Lại một nỗi buồn nữa đến với tôi: Cha Nguyễn Hữu Triết qua đời. Ngài là một trong những gương mặt đặc biệt nhất của Giáo hội Việt Nam mấy chục năm nay, được những nhà hoạt động văn hóa và nghệ thuật đời đạo kính trọng, là một người thầy, người bạn của tôi trong lãnh vực văn hóa và lịch sử Công giáo.
Tôi thấy ngài sống thánh thiện. Không sa đà vào các đam mệ thế tục. Không ăn nhậu, không đua đòi xe pháo, không lo đi du lịch hay hành hương nơi này nơi nọ, không quan tâm xây sửa nhà thờ nhà xứ cho khác lạ, hào nhoáng và lãng phí! Ngài tìm cách giải trí trong những công việc cao thượng và tìm cách xây dựng và bảo vệ Giáo Hội trong những việc mà người khác lãng quên.
Tôi thấy ngài sống giản dị. Ngài không tìm nếp sống tiện nghi! Phòng ngủ của ngài cũng chỉ có một cái giường nhỏ tồi tàn và chung quanh chỉ có sách vở và cổ vật. Quần áo ngài mặc cũng chỉ có mấy bộ và hầu hết cũng cũ kỹ gần như đồ cổ của ngài! Cả cái áo dòng của ngài cũng vậy! Đi lại thì mấy chục năm chỉ có cái cup 82 cà tàng! Ăn uống thì chẳng khác một sinh viên nghèo bao nhiêu: mỗi bữa giáo xứ mang đến cho ngài một phần ăn đạm bạc đặt làm ở đâu đấy!
Tôi thấy ngài không đam mê quyền lực. Ngài là một trong những linh mục làm cha phó lâu nhất của Giáo phận Sài Gòn: 21 năm làm cha phó! Tại sao? Hỏi thì ngài bảo chính quyền không muốn Đức Tổng Giám Mục thuyên chuyển các linh mục và Giáo phận cũng không có kế hoạch thuyên chuyển linh mục định kỳ! Thực ra đấy chỉ là cách giải thích! Điều tôi phát hiện ra là ngài vui với phận mình. Ngài không có tham vọng quyền lực và không có ý vận động để đi chỗ nọ chỗ kia để được lên làm chính xứ.
Tôi thấy ngài là một linh mục trí thức. Phần lớn thời giờ, ngài lo phục vụ giáo dân trong các công việc mục vụ. Thời gian còn lại ngài dùng để cầu nguyện, đọc sách, nghiên cứu và viết lách. Tôi thấy hiếm có linh mục nào đọc nhiều như ngài. Đọc và có ghi chú, nghiên cứu, phân tích, so sánh. Đọc một cách rất khoa học và vất vả! Đọc để làm việc chứ không phải đọc để giải trí!
Tôi cũng thấy ngài là một linh mục viết rất nhiều sách báo. Ngài vắt tim vắt óc rút ruột rút gan ra mà viết. Viết cho giáo dân, viết cho linh mục, viết cho người có Đạo, viết cho người ngoại Đạo. Các tác phẩm ngắn dài của ngài đầy ắp suy tư và thao thức, vừa có tính nghiên cứu, vừa có tính mục vụ, vừa theo sát Kinh Thánh và huấn quyền, vừa gắn liền với các sự kiện xảy ra trong đời sống hiện tại...
Tôi hiếm thấy có linh mục nào có lòng thương yêu và nâng đỡ người trẻ như ngài. Những năm đầu 90, Miền Bắc thiếu linh mục, ngài là một trong những người trụ cột tổ chức và giúp đỡ cho các chủng sinh của Hải Phòng học thần học “chui” tại Sài Gòn. Số các thầy này phần lớn về sau đều đã thành linh mục và đang làm việc ở Hải Phòng và có cha Giuse Nguyễn Văn Hội DCCT chúng tôi.
Tôi không phải người Hải Phòng nhưng cũng may mắn được ngài yêu thương, dạy dỗ và nâng đỡ. Mới đầu là các bài học trong lớp Phụng vụ Thánh nhạc và sau đó là về cổ vật và các vấn đề đức tin và văn hóa, đặc biệt trong việc học tập và nghiên cứu lịch sử. Vị thầy tốt không chỉ là vị thầy dạy giỏi mà trên hết là vị thầy tạo được cảm hứng cho học trò. Ngài là bậc thầy như vậy trong mắt tôi./.
Paris, ngày 15 tháng 6 năm 2022
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT