Đâu có vừa, chị "quăng" lại hình nồi chè trôi nước kèm lời dặn : "Giá mà có ống con lướt cho Cha luôn".
À thì ra là chị nhớ câu chuyện "lướt ống" hôm kia mình kể.
Chuyện là ở giáo xứ nào đó, nhân cái dịp mà con virus quái ác đang ngày đêm hãm hại sinh mạng của con người và trước hết là kế sinh nhai đã nghĩ ra chuyện "lướt ống". Tránh sự lây lan cũng như nguy hiểm nên rồi người ở trong Nhà Thờ chuyển thức ăn qua ống cho an toàn.
. Nhìn thực đơn "lướt ống" thật dễ thương. Sáng, trưa và chiều đều có những món thay đổi làm ấm lòng người cơ nhỡ.
Ông bà ta vẫn nói : "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" hay như là "lá lành đùm lá rách" hay "lá rách đùm lá tả tơi". Câu nói như diễn tả tình thương của người đồng loại.
Thật vậy, không phải chỉ giáo xứ nào đó có sáng kiến từ trái tim là làm những chiếc ống chuyển "tình thương" đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà nhiều nơi khác nữa. Giữa cơn đại dịch này, ta thấy Chùa cũng phát quà từ thiện, Nhà Thờ cũng phát quà từ thiện hay nói chung chung là người người từ thiện và nhà nhà từ thiện.
Bản thân tôi là người trung chuyển những tấm lòng thiện ấy luôn cảm nhận được tấm lòng của những người đồng cảm. Có khi họ chưa phải là giàu có và có khi người chia sẻ luôn luôn dặn là "giấu kín nha Cha".
Từ những tấm lòng thơm thảo ấy, dù muốn dù không tôi cũng phải lên đường. Lên đường khởi đi từ những tấm lòng muốn chia sẻ chút gì đó với người nghèo.
Lạ thật ! Chung chung ai ai cũng có tấm lòng như thế nhưng rồi ta lại thấy có những nơi phát ra những tín hiệu buồn, tín hiệu của một sự ích kỷ nhỏ nhen hay tắt đi tấm lòng yêu thương người đồng loại. Buồn lắm thay khi ai đó khép lòng lại với người nghèo và bất hạnh nhất là giữa cơn đại dịch này. Có những người có tấm lòng và "lướt ống" và cũng có những người khép lòng và cắt ống.
Đang khi đó, bè bạn nó gửi cho cái văn bản cấm làm từ thiện, phát quà gửi đi từ phường 14 (quận nào đó mình ngại để tên). Chả hiểu được người nào đó can đảm đánh máy văn thư cùng với người ký văn bản. Lòng của họ cảm thấy thế nào khi ra văn bản cấm sự chia sẻ như vậy. Nên chăng họ căn dặn việc phát quà từ thiện nhưng vẫn giữ an toàn vệ sinh và y tế tron mùa dịch. Nên chăng họ khuyến cáo để nhiều người cùng nhau có những sáng kiến làm ATM lướt ống hay những cỗ máy ATM gạo đã có từ mùa dịch năm ngoái. Vị đứng đầu của phường này hơn bao giờ hết đã ra chủ trương cắt ống với những người nghèo.
Vậy đó ! Giữa cái chợ đời này luôn luôn có sự giằng co của lòng tốt và lòng ích kỷ. Người yêu thương đồng loại thì chắc chắn luôn có lòng hướng về người nghèo và có những sáng kiến thật hay của tâm hồn. Dịch bệnh tránh lây lan để rồi ATM gạo và ATM ống lồng được đưa ra từ con tim để chuyển chút gì đó cho người nghèo !
Mỗi chúng ta, ai ai cũng đang đứng trước nguy cơ cũng như tác hại khôn lường của dịch bệnh. Ai ai trong chúng ta cũng lo ngay ngáy về ngày mai. Thế nhưng rồi giữa những âu lo đó lại có niềm tin vào Thiên Chúa, niềm tin vào Thượng Đế để rồi mỗi người một tay chung chia với những hoàn cảnh khó khăn ở bên mình.
"Ngày nào mang nỗi đau tôi mới hiểu nổi đau là gì ! Ngày nào trong khát khô tôi mới hiểu phận người ăn xin. Chỉ cần ly nước thôi. Chỉ cần bát cơm vơi bàn tay ai đó đón đưa ...".
Vâng ! Ngày nào mình rơi vào cảnh túng quẫn mình mới thấy cần có những tấm lòng chia sẻ.
Bản thân tôi, 17 năm xa Mẹ cảm nhận được rõ nét nhất từ những tấm lòng đã đến, đã chia sẻ, sẽ chia sẻ với mình trong hành trình ơn gọi. Người đến với sự chung chia vật chất, kẻ tới với lời chung chia cầu nguyện.
Bản thân tôi đã nhận được rất nhiều ống lồng chia sẻ nên thấu cảm được sự sẻ chia. Chính người chị muốn gửi trong ống lồng cho tôi ít viên chè trôi nước cùng với gia đình và nhiều người thân thương đã trao cho tôi biết bao nhiêu viên "chè trôi nước".
Những ước mong mỗi chúng ta hãy nghĩ đến những anh chị em bất hạnh, những anh chị em khổ đau để sẻ chia. Những người đó không đâu xa lạ, những người đó có khi đang ở cùng, ở trong và ở với chúng ta rất gần đó thôi.
Trưa ngày ghi nhớ 19 năm hồng ân khấn dòng
Lm. Anmai, CSsR