Nơi con trâu, ta chẳng tìm thấy được một chút gì thơ mộng, một chút gì để nhớ và để thương, hay một tí ti nào dính dáng tới tình yêu. Tuy nhiên, cứ từ từ thì cháo nó mới nhừ, cứ nhẩn nha suy gẫm, cứ âm thầm nhai đi nhai lại, thì sẽ nghiệm ra rằng con trâu thật là dễ thương và cũng có được một chút gì đó gắn liền với tình yêu.
Tương truyền rằng:
Ngưu Lang là anh chàng chăn trâu cho Nhà Trời, còn Chức Nữ là cháu của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vốn làm nghề dệt cửi. Cả hai gặp nhau, thương nhau và kết thành duyên vợ chồng. Thế nhưng, vì quá đắm đuối yêu thương, nên cả hai đã bỏ bê công việc bổn phận của mình, khiến cho Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi giận đùng đùng.
Cuối cùng, Ngọc Hoàng Thượng Đế đành phải trừng phạt bằng cách bắt cả hai phải xa lìa nhau. Mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, được gọi là đêm thất tịch.
Đêm hôm ấy, bầy quạ cắn đuôi nhau làm thành một chiếc cầu bắc ngang dải Ngân Hà cho vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ sum họp.
Gặp nhau, vợ chồng mừng mừng tủi tủi, kể lể cho nhau nghe những tâm sự buồn vui. Vừa kể mà những giọt nước mắt cứ lã chã tuôn rơi, khiến cho đêm đó có mưa dầm, được gọi là mưa ngâu.
Riêng loài quạ thường rụng lông đầu vào tháng bảy là do việc cùng nhau kết thành chiếc cầu cho vợ chồng Ngưu Lang Chức Nữ đi mà gặp nhau.
Cũng vì thế mà trong thiên hạ mới lưu truyền bài hát:
- Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu,
Búp non trên cành thành lá biếc.
Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu,
Tròn xoe chiếc ô trên đầu.
Ngày xưa đôi ta bên nhau,
Chiếc ô xoe tròn thành bóng lá.
Mong sao mưa thật lâu,
Để cho đôi lứa bên nhau….
…. Và cơn mưa, mưa rồi sẽ tan đi trên trời đầy nắng gió,
Giọt mưa ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau.
Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng
gió.
Để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa.
Chuyện tình trên đẹp như một giấc mơ và một trong hai nhân vật chính là Ngưu Lang, rất thân quen với loài trâu, bởi vì anh ta thường xuyên chăn trâu cho Nhà Trời.
Tuy nhiên trong thực tế, gã xin ghi nhận hai quan niệm của xã hội bình dân Việt Nam ngày xưa về tình yêu và hôn nhân có liên quan tới con trâu.
Quan niệm thứ nhất đó là: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, hay “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy”.
Cả hai câu này đều mang một ý nghĩa na ná giống nhau, đó là quyền lợi của ai thì người nấy hưởng, lãnh địa của ai thì người nấy khai thác, nhà mình mình ở, cơm mình mình ăn, việc mình mình làm…
Tuy nhiên, trong phạm vi tình yêu và hôn nhân, thì xem ra hai câu này lại muốn nêu cao lập trường bảo vệ hàng nội địa, nghĩa là trai làng nào thì lấy gái làng nấy.
Như chúng ta đã biết: Do ảnh hưởng của nền luân lý Khổng Mạnh, các cụ ta ngày xưa vốn chủ trương “nam nữ thọ thọ bất thân”. Phải có sự “nam nữ hữu biệt” thì mới tránh được những trò “trên bộc trong dâu”, hay “ăn cơm trước kẻng”, một hiện tượng vốn thường xảy ra như cơm bữa trong giới trẻ ngày nay.
Tuy nhiên, theo Toan Ánh trong “Phong tục Việt Nam”, thì việc nam nữ “hữu biệt” hay “bất thân” như thế chỉ có ở những gia đình trưởng giả, còn trong giới bình dân, thì không đến nỗi quá khắt khe, bởi vì phong tục cũng như sinh hoạt hằng ngày đã tạo nên nhiều dịp để họ có thể gặp nhau.
Nào những lúc công việc đồng áng cùng làm, rồi những lúc nghỉ ngơi trên bờ đê, nơi sân đình, hay dưới dậu tre… họ tha hồ gặp gỡ và tiếp xúc với nhau. Rồi trong những cuộc tiếp xúc này, họ đã thổ lộ tâm tình với nhau.
Bao nhiêu câu ca dao đã nhắc lại những cuộc trò chuyện của họ. Họ ướm thử lòng nhau, họ nhắc lại cái cảnh còn đơn chiếc của mỗi người:
- Cô kia má đỏ hồng hồng,
Cô chưa lấy chồng, cô đợi chờ ai?
Buồng không lần lữa hôm mai,
Đầu xanh mấy lúc da mồi tóc sương.
Trong lúc tình yêu được liên tục phát triển để rồi tiến tới việc trầu cau cưới hỏi, thì rất có thể vì tình trạng trai thiếu gái thừa và cũng có thể vì tự ái dân tộc nổi lên bừng bừng mà người ta đưa ra chủ trương: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, hay “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy”.
Đọc lại lịch sử gã nhận thấy ngày xưa trước sự tấn công của người Pháp, các vua triều Nguyễn đã tích cực áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, sống đơn độc một mình, không thèm giao thiệp với nước ngoài.
Còn ngày nay, để cứu vớt nền kinh tế vốn èo ọt của mình, nhà nước có một thời đã phải áp dụng chủ trương bảo vệ hàng nội địa, bằng cách đánh thuế thật nặng những mặt hàng nhập khẩu, để người dân quay trở về với những mặt hàng được sản xuất ở trong nước. Và người ta đã đưa ra khẩu hiệu:
- Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Phải chăng chủ trương “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, hay “trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” cũng có phần nào hao hao giống với chính sách bế môn tỏa cảng và bảo vệ hàng nội địa?
Để thực thi chủ trương này, thì ngoài việc giai làng nào lấy gái làng nấy, người ta còn cấm vận không cho giai làng khác xớ rớ đến gái làng mình.
Rất nhiều lần gã đã được chứng kiến cái cảnh anh giai xóm trên bị bọn giai xóm dưới xúm lại đánh hội đồng cho một trận tơi bời hoa lá, đến phun cả máu đầu, chỉ vì anh giai xóm trên đã dám cả gan lẹo tẹo cô nàng xóm dưới.
Ngày nay, tình trạng này đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn lác đác xảy ra tại một vài thôn làng thuộc vùng xâu vùng xa mà thôi. Bởi vì cánh cửa toàn cầu hóa đã mở rộng và Việt Nam ta đã anh dũng bước vào. Tình yêu cũng ăn theo, không còn đóng chốt hay bám trụ trong một làng, một ấp, mà đã trở thành “tình yêu không biên giới”, “tình yêu xuyên lục địa”.
Biết bao nhiêu anh chàng Việt kiều từ Mỹ, từ Đan Mạch… đã trở về Việt Nam để cưới lấy một cô vợ. Biết bao nhiêu chú ba Tàu, biết bao nhiêu bác sâm Cao ly, đủ mặt già trẻ lớn bé, đã đến phần đất nghèo túng này để chọn lựa, ngã giá và mua lấy cái vợ.
Đám trai làng nghèo túng chỉ còn biết tiếc xót, nhuốt nước bọt mà “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”.
Quan niệm thứ hai, đó là: “Trâu tìm cọc, chứ cọc không tìm trâu”.
Theo nghĩa thông thường, câu này ám chỉ rằng: muốn được việc cho mình, thì chính mình phải đến cầu người, chứ không phải đợi người đến cầu mình.
Còn trong lãnh vực tình yêu và hôn nhân, câu này nói đến việc muốn thành vợ chồng với nhau, thì anh con giai phải lên tiếng trước, phải tỏ tình trước. Còn cô con gái cần phải giữ danh giá, cho dù “lòng trong như đã”, nhưng “mặt ngoài còn e”, và cũng cần phải tỏ ra dè dặt một chút để mần duyên, theo kiểu Vũ Trọng Phụng:
- Em chả… Em chả…
Nguyên tắc là như vậy, còn trong thực tế, không phải chỉ anh con giai mới kén vợ, mà cả chị con gái cũng vẫn cứ kén chồng.
Theo Toan Ánh, ngày xưa anh con giai khi kén vợ, thì thường chọn người đạo đức và nết na, bởi vì:
- Cái nết đánh chết cái đẹp.
Chứ không như ngày nay:
- Cái đẹp đè bẹp cái nết.
Thế nhưng, cùng đi với cái nết và cái đức, nếu cô nàng lại có thêm tí cái nhan sắc kiều diễm, thì lại càng tuyệt vời hơn nữa, như câu da dao “mười thương” đã diễn tả:
- Một thương tóc để đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương ở nết khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt hữu tình với ai.
Anh con giai yêu chị con gái vì nết na và vì nhan sắc, trong khi đó chị con gái lại yêu anh con giai vì tài ba hơn người:
- Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng môi son.
Và như vậy cả hai bên, nam cũng như nữ, vừa là trâu mà cũng vừa là cọc. Muốn cho tình yêu và hôn nhân của mình được tiến triển một cách mau chóng, thì mình phải mang lấy thân phận của trâu, cố gắng mà đi tìm cọc.
Vì thế, nhiều anh chàng từ phương bắc đến phương nam, từ phương đông đến phương tây, đã chịu khó lặn lội tới Việt Nam để tìm lại chiếc xương sườn cụt của mình.
Và thỉnh thoảng cũng có những cô nàng từ Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan…trở lại chốn quê hương, tìm lấy cho mình một anh chồng rặt dòng da vàng mũi tẹt, chính gốc “An Nam Mít” một trăm phần trăm.
Còn nếu cứ ngồi chờ cho tình yêu như trái sung chín và rụng xuống, thì có lẽ phải đợi đến tết…Công Gô, thì may ra mới ngáp được một trái!!!
Tuy nhiên, trong việc kén chọn, thì cũng chỉ nên một vừa hai phải, bởi vì trên trần gian này làm gì có mẫu người yêu lý tưởng, thỏa mãn mọi nhu cầu và đáp ứng mọi tiêu chuẩn mà mình đưa ra.
Có lần gã đã kể câu chuyện về một ông già cô đơn và hôm nay xin được nhắc lại cùng bàn dân thiên hạ:
Ngày kia, bàn dân thiên hạ xúm lại hỏi một ông già:
- Tại sao lại không lập gia đình?
Ông ta bèn kể lể về cuộc đời ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của mình:
- Tôi đã dành trọn thời gian của tuổi thanh xuân để tìm kiếm một người đờn bà hoàn hảo. Tại Cairô, thủ đô nước Ai Cập, tôi đã gặp một người đờn bà vưa trẻ đẹp lại vừa thông minh, nhưng rất tiếc người đờn bà này chẳng có được một chút dịu hiền, nàng hung dữ như con cọp cái.
Tôi đành bỏ Cairô mà tìm đến Bagdah, thủ đô nước Irak, với hy vọng tìm ra người đờn bà lý tưởng của lòng mình. Tại đây, tôi đã gặp một người đờn bà đúng như lòng mong ước. Nàng vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền. Chỉ kẹt một nỗi, đó là hai đứa chúng tôi chẳng bao giờ nhất trí được với nhau về bất cứ chuyện gì. Hễ ngồi tâm sự với nhau là bắt đầu cãi vã, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vì thế, tôi đành phải chào thua.
Và như vậy, hết người đờn bà nọ tới người đờn bà kia. Kẻ được điều này, người mất điều khác. Tôi như kẻ đốt đuốc đi tìm người yêu lý tuởng, mà dường như chẳng bao giờ thấy.
Thế rồi một hôm tôi gặp được nàng, người đờn bà của mơ uớc. Nàng đã kết hợp được tất cả những đức tính mà tôi thầm vẽ ra trong đầu óc. Vừa trẻ đẹp lại vừa thông minh, vừa quảng đại lại vừa dịu hiền, vừa tế nhị lại vừa ăn ý với tôi ngay cả trong những điều nhỏ mọn nhất. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ phải gân cổ lên mà ca solo, cam chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời. Các bạn có biết tại sao không?
Trong lúc mọi người suy nghĩ, ông già cô đơn đáng thương khẽ kéo một hơi thuốc lá, rồi kể tiếp:
- Sở dĩ như vậy là vì người đờn bà ấy cũng đang đi tìm một người đờn ông lý tưởng. Và thật chẳng may cho tôi, bởi vì dưới mắt nàng, tôi chỉ là một thằng đờn ông tồi với biết bao nhiêu thói hư tật xấu.
Rồi ông già cô đơn đã khuyên nhủ cánh trẻ với mot cung giọng hơi bị cay cú :
- Đi tìm một một người tình hoàn hảo chỉ là một việc làm hão huyền và vô ích, bởi vì người tình hoàn hảo ấy chỉ có trong mơ mà thôi. Nhân vô thập toàn. Đã mang lấy kiếp con người, ai mà chẳng có những sai lỗi và khuyết điểm.
Thành thử người đời mới nói:
- Trâu già kén cỏ bờ ao,
Anh kia không vợ, đời nào có con.
Bờ ao là nơi đất tốt, lại thường ẩm ướt, nên cỏ mọc ở đó luôn xanh tốt. Đây là loại cỏ ngon, người ta dành cho trâu bò đang độ sanh đẻ hay đang ra sức kéo cày. Còn loại trâu già đã bất lực rồi, gặp cỏ gì thì người ta cho ăn cỏ nấy, làm sao mà dám kén chọn cỏ bờ ao cho mình.
Và như vậy, câu này muốn nói lên rằng: thiếu tài năng mà lại cứ đòi hưởng sung sướng. Thân phận thấp hèn mà lại cứ đòi làm cao, Cũng như chẳng chịu lấy vợ, mà lại cứ đòi có con, thì làm sao mà được.
Còn trong lãnh vực tình yêu, anh con giai chẳng ngon lành gì mà cứ nằng nặc đòi cưới cho được một cô vợ vừa đẹp lại vừa hiền, vừa khôn lại vừa ngoan, thì e rằng hơi bị khó lắm đấy.
Cũng như chị con gái, kén đi kén lại, chọn tới chọn lui…kén miết và chọn hoài mà cũng chẳng tìm được một tấm chồng, để rồi khi tuổi đời “bóng ngả về tây”, bèn phải lấy vội lấy vàng:
- Còn duyên kén cá, chọn canh,
Hết duyên rốc đực, cua kềnh cũng vơ.
- Còn duyên kén những giai tơ,
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.
Bằng không thì cứ việc đếm những bước chân âm thầm, mà đi vào chốn cô đơn:
- Đi đâu mà chẳng lấy chồng,
Người ta lấy hết, chổng mông mà gào.
Gào rằng: Đất hỡi trời ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?
Ông trời ngoảnh lại mà trông:
Mày hay kén lắm, ông không cho mày.
Để kết thúc, gã xin phác họa niềm hạnh phúc của một gia đình nông dân ngày xưa:
- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu.
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Suy đi nghĩ lại về câu ca dao này, gã thấy hạnh phúc sao mà quá đơn sơ trong tầm tay của mọi người.
Thực vậy, cho dù cuộc sống của đôi vợ chồng này có chất đầy những vất vả với những công việc đồng áng đầy cưc nhọc, thế nhưng hạnh phúc của họ vẫn tràn đầy, bởi vì họ luôn sống trong tình yêu.
Tình yêu là như một chất xúc tác, biến khổ đau thành niềm vui, làm cho gánh nặng cuộc đời trở thành nhẹ nhàng và êm ái.
Trong năm Ky Sửu cầm tinh con trâu, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng với tình yêu thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với mỗi người chúng ta.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn