Thứ ba tuần IV Phục Sinh
Trong một cuốn phim nói về ông Mahatma Gandhi, một nhà chính trị, một người đấu tranh bất bạo động của dân tộc Ấn Độ. Phim khá dài nhưng kể lại chuyện ông Mahatma Gandhi, là một người tin vào Chúa Kitô, nhưng không theo đạo. Có một lần ông đã vào nhà thờ và bị người ta mời ra ngoài. Vì ông là người da màu và ngôi nhà thờ đó chỉ dành cho người da trắng. Từ đó, ông Gandhi không bao giờ trở lại nhà thờ nữa. Nhưng ông là người tin vào Chúa Kitô, thấm nhuần những lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Đi đâu ông cũng mang theo cuốn Kinh Thánh đọc và cầu nguyện. Ông là người đem lại độc lập cho dân tộc Ấn Độ mà không tốn một viên đạn. Ông đã cảm nghiệm thật rõ ràng sức mạnh của tình yêu. Đó là chiến thắng của tình yêu, ông kêu gọi cả nước đứng lên chống lại thống trị của Anh giành độc lập. Ông bị bắt giam, ông nhịn ăn, nhưng vì áp lực của công luận người ta lại trả tự do cho ông.
Khi đã giành được độc lập cho Ấn Độ, ông lại thấy có nhiều cuộc bạo động nhân danh tôn giáo. Thế là ông lại tỏ ra chống lại bằng cách nhịn ăn. Chính trong thời kỳ này, các cuộc bạo động của người Hồi giáo và những người theo đạo Hindu đã diễn ra trên khắp đất nước. Người dân của cả hai cộng đồng đã bị giết một cách tàn bạo, và xung quanh có một cuộc đổ máu quy mô lớn. Gandhi đã đặt tính mạng của mình vào tình thế nguy hiểm, cầu xin mọi người và nỗ lực không ngừng để ngăn chặn cuộc giết chóc vô nghĩa này.
Ông dù chưa được rửa tội, nhưng ông sống như là một Kitô hữu. Ông để cho Lời Chúa hướng dẫn điều khiển cuộc đời. Tiếng Chúa dẫn dắt thôi thúc ông. Đó cũng là tiếng gọi của tình yêu thương tha thứ.
Câu chuyên trên về cuộc đời Mahatma Gandhi nói với chúng ta. Ngày nay, nhiều người nhận mình là Kitô hữu, nhưng chúng ta lại không đi theo sự hướng dẫn của Chúa, không để Chúa điều khiển hay không còn thực hành Lời Chúa.
Bài đoc 1 chúng ta nghe kể đến những người nhận là mình là Kitô hữu. Lần đầu tiên danh Kitô hữu được nói đến.
“Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu. “
Câu chuyện của Mahatma Gandhi và Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại đời sống mình. Chúng ta nhận mình là Kitô hữu.
Kitô hữu là gì ?
Đó là những người thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta làm sao để chứng tỏ mình là những người thuộc về Chúa. Câu trả lời nằm trong Tin Mừng. Khi người ta hỏi Chúa Giêsu :
"Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết". Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi”.
Chúa Giêsu làm việc nhân danh Chúa Cha, Còn chúng ta, những việc chúng ta làm hằng ngày có để sáng danh Chúa, từ những việc nhỏ, việc lớn, những việc tông đồ, những tương quan trong gia đình, cộng đoàn giáo xứ và khu xóm.
Chúng ta tạ ơn Chúa đã xuống thế làm người, để thuộc về chúng ta. Ước gì chúng ta sống thực thi Lời Chúa, như ông Mahatma Gandhi đem tình yêu tha thứ của Chúa đến cho mọi người, giúp họ thấy sức mạnh của tình yêu trên hận thù, chia rẽ, thắng vượt được lòng ích kỷ hẹp hòi của bản thân.
Xin cho tinh thần bác ái yêu thương, quên mình thấm nhập vào đời sống, để chúng ta luôn sống xứng đáng là Kitô hữu, làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa trong cuộc sống hôm nay.
Lm. HK