ÁNH SÁNG TIN MỪNG TỪ CÁC GIA ĐÌNH KITÔ HỮU
Gia đình được xem là tế bào nền tảng đầu tiên của cộng đồng xã hội. Gia đình tốt sẽ góp phần làm nên xã hội lành mạnh. Do đó, đối với xã hội, gia đình có vai trò và trách nhiệm xây dựng và làm đẹp xã hội.
Riêng với các gia đình Kitô hữu, gia đình còn mang nhiều ý nghĩa và vai trò cao cả hơn nữa.
Như ta biết, Thiên Chúa đã thiết lập định chế hôn nhân và trao cho hôn nhân sứ mạng hình thành và phát triển cộng đồng gia đình theo chương trình kế hoạch của Người. Chúa Giêsu cũng đã chúc phúc, thánh hóa hôn nhân, đồng thời nâng thực tại ấy lên hàng bí tích. Thánh Phaolô đã mô tả tính cách bí tích của hôn nhân như là sự kết hợp giữa Chúa Kitô (hiền phu) và Hội thánh của Ngài (hiền thê) (x. Êp 5,21-33).
Do vậy, gia đình Kitô hữu phải sống và giới thiệu cho thế giới mô hình gia đình thánh theo Tin Mừng Kitô giáo.
Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2002 về chủ đề “Thánh hóa gia đình” đã nêu rõ: “Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị. Từ ý nghĩa ấy, ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị như tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em được kết dệt, và nhờ đó, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong ‘gia đình nhân loại’ và ‘gia đình Thiên Chúa’ là Hội thánh” (số 6).
Vậy khi các gia đình Kitô hữu đã “phấn đấu trong mọi khó khăn của cuộc sống để gìn giữ nét đẹp gia đình Kitô giáo, theo khuôn mẫu đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” (x.Thư MV HĐGMVN 2002, số 7) thì họ đang trở thành men, muối, ánh sáng cho đời. Họ chẳng những phải hoàn thiện chính bản thân mình mà còn được kêu gọi tỏa gương sáng ra bên ngoài, như ánh sáng lung linh, như hương thơm dịu êm, như hơi ấm nồng nàn…”Một gia đình Kitô hữu thực sự tốt đẹp không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng cần mở rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương, trao đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương” (x.Thư MV của HĐGMVN 2002, số 8).
Xét rộng hơn, gia đình Kitô hữu có nhiệm vụ làm tông đồ giáo dân. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian đảm nhận tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý ” (CĐ Vat. II, Hiến chế Tín lý về GH, ch. IV “Giáo dân”, số 35).
Bên cạnh đó, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô đã nhắn nhủ: “Các gia đình ngày nay phải trấn tỉnh lại. Phải theo Chúa Kitô…Ngoài ra, các Kitô hữu còn có bổn phận phải loan báo cách vui tươi và xác tín, ‘Tin Mừng’ về gia đình ‘, vì một cách tuyệt đối, gia đình đang còn và mãi mãi vẫn cần nghe và cần hiểu ngày càng sâu sắc hơn, những lời đích thực mạc khải cho gia đình biết chân tính của nó, những tiềm năng và tầm quan trọng sứ mạng gia đình trong xã hội loài người và trong Hội thánh Thiên Chúa (Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu số 86)./.
Aug. Trần Cao Khải – Tp HCM.