Edifa -
Bạn có thể nói về bất cứ điều gì, nhưng chỉ nên nói một cách cụ thể.
Cha mẹ là nhà giáo dục đầu tiên của con cái. “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội.”(Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Gravissimum educationis, § 3).
Nền giáo dục này được thông truyền phần lớn thông qua những gì được mọi người nói đến nơi gia đình, cho dù là trong những cuộc trò chuyện bình thường quanh bàn ăn hay trong những cuộc thảo luận thân mật hơn giữa cha mẹ và con cái. Chủ đề càng nghiêm túc, thì thảo luận về điều đó trong bầu khí gia đình lại càng trở nên quan trọng. Nếu một đứa trẻ - đặc biệt là một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên - không thể nói về mọi thứ với cha mẹ của chúng, chúng sẽ tìm kiếm câu trả lời cho những mối quan tâm của chúng ở nơi khác, điều này thường là không may và thậm chí đôi khi là thảm họa.
Bạn có thể nói về bất cứ điều gì, nhưng không phải bằng bất cứ cách nào.
Vấn đề không phải là cần có câu trả lời cho mọi thứ, mà là chú ý đến mọi thứ ảnh hưởng lên con cái của bạn và lắng nghe những câu hỏi của chúng, ngay cả khi những câu hỏi đó được đặt ra một cách hung hăng hoặc khiêu khích. Từ chối nói về các chủ đề nhất định – kiểu như “Chúng ta không nói về điều này!” - là thất bại trong sứ mệnh của chúng ta với tư cách là cha mẹ và là để mặc cho những người khác được tự ý nghe và trả lời thay cho chúng ta… dĩ nhiên không theo cách chúng ta muốn.
Chúng ta có thể nói về bất cứ điều gì, nhưng không phải bằng bất cứ cách nào, và không phải bất cứ lúc nào. Nhưng mọi người đều biết rằng trẻ em là thiên tài trong việc đặt ra những câu hỏi nhạy cảm nhất, vào thời điểm không thích hợp nhất: chẳng hạn như đang xếp hàng chờ ở siêu thị, hoặc khi đến giờ phải đi học khi mọi người đã trễ giờ rồi! Và trong một gia đình có những đứa con ở độ tuổi rất khác nhau, đứa anh/chị lớn có thể đưa ra một chủ đề có thể khiến những đứa em nhỏ khó chịu.
Cha mẹ cần biết cách quản lý tình huống, cho trẻ thấy rằng câu hỏi của chúng đã được lắng nghe, đồng thời nói rõ rằng cha/mẹ sẽ quay lại câu hỏi đó sau. Trong thực tế, nếu chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó ngay khi có cơ hội, cũng không thành vấn đề gì! Tất cả trẻ em đều hiểu rằng chúng ta có thể cần trì hoãn đưa ra câu trả lời. Nhưng hãy cẩn thận: nếu chúng ta, dù cố tình hay không, “quên” quay lại chủ đề, thì mức độ tin tưởng của trẻ đối với chúng ta sẽ giảm sút nghiêm trọng!
Những gì được nói ở nhà thì nên giữ trong nhà
Một số cuộc trò chuyện chỉ có thể diễn ra mặt đối mặt, vì chúng đề cập đến những vấn đề rất thân mật mà không thể thảo luận với các thành viên khác trong gia đình (ngay cả khi đó là vấn đề gia đình!), Hoặc bởi vì câu hỏi cần được lắng nghe và có phản ứng cá nhân hơn. Điều này đặc biệt xảy ra khi bạn nghĩ rằng đằng sau câu hỏi tưởng chừng như không quan trọng đó, lại là một mối quan tâm nghiêm túc hơn. Ở đây, một lần nữa, cần phải biết cách tạo cơ hội để cuộc đối thoại tránh được những đôi tai soi mói (với mọi người trong xe chẳng hạn), ngay cả khi điều đó có nghĩa là cần phải kiên quyết “khuyến cáo” anh chị em đi nơi khác. Đôi khi điều này phải được thực hiện ngay tại chỗ: một thiếu niên khi cảm thấy sẵn sàng nói chuyện cần được quan tâm ngay lập tức nếu không chúng ta có thể gặp nguy cơ khi cô/ cậu ấy khép lại những lo lắng và thắc mắc của mình.
Những gì được nói ở nhà thì nên giữ trong nhà, ít nhất là đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt là khi các em còn nhỏ. Chúng ta có thể giải thích rõ ràng với chúng, từ khi 6 hoặc 7 tuổi, rằng không phải mọi thứ đều phải được lặp lại với bạn bè ở trường hoặc những cô/cậu bé hàng xóm: “Đó không phải là bí mật hay điều gì đó đáng xấu hổ, nhưng đó là điều con chỉ bàn với cha mẹ của con mà thôi, không bàn với riêng một ai khác. Bố mẹ tin tưởng con sẽ không nói về chuyên đó”. Đối với thanh thiếu niên thì khác: dù sao thì chúng cũng phải đương đầu với mọi thứ và bất cứ thứ gì, vì vậy thật tốt cho chúng khi có thể tiếp thu những lý lẽ và những điểm tựa trong gia đình, điều này sẽ cho phép chúng đối đầu với những quan điểm trái ngược với quan điểm của chúng. Chúng cần những bậc cha mẹ biết lắng nghe, cởi mở và ôn hòa, sẵn sàng hướng dẫn suy nghĩ của chúng trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực tế nhị nhất.
Christine Ponsard
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ.