Nếu như ai nào đó chú ý đến bài giảng trong Thánh Lễ khởi đầu sứ vụ của Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng tại Giáo Phận Phan Thiết sẽ nhận ra ngay tâm tình của Đức Tổng Giuse về sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Và có lẽ, ước ao sự hiệp nhất đó không phải chỉ riêng của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng mà của toàn thể Hội Thánh.
Thật thế, Hội Thánh Chúa thánh thiện, công giáo và tông truyền đó nhưng đâu đó vẫn lợn cợn những cơn sóng có thể là ngầm để làm cho Giáo Hội mất đi vẻ đẹp thánh thiện hay nói cách khác là chia rẽ từ trong chính nội bộ. Và, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào Hội Thánh luôn luôn ưu tư cũng như cần có sự hiệp nhất. Đơn giản là vì nếu không hiệp nhất thì sẽ xảy đến biết bao nhiêu muộn phiền.
Hội Thánh, xét cho bằng cùng như là một gia đình. Với Giáo Hội Hoàn Vũ, Đức Thánh Cha là vì đứng đầu. Với Giáo Hội địa phương thì Giám Mục đứng đầu. Với Giáo Xứ trong Giáo Phận thì Cha Xứ đứng đầu. Dĩ nhiên tất cả còn lại trong Giáo Hội là chi thể. Trong niềm tin thì tất cả các chi thể trong thân thể của Giáo Hội ngay cả Giám mục, linh mục cũng là chi thể của Đức Kitô.
Và như vậy, ước ao sự hiệp nhất trong Giáo Phận hay Giáo Xứ là điều hợp tình, hợp lý và cũng là lẽ thường trong cuộc sống. Thế nhưng rồi, vẫn là bản tính của con người mỏng dòn và non yếu luôn có xu hướng phá bĩnh sự hiệp nhất trong gia đình, đơn giản là vì cái tôi hay sự kiêu ngạo của bản thân quá lớn.
Trong thực tế của cuộc sống, với sự tự cao tự đại của cá nhân, ta thấy những con người đó và cả nhóm đó cứ làm những điều trái khoáy và tự cho mình là nhất và tự cho mình là đúng. Kèm theo đó là dựa vào sức mạnh của truyền thông để rồi họ bất chấp sự thật và dàn dựng nhiều điều để gây hoang mang trong Giáo Hội.
Là cha là mẹ, khi thấy con mình phá bĩnh quả là đau khổ lắm nhưng rồi cứ ngậm đắng nuốt cay vì dù sao "cũng là con mình mà !". Nếu như đứa con nhận ra mình đi lệch đường mà quay lại thì gia đình êm ấm, và ngược lại, nếu như đứa con ngỗ nghịch và dùng tài khéo của mình để chống phá thì gia đình đau khổ.
Sự hiệp nhất trong Hội Thánh được Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng cũng như các giám mục và linh mục khác khi nói về sự hiệp nhât khác với sự hiệp nhất theo kiểu người đời, theo kiểu của một công ty, theo kiểu lợi ích nhóm. Sự hiệp nhất của Hội Thánh là hiệp nhất trong Đức Kitô.
Hơn một lần, Thánh Phaolô Tông Đồ cảnh báo : “Có những luận điệu như: tôi thuộc về Phaolô, tôi thuộc về Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô” ( 1 Cr 1, 12).
Thánh Phaolô còn thêm trong đoạn thư 1 Cr 12, 12-17 Anh em là thân mình của Đức Ki-tô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể. Vì cũng như thân mình chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, và hết thảy các bộ phận tuy là nhiều cũng chỉ là một thân mình, thì Ðức Kitô cũng vậy. Vì trong Thần khí độc nhất, hết thảy ta được nhờ thanh tẩy mà nhập vào thân mình độc nhất, dù là Do-thái hay Hi-lạp, dù là nô lệ hay tự do; và hết thảy ta đã được cùng uống Thần khí độc nhất. Vì chưng thân mình không chỉ là một bộ phận, song là nhiều. 15 Giả sử chân nói: Tôi chẳng phải là tay! Tôi không thuộc về thân mình, phải chăng vì thế mà nó không thuộc về thân mình? Giả sử tai nói: Tôi không phải là mắt! Tôi không thuộc về thân mình, phải chăng vì thế mà nó không thuộc về thân mình? Nếu toàn thân là mắt, thì thính giác ở đâu? Nếu toàn thân là thính giác thì khứu giác ở đâu? 18Nhưng này Thiên Chúa đã đặt ra các bộ phận, và mỗi bộ phận trong thân mình tùy theo ý Người. Nếu tất cả chỉ là một bộ phận, thì thân mình đâu? Nhưng này, bộ phận thì nhiều, mà thân mình chỉ là một! Mắt không thể bảo tay: Tôi không cần anh! Hay đầu (không thể) lại (bảo) chân: Tôi không cần các anh!
Không chỉ nói mà Ngài còn khuyên rõ ràng : “Thưa anh em, nhân danh Đức Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau” (1 Cr 10,10).
Và, nơi Thầy Chí Thánh Giêsu, ta thấy khi Thầy cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17,22).
Hiệp nhất vẫn là khát mong của Đức Kitô. Thánh Phaolô không chấp nhận một người nào khi tự xưng mình thuộc về Đức Kitô, lại xô đẩy người anh em cùng niềm tin ra khỏi cộng đoàn, coi mình như là mẫu mực để phán đoán đức tin và việc làm của người anh em. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ tất cả mọi nỗ lực của Giáo hội, trong việc xây dựng tình hiệp nhất.
Và rồi, hướng về Giáo Phận Phan Thiết trong ngày vui có "Cha ruột" như Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng dí dỏm, ta cũng cầu xin cho không chỉ Phan Thiết mà các Giáo Phận còn lại ơn hiệp nhất.
Những ngày này, chúng ta đã bước vào mùa Võng, ta quyết tâm sám hối và ta còn phải không ngừng nỗ lực thực hiện cuộc hành trình sống như Đức Kitô mà Thánh Phaolô đã mời gọi: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có tâm tình như Đức Kitô” (Pl 2, 5). Tâm tình như Đức Kitô là : “Nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1, 10).
Huệ Minh