Hôm nay mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa. Điều đầu tiên chúng ta đặt ra thắc mắc. Tại sao lại có lễ này ?
Năm 1263 có một Linh mục người Đức tên là Pierre de Prague, người xứ Bohemia. Khi hành hương đến Rôma đã dừng chân tại thành phố Bolsena của Ý. Ngài là một linh mục đạo đức, nhưng ngài cảm thấy khó tin chuyện bánh rượu lại trở nên Mình Máu Chúa. Trong khi cử hành thánh lễ, đang khi ngài đọc lời truyền phép, ngài thấy máu bắt đầu chảy ra trên mình thánh, trên tay ngài và cả bàn thờ, trong khăn thánh.
Tất nhiên, khi thấy sự lạ như vậy, ngài rất hoảng hốt. Lúc đầu, ngài tìm cách che dấu các vết máu. Nhưng sau đó tay ngài chạm vào các vết máu và không dám dâng lễ. Cha đưa đến thành phố lân cận Orvieto, nơi Đức Giáo hoàng đang Urban IV cư trú. Đức Giáo Hoàng nghe vị linh mục này kể thì ban ơn tha tội cho cha, về tội thiếu lòng tin khi cử hành bí tích Thánh Thể.
Sau đó Đức Giáo Hoàng Urban IV cử sứ giả đến điều tra chuyện lạ này. Khi đã kiểm tra cần thận, Đức Giáo Hoàng truyền lệnh cho Giám mục Giáo phận, mang Mình Thánh và tấm vải khăn có vết máu đến thành phố nơi ngài cư trú.
Khi mang về đó, với sự tu họp của các Hồng y, Giám mục và đông đảo các tín hữu với lòng yêu mến suy tôn, ngài đặt các thánh tích này trong Vương Cung Thánh Ðường Orvieto.
Cho đến ngày nay, tấm vải có vết máu vẫn còn được lưu trữ và trưng bày tại Vương Cung Thánh Ðường Orvieto.. Qua phép lạ này, Đức Giáo Hoàng Urban IV đã truyền cho thánh Tôma Aquino soạn một kinh nguyện phụng vụ để tôn sùng bí tích Thánh Thể.
Vào tháng 8.1264, Đức Giáo Hoàng Urban IV đã giới thiệu kinh nguyện do Thánh Tôma đã soạn và thiết lập lễ Mình Máu Thánh Chúa qua một Tông sắc ““Transiturus de hoc mundo”
Chúng ta đã mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô rất nhiều lần. Nhưng hôm nay chúng ta có dịp ôn lại, lịch sử của lễ này bắt nguồn từ một phép lạ.
Vậy tại sao Chúa lập bí tích Thánh Thể. Chúa yêu thương chúng ta. Mỗi một lần dâng lễ, chúng ta thấy Linh mục lặp lại lời ngày xưa Chúa đã dạy các tông đồ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.
Làm việc này là việc gì ? Thưa đó là cử hành các nghi thức, những việc Chúa đã làm. Nhưng không chỉ có thể. Chúa còn muốn nói chúng ta về cái chết của Chúa. Chúa đã không sống cho mình, nhưng trở nên lương thực cho tất cả mọi người.
Lời Chúa chúng ta nghe hôm nay nói về tình yêu. Mệnh lệnh Chúa đòi hỏi các tông đồ : “Các con hãy cho họ ăn “. Các ông đã thật lòng thưa với Chúa là chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá.
“Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.”
5 ngàn người đàn ông ăn mà số bánh dư còn lại 12 thúng. Phép lạ này nói lên tấm lòng của Chúa. Ngài muốn cho tất cả chúng ta được no nê.
Tất nhiên cái no thể xác diễn tả cái no trong tâm hồn. Đây là chuyện lạ lùng mà chỉ có tình yêu mới làm được. Khi trong cuộc sống trong tương quan với người khác, nếu thiếu vắng tình yêu chúng ta không làm được gì.
Khi Chúa nói với các tông đồ : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta “, tức là Chúa muốn chúng ta cử hành lại hiến tế Thập giá của Chúa, nhưng hơn nữa chính chúng ta trở nên bánh cho người khác được ăn no nê.
Vì chính Chúa đã hiến tế thân mình để nên bánh nuôi sống chúng ta.
Như vậy, lời đó Chúa Giêsu không chỉ nói cho các môn đệ, mà còn cho tất cả mọi người chúng ta.
Chúa trở nên lương thực để nuôi dân Chúa, thì chúng ta cũng trở nên lương thực cho nhau. Người cha sống từng giây phút của đời sống mình, lo cho con cái. Cuộc đời người cha như là được cắt vụn ra từng mảnh vì con cái, từ thời giờ, suy nghĩ, ước muốn, mọi tính toán lo liệu, trọn trái tin của người cha luôn hướng về con. Cuộc sống của người con là của người cha.
Hôm nay, nhân ngày của Cha, chúng ta cũng cầu nguyện cho những người cha sống tinh thần đó của Chúa, trở nên bánh cho con cái.
Người mẹ cũng không sống cho mình, nhưng sống cho con. Con cái cũng sống hết mình cho cha mẹ.
Tóm lại, tất cả chúng ta hãy trở nên lương thực cho nhau, khi chúng ta không sống cho mình, nhưng biết sống cho tha nhân, như chính Chúa đã trở nên tấm bánh.
Tấm bánh thì chỉ có giá trị khi mang đến cái no, sự sống cho người ăn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trở nên tấm bánh cho tha nhân, để chúng con trở nên niềm vui, sự sống cho những người chung quanh, nhất là cho những người trong gia đình mình, những người mình có bổn phận chăm lo hướng dẫn.
Lm. HK