Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu
Mt4,1-11.
1Sau khi chịu phép Rửa, Đức Giêsu được Thần khí dẫn vào hoang địa, để chịu cám dỗ. 2Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! ” 4Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
5Sau đóù quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7Đức Giêsu đáp: “Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
8Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10Đức Giêsu liền nói: “Sa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 11Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần đến hầu hạ Người.
Suy Niệm :
Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ I Mùa Chay. Bài Tin Mừng tường thuật, Chúa Giêsu để cho Satan cám dỗ và chống lại nó, ám chỉ rằng: cuộc sống người ki-tô hữu nơi trần thế này là một cơn cám dỗ triền miên. Hãy noi gương Chúa, mà chiến đấu chống lại mọi cơn cám dỗ của Satan.
Cơn cám dỗ thứ nhất ( hình ảnh Manna trong sách Xuất hành) Những bữa tiệc của ma quỷ: “Hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi.”- Quỷ xúi giục Đức Giêsu: Hãy biến đá sỏi thành thức ăn ngon. Ám chỉ: Hãy hưởng thụ đời sống dễ dãi, ăn chơi, không làm cũng có ăn... Cứ tham lam, hối lộ, vơ vét của công, thậm chí cướp của giết người … Đó là những cách làm giàu trên xương máu người khác ! Chống lai cơn cám dỗ này, Đức Giêsu dạy ta sống theo Lời Chúa, trong tinh thần nghèo khó, siêu thoát sự trói buộc của tiên tài, vật chất: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”
Cơn cám dỗ thứ hai :Thử thách quyền lực Thiên Chúa, xem Người có thể cứu nổi không? Satan nói: “Cứ gieo mình xuống đi, vì Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Chúa Giêsu đáp lại :“Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Chưa hết, Satan còn theo theo Chúa Giêsu cho đến chân thánh giá, giờ phút Chúa hấp hối. Nó dùng ngay bọn lý hình để cám dỗ Chúa Giêsu thử thách Chúa Cha: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy tự cứu lấy mình và xuống khỏi thập giá đi.” Nhưng Chúa Giêsu vẫn tỏ ra khiêm nhường, kiên trung, hoàn toàn tin tưởng vào Cha mình.
Cơn cám dỗ thứ ba ( hình ảnh bò vàng): Thỏa hiệp với thế gian và chiều theo những đòi hỏi của nó, để được đối xử dễ dãi và lợi lộc: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giêsu đáp lại: “Sa-tan kia, xéo đi ! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” . Khác xa với dân Ít-ra-en xưa trong sa mạc, Đức Giêsu đã khước từ mọi thỏa hiệp với tên cám dỗ: Người kiên quyết chống lại nó và đi vào con đường khiêm tốn, lấy chính thân mình phục vụ, chứ không dùng quyền uy thống trị.
Đức Giêsu đãø chống lại và chiến thắng tên cám dỗ Satan như thế đó!
*Ngọn Đuốc Vân Trường. Trong Tam quốc chí kể câu chuyện này: Khi thất thủ ở Hạ Bì, Quan Vân Trường một mình phải phò hai bà chị dâu, vợ của Lưu Bị đến nương náu nơi nhà Tào Tháo. Đêm đến, Tào Tháo cho ba người ngủ chung một phòng, dụng ý gài bẫy cho chị em loạn luân, hoặc chí ít cũng có cớ nói xấu làm mất thanh danh, chúa tôi thất lễ ! Biết tà tâm của Tào Tháo, đêm ấy, Quan Vân Trường một tay cầm đuốc, một tay cầm sách, ngồi ngoài cửa đọc sách binh thư suốt đêm cho tới sáng. Mọi người thấy vậy khen Quan Vân Trường là người sáng suốt và khôn ngoan chính trực ! Từ đó, thành ngữ “Ngọn đuốc Vân Trường” dùng để chỉ những con người ngay thẳng, dám nói không với cám dỗ, không để cho vật dục quyến rũ lòng mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con:
“Phải tỉnh thức cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ,
vì tinh thần thì thì hăng hái, nhưng xác thịt yếu đuối”.
Xin Chúa cho chúng con biết sống khiêm nhường và thật lòng sám hối ăn năn, và xa lánh mọi dịp tội, nếu không, sẽ chẳng bao giờ chừa được tội nào. Xin Chúa nhân từ thương xót tha thứ cho chúng con. Amen.
THEO A ĐAM HAY THEO CHÚA GIÊ SU
(Suy niệm Tin mừng Mat-thêu (4, 1-11) trích đọc vào Chúa nhật I mùa Chay)
Tất cả mọi loài mọi vật trong vũ trụ đều phải tuân theo những quy luật mà Thiên Chúa đã an bài.
Trái đất cũng như những hành tinh khác phải vận hành theo đúng quỹ đạo Thiên Chúa vạch ra cho chúng. Nếu Trái đất không đi đúng quỹ đạo, tất sẽ có nhiều thảm họa xảy ra đe dọa mọi loài sinh sống trên mặt đất.
Xe cộ lưu thông trên các tuyến đường phải giữ luật giao thông, nếu không, những tai nạn khôn lường sẽ xảy ra và đường sá trở thành nơi ngốn nhiều nhân mạng hơn mọi cuộc chiến tranh khắp thế giới.
Tương tự như thế, loài người cũng phải tuân giữ quy luật Chúa truyền, nếu không thì phải mang lấy hậu quả là đau khổ và sự chết.
Bài trích sách Sáng thế được công bố trong phụng vụ hôm nay khẳng định chân lý nầy. Vì hai ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa (được minh hoạ bằng việc ăn trái cây Chúa đã cấm) nên hai ông bà và con cháu đời sau phải đau khổ và phải chết.
Qua bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô khẳng định lần nữa chân lý nầy: Vì một người là Ađam đã không tuân giữ luật Chúa mà muôn người trở thành tội nhân và tội lỗi đã gây nên sự chết! (Rôma 5, 12).
Khốc liệt thay hậu quả của việc bất tuân quy luật Chúa truyền.
Để cứu vớt loài người khỏi hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa Cha đã cho Ngôi Hai xuống thế, trở thành một Ađam mới, sửa lại những sai lệch do Ađam cũ gây nên, hầu cứu nhân loại khỏi vòng huỷ diệt.
Cũng như Ađam cũ, Ađam mới cũng bị Sa-tan cám dỗ đi trệch đường của Thiên Chúa. Sa-tan hy vọng rằng một khi “Đầu tàu” là Chúa Giê-su đi trật đường rầy thì toàn thể đoàn tàu là nhân loại cũng lao vào chỗ chết, đánh bại được chủ tướng thì chiến thắng sẽ về tay mình.
Ba cơn cám dỗ trong hoang địa mà Chúa Giê-su phải chịu là tổng hợp của ‘trăm chiều thử thách’ mà Ngài phải đương đầu trong cuộc đời dương thế.
Nhưng khác với Ađam cũ nông nổi nghe lời Sa-tan xúi giục đi trệch đường lối Thiên Chúa, Đức Giê-su đã kiên quyết đi theo đường lối Chúa Cha không hề sai lệch, cho dù phải chịu khổ nạn và cái chết vô cùng đau thương. Nhờ thế, Ngài đã nắn lại những sai lệch do Ađam cũ gây ra và lôi kéo nhân loại về với Thiên Chúa.
Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải đương đầu với những cám dỗ, thử thách mà Ađam cũ cũng như Ađam mới là Chúa Giê-su đã gặp hôm xưa và mỗi người phải chọn lựa:
Thứ nhất: Chọn vào cửa tử, là bước theo vết chân của Ađam cũ, nghe theo lời mời mọc của Sa-tan, chiều theo đam mê dục vọng, không theo đường lối Chúa, để rồi phải lâm vào cảnh đau thương chết chóc;
Thứ hai: Chọn vào cõi phúc, là kiên quyết chống lại cám dỗ, từ bỏ tội lỗi để vững bước theo con đường của Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã làm, để được sống đời đời với Chúa…
Chọn cửa nào là tùy vào quyết định của mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su,
Đường vào thiên quốc hay lối xuống địa ngục, cửa sinh hay cửa tử đang mở ra trước mặt chúng con. Xin giúp chúng con đừng mê muội đi vào cửa tử nhưng khôn ngoan sáng suốt bước vào cửa sinh, bằng cách chống lại mọi hình thức cám dỗ và noi gương Chúa bước theo đường lối Chúa Cha. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Chúa Nhật I Mùa Chay A
CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT I-MÙA CHAY_A, 26-02-2023
֎
“XIN BAN LẠI CHO CON NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ”
Adam và Eva đã không vâng lời Chúa khi muốn thoát khỏi cái nhìn của Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã đi những bước đầu tiên trong lịch sử dân của Ngài và lịch sử của loài người tội lỗi này. Trong kế hoạch của Chúa, ân sủng luôn dồi dào và mạnh mẽ hơn tội lỗi. Ân sủng đó được ban cho chúng ta bởi Chúa Giêsu, Adam mới).
Bài đọc I : St 2, 7-9 ; 3, l-7a
Bằng những đường nét đơn sơ, trình thuật của sách Sáng Thế diễn tả những sự thật phổ quát. Tên của người nam đầu tiên, ADAM, nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ của chúng ta với trái đất, và tên của người nữ thứ nhất, EVA, nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của chúng ta liên quan tới sự sống và trao ban sự sống. Vườn địa đàng là một nơi chốn của tự do và hạnh phúc được dành cho tất cả chúng ta. Nhưng với một điều kiện : phải tôn trọng các giới hạn gắn liền với nhân tính của chúng ta. Ai lại không mơ, như con rắn độc ác gợi ý, trở nên “như những vị thần’ ? Không được đổ lỗi cho Adam–Eva là đã chịu thua cám dỗ ma quỷ. Ý thức của Adam-Eva về “sự trần truồng” của mình cũng là ý thức về sự bất tuân của họ đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa đuổi Adam-Eva ra khỏi vườn địa đàng, nhưng Thiên Chúa đã đi những bước đầu tiên đến với họ và đảm bảo với họ sự bảo vệ của Ngài.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 50
Phụng vụ sửa đổi thánh vịnh 50 này một cách đáng kể: câu 3 được dùng làm tiền xướng. Mặc dù tiếng Do Thái dùng ngôi thứ nhất số ít, phụng vụ đọc nó ở số nhiều: “Lạy Chúa, xin thương xót, vì chúng con đã phạm tội”. Sự thay đổi này không phải là tùy tiện. Một mặt, nó xác nhận sự kiện tất cả chúng ta đều liên lụy trong lỗi lầm của Adam-Eva … và lỗi lầm của Vua David, được nói tới trong hai câu đầu tiên của thánh vịnh Do Thái. Chúng ta đều là tội nhân. Mặt khác, để cầu nguyện cách đúng đắn với thánh vịnh 50, người ta phải đồng nhất mình với cái “tôi”, vừa mô tả thực tại của mọi tội lỗi, vừa mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bài đọc II : Rm 5, 12-19
Trong suốt lịch sử, bà Evà nhiều lần bị chỉ trích là người đầu tiên ăn trái cấm. Thế nhưng, trong bản văn Tân Ước đề cập đến vấn đề tội nguyên tổ, Phaolô chỉ nói về tội đó với Ađam. Tuy nhiên, Phaolô phục hồi uy tín cho Adam khi nói rằng “tội không thể bị quy trách cho bất cứ ai bao lâu không có luật”. Phaolô còn đi xa hơn khi trình bày Adam là “hình bóng [của] Đấng phải đến”. Vị Tông đồ sau đó đưa ra viễn cảnh là sự phong phú, thậm chí là sự dư tràn của “ân sủng được ban trong một người duy nhất, là Chúa Giêsu Kitô”. Phaolô có công thức tuyệt vời này: “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”.
Tin Mừng : Mt 4, 1-11
Câu đầu tiên trong trình thuật của Matthêu hơi khó hiểu. Mặc dù lý do Chúa Giêsu ở trong sa mạc dường như có liên quan đến sự hiện diện của “ma quỷ” là tên cám dỗ, và kế đến có liên quan tới việc thực hành chay tịnh, thì ngay từ đầu Matthêu đã cho thấy rằng mọi thứ xảy ra với Chúa Giêsu đều ở dưới sự hướng dẫn của “Chúa Thánh Thần”. Cuộc đọ sức đã xảy ra : ma quỷ xảo quyệt, lấy cớ Kinh Thánh nhưng Chúa Giêsu không đơn độc. Thánh Thần ở với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu biết Kinh Thánh rất rõ và biết giải thích Kinh Thánh. Sau này, Chúa sẽ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám đông đói khát, nhưng Chúa không làm phép lạ để gây ấn tượng, Chúa tìm cách nuôi dưỡng đám đông bằng lời của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng không lạm dụng sự can thiệp của các thiên thần, bởi vì Chúa đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa. Và cuối cùng, Chúa Giêsu không tìm kiếm quyền lực hay tiền bạc, và Chúa cương quyết phục vụ và thờ phượng Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ
TIN VÀO CHÚA GIÊSU ĐỂ VƯỢT THẮNG NHỮNG CÁM DỖ
Hiện hữu trong cuộc đời, mỗi người thường phải đối diện với thách đố của một thế lực đen tối nào đó cám dỗ, lôi cuốn. Cho nên, chúng ta cần phải có phương thế hữu hiệu và vững chắc để chiến đấu, chống trả. Trước ý nghĩa đó, Lời Chúa trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh sử Matthêu trình thuật cho chúng ta biết cách để vượt thắng, thông qua sự việc Chúa Giêsu đối diện với các cám dỗ của ma quỷ, nhưng Người đã chiến thắng, rồi cho biết về sự thật của Người và nói rõ bản chất xảo trá của ma quỷ. Chúa Giêsu nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (c.10).
Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống trần gian hạ thân sống kiếp phàm nhân để cứu độ nhân loại, khi loài người đang rơi vào cảnh tội lỗi trói buộc do tội bất tuân của ông bà Nguyên tổ. Thế nên, để chuẩn bị thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã dành thời gian ăn chay và cầu nguyện, đó là những phương thế cao cả và hữu hiệu của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, không ngờ thời gian này ma quỷ đã tìm cách chống đối và quấy phá. Ma quỷ dùng chiêu bài nếu Chúa Giêsu làm theo lời của nó thì nó sẽ “ban tặng” cho Chúa. Ma quỷ mời gọi Chúa Giêsu: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ vinh hoa phú quý, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Thế nhưng, ma quỷ đã thất bại vì chính Chúa Giêsu làm chủ trên ma quỷ, như Tin Mừng minh định. Thế là ma quỷ tỉnh giấc với hành vi của mình: “Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (c.11).
Như vậy, Chúa Giêsu đã vượt thắng sự cám dỗ của ma quỷ bằng sức mạnh của Lời Chúa và niềm tin tuyệt đối vào Chúa Cha. Qua đó, Người khuyên dạy và hướng dẫn cho chúng ta giải pháp sắc bén để đương đầu khi gặp sự cám dỗ đó là đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Đồng thời, qua biến cố Chúa Giêsu đối diện với những lời cám dỗ của ma quỷ là để Người cảm thông và liên đới với con người trần thế. Cho nên, một khi Chúa Giêsu đã liên đới với chúng ta trong đau khổ và thử thách thì chúng ta cũng phải liên đới với Người trong đau thương và gian khổ giữa dòng đời; chúng ta cũng hãy sẵn sàng liên đới với tha nhân, nhất là những người gặp cảnh đau khổ, lầm than.
Quả thật, với tình trạng tự nhiên của con người mang thân phận mỏng dòn yếu đuối sống giữa biết bao sự lôi cuốn hấp dẫn của thế gian, nhất là cám dỗ mất niềm tin vào Thiên Chúa, xem thường những lời giáo huấn của Chúa, của Giáo hội, từ đó chúng ta có nguy cơ đánh mất thiện chí và dễ lay động chiều theo ma quỷ nên thường bị thua và thất bại. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã chỉ dẫn cho chúng ta phương thế tốt nhất và hiệu quả nhất để chúng ta chiến đấu mà vượt thắng, đó là chúng ta dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội làm kim chỉ nam chống lại cám dỗ. Chúng ta không được thất vọng, bỏ cuộc nếu bị cám dỗ, nhưng chúng ta cần kiên quyết vững mạnh để chiến thắng hầu đạt được ý nghĩa cao quý hơn. Như lời khẳng định của thánh Giacobe: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,12).
Những gì ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu là điều thức tỉnh chúng ta về mong muốn tiền của, danh vọng, chức vị - những thứ hấp dẫn con người dễ rơi vào. Bởi vì, khi con người tìm cách đạt cho được mục tiêu đó, họ dễ dùng mọi chiêu bài để làm sao chiếm cho được bất chấp sự việc gây ảnh hưởng tác hại đến tha nhân. Chính vì vậy, chúng ta phải biết sống đúng với phẩm giá của mình và nhận ra sự thật, sống đúng sự thật, bởi “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,34). Như thế, bước vào mùa Chay, Giáo hội nhắc nhở con cái mình phải sống tâm tình ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái, đó là những phương thế hữu hiệu giúp chúng ta tiến tới trên đường nhân đức, để sống kết hiệp với Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu khi xưa đã cảnh báo các môn đệ, và hôm nay Người vẫn luôn nhắn nhủ với chúng ta: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn" (Mt 26,41).
Như vậy, suy niệm về bài Tin Mừng hôm nay là điều hữu ích để thức tỉnh chúng ta trước cám dỗ, nhưng đồng thời cũng mời gọi chúng ta ý thức rằng, một khi chúng ta bị cám dỗ và chiều theo cám dỗ lôi cuốn, thì chúng ta cũng hãy biết cảm thông chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh khi họ đối diện và bị ma quỷ cám dỗ lôi cuốn, chứ không lên án, khinh khi và xa lánh họ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, ma quỷ đã dùng những phương cách rất hấp dẫn, những điều liên hệ xảy ra trong cuộc sống thường ngày để lôi cuốn Chúa Giêsu hầu mong dễ dàng chiều theo ý của nó. Nhưng Chúa Giêsu đã biết được tham kế mưu mô của chúng nên Chúa đã đập tan ý đồ của nó. Bởi Chúa Giêsu chính là Đấng đến làm chứng cho Chúa Cha và là Đấng hiến mình cứu độ nhân loại. Do đó, mỗi người chúng ta trong đời sống hằng ngày và trong thực hành đức tin hãy dựa vào Lời Chúa và sống đúng với niềm xác tín của mình vào Thiên Chúa. Amen.
M. Anrê Tường
MÙA CHAY LÀ THỜI GIAN ĐỂ NGHE RÕ TIẾNG CHÚA GIÊSU NÓI: “HÃY LUI ĐI, HỠI SATAN!”
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật I Mùa Chay.
St 2, 7-9; 3, 1-7; Rm 5, 12-19; Mt 4, 1-11.
Các bài đọc của Chúa nhật I Mùa Chay tạo cơ hội để phân định hai tiếng nói: một của kẻ cám dỗ và một của Thần Khí. Trong bài đọc thứ nhất, con rắn được mô tả là “loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành” (St 3,1). Tiếng nói của loài vật thụ tạo mưu mô này đã gieo mầm mống nghi ngờ cho cặp vợ chồng đầu tiên, và dần phát triển thành một “di sản kế thừa” mà ngày nay chúng ta gọi là giáo lý tội nguyên tổ hay tội tổ tông. Tiếng nói thứ hai đến từ Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu làm cho kẻ cám dỗ phải câm miệng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'" (Mt 4,10).
Ý tưởng về một hữu thể như Satan đã phát triển theo thời gian trong truyền thống đức tin của chúng ta. Trong những văn phẩm sớm hơn, chẳng hạn như sách Gióp, Satan chưa là hiện thân của sự dữ. Satan hoạt động với tư cách là công tố viên của Thiên Chúa và rình mò trên trần gian để thử lòng trung thành của các tín hữu. Con rắn trong vườn Êđen mang những đặc điểm này và trở thành kẻ xúi giục thân phận con người của Ađam và Eva để họ nghi ngờ Thiên Chúa. Nó dụ dỗ Ađam và Eva làm theo ý riêng và chất vấn tiếng nói Thiên Chúa. Kết quả là cặp vợ chồng đầu tiên nhận ra sự trần truồng, dễ bị tổn thương và nhu cầu phải che đậy sự trần truồng của họ.
Khi thánh Matthêu viết sách Tin mừng vào thế kỷ thứ I thì những tính chất của hình tượng con rắn, Satan trong sách Gióp và ma quỷ đã trộn lẫn với nhau. Satan – công tố viên, đã kết hợp với con rắn trong sách Sáng thế cũng như các đối thủ khác của Thiên Chúa trong truyền thống Thánh kinh để trở thành hiện thân siêu việt mạnh mẽ của sự dữ.
Trong bài Tin mừng hôm nay, tên cám dỗ đóng vai kẻ xúi giục khi thân xác Chúa Giêsu đã yếu nhược sau 40 đêm ngày ăn chay. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đủ sức mạnh thiêng liêng để đương đầu với thử thách của ma quỷ trong hoang địa. Hai lần ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu nghi ngờ Thiên Chúa Cha "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh" và "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá" (Mt 4,3-6). Giống như con rắn trong sách Sáng thế, ma quỷ trong Tin mừng Matthêu rất xảo quyệt. Kẻ thù đối với thân phận con người tấn công Chúa bằng những điều thánh thiêng. Satan bóp méo ý nghĩa Thánh kinh và từ một chỗ sâu xa hơn nó tấn công bản chất và căn tính Con Thiên Chúa của Ngài. Cuộc chiến đấu này có cả chiều kích tâm lý cũng như thiêng liêng.
Chúa Giêsu có được sức mạnh từ một điều gì đó còn sâu xa hơn căn tính của Ngài. Để cho Thần Khí nói qua mình, Ngài trực tiếp đáp trả ma quỷ: “Hãy lui đi, hỡi Satan!” (Mt 4,10). Trong Tin mừng Matthêu, Chúa Giêsu sẽ dùng lại lối nói này gần như nguyên văn khi quở trách môn đệ Phêrô vì đã cản trở kế hoạch của Thiên Chúa. “Nhưng Chúa Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: ‘Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’.” (Mt 16,23). Theo logic Tin mừng Matthêu, bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai trở thành chướng ngại cản trở Thần Khí dẫn dắt thì đều do Satan chỉ đạo.
Các bài đọc hôm nay như một lời cảnh báo về việc những tạp âm như lấp đầy chúng ta đến nỗi không còn chỗ cho tiếng nói của Thần Khí. Việc Ađam và Êva bị sốc khi biết mình trần truồng có thể là cơn cám dỗ để nghĩ rằng họ bị bỏ mặc để tìm lối đi trong thế giới hiểm nguy. Nếu như vậy thì thật dễ thấy rằng một người sẽ tuyệt vọng biết bao khi đi theo tiếng nói xấu mà lẽ ra nó phải im đi. Mùa Chay là thời gian để nghe rõ tiếng Chúa Giêsu, tiếng phát ra từ nguồn mạch sự sống: “Hãy lui đi, hỡi Satan!”.
CẦU NGUYỆN
Trên hành trình thiêng liêng của chúng ta, “tiếng nói” của ai là lớn nhất?
Chúng ta mong muốn lắng nghe điều gì trong Mùa Chay này?
Chúng ta muốn giữ thinh lặng về điều gì trong Mùa Chay này?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (22/2/2023)
“Tôi phải chọn Chúa!” đây phải là quyết tâm sống của mỗi người chúng ta trong những ngày đầu của Mùa Chay Thánh này. Tại sao chúng ta cần phải có quyết tâm thực sự để chọn Chúa như vậy? Thưa là: Để chúng ta có thể thuộc trọn về Chúa, vì nếu không có ơn Chúa, thì những tật xấu, tội lỗi cùng với những cám dỗ của ma quỷ, thế gian và yếu đuối của xác thịt con người sẽ làm cho chúng ta xa Chúa, tệ hại hơn là còn lên án và chống lại Thiên Chúa cùng với những cách thức yêu thương cứu độ của Ngài.
Bài đọc một (St 2, 7-9; 3, 1-7) tường thuật cho chúng ta biết về cách thức mà Adam-Eva đã bị ma quỷ cám dỗ để ăn trái cấm. “Rắn bảo người nữ: Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Với lời dụ dỗ rất xảo quyệt của nó: Cứ ăn đi, không sao đâu, khi ăn vào sẽ giống như Thiên Chúa, còn hơn cả Chúa nữa, ăn vào thì sẽ phân biệt được tốt xấu… Như vậy, lời dụ dỗ này xem ra tốt, chứ đâu có gì xấu, mà tại sao Chúa lại cấm không cho con người ăn? Chúa cấm, chắc là vì Chúa không muốn con người khôn ngoan, thông minh như Chúa hay sao? Thật ra, khi con người chọn theo ma quỷ, thì hậu quả mà họ nhận được không phải là sự thông minh nhưng là sự mặc cảm, xấu hổ: “Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân”.
Bài đọc hai (Rm 5, 12-19) Thánh Phaolô Tông đồ minh chứng cho chúng ta biết, tội lỗi và sự chết là hậu quả của tình trạng mà con người mang trên bản thân mình do bởi tội nguyên tổ. Thế nhưng, điều quan trọng ở đây không phải là tội lỗi, vì mặc dầu con người yếu đuối tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và tạo mọi cách thế tốt lành để cứu chuộc chúng ta. Do đó, chúng ta không thể đổ lỗi cho bản tính yếu đuối của mình mà không tin vào Chúa, không muốn chọn Chúa và sống theo cách thức như Chúa dạy cùng nêu gương. “Ở đâu tội lỗi lan tràn, thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Qua sự xác tín này của Thánh Phaolô, Thiên Chúa ban ơn cho con người là nhờ vào sự vâng phục, vào cách thức hiến thân trọn vẹn vì tình yêu của Đức Kitô Giêsu dành cho Thiên Chúa Cha và dành cho con người chúng ta. Do đó, mà Ngài kéo ân sủng từ Thiên Chúa xuống, tuôn đổ vào lòng trí và cuộc đời của chúng ta. Vậy thì thưa ACE, cung cách đáp trả của chúng ta là gì trong mùa chay này? Chúng ta lựa chọn tội lỗi để dẫn đến sự chết, hay chúng ta chọn ân sủng Chúa ban cho để sống gắn kết với Chúa?
Tin mừng hôm nay (Mt 4, 1-11) cũng chính là sự chọn lựa của Chúa Giêsu, Đấng đã chọn lựa Thiên Chúa Cha, để vâng theo thánh ý của Cha, để làm đẹp lòng Ngài, để ban ơn cứu độ cho con người và để trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta trong sự lựa chọn cách sống của mình. Cũng giống như Eva trong bài đọc một, Chúa Giêsu cũng bị ma quỷ cám dỗ; ma quỷ nó rất khôn lanh, vì khi cám dỗ nó đánh vào trọng tâm, những điểm yếu của con người, vì thật ra, sau bốn mươi ngày chay tịnh, Chúa đã bị đói, lúc này con người thể xác của Chúa đã yếu đuối và dễ vỡ. Thế nhưng, khi suy niệm, chúng ta sẽ ngac nhiên vì sự cám dỗ của ma quỷ chính là muốn con người bất tuân chống lại và khước từ Thiên Chúa.
Với ba loại cám dỗ của ma quỷ dùng như cơm bánh, quyền lực và sự vinh hoa của thế gian, cái nào cũng là đòn chí mạng với con người cả, thế nên, nếu chúng ta không biết khiêm tốn, tín thác để cậy dựa vào ơn thánh cùng sức mạnh của Thiên Chúa mà nghĩ rằng, bản thân tôi có thể làm được tất cả mà không cần đến Chúa hay loại Chúa ra khỏi cuộc sống mình, thì thật là tai hại, vì khi suy nghĩ và hành động như vậy là chúng ta đã bị rơi vào cái bẫy mà ma quỷ đã giăng ra để dụ dỗ con người.
Thật vậy, với những mẫu gương của Chúa Giêsu, Ngài đã soi sáng, giúp sức cho chúng ta phải kiên quyết đoạn tuyệt với ma quỷ và những quyến rũ của nó: “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”. Thật là điều tệ hại, nếu chúng ta thỏa thuận với ma quỷ mà loại trừ Chúa, do đó, hãy chọn Chúa, đừng làm theo ý riêng mình, đừng thay đổi Chúa với bất cứ điều gì, thứ gì ở trần gian này hay với bất cứ ai. Và trên hết, hãy luôn trung thành, cương quyết để thuộc trọn về Chúa: “Tôi sẽ chọn Chúa”.
Lạy Chúa, xin gia tăng tình yêu và lòng mến Chúa cho chúng con, để trong muôn vàn sự lựa chọn, xin cho chúng con biết khiêm tốn, tín thác để chọn Chúa, để thuộc trọn về Chúa qua cách sống chứng tá yêu thương và phục vụ của chúng con. Amen.
Lm Ga Phan Tiến Dũng
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 090 - MC 1:
Chuyện ma quỷ là có thật
-------------------------------------
Bạn thân mến,
Đối với rất nhiều người trên thế giới, ma quỷ chỉ là chuyện hoang đường do một số người bịa ra để hù dọa những người yếu bóng vía. Họ cho rằng ma quỷ không có thật và cho dù có thật đi nữa, chúng cũng chẳng đáng cho ta quan tâm, chẳng cần cảnh giác.
Nghĩ như thế là mắc mưu ma quỷ rồi, vì theo lời Đức thánh Cha Phan-xi-cô, “Sa-tan cố tìm cách làm cho mọi người tin rằng chúng không còn tồn tại trong thế kỷ này” để người ta khỏi biết đến chúng và mất cảnh giác với chúng.
Ma quỷ có thật
Kinh thánh cho chúng ta biết sự hiện hữu của ma quỷ là một sự thật hiển nhiên.
Ngay từ khi nguyên tổ loài người được tạo nên, ma quỷ đã xuất hiện để cám dỗ, để lôi kéo tổ tông loài người đừng vâng theo lời Chúa dạy, đừng đi theo đường lối Ngài và hai ông bà đã nghe theo lời dụ dỗ của Sa-tan. Thế là thảm họa đã xảy ra từ đó.
Rồi khi Chúa Giê-su vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cũng đến cám dỗ Ngài, không chỉ một lần mà là đến 3 lần và sau 3 lần thua trận, “ma quỷ rút lui để chờ cơ hội khác” (Lc 4,13).
Và trong 3 năm rao giảng, Chúa Giê-su đã nhiều lần trục xuất ma quỷ khỏi nhiều người bị chúng ám hại và Ngài cũng ban cho các môn đệ quyền năng để xua trừ ma quỷ.
Gần với thời đại chúng ta hơn thì phải kể đến việc ma quỷ đã quấy phá cha thánh Gioan Vianney suốt 35 năm trời bằng đủ mọi hình thức đáng ghê sợ khiến ngài hầu như không thể nào ngủ được. Sự việc này đã được tòa án tuyên thánh cho ngài xác nhận là sự thật.
Thánh Phê-rô cũng xác nhận rằng ma quỷ vẫn đang rình rập quanh ta và dạy chúng ta phải cảnh giác: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
Và từ ngày Đức thánh Cha Phanxicô đảm nhậm trọng trách Giáo hoàng đến nay, ngài đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu rằng ma quỷ có thật, ma quỷ luôn hiện diện quanh ta và chúng ta phải luôn cảnh giác với chúng. Ngài nói: "Ma quỷ đang ở quanh ta … trong thế kỷ 21 này!" Ngài kêu gọi: Xin mọi người “đừng thờ ơ trong việc này! Hãy luôn luôn cảnh giác.”
Ma quỷ rất đáng sợ
Chính ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa Ít-ca-ri-ốt ý định phản nộp Chúa Giê-su (Ga 13,2), cũng như đã nhập vào y để thúc đẩy y thực hiện hành vi bán Chúa (Ga 13, 27; Lc 22,3).
Chúa Giê-su cũng khẳng định rằng điều xấu là do ác quỷ mà ra (Mt 5,37).
Hiện nay, ma quỷ có một đạo binh rất đông đảo, rất hùng hậu, rất tinh nhuệ và rất thiện chiến… đang bủa ra khắp nơi để tấn công loài người, tàn phá những giá trị đạo đức, làm suy sụp nền luân lý lành mạnh, làm cho rất nhiều gia đình tan vỡ…
Ma quỷ lôi kéo rất nhiều người vào con đường tội lỗi, sa đọa vì rượu bia, ma túy, mại dâm, đàng điếm, trộm cướp, hận thù, đâm chém, hoang đàng, trác táng…
Ma quỷ xúi giục người ta tham ô, làm hàng giả, sản xuất thực phẩm độc hại, buôn bán ma túy, buôn người…
Ngay cả Chúa Giê-su mà còn bị ma quỷ cám dỗ 3 lần trong hoang địa và sau đó ma quỷ còn chờ cơ hội để cám dỗ tiếp, thì ma quỷ cũng không buông tha cho bất cứ ai trong chúng ta.
Ma quỷ là thù địch đáng sợ hơn bất cứ thù địch nào trên thế gian vì chúng có trăm phương nghìn kế để lừa dối, để mê hoặc, để lôi cuốn người ta vào con đường tội lỗi.
Vô vàn phim ảnh, sách báo, các thể loại ca múa nhạc và văn hóa phẩm đủ loại nhằm kích động bạo lực, tình dục, chia rẽ, hận thù… tràn lan khắp nơi trên thế giới là những phương tiện ma quỷ thường dùng để làm băng hoại bao tâm hồn và xô đẩy nhiều người xuống hỏa ngục.
Trong khi đó, điều rất đáng quan ngại là nhiều người không hề quan tâm, không hề cảnh giác trước những nguy cơ rất đáng sợ này.
Chính vì thế, Đức thánh Cha Phan-xi-cô đã nhiều lần nhắc nhở các tín hữu phải luôn luôn cảnh giác đối với ma quỷ và ngăn ngừa những tác hại do chúng gây ra.
Và thánh Phê-rô cũng nhắc nhở chúng ta luôn tỉnh thức: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
Lạy Chúa Giê-su, ma quỷ thì khôn ngoan xảo quyệt, chúng như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé, còn chúng con chẳng khác gì cừu non trước đàn sói dữ, khó lòng thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù, nếu không được Chúa bảo vệ chở che.
Xin Chúa luôn bảo vệ chúng con, xin giúp chúng con luôn sống tiết độ và tỉnh thức như lời Chúa dạy để khỏi sa vào móng vuốt kẻ thù rất đáng sợ này. Amen.
----------------------------------
Nguyễn Văn Mễn
CÁM DỖ
Sống trong cuộc đời, dù ở bậc sống nào đi nữa, chúng ta không thể thoát khỏi thử thách cám dỗ. Các vị thánh là những người đã can đảm đối diện và chiến thắng cám dỗ. Nếu đọc tiểu sử của các vị thánh như Thánh Antôn ẩn tu, Thánh Phanxicô Assidi, Thánh Catharina de Siena, Thánh Têrêsa Avila… chúng ta sẽ thấy các ngài là những người đã trải qua những cơn cám dỗ khốc liệt. Như vậy, ta có thể định nghĩa: các thánh là những người đã chiến thắng cám dỗ để trung thành với Chúa cho đến cùng.
Lời Chúa từ sách Sáng thế cho ta thấy cám dỗ là vấn đề “xưa như trái đất.” Cám dỗ đã hiện hữu ở đầu lịch sử, khi con người còn trong trắng và thân tình với Chúa. Bà Evà, với sự ngây thơ “nữ nhi thường tình” đã mắc mưu con rắn tinh quái và làm trái với lời dặn của Chúa. Cùng với việc ăn trái cấm, bà nghi ngờ lòng tốt của Chúa và phủ nhận những gì Ngài đã làm cho bà. Bà muốn lên ngang hàng với Chúa là Đấng đã tạo dựng nên bà từ bùn đất. Sau khi ăn trái cấm, mắt ông bà đã mở ra. Ông bà thấy nhãn tiền sự dối trá của con rắn. Ông bà cũng thấy rõ hậu quả của sự bất tuân: đó là sự trần truồng. Trước đó ông bà vẫn trần truồng, nhưng không xấu hổ. Nay, thay vì “nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” như lời dụ dỗ của con rắn, thì ông bà lại thấy sự yếu hèn đáng thương của mình. Câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến một số mánh lới tiếp thị quảng cáo để lừa đảo trong xã hội hôm nay. Dù đã được cảnh báo, vẫn có nhiều người như con thiêu thân lao vào với hy vọng kiếm lời nhanh chóng và họ đã phải trả giá.
Những cám dỗ đến với ta chưa hẳn phải là tội. Chúng giống như những lời quảng cáo chào mời, nếu chúng ta khôn ngoan khước từ, thì không bị mắc bẫy. Chúng ta chỉ phạm tội khi chấp nhận hành động theo cám dỗ. Thánh Phanxicô đệ Salê đã giải thích về cám dỗ như sau: “Hỡi Thiên Kính, hãy tưởng tượng một vị nữ hoàng được lang quân hết tình yêu mến, bỗng có kẻ hư thân kia muốn quyến rũ và làm cho vị nữ hoàng ra nhơ uế, thì nó sai một sứ giả của tình yêu xấu xa đến thương lượng với nữ hoàng về ý định khốn nạn của nó. Trước hết, kẻ sứ giả kia nêu lên ý định của chủ, rồi đến vị nữ hoàng lấy làm vui lòng hay khó chịu với lời đề đạt kia, hoặc vị nữ hoàng ưng theo hay từ chối. Ma quỷ, thế gian, xác thịt thấy một linh hồn được kết hôn cùng Con Thiên Chúa, cùng dùng những cám dỗ và khêu gợi linh hồn ấy” (Dẫn vào đời sống trọn lành, Phần IV, Chương III). Vị nữ hoàng trong giải thích của tác giả có tự do để tuân theo hay khước từ những đề nghị khiếm nhã của “tên cám dỗ.” Bà chỉ phạm tội khi đồng lòng chấp nhận làm theo lời cám dỗ. Đối diện với cám dỗ cũng là dịp để nữ hoàng chứng minh lòng chung thủy với hôn phu của mình. Cũng thế, mỗi chúng ta hằng ngày bị biết bao cám dỗ lôi kéo để đi ngược với giáo huấn của Chúa. Cám dỗ vừa là một “phép thử” lòng trung thành, vừa là cơ hội để chúng ta chứng tỏ mình “ghét tội,” không khuất phục trước lời dụ dỗ ngon ngọt của ba thù, tức là ma quỷ, thế gian và xác thịt.
Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ. Các tác giả Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại việc Chúa chịu cám dỗ trong hoang địa trước khi khởi đầu sứ vụ công khai. Phải chăng đó là một lời khẳng định cho chúng ta thấy, để thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa, chúng ta phải được tinh luyện, thử thách như vàng thử lửa, nhờ đó chúng ta có đủ sức kiên trì và vững vàng trước những cám dỗ đang vây quanh chúng ta. Nếu ông Ađam và bà Evà đã ngây thơ ngã quỵ trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn, thì Chúa Giêsu lại can đảm chiến thắng trước cơn cám dỗ của ma quỷ. Đây cũng là lời khẳng định của thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma (Bài đọc II). Ađam là nguyên nhân sa ngã và kéo theo tội lỗi cho nhân gian; Chúa Giêsu là nguyên nhân ơn cứu độ đem hạnh phúc cho con người. Ađam đã sa ngã trước cám dỗ của con rắn; Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ của ma quỷ.
Như trên đã nói, cám dỗ luôn tồn tại. Ai ai cũng cảm nhận được điều ấy. Những cám dỗ của ma quỷ trong sa mạc vẫn đang hoành hành nơi cuộc sống của chúng ta. Đó là tiền bạc, quyền lực và sự lỗi phạm đức tin. Để trung thành với Chúa và để sống một cuộc sống thanh liêm ngay thẳng, chúng ta phải biết can đảm nói “không” với những chào mời bóng bẩy mà chứa nọc độc chết người. Cùng với những cám dỗ của ma quỷ, còn có những cơn cám dỗ đến từ chính con người chúng ta. Đó là những tham vọng, sự ghen ghét thù hằn, sự ích kỷ đố kỵ và biết bao nết xấu khác. Mùa Chay là thời điểm hồi tâm để chiến thắng chính bản thân, hướng mọi hành động, tư tưởng và việc làm tới những điều thiện hảo như Chúa muốn.
Xin Chúa giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng cám dỗ đang bao bọc vây quanh chúng ta, để sống giữa trần gian, mà lương tâm chúng ta vẫn thanh thoát, tâm hồn chúng ta vẫn gắn bó với Chúa trọn đời. Amen.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên