“Con hãy theo Thầy “ Lời Chúa Giêsu trên trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là lời Chúa mời gọi tất cả mỗi người chúng ta. Chúng ta là những người tin Chúa. Người ta vẫn gọi chúng ta là những người có đạo, theo đạo. Nhưng đúng ra, chúng ta là những người theo Chúa.
Nhưng theo Chúa thì chúng ta phải làm như thế nào ?
Lời Chúa hôm nay chỉ ra cho chúng ta đời sống của những người theo Chúa. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô 3 lần : “Con có yêu mến Thầy không “.Chúa hỏi không phải là Ngài muốn biết. Vì Chúa biết trong lòng người ta hết rồi.
Chúa hỏi Phêrô để làm rõ ràng chọn lựa của ông. Chúa hỏi đến 3 lần như vậy như để nhấn mạnh đến lòng mến của người muốn theo Chúa. Chúa muốn nói, người môn đệ theo Chúa, hay theo đạo phải có lòng mến. Vì đạo này đạo của tình yêu thương, mến Chúa và yêu người. Với 3 lần Phêrô trả lời với Chúa Giêsu cũng là cả đời của ngài và nhắc nhở cả đời chúng ta phải diễn tả lòng mến Chúa của mình.
Có một cuốn tiểu thuyết rất hay đã được đóng phim, đó là “Quo Vadis “. Nội dung câu chuyện là các tín hữu bị bắt bớ dữ dội ở thành Rôma. Người ta phải trốn ra ngoài thành. Trong số những người trốn có cả Phêrô. Bản thân ông không sợ chết, nhưng những người chung quanh cho rằng, Phêrô phải trốn, vì ông chịu chết thì lấy ai mà lãnh đạo dẫn dắt các tín hữu đang gặp rất nhiều nguy khó.
Vào một buổi sáng sớm, Phê rô đang đi ra khỏi thành Rôma, trong lớp sương mù mờ ảo, ông thấy có một người đi ngược chiều với ông, đang đi vào trong thành.
Người đó lại vác trên vai cây thập giá. Đến gần đến nơi, ông nhận ra người đó chính là Chúa Giêsu. Ông hỏi Ngài : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” (Quo Vadis )Ngài trả lời ông : “Ta đang vào thành để chịu đóng đinh một lần nữa”. Khi nghe như vậy, ông Phêrô chợt hiểu ra được ý của Chúa muốn ông phải chịu chết và phải làm chứng cho Chúa. Ngay tại chỗ theo tương truyền thánh Phêrô gặp Chúa Giêsu, người ta xây một nhà nguyện mang tên là Quo Vadis. Từ đó thánh Phêrô đã trở lại Rôma chịu nhiều bách hại khổ hình, chịu chết bị đóng đinh, thế nhưng, ông thấy mình không xứng đáng đươc như Chúa, ông xin cho treo ngược xuống.
Lời Chúa hôm nay là bài học cho chúng ta về tình yêu thương. Thế nhưng, yêu thương không phải là ở nơi miệng bằng lời nói suông. Đó là lòng yêu mến từ trong lòng. Bởi có lòng mến người ta mới biết làm gì tốt cho nhau. Đức mến thì phải đi với hành động.
Đặc tính của đức mến là vâng lời, phục vụ và chịu đau khổ. Trong bài đọc 1, chúng ta được nghe kể các tông đồ đứng lên làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh.
“Trong những ngày ấy, thầy thượng tế hỏi các tông đồ rằng: “Ta đã ra lệnh cấm các ngươi nhân danh ấy mà giảng dạy. Thế mà các ngươi đã giảng dạy giáo lý các ngươi khắp cả Giêrusalem; các ngươi còn muốn làm cho máu người đó lại đổ trên chúng tôi ư?” Phêrô và các tông đồ trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”.
Như vậy, vâng lời phải là việc làm của tình yêu thương. Bài đọc này cũng cho thấy tình cảnh khổ đau bị bách hại của các tông đồ ngày xưa.
“Họ ra lệnh đánh đòn các tông đồ và tuyệt đối cấm không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu”.
“Lòng hân hoan”, phải có tình yêu thì người ta mới cảm thấy hân hoan chịu khổ vì danh Chúa, như vậy mới xứng đáng, khi ta nói là mình yêu mến Chúa.
Đặc điểm thứ hai của đức mến chính là chịu mọi sự khó nhọc hy sinh. Phải có lòng yêu mến Chúa thật nhiều ta mới hân hoan vui mừng.
Đặc tính của lòng mến là sự phục vụ quên mình vì người khác. Chúa là Thiên Chúa đã hạ mình xuống thấp nhất để đến với con người.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu yêu thương phục vụ các môn đệ của Ngài.
“Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh”. Đó là Chúacó cử chỉ chăm sóc , phục vụ các ông. Các ông làm không được thì Chúa dạy các ông làm, chỉ các ông đánh bắt cá. Đức mến thì phục vụ.
Ngài làm những việc rất nhỏ, nhưng cho thấy trái tim của Chúa luôn dành cho các ông.“Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế”.
Còn trong đời sống chúng ta, nhất là trong đời sống gia đình với bổn phận làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ và làm con, tất cả chúng ta có thể hiện lòng mến Chúa của mình.
Chúng ta hãy nhìn lại đời sống.Chúng ta có sẵn sàng phục vụ nhau, chịu mọi khổ cực, quan tâm chăm sóc và luôn lắng nghe nhau. Nói thì có nhiều việc để làm, chúng ta hãy làm cho nhau trong gia đình, Nhưng chúng ta có thể tóm lại trong hai chữ của lòng mến, “tha thứ và chịu đựng” lẫn nhau. Giữ được hai chữ này thôi cũng đã là khó rồi, chứ đừng nói đến những chuyện lớn hơn, sâu xa hơn và cao hơn.
Chúa Giêsu đã đến trong trần gian đã tha thứ và chịu đựng, Ngài chịu chết và chịu mọi sỉ nhục vì chúng ta.
Các tông đồ đã thể hiện lòng mến Chúa của mình, các ngài chịu mọi sỉ nhục, bắt bớ, bị tố cáo, tra tấn nhưng luôn tha thứ cho người ta.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Thánh cả Giuse nhân ngày mừng lễ thánh Giuse lao động. Thánh nhân là tấm gương cho chúng ta về hai chữ tha thứ và chịu đựng trong đời sống. Ngài đã âm thầm chịu đựng, sẵn sàng đón nhận tất cả, chăm sóc và nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Có thể thánh nhân có khi không được vừa ý lắm, nhưng ngài biết chịu đựng để vâng theo thánh ý Chúa. Ngài không có một lời nói nào, có nghĩa là cái tôi của ngài chết đi, để đời mình tùy thuộc vào Chúa.
Chúng ta phải thing lặng để nghe tiếng Chúa nói và hướng dẫn cuộc đời mình đi. Chúng ta hãy dành thời giờ trong ngày sống để gặp gỡ tâm tình với Chúa, có giờ cầu nguyện thưa chuyện với Ngài và nhất là đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày. Chỉ cần mỗi ngày ta dành 5 phút thôi cho Chúa.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu với thánh Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa, để chúng ta ra đi làm chứng cho tình yêu thương của Chúa giữa cuộc đời đầy sóng gió thử thách hôm nay.
Xin cho chúng ta được luôn tràn đầy lòng mến, lòng tin và đức cậy để chúng ta thuộc về Chúa, được Chúa chăm sóc bảo vệ của Chúa.
Xin cho chúng ta biết đáp lại lòng mến Chúa dành cho chúng ta bằng một đời sống thực thi bác ái yêu thương mọi người.
Lm. HK
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn