Sẽ rất hữu ích nếu bạn liệt kê một số lý do cho thấy Thiên Chúa đáng yêu.
Thiên Chúa là tình yêu. Không chỉ vậy, Thiên Chúa rất đáng yêu. Nếu bạn muốn, hãy xem xét khoảng thời gian dài mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta.
Trước tiên, tin tức lớn lao trong lễ Phục sinh: Chúa Giêsu đã bị giết chết.
Chúng ta ghét cái chết. Cái chết là nỗi sợ hãi lớn nhất mà chúng ta có và là tin buồn nhất mà chúng ta nghe được. Đó là nỗi ám ảnh nguy hiểm của những người nghĩ quá nhiều về nó, và cũng là sự phủ nhận nguy hiểm của những người phớt lờ nó. Gây ra cái chết là tội ác tồi tệ nhất của chúng ta và giải thoát khỏi cái chết là hành động anh hùng nhất của chúng ta. Điều đó làm cho Chúa Giêsu trở thành anh hùng vĩ đại nhất của chúng ta
Thứ hai, Chúa Giêsu đã trở thành một thai nhi.
Mọi người đều thích nghe tin mang thai. Khi biết ai đó mà chúng ta yêu thương đang chờ ngày sinh em bé chúng ta sẽ được nâng cao lên khỏi chính mình và chúng ta có được niềm hy vọng về tương lai. Vào Lễ Truyền Tin, Ngôi Lời đã hóa thành xác thể thông qua một sự loan báo thụ thai thật thú vị, chúng ta lặp đi lặp lại tin đó nhiều lần trong Kinh Truyền Tin.
Thứ ba, Chúa Giêsu không chỉ trở thành một em bé, mà còn là một em bé yên lặng.
Mọi người đều yêu thích trẻ sơ sinh. Bất cứ ai đã từng có con đều biết mình có thể dành hàng giờ để ngắm nhìn một em bé. Chúng ta cũng có thể dành những giờ chầu để chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ - và, ít nhất là khi chúng ta chiêm ngắm Ngài, Ngài luôn ngủ, mỉm cười trong vòng tay Mẹ Maria, hoặc im lặng ngủ trong vòng tay của cụ già Simêon.
Thứ tư, Chúa Giêsu trở thành một em nhỏ vô tội.
Chúng ta bị cuốn hút bởi Chúa Giêsu, cậu bé được tìm thấy trong Đền thờ hoặc làm việc với cha cậu là Thánh Giuse - nhưng Thánh John Henry Newman còn tiến thêm một bước nữa. Ngài nói rằng nếu nỗi đau buồn của chúng ta trước những biến cố của cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu trở nên nguội lạnh, chúng ta nên nghĩ đến một em nhỏ vô tội nhưng lại phải chịu những gì Chúa Giêsu đã phải chịu đựng. Điều đó cho thấy sự kinh hoàng thực sự về những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu, là người mà ngay cả khi trưởng thành vẫn vô tội hơn bất kỳ đứa trẻ nào.
Thứ năm, Chúa Giêsu trở thành người cố vấn khôn ngoan và đầy quan tâm nhất.
Thánh John Henry Newman có một lời khuyên khác: Bạn cũng nên nghĩ về một giáo viên lớn tuổi tốt bụng là đối tượng của Cuộc Thương Khó. Chúng ta yêu mến những người cố vấn đầy kinh nghiệm và đáng tin tưởng vì họ đem lại cho chúng ta phẩm giá, họ trao tất cả trí tuệ của họ cho chúng ta. Chúa Giêsu là người cố vấn tối thượng; Chính Chúa là Đấng đang đến và chú ý rất nhiều đến chúng ta, không chút dè xẻn.
Thứ sáu, Chúa Giêsu trở thành một người chữa bệnh.
Khi Chúa Giêsu chữa bệnh cho mọi người trong các sách Tin Mừng, họ muốn cho thế giới biết về ngài - và họ làm vậy, đến nỗi Ngài khó có thể vượt qua được đám đông. Vì Chúa Giêsu chữa lành, nên chúng ta cũng nên làm như vậy. Chủ yếu là cõi lòng của chúng ta được chữa lành - giúp chúng ta cuối cùng tìm thấy sự toàn vẹn và bình yên mà chúng ta đã nghĩ rằng chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn.
Thứ bảy, Chúa Giêsu đã trở thành người nuôi dưỡng chúng ta.
Thật đáng kinh ngạc, Chúa Giêsu Kitô đã thay thế điều mà tất cả chúng ta tập trung vào trong một bữa tiệc - chính bữa ăn. Hơn thế nữa, Ngài đã thay thế bữa ăn vĩ đại nhất, được khao khát nhất mọi thời đại: Manna trong sa mạc, chén dâng lên Thiên Chúa trong bữa ăn Seder [1], và Chiên Con Vượt Qua đã cứu dân Thiên Chúa.
Thứ tám, Chúa Giêsu trở thành Đấng Cứu Độ.
Một trong những điều khó khăn nhất mà hầu hết mọi người phải đối mặt trong cuộc sống là cái chết của cha mẹ. Cha mẹ đã cho bạn quá nhiều đến độ khi mất họ bạn cảm thấy đau đớn, tồi tệ: Họ đã cho bạn chính sự sống của bạn, hy sinh thời gian và nguồn lực của họ cho bạn, và dành sự quan tâm cho bạn. Chúa Giêsu không chỉ có tất cả những điều đó, mà còn ở một mức độ lớn hơn, và cuối cùng Ngài đã chết thay cho chúng ta.
Thứ chín, Chúa Giêsu trở thành người bênh vực chúng ta.
Ma quỷ là kẻ tố cáo, kẻdụ dỗ chúng ta phạm tội và sau đó tố cáo chúng ta và xác định chúng ta bằng tội lỗi của chúng ta một khi chúng ta sa ngã; Chúa Giêsu là người bênh vực chúng ta, yêu cầu chúng ta đừng phạm tội, và sau đó đứng lên bảo vệ con người thật của chúng ta, hoặc bảo vệ sự thật sâu xa hơn của chúng ta, khi chúng ta thất bại. Ngài thậm chí còn kêu gọi Chúa Thánh Thần ở bên chúng ta.
Thứ mười, Chúa Giêsu kết bạn với Thiên Chúa.
Nhưng tất cả những cử chỉ lớn lao của Chúa Giêsu có thể hơi nhạt đi một chút bên cạnh ân huệ đáng kinh ngạc nhất trong tất cả. Trước khi chết, Chúa Giêsu, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Gioan 15:15).
[1] Người dịch chú thích: Bữa ăn trong ngày lễ vượt qua là một bữa tiệc đặc biệt và có tên gọi riêng là Seder. Từ Seder סדר có nguồn gốc từ tiếng Hebrew có nghĩa là dàn xếp, sắp đặt hoặc sắp xếp, ám chỉ đến tính chất trật tự của nghi lễ. Trong ngày lễ vượt qua, người Do Thái ăn một loại bánh tên là matzos, được làm từ bột mì và nước để tưởng nhớ tổ tiên của họ.Trong bữa ăn tối được gọi là seder (seder nghĩa là luật lệ), đứa trẻ bé nhất trong gia đình sẽ hỏi mọi người bốn câu hỏi tại sao tối hôm ấy lại khác so với tất cả buổi tối khác. Trong bữa seder, mọi người sẽ cùng đọc một cuốn sách tên là Haggadah, kể về câu chuyện Thiên Chúa đã giải cứu người Israel khỏi Ai Cập như thế nào. Đồ ăn cuối cùng trong bữa seder là afikomen (món tráng miệng). Trước khi ăn, người lớn sẽ giấu afikomen để trẻ con đi tìm, và đứa trẻ nào tìm ra afikomen sẽ được quà hoặc tiền.