Hôm nay, xin kể anh chị em câu chuyện về một cậu bé có tên là Giuseppe Sarto, sinh tại làng Riese, miền Venice nước Ý.
Hôm nay, xin kể anh chị em câu chuyện về một cậu bé có tên là Giuseppe Sarto, sinh tại làng Riese, miền Venice nước Ý. Người sau này là Đức Thánh Cha Piô X. Cậu là con trai thứ hai trong 10 người con của một gia đình người Ý nghèo nàn ở Riese miền Venetia, cậu sinh ngày 2.6.1835. Cha là ông Giovanni Battista Sartô thành hôn với bà Margherita Samon, nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều. Vì vậy lên 17 tuổi, cậu đã mồ côi cha. Ông Giovanni Battista làm nghề chạy giấy của xã, làm cha một gia đình nghèo túng. Chết đi, ông để lại một gia đình càng túng quẫn hơn nữa. Tuy nhiên, nhờ lòng đạo đức của cả hai ông bà mà gia đình này đã góp phần đào tạo nên một vị thánh lớn cho Giáo hội.
Ngay từ nhỏ, học tại trường làng, cậu đã tỏ ra có nhiều triển vọng, luôn là một học sinh giỏi đứng đầu lớp học. Theo phong tục thời đó, dù đã vào ban giúp lễ từ hồi 7 tuổi, mãi tới năm 11 tuổi, cậu mới được rước lễ lần đầu. Suốt 4 năm trời cậu thường vác giầy trên vai, để tiết kiệm, và đi bộ tới trường rồi lại đi bộ về nhà.
Hết 4 năm tại Castelfrancô, năm 1850, cậu lên đại chủng viện Padua. Gia đình Giuseppe nghèo, cha sở xin được cho cậu một học bổng, giáo dân trong họ hằng năm quyên tiền giúp đỡ. Năm 17 tuổi, ông thân sinh qua đời, cậu muốn bỏ về giúp mẹ và săn sóc cho 7 đứa em. Lại một nghĩa cử cao đẹp khác vun trồng cho ơn gọi chín mùi: mẹ ngài không chấp nhận ý kiến, mà quyết tâm dâng con cho Chúa. Trong nếp sống nghèo khó nhưng lại giàu lòng quảng đại ấy, Joseph Sarto đã được thụ phong linh mục ngày 28 tháng 9 năm 1858, lúc 23 tuổi.
Sau ngày mở tay tại quê nhà, cha Joseph Sarto đi nhận phó xứ Tombolo, chín năm sau Ngài được bổ nhiệm làm chính xứ Salzano. 17 năm làm phó xứ rồi chính xứ, cha Joseph Sarto sống đời hy sinh tận tụy với giáo dân, nhất là với những người nghèo khó.
Năm 1884, Đức Lêô XIII, Đấng mà ngài sẽ kế vị đặt Joseph Sarto làm Giám mục cai quản điạ phận Mantua, ngài muốn từ khước, nhưng đã vâng lời và quyết nên mọi sự cho mọi người.
- Dân chúng sẽ thấy tôi luôn kiên trì trong chức vụ, luôn hiền từ và đầy bác ái.
Ôm hôn mẹ hiền, Ngài cho mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của mình. Mẹ Ngài cũng sung sướng cho Ngài xem chiếc nhẫn cưới của mình và nói:
- Không có chiếc nhẫn của mẹ thì chẳng có chiếc nhẫn của con!
Ngày 08 tháng 7 năm 1903, Đức Lêô XIII từ trần. Đức Hồng y Sartô phải đi vay tiền mua vé về họp mật nghị bầu Giáo hoàng
Sau kết quả cuộc bầu cử, Đức hồng y niên trưởng đến hỏi:
- Chúng tôi đã nhân danh Thiên Chúa tiến cử Ngài làm Giáo hoàng, Ngài có ưng thuận không?
Sau giây phút yên lặng trong nước mắt giàn dụa, ngài nghẹn ngào trả lời:
- Ước gì tôi không phải uống chén này, nhưng mong sao ý Chúa được nên trọn.
Thấy câu trả lời chưa rõ, Đức hồng y niên trưởng hỏi lại lần nữa và ngài trả lời:
- Tôi xin nhận như nhận một thánh giá.
- Vậy Ngài muốn nhận tên gì?
- Vì tôi phải chịu khổ nên tôi nhận tên của những vị đã phải đau khổ. Tôi nhận tên là PIÔ.
Đức Piô X là người luôn để lòng chăm lo cho đời sống Giáo Hội đặc biệt là các linh mục. Theo ngài, trước hết các Linh Mục phải lo sống thế nào để có được Chúa Giêsu trong chính mình, nếu họ muốn mang Chúa đến cho những kẻ khác. Ngài viết:
“Là những Linh Mục của Chúa, chúng ta cần phải giới thiệu Đức Kitô cho mọi người và hành động trong tinh thần của Người. Là bạn hữu nghĩa thiết của Người, chúng ta ‘phải có những tâm tình như Đức Kitô’ (Pl 2,5), Đấng hoàn toàn thánh thiện, vô tội và tinh tuyền. Bởi vì tình bạn luôn đòi hỏi phải cùng ước muốn hay không ước muốn như nhau."
Ngài ưu tiên sống đời sống khó nghèo. Đấy là chúc thư quí báu ngài còn để lại:
“Tôi sinh ra khó nghèo, sống khó nghèo, và biết rằng sẽ chết trong khó nghèo…
Về phần thi hài tôi, thì tôi ra lệnh, đừng ai đụng chạm đến, và không xức ướp gì cả; tuy làm thế là trái với thói quen thông thường. Tử thi chỉ trưng bày trong mấy tiếng đồng hồ, rồi đem mai táng…”
Câu chuyện trên như nhắn nhủ với tất cả những người làm cha mẹ. Chúng ta phải có đời sống đạo đức tốt lành thì con cái mới nên người.
Chúng ta phải chịu khó chịu khổ, chăm chỉ theo đuổi ước nguyện của mình. Nhất là với các bạn trẻ, các em thiếu nhi, chúng ta cần chăm chỉ học hành, rèn luyện những đức tính tốt cho mình.
Câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Pio X, ngài được gọi là vị Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể. Trước đây, các em thiếu nhi phải 13-14 tuổi mới rước lễ lần đầu. Nhưng ngài nói : “Khi nào trẻ tin được Chúa Giêsu thực sự trong bí tích Thánh Thể thì có thể cho rước lễ được”.Vì thế, các em thiếu nhi được rước lễ như bây giờ.
Như vậy, Chúa đã làm những điều kỳ diệu trên cuộc đời của Đức Thánh Cha Piô X. Câu chuyện của một câu bé chăm ngoan, cần mẫn, khiêm nhường cũng là những gì mà Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta.
Bài Tin Mừng kể lại :“Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?”
Trước câu hỏi của người ta, Chúa không nói ít hay nhiều người vào thiên đàng. Nhưng Chúa nói chúng ta “hãy đi qua cửa hẹp”.
““Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”
Cửa hẹp là con đường của sự từ bỏ mình. Các em thiếu nhi có chiếc xe đạp thì chạy lạng qua lạng lại, đó không phải là đi vào cửa hẹp rồi.
Khi đi lễ, chúng ta mặc sao cũng được theo ý mình, chứ không chịu mặc đồng phục Thiếu Nhi Thánh Thể, đeo khăn quàng.
Ở nhà tới giờ học bài, các em lại đi bắt dế, chơi banh, bấm game. Đức Pio X thương mẹ phải tốn tiền mua giày mới, nên ngài vác đôi giày trên vai để đi học. Còn các em đi đường thì nhường đường cho xe lớn đi, không gây gỗ với bạn bè, giành nhau món ngon với anh chị em mình.
Trong nhà chúng ta đừng quên giúp cha mẹ, vì cha mẹ đã vất vả đi làm để nuôi chúng ta, để chúng ta có tiền đi học. Các em hãy giúp cha mẹ những việc nhỏ như dọn nhà, lặt rau, lau nhà giúp mẹ.