Bánh và rượu là thức ăn nước uống trong đời sống thường ngày của con người. Những thức ăn này giúp cơ thể con người lớn lên và khỏe mạnh. Đời sống tâm linh cũng cần của ăn để dưỡng nuôi linh hồn. Mình và Máu Đức Giê-su là những của ăn này. Khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Giê-su, linh hồn chúng ta được khỏe mạnh và ngày càng kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su hơn.
Đức Giê-su Ki-tô là bánh ban sự sống
Đức Ki-tô là Đấng ban bánh sự sống và cũng là bánh sự sống. Đây là mặc khải rất mới mẻ cho loài người. Đức Giê-su đã mặc khải bằng lời nói và việc làm của Người, bằng mầu nhiệm trọn vẹn của Người, và bằng chính con người, vì Người là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Những gì Cựu Ước tiên báo về Người nay đã ứng nghiệm. Khi nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, Đức Giê-su đã tóm kết ý nghĩa của dấu chỉ hóa bánh ra nhiều. Chính bản thân Người là sức sống thiên quốc và thần linh, không bao giờ cạn kiệt. Khi chúng ta đi vào trong tương quan với Người thì được thông phần sự sống đời đời. Từ khi nhập thể vào trần gian cho đến lúc bị treo trên thánh giá, Đức Giê-su đã dùng chính thân xác của Người để phục vụ nhân loại. Người phục vụ cách nhưng không, phục vụ trong sự khiêm nhường và phục vụ cho đến cùng.
Đức Ki-tô ban bánh sự sống qua việc hiến tế trên thập giá. Các tặng phẩm Thánh Thể Đức Giê-su ban cho loài người có nền tảng là sự hiến tế trên thánh giá. Để được thông phần vào sự sống muôn đời, chúng ta phải ăn thịt và uống máu Con Người. Đức Giê-su nhắc đến hiến lễ trên thập giá được tượng trưng bằng từ “máu”. Khi ban bánh là thịt, rượu là máu, Người ban tặng chính bản thân để làm của ăn của uống nuôi nhân loại. Hành vi hiến tặng thân xác cho thế gian được sống cho thấy tình yêu cao vời của Thiên Chúa dành cho loài người. Ban tặng thịt và máu là tình yêu tột cùng Đức Giê-su trao ban cho nhân loại. Khi lấy đức tin đón nhận hồng ân nhưng không này, chúng ta tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh với tình yêu của Người là nguồn mạch ban sự sống và sẽ được thông phần vào sự sống của Người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.
Ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời
Người ăn bánh Đức Giê-su ban sẽ có sự sống đời đời. Cơm bánh hằng ngày chúng ta ăn mang lại sự sống trần gian, còn bánh và rượu Đức Giê-su ban sẽ cho chúng ta cuộc sống đời đời. Người Do Thái đã vấp phạm khi họ nghe lời khẳng định của Đức Giê-su về bánh sự sống. Lúc đầu chỉ là lời xầm xì, sau đó tăng mức độ thành sự tranh luận. Vì sao những người này lại tranh luận với nhau? Bởi vì họ đã không hiểu những lời của Đức Giê-su cũng như con người của Đức Giê-su. Họ không tin rằng Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Họ coi Đức Giê-su như một con người bình thường nên không thể ăn thịt của người đó được. Họ đã nhìn Đức Giê-su bằng đôi mắt trần tục chứ không phải bằng con mắt đức tin. Chỉ qua và bằng con mắt đức tin, chúng ta mới có thể đón nhận thông điệp của Đức Giê-su. Sự sống đời đời Đức Giê-su ban là: nhận biết Thiên Chúa là Cha duy nhất và chân thật, và Đức Giê-su là Đấng Cha sai đến. Khi nhận biết như thế kết hợp với việc lãnh nhận Mình và Máu của Đức Giê-su, chúng ta được kết hợp vào tương quan Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế, chúng ta có sự sống đời đời.
Người ăn bánh sự sống cùng được thông chia hiến tế trên thập giá với Đức Giê-su. Hy lễ của Đức Giê-su dâng trên thập giá để giao hòa loài người với Thiên Chúa, hơn thế, qua hy lễ này, Người ban Mình Máu Thánh để trở nên của ăn của uống thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta. Vì thế, khi ăn và uống Mình và Máu Người, chúng ta được thông chia hiến tế trên thập giá. Việc thông chia hiến tế của Đức Giê-su không mang lại lợi ích gì thêm cho Thiên Chúa nhưng mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta. Nhờ sự thông chia hiến tế này, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em. Nhờ sự thông chia hiến tế này, chúng ta được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô như cành nho kết hợp với thân nho. Nhờ sự thông chia hiến tế này, chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì qua sự kết hợp với Đức Giê-su nên Người ban Thánh Thần cho chúng ta.
Khi tham dự thánh lễ và rước lễ, chúng ta được ăn bánh sự sống
Chúng ta được ăn bánh sự sống khi tham dự thánh lễ và rước lễ. Bí tích Thánh Thể là Bí tích cao trọng nhất của Phụng vụ Ki-tô giáo. Thiên Chúa đã lập ra Bí tích Thánh Thể làm bữa tiệc thiết đãi nhân loại. Bàn thờ dâng lễ cũng chính là bàn tiệc, nơi Thịt và Máu Đức Giê-su được ban phát cho những ai đến dự tiệc làm của ăn thức uống. Đức Giê-su đã ban Mình và Máu Người trong Thánh lễ không phải dùng để duy trì sự sống trần gian hay ngăn cản cái chết thể lý. Vì Đức Giê-su đã chịu chết trên thập giá để trao hiến cho nhân loại Thịt và Máu của mình. Nếu chúng ta ăn Máu và Thịt của Đức Giê-su, chúng ta đón nhận quà tặng vô giá của Người, đồng thời tuyên xưng niềm tin rằng Người hiện diện trong bánh và rượu đã được truyền phép, và chỉ nhờ Người, Đấng được giương cao và chịu đóng đinh, chúng ta mới có sự sống đời đời. Lúc đó, chúng ta được mời gọi nhận ra Thịt và Máu của Người cũng chính là những Lời giáo huấn của Người được truyền lại qua các môn đệ. Và đó cũng là bằng chứng cao cả nhất minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.
Chúng ta được mời gọi đem bánh sự sống cho người khác. Được diễm phúc lãnh nhận bánh sự sống, chúng ta không được giữ cho riêng mình, nhưng còn được mời gọi mang đến cho người khác. Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông. Qua Bí tích này, chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa, được hiệp thông với các anh chị em khác. Thông điệp Giáo Hội từ Bí tích Thánh Thể đã dạy rằng: “Hồng ân Chúa Ki-tô và Thánh Thần của Người mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hợp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng kinh nghiệm về tình huynh đệ trong việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt hẳn kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người”. Đoàn viên Huynh đoàn Đa Minh là những người được mời gọi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể mỗi ngày để hưởng nếm sự ngọt ngào của Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô và để “đảm bảo cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ”.
Học viện Đa Minh