (Lc 9,62)…, hay “sụ mặt quay đi” với đề nghị của Chúa Giêsu để trở về với “đống của cải trần tục” như chàng thanh niên giàu có (Mc 10, 22) !
Từ cuộc lên đường của cụ Tổ Abraham, Lời Chúa hôm nay lại dẫn chúng ta đi tới một lộ trình khác của một người con trong gia tộc ông mà các sứ ngôn đã bao đời tiên báo: cuộc lên núi và biến hình của Thầy Giêsu đến từ quê nghèo Nadarét: Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết…
Với Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa vinh quang hằng hữu, thì cuộc biến hình nầy chỉ là cuộc lột xác để trở về “nguyên trạng” của một Thiên Chúa Toàn Năng mà Ngài đã thuộc về ngay từ thuở đời đời như chính Ngài đã khẳng định: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi… Ông Abraham là cha các các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 7,20; 8,56).
Nhưng với chúng ta, với Hội Thánh, đặc biệt, với các anh chị em Dự tòng sắp sửa đón nhận ơn tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, thì cuộc biến hình nầy lại là một đích điểm phải vươn tới, một niềm hy vọng tuyệt đối cho cuộc hành trình đức tin của mình. Bởi chưng, chúng ta tin Đức Kitô, theo Đức Kitô, chọn lựa Đức Kitô, nhất là chọn lựa con đường thập giá… đó không phải là một cuộc “vươn cao trống rỗng”, một cuộc “lên đường không mục tiêu” hay một “cuộc lột xác vô ích”, mà là một chọn lựa của niềm hy vọng và hạnh phúc vĩnh hằng, của vinh quang bất diệt, như lời kinh Tiền Tụng Hội Thánh hát lên trong chút nữa đây: “Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh, Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh”.
Nếu Phêrô ngày xưa hạnh phúc ngất ngây vì gương mặt rạng ngời của Chúa Giêsu và sướng rơn trong cái cõi huyền diệu của giây phút Biến hình: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”, đã phải chưng hửng khi trên đường xuống núi nghe Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn: “Con người từ cõi chết chỗi dậy… Con Người sẽ phải đau khổ…” (Mt 17,9-12), thì hôm nay chắc cũng không ít người muốn đức tin chỉ là phục sinh mà không bao giờ đi qua thập giá…
Chính vì thế, mầu nhiệm Biến Hình không phải là lời mời “ở lại để dựng ba cái lều mà hưởng thụ”, nhưng là tiếng gọi lên đường dấn thân đi tới đỉnh đồi Can Vê để chiến thắng tội lỗi và sự chết. Biến Hình vì thế lại là một cuộc hành trình lột xác, như con sâu nhộng lột bỏ cái kén tù túng nhỏ hẹp giam hãm trong nô lệ tối tăm, để bứt phá bay lên làm một cánh bướm rực rỡ diễm lệ; hay như lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay 2023: “Biến hình” sẽ hứa hẹn một điều kỳ diệu và ngỡ ngàng: “điều chờ đợi chúng ta ở cuối hành trình chắc chắn sẽ là một điều gì đó kỳ diệu và ngỡ ngàng, điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý muốn của Thiên Chúa và sứ mạng dành cho chúng ta trong khi phục vụ vương quốc của Ngài.”.
Nếu cụ tổ Apraham “ra đi” bởi “Lời Chúa gọi” và cuộc “biến hình trên núi thánh Tabo” lại kết thúc bằng “Lời của Chúa Cha”: “các ngươi hãy nghe lời Người”, thì quả thật, điều quan trọng còn lại hôm nay của chúng ta lại là một đòi hỏi căn bản mà chính Chúa Giêsu đã kêu gọi ngay từ buổi đầu: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,14).
Cuộc sống của tôi có thật sự biến đổi không, thế giới quanh tôi có nên tốt hơn không, và Giáo Hội của tôi có trở nên phong phú và phát triển không… chính là nhờ “cái chìa khóa Lời Chúa hay Tin Mừng”, như lời khẳng định của nhà truyền giáo vĩ đại thời khai sinh Kitô giáo, Thánh Phaolô trong thư gởi cho đồ đệ Timôthê trong Bài đọc 2: “Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Người đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng”.
Vâng, Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu có sức mạnh canh tân triệt để, phục sinh trọn vẹn, như đã từng biến cái “hỏa ngục của hận thù, chết chóc, thất vọng, tội lỗi… của trại tù bên thung lũng Kwai thời đệ nhị thế chiến thành một địa chỉ của hòa thuận, yêu thương và mùa xuân hy vọng…”[2].
[1] GM. GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO, Tài liệu tĩnh tâm linh mục giáo phận Qui Nhơn 2023, tr. 43-44.
[2] ERNEST GORDON, Ngang qua thung lũng Kwai (Trong đó có câu chuyện hai bạn tù dùng việc cầu nguyện với Lời Chúa mà cảm hóa các tù nhân…)
Linh mục Giuse Trương Đình Hiền
CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH
(St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)
Tùng Linh
Hôm nay, Chúa nhật II Mùa Chay, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Giêsu qua biến cố Hiển Dung. Chúa Hiển Dung nghĩa là Chúa tỏ hiện dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vị Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh, đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Qua biến cố Chúa Giêsu biến hình đem lại điều gì cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta?
Bài đọc I, sách Sáng Thế cho chúng ta thấy, để chuẩn bị chương trình cứu độ loài người, Thiên Chúa đã chọn ông Abram làm tổ phụ một dân tộc. Vào thời điểm đó, ông Abram và bà Sarai còn hiếm muộn, vì tuổi đã cao mà chưa có con nối dòng. Thiên Chúa đã ban lời hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc” (St 12,2). Tổ phụ đã bước đi trong niềm tin phó thác và một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, ông bà đã rời quê hương xứ sở đi đến miền đất Chúa hứa. Ông Abram đã trải qua biết bao thử thách thăng trầm. Ông vâng lệnh Chúa một cách vô điều kiện, ngay cả khi Thiên Chúa muốn ông hiến dâng đứa con trai độc nhất làm hy tế. Qua sự trung tín, Abram đã được Thiên Chúa đổi tên thành Abraham. Abraham trở nên tổ phụ của tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Ông đã được Thiên Chúa đoái thương và ban cho có con đàn, cháu đống nối dòng trải qua muôn thế hệ từ đời nọ tới đời kia.
Bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi Timôthê và chúng ta cộng tác loan truyền Tin mừng cứu độ: “Anh thân mến, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng, nhờ sức mạnh của Thiên Chúa (2Tm 1,8). Phaolô tự nhận là đứa trẻ sinh non trong ân sủng cứu độ của Chúa, nhưng ông đã hết mình truyền rao chân lý mà ông đã lãnh nhận từ chính Chúa Kitô phục sinh. Cho dù đối diện với sự khó khăn, bị xua trừ, bắt bớ, đánh đập, tù đày và ngay cả sự chết, Phaolô vẫn một niềm tin tưởng và cậy trông vào sự sống trường sinh và vinh quang bất diệt mà Chúa Kitô sẽ thưởng ban. Tin mừng cứu độ đã được tiếp tục truyền rao đến khắp cùng bờ cõi, những ai tin vào Chúa Kitô thì sẽ được lãnh ơn cứu độ.
Tin Mừng Matthêu được trích đọc hôm nay, thuật lại chiều hôm ấy trên núi cao, ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê cũng có những trải nghiệm tuyệt vời về Chúa Giêsu. Cũng vẫn là con người Giêsu mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần nầy, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi, lại có cả Môsê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài.
Biến cố “Biến đổi hình dạng ở trên núi” (Mt 17,1-9) nằm giữa hai lần Đức Giêsu báo trước Thương khó và Phục sinh: Lần thứ nhất ở Mt 16,21-23 và thứ hai ở Mt 17,22-23. Chúng ta vẫn quen gọi: “Ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Thương Khó”, nhưng trong cả ba lần Đức Giêsu đều nói tới biến cố Phục Sinh bằng một câu ngắn ngủi: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,23; 20,19).
Theo Lm. Giuse Lê Minh Thông, các môn đệ trong bản văn cũng như cộng đoàn Mátthêu cuối thế kỷ I và cả độc giả ngày nay không để ý, hay xem nhẹ ba lần báo trước sự Phục Sinh. Vì thế, trình thuật Đức Giêsu biến đổi hình dạng (Mt 17,1-9) nhằm làm lộ ra vinh quang tiềm ẩn nơi Đức Giêsu và nhất là mặc khải cho các môn đệ và cho độc giả biết Đức Giêsu là ai và chúng ta phải làm gì.[1]
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giêrusalem để hiến thân chịu chết. Lời tiên báo này làm cho tinh thần các môn đồ bấn loạn. Phêrô thì kéo riêng Thầy mình ra và trách Người rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”, khiến Đức Giêsu phải nặng lời quở mắng: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,21-23).
Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giêsu bộc lộ cho ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Người: Người là Đấng uy nghi sáng láng, là Con yêu dấu của Chúa Cha. Trình thuật Tin Mừng được thánh sử Matthêu bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1). Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Đây là “chóp đỉnh”, mục tiêu của cuộc hành trình. Khi đang ở trên đỉnh núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên. Một ánh sáng không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa.[2] Biến hình giúp củng cố đức tin, đồng thời, cũng chính là giúp biến đổi con người các môn đệ và những kẻ đến với Đức Giêsu Kitô.
Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Môsê và Êlia vốn là hiện thân của Lề luật và các Ngôn sứ[3], nghĩa là cho toàn thể Cựu Ước. Như thế, tất cả Cựu Ước hiện diện để làm chứng và tôn kính vinh quang của Chúa Giêsu. Điều đáng để ý là giữa vinh quang xán lạn ấy, hai vị đàm đạo với Người về cuộc xuất hành (chết) của Người tại Giêrusalem (Lc 9,31). Như vậy, tất cả khung cảnh Biến Hình này đều đưa về viễn ảnh cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu.[4] Khi chỉ một mình ngài ghi nhận là “dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, hẳn là tác giả Matthêu muốn ám chỉ Đức Giêsu là Môsê mới, còn Môsê ngày xưa chỉ có “da mặt sáng chói” mà thôi (x. Xh 34,30).[5]
“Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Lời phán dạy của Thiên Chúa Cha lần này y hệt lần Đức Giêsu chiu phép rửa trên sông Giođan: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,17). Thiên Chúa Cha đã chứng nhận sứ mệnh cao cả của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Lòng đầy hoan lạc, các ông không muốn cho giây phút mầu nhiệm đó trôi đi. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mt 17,4).
Đối với Kitô hữu chúng ta, Mùa Chay phải là thời gian của Hiển Dung[6]. Hay nói cách khác, hành trình khổ chế Mùa Chay đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, một sự biến đổi, mà trong trường hợp chúng ta, đều có khuôn mẫu nơi Chúa Giêsu Hiển dung và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm Vượt qua của Người[7]. Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên “một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt - sự khổ chế - như dân thánh của Thiên Chúa.[8] Giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung.[9]
“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Mệnh lệnh của Chúa Cha yêu cầu chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Người ngỏ lời với chúng ta.[10] Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý cho chúng ta: Lời Chúa mà Giáo hội công bố cho chúng ta trong Phụng vụ. Chúa còn nói với chúng ta qua anh chị em của chúng ta, nhất là qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người cần được giúp đỡ.[11]
Mùa Chay chính là thời gian để người tín hữu chọn lựa một hành động thiết thực: hoặc xé áo, hoặc xé lòng. Mùa Chay là mùa sám hối và canh tân. Sám hối, canh tân là bỏ đi con người tự mãn tự kiêu để mặc vào con người nhu mì khiêm tốn, là tháo gỡ khuôn mặt u mê tội lỗi để nhận lại khuôn mặt ngời sáng thánh thiện, là tẩy chay tâm địa ích kỷ để đón nhận tinh thần phục vụ yêu thương.[12]
Hãy xé lòng, đừng xé áo, nghĩa là “hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (Ed 18,31). Đó là điều rất khó khăn khó có thể làm được như thế. Khó, nhưng không phải là không thực hiện được, khi biết cậy dựa vào Thần Khí: “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1,7).
Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêsô cũng như cho chúng ta: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa (nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả) (Ep 5,4), nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,29.31).
Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng biến hình với Người. Biến hình với Chúa Giêsu là thay đổi cuộc sống của ta, là biến đổi tâm hồn ta, là mang vào lòng ta một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông phó thác. Biến hình với Chúa Giêsu là vất bỏ ý riêng của ta, là chấp nhận và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là lên đường bước đi với Chúa trong tình yêu và ân sủng Ngài ban. Biến hình với Chúa Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.
1] gpcantho.com, Lm Giuse Lê Minh Thông
[2] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[3] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[4] Chú Thích của Nhóm CGKPV
[5] Lm. FX. Vũ Phan Long, Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, tr. 301.
[6] gpcantho.com, Lm Gioan Nguyễn Văn Ty
[7] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[8] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[9] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[10] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[11] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023
[12] gpcantho.com, Thiên Phúc
CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II-MÙA CHAY_A, 05-3-2023
֎
MỘT ĐỨC TIN TÁO BẠO
THAY HÌNH ĐỔI DẠNG CÁC THỬ THÁCH
Là khuôn mẫu đức tin tinh ròng và kiên vững, Abraham, nhờ tràn đầy hy vọng, đã biết chờ đợi những lời hứa được thực hiện. Các môn đệ tin vào Chúa Giêsu nhưng đức tin của họ vẫn còn mong manh. Ánh sáng của Chúa Giêsu biến hình và lời của Chúa Cha sẽ giúp họ vượt qua những thử thách của Cuộc Khổ Nạn.
Bài đọc I : St 12, l-4a
Abraham là người Aram và ông tôn thờ Thiên Chúa của Tổ tiên ông. Cuộc đời và hành trình tôn giáo của ông sẽ thay đổi hoàn toàn kể từ giây phút ông nghe được lời Chúa. Lời kêu gọi của Thiên Chúa đòi hỏi Abraham một sự nhổ bỏ hoàn toàn. Abraham phải rời bỏ ‘quê hương’, ‘họ hàng’ và nhà của cha của mình để đi đến một đất nước mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông. Tuy nhiên, yêu cầu này được đi kèm với một lời hứa tuyệt vời và nhiều phúc lành. Vị tổ phụ được Thiên Chúa chúc phúc và ông sẽ là nguồn phúc lành cho người khác và ‘cho tất cả mọi gia đình trên trái đất’. Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành ‘một quốc gia vĩ đại’. Abraham không nói một lời, nhưng ông hoàn toàn tuân theo lời của Chúa).
Thánh vịnh đáp ca : Tv 32 (33)
Đối với các Kitô hữu cũng như đối với người Do Thái, Abraham vẫn là ‘cha của các kẻ tin’. Mặc dầu thánh vịnh không nói đến Abraham, chúng ta vẫn có thể đọc được trong bản văn cuộc hành trình của người khổng lồ trong đức tin này. Các phúc lành được ban cho tổ phụ Abraham chính là hoa trái của ‘tình yêu Thiên Chúa’ và của lòng trung thành của Thiên Chúa dành cho tất cả những người ‘đặt hy vọng’ vào Thiên Chúa. Trong suốt cuộc đời của mình, Abraham đã trông cậy vào Chúa và, bất chấp mọi trở ngại, Abraham biết chờ đợi những lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, và tin vào một Thiên Chúa lấp đầy ‘mặt đất … bằng tình yêu của Chúa.
Bài đọc II : 2 Tm 1, 8b-10
Cũng như tác giả sách Sáng thế nói về lời hứa dành cho Abraham và về các phúc lành thiêng liêng dành cho ông, thánh Phaolô mô tả ‘ơn gọi linh thánh’ của Timothê, người được Phaolô bảo trợ và là cộng tác viên của Phaolô, (là) có liên quan đến ‘kế hoạch’ của Thiên Chúa và đến ‘ân sủng’ được ban bởi ‘Chúa Giêsu Kitô’. Mặc dù trình thuật về việc kêu gọi Abraham không đề cập đến những thử thách ảnh hưởng đến Abraham, Phaolô vẫn khuyến khích Timothê ‘nhận phần đau khổ của mình gắn liền với việc loan báo Tin Mừng’. Những khó khăn mà Timôthê gặp phải sẽ là sự hiệp thông vào sự hy sinh của Đức Kitô và tham dự vào ‘sự sống và sự [bất tử]’ được thủ đắc bởi ‘Đấng Cứu Độ’, Đấng đã chiến thắng trên sự chết.
Tin Mừng : Mt 17, 1-9
Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín nhất của Chúa lên núi với Chúa : bấy giờ ‘Chúa đã biến hình trước mặt họ’. Chúa Giêsu trở nên ‘sáng chói như mặt trời và y phục của Chúa, trắng như ánh sáng’. Sự xuất hiện của Êlia và Môsê làm tăng thêm tính độc đáo của sự kiện. Họ đàm đạo với Chúa Giêsu, và cuộc đàm đạo của họ là biểu tượng cho sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước: Phêrô nói rằng ông rất vui mừng và mong muốn kéo dài cảm nghiệm này. Phêrô đã được nhậm lời, vì tiếng của Thiên Chúa được nghe thấy từ trời phán xuống, mời gọi các môn đệ lắng nghe ‘[Con] yêu dấu của Thiên Chúa’. Các môn đệ sợ hãi nhưng Chúa Giêsu trấn an họ, và thật đáng ngạc nhiên lời Ngài cảnh báo họ rằng kinh nghiệm hôm nay chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của việc Ngài phục sinh ‘từ cõi chết’.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A
St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-19; Mt 17,1-9
TỎ HIỆN
Không mang tính phô trương hào nhoáng vinh quang để mê hoặc lòng người, nhưng là sự vén mở đầy tính bất ngờ. Và sự bất ngờ ấy đôi khi làm cho người môn để chỉ nhận ra cảm xúc trước mắt mà quên mất cùng đích sứ mạng cứu độ là gì? Lần giở trang Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay, gợi lại cho chúng ta một cảm nghiệm tỏ hiện của Chúa Giê-su qua biến cố hiển dung trong vinh quang thần tính và vinh hiển Thập Giá nơi Ngài.
- Tỏ hiện vinh quang thần tính
Từ không gian sa mạc, Chúa Giê-su vượt thắng được cơn cám dỗ của Sa-tan, để rồi trên ngọn núi Ta-bo cao 276m ở Ga-li-lê, chính Chúa Giê-su chủ động vén mở thần tính nơi Ngài. Và sự kiện này cũng không nằm ngoài việc tỏ hiện vinh quang sứ mạng Cứu Độ trong chương trình của Chúa Cha.
Việc Chúa Giê-su biến hình ở đây nhắm đến quy ước mang tính tượng trưng gợi nhớ lại tương quan với kinh nghiệm của Mô-sê trên núi Si-nai. Mô-sê từng dẫn ba người bạn lên núi, đã từng được Chúa biến hình cho thấy vinh quang rạng ngời của Ngài.
Phần hai của dữ kiện cho thấy Chúa Giê-su “rạng chiếu” tựa như các nhân vật thuộc cõi trời đang biểu tỏ, hé mở vinh quang thiên tính bị che khuất trong nhân tính của Ngài, mà các tông đồ chưa gặp thấy bao giờ khi đồng hành với Thầy mình. Và sự ngạc nhiên lại trở thành tưởng trực khẩu của Phê-rô xem ra ông ta coi cảnh này như được vĩnh cửu hóa theo nghĩa đen của nó: vì thế tại sao lại không dựng “lều trại chỗ này” vì ở đây khác nào là chốn tiên cảnh.
Hành vi của Phê-rô là muốn chiếm hữu cơ hội đề xuất trong cái lạ, cái hay cả đời nằm mơ cũng không thấy. Nhưng từ vinh quang ấy Chúa Giê-su muốn quay hướng nhìn các ông đến vinh hiển trên đồi Gôn-gô-tha được tỏa sáng nơi Thập Giá của Ngài.
- Tỏa sáng vinh hiển Thập Giá
Qua cuộc biến đổi hình dạng Chúa muốn hướng dẫn các tông đồ và mỗi người chúng ta một bài học đó là: Đừng nghĩ con đường của Chúa trải toàn là êm dịu, nhưng con đường cắm toàn thập giá, và người môn đệ của Chúa bước đi trên con đường ấy cũng phải chấp nhận những bóng tối đức tin đời thường.
Như tổ phụ Áp-ra-ham đã chấp nhận lên đường trong vâng phục và tín thác. Và sáng kiến của Phê-rô muốn thường trú trên đỉnh cao. Thiết nghĩ đó cũng là cảm giác mỗi người chúng ta, thường thích ở lại lâu hơn những nơi nào mà mọi sự xảy ra có vẻ như ý. Trước khi bắt đầu cuộc hành hương về Núi Thánh, thầy tu viện trưởng dẫn các tu sĩ đến nơi có trưng bày thập giá lớn nhỏ khác nhau và nói: “Chúng ta mỗi người sẽ chọn cho mình một cây thánh giá trong suốt cuộc hành hương”.
Các tu sĩ tranh nhau giành cho mình cây thập giá nhỏ nhất và nhẹ nhất để vác cho dễ dàng. Lúc các tu sĩ đã chọn thập giá cho họ rồi, còn lại một cây thập giá to nhất cho thầy tu viện trưởng. Thầy bước tới vác lấy cây thập giá đó. Chỉ với một tay, thầy đã nhắc cây thập giá lên vai và vác đi có vẻ nhẹ nhàng khoan khoái… Xin cắm lều trên núi cao của Phê-rô có khác nào, ông đang chọn một cây thập giá cho sở thích riêng mình.
Mọi Ki-tô hữu từ khi lãnh nhận ơn tái sinh, cũng được Thiên Chúa biến đổi giống Chúa. Chúa biến hình không phải để chúng ta bám rễ nơi lều trại khép kín của lòng mình, mà là vẫy gọi chúng ta cúi mình kề thập giá trên vai, phải biết lấy đức tin, tình yêu làm hành trang.
Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận có nói: “Khi con giúp kẻ khác quên bản thân để hiến mình, con giúp họ làm hình ảnh Chúa hiện tỏ nơi họ…”.
Vấn đề còn lại là chúng ta biết theo Người lên núi ở với Người đôi phút trong mỗi ngày sống, nhìn thấy Người trong những biến cố lớn nhỏ của đời mình. Và trong thực tế, chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không được biến hình giống Chúa.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con, nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. A-men.
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A
- Thiên Chúa đã chọn Áp-ra-ham để nối lại cuộc đối thoại với con người, cuộc đối thoại đã gián đoạn từ khi con người phạm tội. Chúa đã ra lịnh cho Áp-ra-ham bỏ miền đất văn minh giàu có mà ông đang ở, như vậy là từ bỏ tất cả sự an toàn trần thế. Áp-ra-ham đã tin và vâng lời Chúa ra đi, bởi vì lời hứa của Chúa đủ làm cho ông vững dạ. Vì thế, tổ phụ Áp-ra-ham đã được gọi là cha những kẻ tin. Thiên Chúa đã hứa cho ông và miêu duệ ông cuộc sống thật mà A-đam đã đánh mất khi bất tuân lệnh Chúa. Nhưng chỉ ở cuối mỗi cuộc hành trình lâu dài gian khổ, miêu duệ Áp-ra-ham mới tới được đất hứa.
- Đức Ki-tô đã phải kinh qua khổ nạn và cái chết để đến với sự sống. Đến lượt môn đệ Chúa cũng không tránh khỏi khổ nạn. Vì chỉ có đau khổ mới đảm bảo cho việc truyền giáo sinh hoa kết trái thiêng liêng.
ƠN GỌI CỦA ĐỨC KI-TÔ
Chúa Giê-su “hiển dung” trên núi: hình dạng Ngài được biến đổi sáng láng. Câu chuyện này mặc khải cho các môn đệ bản tính và ơn gọi cứu thế của vị Thầy của họ, do chính Đức Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, các ngươi hãy vâng lời Người!”.
Đồng thời biến cố này cũng nhằm củng cố lòng tin cho các môn đệ. Quả thực, Đức Giê-su vừa mới tiên báo cho họ biết cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài và họ đã lấy làm vấp phạm. Chính Phê-rô, người đã tuyên xưng ngay trước đó: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, chính Phê-rô đã lên tiếng phản đối chọn lựa của Chúa, ông hoàn toàn không hiểu gì về mầu nhiệm thập giá và đã bị Chúa mắng là Sa-tan! Đức tin của ông quả còn non nớt. Quang cảnh Chúa được trở nên sáng ngời và được Chúa Cha tuyên bố long trọng là Con yêu dấu sẽ giúp ông và các môn đệ khác vững lòng tin theo Thầy hơn. Chúng ta hãy để ý là ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an cũng là những người sẽ chứng kiến cơn hấp hối của Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu, trước giờ Thương khó.
Gợi ý suy niệm
- Ơn gọi của người Ki-tô hữu là gì? Là sống trong đức tin và lòng yêu mến, sẵn sàng làm theo thánh ý của Chúa trên trời. Nhờ sống như thế, các công việc bổn phận hằng ngày, các thử thách và đau khổ của chúng ta sẽ mang đầy đủ ý nghĩa, sẽ dẫn đưa ta tiến tới vinh quang bất diệt.
- Đức tin là một cuộc hành trình, đời sống đức tin đưa ta lên đường luôn luôn. Điều đó cũng bao hàm một sự từ bỏ liên tục: “Hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa của cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho!” để đi theo tiếng Chúa mời gọi, chúng ta cũng cần can đảm làm những cuộc “từ biệt”, những sự “đoạn tuyệt” cần thiết. Chẳng hạn đoạn tuyệt với bầu khí tội lỗi bao quanh, với những thói quen xấu, những bạn bè xấu, những mối lợi bất chính, những thang giá trị giả dối, nghịch với Tin Mừng,…
- Trường hợp của Phê-rô dạy ta rằng tuyên xưng đúng mà thôi chưa đủ mà còn phải hành động đúng nữa. Đức tin không phải chỉ là và tiên vàn là thuộc giáo lý, nhưng thiết yếu là sống theo ý Cha trên trời, và cụ thể là theo sát Đức Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu của Chúa Cha – Rất có thể là chúng ta tuyên xưng (lý thuyết) đúng mà hành động sai. Người Ki-tô hữu thường bất nhất trong điều họ tin và điều họ thực hành.
Mùa Chay mời gọi ta điều chỉnh lại đời sống mình.
Lm. Nguyễn Hồng Giáo
KHUÔN MẶT CON NGƯỜI
-----------------
Khuôn mặt con người rất quan trọng. Nhớ ai là nhớ khuôn mặt người ấy. Khi chúng ta không thể hình dung được gương mặt, thì người đó sẽ trở thành mờ nhạt.
Sự biểu lộ khác nhau trên một nét mặt con người thật đáng kinh ngạc. Đó là lý do tại sao gương mặt là đề tài nghiên cứu lý thú. Gương mặt luôn luôn nói lên chúng ta là ai và cuộc sống của chúng ta ra sao. Điều này giải thích tại sao chúng ta dùng quá nhiều từ “về mặt” trong khi nói về người khác.
Chúng ta nói: “Bạn sẽ hình dung vẻ mặt của cô ấy khi tôi nói điều này!” Hay nói cách khác, trên gương mặt, chúng ta có thể đọc được cảm nghĩ bên trong của họ: đang buồn hay vui, đang bị tổn thương hay dửng dung. Khi Matt Busy (giám đốc nổi tiếng câu lạc bộ bóng đá Manchester United) qua đời, Denis Law được hỏi “Kỷ niệm đáng nhó nhất của anh đối với Matt là gì?” và anh ta trả lời “Gương mặt của anh ấy trong đêm chúng tôi đoạt được Cúp Châu Âu.”
Chúng ta nói “mất mặt” và “mát mặt” (giữ thể diện) là điều tùy thuộc vào danh tiếng của một người. Chúng ta có thể nói rằng người có “2 mặt”: Đây là vấn đề nghiêm túc để ngụ ý nói rằng người đó dối trá lừa đảo. Và chúng ta cũng có thể nói rằng người đó không lộ diện. Điều này ngụ ý họ dấu mặt sau những người khác hay sau một hệ thống nào đó, và quá hèn nhát không xuất đầu lộ diện để chịu trách nhiệm về hành động của họ.
Mỗi người trong chúng ta có rất nhiều gương mặt. Vào những thời điểm khác nhau, chúng ta có gương mặt hạnh phúc hay buồn chán, can đảm hay lo sợ, bình yên hay lo âu, hy vọng hay tuyệt vọng, mệt mỏi hay thư giãn, vui sướng hay đau khổ, thân thiện hay thù địch… Chẳng có gì phải xấu hổ về những tình cảm này. Đó là một phần của con người. Chỉ có một điều mà chúng ta phải xấu hổ đó là gương mặt giả. Trong khi những gương mặt thật khác nói lên sự thật, thì gương mặt giả nói lên sự dối trá.
Tại sao những người đó không tự nguyện bộc lộ gương mặt thật của họ? Tại sao họ nhất định đeo mặt nạ? Phải chăng họ sợ bị nhận thấy khuyết điểm của họ? Vì thế họ luôn nở nụ cười, cho dẫu lòng họ đang khóc.
Chúng ta nghe đọc trong bài Tin Mừng: trên núi, gương mặt của Chúa Giêsu chói sáng như mặt trời. Thật lầm lẫn khi nghĩ rằng đó là gương mặt thật của Chúa Giêsu. Điều mà các tông đồ đã thấy mới là sự thật. Các tông đồ đã được thấy sự vinh hiển bên trong Chúa Giêsu mà đã bị che khuất trước mắt các ông ở những lúc khác. Còn khi nói rằng đó là gương mặt thật của Chúa Giêsu, ngụ ý rằng tất cả những gương mặt khác Chúa Giêsu đã mang thì không thật, hiểu theo ý nghĩa này thì không đúng.
Gương mặt Chúa Giêsu thể hiện trên núi Tabor là một vẻ mặt rất đặc biệt, nhưng đây không phải là gương mặt duy nhất. Chúa Giêsu có tất cả những gương mặt mà chúng ta có, ngoại trừ những gương mặt giả dối. Vào mỗi thời điểm khác nhau, gương mặt của Ngài thể hiện sự mệt mỏi, thất vọng, giận dữ, dịu dàng, thương yêu, buồn chán, thống khổ, đau đớn và tái mét khô cứng khi chết. Đây là những gương mặt thật. Bên dưới những gương mặt đó là con người thật của Chúa Giêsu, con người như chúng ta (ngoại trừ tội lỗi), đồng thời cũng có vẻ huy hoàng của thiên tính trong Ngài: “Đây là con yêu dấu của Ta”.
Mặc dù gương mặt được gọi là cửa sổ của tâm hồn, nhưng mọi gương mặt đều che giấu nhiều hơn là bộc lộ. Thực chất nơi người khác vẫn không thể gặp được. Mỗi người đều giữ lại một bí mật riêng mình. Sự cao quý thiêng liêng của chúng ta cũng như của người khác đều không thấy được.
Như Abraham, chúng ta phải sống bằng đức tin. Đức tin quả quyết với chúng ta rằng đằng sau nét mặt con người bình thường nhất chính là người con của Thiên Chúa, người em của Chúa Giêsu, hướng về vinh quang đời đời.
THOÁNG HIỆN CỦA VINH QUANG
-----------------
Trên núi Tabor, từ thân thể Chúa Giêsu, ánh sáng Thiên Chúa tỏa chiếu và Ngài đã hiển dung. Ba vị tông đồ hoảng sợ trước vẻ đẹp và sự rực rỡ. Đó không phải vẻ bề ngoài, nhưng có một cái gì từ bên trong đang chiếu tỏa. Nói ngắn gọn: Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Chúng ta cũng có sự vinh quang của thiên tính bên trong chúng ta bởi vì chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cũng có những khoảnh khắc biến hình. Van Gogh đã nói, “Người tiều phu hay thợ mỏ nghèo nhất có thể có những giây phút xúc động và hứng khởi tạo cho anh cảm giác về một quê hương vĩnh cửu mà anh ta đang đến gần.”
Một người nghèo sống ở khu tập thể Dublin dành cho người vô gia cư, đã kể một câu chuyện như sau. Ngày nọ anh đang đi dọc trên đường Bublin. Có một lúc anh ta thấy mình ở bên ngoài ngôi nhà thờ. Trước đó, anh ở bên trong nhà thờ. Anh không thể nhớ lại rằng anh ta có cầu nguyện hay không. Nhưng lúc ấy tâm hồn anh tràn ngập ánh sáng. Nỗi phiền muộn của anh vơi đi, và sự bình an tuyệt vời bất ngờ đến với anh. Anh cảm nghiệm được điều đó mặc dù anh vẫn thuộc về thế giới này. Anh cảm thấy gần với Chúa và được Chúa yêu thương.
Kinh nghiệm này dường như xảy ra trong một thời gian dài, song anh ta có cảm giác nó chỉ diễn ra trong vài phút. Anh nói, anh vui mừng được hiến dâng cả cuộc đời mình cho những giây phút ấy. Điều làm nên kinh nghiệm tuyệt vời nơi anh, đó chính là một thực tại mà anh tuyệt đối không làm được gì cho xứng hợp với nó. Điều đó hoàn toàn là ân sủng mà Chúa đã ban cho anh. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, anh đã hưởng nếm vinh quang.
Tuy nhiên, sau giây phút đó, anh lại thấy mình đang đi lang thang trên đường như trước. Ấn tượng của kinh nghiệm này mờ nhạt dần. Dù sau đó anh có trở lại ngôi nhà thờ này nhiều lần, nhưng anh không bao giờ có thể có lại được giây phút đó.
Người đàn ông không nhà đó muốn giữ lại mãi kinh nghiệm đã qua. Anh ta muốn đi ngược trở lại thay vì đi tới. Đúng ra anh phải dùng kinh nghiệm đó để soi sáng cuộc đời đen tối của anh, và bước tới trong hy vọng và can đảm hơn.
Phêrô cũng có cùng lỗi này. Ông muốn ở lại trên đỉnh núi. Ông muốn ôm chặt và giữ lấy kinh nghiệm hạnh phúc ấy. Ông không muốn xuống núi, không muốn lại trở về với những công việc thường ngày, ông muốn lưu lại nơi vùng đất say mê. Nhưng Chúa Giêsu đã gọi ông xuống núi và đối diện với tương lai. Kinh nghiệm đó không để cho ông chạy trốn cuộc chiến đấu phía trước, mà giúp ông đối diện với nó. Giờ phút của ánh sáng đã giúp ông đương đầu với giờ phút của bóng tối.
Song rõ ràng, sự kỳ diệu của ngày ấy vẫn lưu lại và soi sáng cuộc đời Phêrô, nhiều năm sau ông đã viết: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người ở trên núi… khi có tiếng phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quí mến” (2 Pr 1,17-18).
Chúng ta cũng có kinh nghiệm về những giây phút hiếm hoi của ánh sáng và niềm vui. Chúng ta thoáng thấy miền đất hứa trên hành trình đức tin. Trong tình yêu thương Chúa dành cho ta, Ngài cho phép chúng ta nếm trước niềm hạnh phúc của thế giới đang đến ngay khi ta còn ở trên trần gian này. Nhưng những khoảnh khắc biến hình này đã tăng cường cho ta sức mạnh để chu toàn công việc hằng ngày, và cho ta khả năng để đón nhận thập giá dưới nhiều hình thức đến cho mọi người. Giây phút vinh quang không hiện hữu cho lợi ích tự thân. Nó hiện hữu để phủ lên những điều bình thường với một vần hào quang chưa từng có trước đó.
Cầu nguyện và đời sống tôn giáo không phải là chủ nghĩa thoát ly thực tế. Chúng giúp chúng ta đối diện với cuộc đời đầy khó khăn và thử thách, đón nhận những thăng trầm trong cuộc sống, đỉnh cao và vực thẳm.
MÙA BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG
-----------------
1. Mùa Chay là một thời kỳ thuận tiện, giúp các tín hữu chúng ta hồi tâm để nhận biết những thói xấu khuyết điểm của mình mà sám hối ăn năn, hầu mỗi ngày một nên hoàn thiện theo ý Chúa muốn. Nhưng một vấn nạn được đặt ra: Chúng ta phải tu sửa đời sống như thế nào để đạt kết quả? Câu chuyện sau đâu giúp chúng ta giải đáp vấn nạn ấy:
2. Có một hoàng tử kia vừa đẹp trai lại vừa văn võ song toàn. Nhất là có thái độ khiêm tốn hòa nhã với mọi người, nên rất được lòng vua cha và bá quan trong triều. Hoàng tử chỉ là một khuyết điểm duy nhất là có cái lưng bị gù từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật ấy mà chàng luôn có mặc cảm tự ti và không bao giờ dám xuất hiện trước công chúng. Triều đình có cái lệ này là tạc tượng các nhân vật trong hoàng tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân đến chiêm ngưỡng. Năm đó, hoàng tử của chúng ta cũng vừa tròn 20 tuổi. Dù không muốn người ta tạc tượng cho mình, nhưng chàng không dám trái lệnh vua cha. Có điều chàng xin vua cha hai điều và đã được chấp thuận: Một là bức tượng của chàng phải được tạc ở tư thế đứng thẳng người chứ không bị gù lưng. Hai là bao lâu chàng còn sống thì không được trưng bày bức tượng ấy, mà chỉ được đặt trong phòng riêng của chàng. Từ khi có bức tượng, mỗi ngày hoàng tử đều đến ngắm nhìn ảnh mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước thế đứng thẳng người của bức tượng. Và sau một thời gian, mọi người trong hoàng cung đều vui mừng nhận thấy hoàng tử không còn gù lưng nữa, trái lại chàng luôn có dáng vẻ hiên ngang oai vệ xứng đáng như một hoàng tử. Cũng từ đó, chàng đồng ý cho trưng bày bức tượng của mình tại niện bảo tang quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng.
3. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng thuật lại câu chuyện biến hình của Đức Giêsu trước mặt ba môn đệ thân tín là các ông: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chính khi ở trên núi cao và trong lúc cầu nguyện, mà các môn đệ đã nhìn thấy khuôn mặt Đức Giêsu biến đổi. Mátthêu viết: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa, các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người” (Mt 17,2b-3). Dung nhan Chúa Giêsu ở đây gợi lại diện mạo sáng ngời của Môsê khi ông ở trên núi Xinai với Thiên Chúa (x. Xh 34,29-35); Y phục trắng tinh như ánh sáng theo thể văn khải huyền của người Do Thái là biểu hiện của vinh quang thiên giới dành cho các người được Thiên Chúa chọn; Hai ông Môsê và Êlia tượng trưng cho Luật và các Ngôn sứ. Như vậy tất cả Cựu ước đều hiện diện để làm chứng và tôn kính vinh quang của Chúa Giêsu. Điều đáng lưu ý là giữa vinh quang ấy, hai vị kia lại đàm đạo về cái chết giống như một cuộc Vượt Qua Mới mà Chúa Giêsu sắp thực hiện tại Giêrusalem. Như vậy tất cả khung cảnh Biến Hình này đều đưa về viễn ảnh cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa, và từ trong đám mây có tiếng Thiên Chúa phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Với tiếng nói này, Thiên Chúa chính thức xác nhận Chúa Giêsu là Môsê Mới trong thời cánh chung, như Môsê đã tiên báo (x. Đnl 18,15).
4. Đức Giêsu được biến hình sau khi đã chấp nhận cuộc Thương Khó, sau khi chiến thắng cơn cám dỗ của Xatan khi Phêrô can ngăn Thầy (x. Mt 16,22-23). Người cương quyết đi con đường đau khổ mà Chúa Cha muốn. Còn các tín hữu chúng ta trong Mùa Chay này, nếu muốn được biến hình đổi dạng nên sáng láng như Chúa Giêsu, thì chúng ta phải kiên trì tập luyện như hoàng tử gù lưng trong câu chuyện trên. Nhất là phải đi đường hẹp, leo núi và năng cầu nguyện với Thiên Chúa, lắng nghe lời Chúa dạy, và chấp nhân đi con đường hẹp là bỏ ý riêng, sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa Giêsu. Có như thế, chúng ta mới hy vọng sẽ được tham phần vào vinh quang với Chúa Phục Sinh trên Nước Trời sau này.
BIẾN HÌNH -----------------
BÀI Tin Mừng hôm nay nói đến việc Đức Giêsu biến hình, tỏ lộ vinh quang của Con Thiên Chúa. Nhưng sự vinh quang này lại được đặt trong bối cảnh Đức Giêsu phải lên Giêrusalem để bị giết chết. Như thế con đường vinh quang chỉ có thể đạt được qua con đường đau khổ, con đường chết để sống. Hay nói rõ hơn cuộc biến hình vinh quang của Đức Giêsu chỉ có được nhờ cái chết trên thập giá: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Toàn bộ cuộc sống của người tín hữu luôn là một cuộc ra đi, ra đi khỏi chính mình. Sự ra đi này để lại cho mọi người những tiếc nuối, những dằn vặt. Bởi phải rời bỏ tất cả “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi đến đất ta sẽ chỉ cho người”, viễn cảnh mà ông Áp-ram đã phải chấp nhận. Một cuộc xuất hành mà ngày hôm nay mỗi người tín hữu vẫn luôn phải thực hiện để bỏ lại đàng sau những ích kỷ, hẹp hòi. Quả là một con đường thử thách mà mọi người không thể như Phêrô đã có lần cản trở Đức Giêsu đi trên con đường đau khổ - vinh quang.
Trong cuộc sống, chúng ta thử đặt câu hỏi nếu mỗi người trong chúng ta chỉ dừng lại ở cuộc sống cho chính bản thân mình, với những lợi ích cho chính bản thân mình. Chắc chắn sẽ chẳng ai biết và hiểu được một Thiên Chúa Tình Yêu mà chúng ta tin và phải rao giảng. Bởi vì sẽ chẳng có ai nhận ra Đức Giêsu là Tình Yêu, nếu Ngài đã không chết vì tha nhân.
Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy cuộc hành trình biến hình không có sự lựa chọn theo kiểu mặc cả. Nó không giống như sự lựa chọn của Phêrô: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá”. Có những lúc, người tín hữu thường mặc cả trong cuộc sống niềm tin. Ví dụ chỉ chọn làm vinh danh Thiên Chúa bằng lời kinh, bằng đi lễ hằng ngày, tưởng vậy là đủ. Trong khi đó cuộc sống công bẳng xã hội lại chẳng mảy may đoái hoài. Cuộc biến hình phải là sự thay đổi và khám phá toàn diện con đường đi tới vinh quang.
Người tín hữu có biết mất đi chính mình thì mới làm vinh danh Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa mà sự biến hình hôm nay của Đức Giêsu đã dạy cho mỗi người.
BIẾN HÌNH
-----------------
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín nhất lên núi Tabor để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông. Từ trên núi cao, Phêrô, Giacôbê, Gioan đã nhận ra được con người và sứ mệnh của Đức Giêsu. Từ trên đỉnh cao, các ông thấy vinh quang của Ngài như một lời hứa được thực hiện, như thành tựu của một sứ mệnh, như đích điểm của một con đường thập giá dẫn đến vinh quang.
Chính trong giờ phút biến hình rực rỡ, ông Môsê và ngôn sứ Elia đã đàm đạo với Đức Giêsu về “cuộc ra đi” Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem, và tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Lời đó chính là để công nhận, để tán thành bước đường vượt qua đau thương của Đức Giêsu, và mời gọi các môn đệ hãy đi theo Thầy. Vì thế, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và Phêrô cũng như các môn đệ khác phải đi theo sau Thầy qua con đường khổ nạn thập giá mới đến ánh sáng vinh quang Phục Sinh.
Không phải không có lý do mà phụng vụ năm nào cũng đặt bài Tin Mừng Chúa hiển dung sáng láng hôm nay vào giữa Mùa Chay. Giáo Hội muốn đưa chúng ta lên núi, hé mở cho chúng ta chiêm ngưỡng một chút vinh quang Phục Sinh của Đức Giêsu, để chúng ta thêm tin tưởng vào Ngài, để chúng ta có những giây phút nghỉ ngơi lấy sức trước khi xuống núi, trở về với cuộc sống bình thản trên các nẻo đường phẳng lặng hay đầy sóng gió đưa đến núi Can-vê. Con đường Thương Khó của Đức Giêsu khởi đầu từ khi Ngài xuống núi. Rồi đây, Ngài cũng sẽ hiến hình “Không còn hình tượng người ta nữa”, để dạy chúng ta biết phải đi qua con đường thập giá mới đến vinh quang khải hoàn sống lại.
Sự kiện biến hình trên đây cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của con người là phải qua đau khổ và sự chết để được thông phần vinh quang của Thiên Chúa. Đồng thời nó còn là bảo chứng thần linh của con người và sứ mạng của Đức Kitô. Biến cố hiến hình thắp lên cho mỗi người chúng ta niềm hy vọng, bởi vì cho chúng ta thấy được ý nghĩa của mầu nhiệm sự chết và sống lại, cái chết chính là khung cửa hẹp dẫn chúng ta vào quê hương vĩnh cửu.
Sống sự biến hình là một đòi hỏi hằng ngày của người Kitô hữu. Nói cách khác, từng ngày sống, người Kitô hữu chúng ta không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn.
Biến đổi! Lời mời gọi mang tính quyết định. Nếu chúng ta không biến đổi con người cũ là con người tội lỗi như: tham, sân, si, của bản năng con người, thì chúng ta chẳng khác gì dòng sông không chảy, một cái ao tù. Tuy nhiên, nói biến đổi thì dễ lắm, nhưng khi thực hành thì mới thấy là khó. Biến đổi đòi hỏi sự quyết tâm và từ bỏ của bản thân cùng với ơn trợ lực của Chúa.
Cuộc đời của chúng ta đi theo Chúa không chỉ có chuyện hoa thơm, trái ngọt; chỉ có niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống; nhưng vẫn luôn còn đó những thất bại, mật đắng, dấm chua… Nhưng điều quan trọng là ta “thay thái độ để đổi cuộc đời” và phải hiểu rằng: thử thách gian khổ là “giấy phép theo Chúa” để hưởng hạnh phúc hân hoan với Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá…” (ĐHV 714). Sống được như thế, thì trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố chúng ta đều: “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được ơn biến đổ và canh tân. Xin tăng thêm niềm tin cho chúng con để chúng con can đảm bước theo Chúa cho trọn cuộc đời, hầu qua đau khổ, chúng con được tiến vào vinh quang Nước Trời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ:
Mùa Chay này bạn bó thực sự muốn “biến hình” không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 091 – MC 2ABC:
Hai cuộc biến hình của Chúa Giêsu
-------------------------------------
Bạn thân mến,
Có một cuốn phim, tựa đề là “Mask” (Mặt nạ), đã diễn lại một câu chuyện có thực của một chú bé 16 tuổi, tên là Rocky Dennis.
Chú mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ, khiến cho sọ và xương mặt của chú to hơn bình thường.
Do đó, gương mặt của chú đã bị biến thành dị dạng, trông thật rất khủng khiếp.
- Có người trông thấy chú thì quay mặt đi, vì ngượng ngùng, vì khiếp sợ.
- Có người thì chọc ghẹo, chế nhạo chú.
Dù vậy, Rocky đã chẳng bao giờ cảm thấy tủi thân và cũng chẳng hề tức tối hay nổi giận với bất cứ ai. Chú cảm thấy ngoại hình của mình xấu xí, nhưng vẫn chấp nhận nó, như là một phần của cuộc sống mình.
Rồi một ngày nọ, Rocky cùng với gia đình đi thăm khu công viên vui chơi. Họ đi vào nhà kính (nhà này có gắn kính đủ thứ, tứ tung) và bắt đầu cười đùa, chế diễu thân mình và khuôn mặt bị biến dạng của họ.
Bỗng nhiên, Rocky khi nhìn lại mình trong kính, thì lại giật mình, bởi đã trông thấy một chiếc gương đã biến khuôn mặt méo mó của chú, thành một khuôn mặt bình thường, nếu không muốn nói là rất đẹp trai nữa.
Lần đầu tiên trong đời, mọi người, nhất là lũ bạn của chú, đã nhìn thấy chú ở trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Họ đã nhìn thấy con người thực sự xinh đẹp bên trong của chú, hôm nay được bộc lộ ra bên ngoài.
*****
Cũng một điều tương tự như thế đã xảy ra cho Chúa Giêsu trong Phúc Âm hôm nay MC2 (Mt 17, 1-9).
Trong lúc Chúa Giêsu biến hình, thì các môn đệ đã nhìn thấy Ngài trong trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Lần đầu tiên, họ được trông thấy sự vinh quang tươi đẹp bên trong của Con Thiên Chúa, được bộc lộ ra bên ngoài.
Điều này khiến ta tự hỏi: “Tại sao cuộc biến hình của Chúa Giêsu lại được xếp vào hàng số những bài đọc của mùa chay, là mùa thường mang màu sắc ảm đạm, thay vì được xếp vào những bài đọc mùa Phục sinh, thường dính dấp với sự vinh quang của Chúa Giêsu?”
Để trả lời, chúng ta cần phải đọc toàn bộ bài Phúc Âm, nhất là đoạn nói đến cuộc biến hình của Chúa Giêsu:
- Việc này xảy ra, ngay sau khi Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ rằng: Ngài sẽ phải đi Giêrusalem, để chịu nạn và chịu chết ở đó.
Khi nghe Chúa Giêsu báo như thế, thì Thánh Phêrô liền hốt hoảng la lớn tiếng:
“Lạy Thầy, xin đừng! Xin điều đó đừng xảy đến cho Thầy”.
Lập tức, Chúa Giêsu đã trả lời cho Phêrô:
“Này Satan, hãy xéo đi xa khỏi mặt ta! Đừng có cản trở ta. Ngươi không suy nghĩ theo đường lối của Thiên Chúa, mà lại chỉ biết suy nghĩ theo đường lối của con người thôi” (Mt 16,22-23).
Có lẽ Phêrô, Giacôbê và Gioan cần phải được chích cho một liều thuốc bổ thiêng liêng, sau khi bị một “cú sốc” quá chướng tai, vì lời loan báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Và cũng có lẽ, đó cũng là lý do mà Giáo hội đã đặt đoạn Kinh thánh nói về cuộc biến hình của Chúa, vào số các bài đọc mùa chay, vì muốn trợ lực cho chúng ta, trước khi hướng dẫn chúng ta bước vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu vào ngày thứ sáu tuần thánh.
Tuy nhiên, còn một lý do khác nữa, khiến cho Giáo Hội đặt đoạn Kinh thánh nói về cuộc biến hình của Chúa Giêsu, vào trong số các bài đọc Mùa Chay, là vì cuộc biến hình của Chúa có những điểm nổi bật, tương tự với cơn hấp hối trong vườn Giêsêmani, đã xảy ra trên một ngọn núi, tên là Cây Dầu.
Còn cuộc biến hình cũng xảy ra trên một ngọn núi, Núi Tabor.
Cơn hấp hối, cũng như cuộc biến hình, đều chỉ có 3 môn đệ này chứng kiến, là Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Cơn hấp hối xảy ra vào ban đêm, cuộc biến hình cũng xảy ra vào ban đêm.
Trong cả hai trường hợp, các môn đệ đều say ngủ, đang khi Chúa Giêsu vẫn tỉnh thức cầu nguyện.
Và cuối cùng lý do đặc biệt hơn cả, là hai biến cố trên: hấp hối và biến hình, đều có những chi tiết bổ túc lẫn cho nhau:
- Trên núi Tabor, ba môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu lúc Ngài xuất thần. Đây là lần đầu tiên thiên tính Ngài được biểu lộ trước mắt họ.
Còn trên núi cây dầu thì ngược lại, họ chứng kiến Chúa Giêsu trong giờ Ngài hấp hối, đây cũng là lần đầu tiên nhân tính Ngài bộc lộ rõ nét nhất.
- Núi Tabor và núi Cây Dầu, mặc khải nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính Chúa Giêsu. Hai biến có trên hai ngọn núi, không thể tách lìa nhau, như hai mặt của cùng một đồng xu bạc cắc. Chúng cho thấy trọn vẹn hai chiều kích nơi Chúa Giêsu: Ngài vừa là con người, vừa là Thiên Chúa
*****
Sau đây, là sứ điệp thực tiễn, rút ra từ biến cố xảy ra trên hai ngọn núi đó:
- Giống như Chúa Giêsu, chúng ta cũng có hai chiều kích: một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính.
Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Adam và một nét giống Thiên Chúa.
Giống như Chúa Giêsu trên núi Tabor, chúng ta cũng có lúc đã từng cảm nghiệm những phút giây xuất thần, khi mà nét giống Chúa toả sáng rực rỡ, hầu như chói loà cả mắt chúng ta, chúng ta cảm thấy sao hạnh phúc qúa, Tuyệt với quá, sao mà dễ gần gũi Chúa quá, đến nỗi dường như chúng ta có thể đụng chạm được Ngài.
Trong những phút giây này, chúng ta ngạc nhiên thấy cuộc sống sao mà đẹp quá, chúng ta cảm thấy yêu mến hết mọi người, muốn bá vai, bá cổ bạn bè và sẵn sàng tha thứ cho mọi kẻ thù của chúng ta.
Nhưng rồi xét về mặt kia, cũng có lúc, chúng ta giống như Chúa Giêsu trên núi Cây Dầu, chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm được những phút giây “hấp hối”, khi mà nét giống Adam cháy rực trong ta, đến nỗi khiến cho hình ảnh của Chúa trong ta bỗng nhạt nhoà, gần như mất hẳn. Những giây phút này cuộc sống sao mà tồi tệ, sao mà thê thảm quá.
Chúng ta cảm thấy hình như không ai yêu mến mình. Chúng ta thường hay gây gỗ với kẻ này người nọ, kể cả bạn bè, và tất nhiên nguyền rủa những kẻ thù nghịch với ta.
Những giờ hấp hối hay những giầy phút xuất thần đang xảy đến, thì chúng ta cũng hãy nên nhớ đến hình ảnh hai ngọn núi Tabor, và Cây Dầu.
Chúng ta hãy nhớ lại những giây phút mà Chúa Giêsu đã từng cảm nghiệm được, trong cả hai khoảnh khắc: quang vinh và ảm đạm nhất trong cuộc đời dương thế của Ngài.
Và quan trọng hơn nữa, là chúng ta cần phải nhớ rằng: trong cả hai khoảnh khắc ấy, Chúa Giêsu đều ở trong trạng thái cầu nguyện.
Nếu sự cầu nguyện là cách thức Chúa Giêsu dùng, để đáp lại những khoảnh khắc ấy, thì chúng ta cũng hãy cố gắng làm giống như Ngài. Nhờ đó, chúng ta cũng sẽ nghe được Thiên Chúa Cha nói với chúng ta, như Ngài đã từng nói với Chúa Giêsu trong cuộc biến hình trên núi Tabor “Đây là Con Ta yêu dấu…” và cũng như Chúa Giêsu từng chịu hấp hối trên núi Cây Dầu, chúng ta cũng sẽ cảm nghiệm được: Thiên Chúa cũng đang chạm đôi tay của Ngài vào cuộc đời ta, để chữa lành cho ta.
Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin cho con cảm nghiệm được những giây phút xuất thần giống như Chúa Giêsu đã xuất thần trên núi Tabor.
Khi cảm nghiệm như thế, xin Chúa cũng hãy giúp con làm những gì Chúa Giêsu đã làm, là biết hướng về Cha, trong tâm tình cầu nguyện, và cho chúng con nghe được tiếng Cha nói với chúng con: “Con là Con yêu dấu của Cha”.
Và lạy Chúa Giêsu, cũng tương tự như vậy, khi con phải sống trong những giây phút khắc khoải, như lúc Chúa hấp hối trên núi Cây Dầu, thì xin cũng giúp con được bắt chước Chúa, mà làm những gì Chúa đã làm, đó là biết hướng về Thiên Chúa Cha, trong tâm tình cầu nguyện.
Xin cho con cảm nghiệm được bàn tay chữa lành của Chúa Cha đang đụng chạm đến con. Amen.
MÙA CHAY
HÃY BIẾN HÌNH NÊN CON NGƯỜI MỚI
Hiển Dung, hay Biến Hình, là hành động thay đổi hình dạng, vẻ bề ngoài. Chúa Giê-su để cho bản tính Thiên Chúa chói ngời vinh quang được tỏ hiện xuyên qua bản tính nhân loại của Ngài, đang khi đàm đạo cùng Mô-sê và Ê-li-a, trên một ngọn núi cao, trước mặt ba tông đồ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an.
Điều đáng lưu ý là, biến cố này xảy ra sau khi Chúa Giê-su loan báo, với tư cách là Đấng Cứu Thế, Ngài sẽ phải đi qua con đường đau khổ, chịu chết và sống lại, để đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Mô-sê và Ê-li-a, tượng trưng cho Lề Luật và Các Tiên Tri trong Cựu ước, cũng trao đổi với Chúa Giê-su về chương trình của Thiên Chúa về con đường Ngài sẽ thực hiện, để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.
Biến cố này hé lộ một chút vinh quang rực rỡ của Đấng Cứu Thế trong công trình cao cả mà Ngài đang thực hiện. Trong cuộc sống trần gian, vì sứ mạng được trao ban, Chúa Giê-su che giấu tất cả uy quyền vinh hiển của một Thiên Chúa trong thân phận con người bình thường; Ngài chịu giới hạn bởi những điều kiện vật chất, không gian và thời gian. Như bao nhiêu người khác, Ngài cũng gặp những thử thách, cám dỗ, khó khăn. Ngài cũng lo lắng, đau buồn, thương cảm, và sợ hãi trước cái viễn tượng chết chóc khủng khiếp mà Ngài phải trải qua. Tuy nhiên, điều khác biệt là, Ngài luôn luôn vui lòng đón nhận và làm theo thánh ý Chúa Cha. Ngài sẵn sàng hy sinh chính mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Ngài hiểu biết việc Ngài làm. Ngài chấp nhận dấn thân trọn vẹn vào con đường đã chọn. Ngài quyết tâm hoàn tất chương trình đã vạch ra. Để trấn an và củng cố niềm tin của những người thân yêu trước những gì thê thảm sắp xảy đến, Ngài đã biến hình rực rỡ, tỏ cho các môn đệ thấy một phần nào vinh quang bản tính Thiên Chúa của Ngài.
Với các tông đồ, đây là biến cố rất quan trọng và cần thiết, để củng cố niềm tin của các ông vào Thầy của mình, để xác tín vào chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa, và để an tâm tiến bước theo Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống.
Với chúng ta, biến cố Biến Hình một lần nữa xác định lại đức tin của người Ki-tô hữu chúng ta. Cũng như tín đồ của các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Hồi giáo,… chúng ta tin vào một Thiên Chúa. Thế nhưng, điểm khác biệt chính yếu để làm thành đức tin của chúng ta, chính là niềm tin vào Thiên Chúa được đặt vảo Đức Ki-tô. Ngài là Thiên Chúa thật, hiện hữu từ trước vô cùng, toàn năng và uy quyền. Tuy nhiên, Ngài đã nhập thể làm người, như chúng ta và sống giữa chúng ta. Ngài cũng có đôi bàn tay rướm máu khi chịu đóng đinh trên thập giá. Ngài có một đôi mắt thực sự để nhìn thấy, khóc thương. Ngài có một thân xác hao mòn vì mệt mỏi, và thực sự chịu chết cho chúng ta, để đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Chỉ khi nào dám tuyên xưng vinh quang Thiên Chúa hiện thân nơi gương mặt của một con người bằng xương bằng thịt là Đức Giê-su Ki-tô, thì khi đó, đức tin của chúng ta mới thực sự có nét đặc thù Ki-tô giáo.
Đồng thời, biến cố Biến Hình cũng muốn gởi đến chúng ta một sứ điệp quan trọng liên quan đến cuộc sống hiện tại và hạnh phúc tương lai của chúng ta. Đó là Thiên Chúa muốn chúng ta biến hình như Chúa Giê-su. Thiên Chúa không bao giờ tạo dựng loài người với bản tính mỏng dòn hay chết, nếu không nhìn thấy trước là sẽ phục sinh chúng ta. Mầu nhiệm Nhập thể là một cuộc phiêu lưu trung tâm: Thiên Chúa làm người để con người trở thành Thiên Chúa. Nơi A-đam, con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng hình ảnh này đã bị biến dạng do tội lỗi. Tính kiêu ngạo đã làm con người mù lòa. Và, chính gương mặt bị biến dạng này đã được Chúa Giê-su mặc lấy, để cứu độ chúng ta. Việc Biến Hình đã thực sự trả lại cho chúng ta hình ảnh của Thiên Chúa, gương mặt tình yêu của Thiên Chúa Cha.
Câu chuyện Biến Hình, vì thế, đã giúp nhận ra cuộc đời có một ý nghĩa, một giá trị. Cuộc sống là một ơn huệ được trao ban, để mỗi người có thể hưởng được hạnh phúc đích thực. Lịch sử Giáo Hội còn để lại nhiều cuộc biến hình đầy ấn tượng. Từ say rượu đến say Chúa, từ gái giang hồ trở thành thánh nhân, từ trai tứ chiến trở thành đấng sáng lập dòng tu, từ kẻ khô khan trở thành người sốt mến, từ người tham lam, hà khắc trở thành kẻ rộng lượng, khoan dung,… Đó là những cuộc canh tân và biến hình đã, đang, và sẽ còn tiếp tục xảy ra khắp nơi. Tất cả như để chứng minh rằng, ơn Chúa dư đủ cho mọi người và quyền lực của Chúa luôn luôn vượt thắng ma quỷ, xác thịt và thế gian, nơi tâm hồn mỗi người.
Với chúng ta, khi nào chúng ta biến hình để trở nên giống Chúa? Thiết tưởng Mùa Chay là thời điểm thuận lợi và thích hợp hơn hết. Hãy bắt đầu ngay! Đừng chần chờ! Kẻo phải muộn màng, hối tiếc.