Hạnh phúc và đau khổ
Giảng lễ Hôn Phối:
.
Thi sĩ Hồ Dzếnh viết: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Câu thơ trên diễn tả một cảm nhận có phần bề ngoài, nhất thời và dựa nhiều vào cảm xúc. Thực ra, bước vào hôn nhân là bắt đầu một cuộc hành trình, đòi hỏi nhiều cố gắng chấn chỉnh tinh thần, thể xác, cảm xúc, tâm lý, tâm linh..., để trưởng thành hơn và sống phong phú mãi trong tình yêu, chứ không phải chỉ là nhất thời khi “còn dang dở”!
Nghe đến đây chắc nhiều người còn đang độc thân buột miệng thở dài: “thế thì tu quách giống Cha xứ nhà ta cho sướng cái thân!”. Thật vậy, nếu không yêu, không mến, người ta không thể trung tín mãi trong đời hôn nhân. Vì yêu, bạn muốn nên một với người yêu không chỉ trong thể xác, mà cả tinh thần, và sẵn sàng chấn chỉnh tất cả những gì còn khập khiễng để “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Các đạo diễn phim truyền hình đôi khi đưa một cảnh ồn ào bạo lực vào sau một cảnh yên tĩnh. Giáo Hội cũng làm như vậy trong Phụng vụ của Giáo hội. Chúng ta vừa trải qua mùa Giáng sinh thật màu nhiệm. Sau việc hạ sinh âm thầm của Chúa Giêsu là việc Stêphanô bị ném đá. Điều này nhắc chúng ta rằng: Lễ Giáng sinh không chỉ là ngày đầu tiên trong cuộc đời Đức Giêsu, mà còn là ngày đầu tiên của cuộc hành trình dài đầy đau khổ của Người đến đỉnh Calvê. Điều đó cũng nhắc chúng ta phải sẵn sàng để chịu đau khổ vì đức tin, như Chúa Giêsu và thánh Stêphanô đã chịu.
Phero Nguyễn văn Hoài và Ana Nguyễn Thị Hồng. Hai chúng con thân mến! Trong cuộc sống của bất cứ bậc sống nào trong Giáo hội. Sống đời dâng hiến hay sống bậc hôn nhân gia đình, đừng quên điều cha vừa chia sẻ: hạnh phúc đi liền với đau khổ. Chúng con phải chấp nhận cả hai. Đừng nhìn đời sống Hôn nhân gia đình của chúng con qua lăng kính khi nào cũng màu hồng cả. Có những ngày vui tràn trề như thời gian chúng con mới quen biết nhau, sắp cưới, mới cưới trong tuần trăng mật. Nhưng khi giáp mặt với cuộc sống miếng-cơm-manh-áo, trách-nhiệm-bổn-phận, chúng con sẽ thấy có những vấn đề nan giải, khó nuốt. Trong quan hệ hằng ngày với nhau, với họ hàng cha mẹ đôi bên, với những người ngoài bắt đầu có những rắc rối, đôi khi “tăng đô” lên thành những đau khổ xót xa. Màu hồng chuyển dần sang màu tím ảm đạm. Cha muốn nói với chúng con rằng phải ý thức trước những điều đó, phải biết chấp nhận cả hai và biết cách giải quyết để hoá giải nó.
Tình yêu Hôn nhân cho chúng con thấy rằng khi yêu nhau với sự hoà hợp thể xác, tinh thần, nhanh chóng chúng con cảm nhận được, hiểu được cụm từ “nên một”: gắn bó sắt son, yêu thương nồng nàn hạnh phúc. Thế nhưng thực tế va chạm với những dị biệt tâm lý, quan niệm, sở thích, lập trường của chính chúng con, có thể biến những êm đềm cuộc sống thành những đợt sóng vùi dập nhau, hạ gục nhau thật dữ dằn như bão biển. Chúng con phải biết đón trước và vượt lên những nghịch cảnh để sống. Gia đình có thể là thiên đàng hạnh phúc; nhưng cũng nhanh chóng, vì một duyên cớ bất ngờ không tốt nào đó, trở thành địa ngục. Cha nói toẹt ra rằng vợ chồng là người yêu của nhau, nhưng rồi có thể là kẻ thù của nhau. Có quá đáng không chúng con ?
Không quá đáng một chút nào hết. Quả thật, cha ông chúng ta gói ghém cái nghịch lý ấy trong những câu ví von như:
“Lấy chồng như gông đeo cổ.
Lấy vợ như rợ buộc chân”.
Rõ ràng là chịu ràng buộc, chịu khổ vì nhau.
Hoặc khi yêu thì:
“Tình anh như nước dâng cao.
Tình em như dải lụa đào tẩm hương”.
Êm đềm ngọt ngào như thế.
Nhưng khi tức giận ghen tương thì:
“Yêu nhau chưa ráo mồ hôi,
Chưa tan buổi chợ, đã rời nhau ra”.
Trong nghi lễ của Bí tích Hôn phối, trước sự chứng kiến của thừa tác viên chức thánh và Cộng đoàn, đại diện Chúa và Giáo Hội, chúng con đã chẳng cam kết về cái hạnh phúc và đau khổ đi đôi trong cuộc sống Hôn nhân và gia đình là gì: “anh nhận em làm vợ và hứa giữ lòng chung thuỷ với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc bệnh hoạn, để tôn trọng và yêu thương em suốt đời anh” và ngược lại, vợ cam kết với chồng cũng như thế.
Vậy chúng con hãy can đảm đón nhận cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Đời không chỉ có màu hồng, nhưng còn những màu tím. Có mùa xuân tươi mát cũng sẽ có mùa hè rát rúa, mùa đông tàn tạ. Cha không muốn chúng con bi quan, nhưng phải thực tế.
Chúng con có ý thức, có sẵn sàng chấp nhận đau khổ, tìm cách hoá giải vượt lên để xây dựng một gia đình tốt đẹp? Gia đình Thánh gia là thánh, nhưng vẫn có những rắc rối, những đau thương.
Hãy tin tưởng Ơn Bí tích Hôn phối :
“Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9).
Sau cơn mưa trời lại sáng.
Sau cơn bĩ cực, đến hồi thái lai.
Lộ trình hôn nhân có ánh sáng của hạnh phúc mà cũng có bóng tối của đau buồn. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng con đủ nghị lực để thực hiện những đòi hỏi của sự hiệp nhất, hầu bóng tối của đau buồn sớm biến tan đi, cho ánh sáng của hạnh phúc sẽ bừng lên trong mái ấm tình thương của chúng con, hôm nay và mãi mãi. Amen!