Ở Việt Nam có 3 cộng đoàn Foyer de Charité. Các cộng đoàn đó không phải là một hội dòng, nhưng hội giáo dân. Những cộng đoàn đó âm thầm nhưng lại lan rộng trên khắp ở thế giới và được bắt đầu từ một câu chuyện từ một phụ nữ tên là Marthe Robin. Cả cộng đoàn đang xin phong thánh cho chị, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Chị là một cô gái bình thường. Nhưng năm 26 tuổi chị bị bại liệt rất nặng đến nỗi ăn cũng không được. Chị chỉ có mỗi ngày rước lễ, chịu Mình Máu Thánh Chúa và vài giọt rượu qua một cái ống hút. Chị bệnh nặng như thế mà sống lâu, tức là 51 năm và qua đời năm 1981. Trong suốt thời gian dài như vậy. Chúng ta cảm thấy nhiều khi đau bệnh nằm một chỗ vài ngày cũng thấy là dài, một tuần cũng đủ thấy lâu, chưa kể một tháng, một năm cũng thấy rất mệt mỏi.
Thế nhưng, chị Marthe Robin nằm như vậy mà không bị yếu liệt trong tâm thần. Trái lại qua cuộc gặp một Linh mục chị gợi ý lập ra những cộng đoàn Foyer de Charité . Chúng ta gọi là thừa sai bác ái.
Một trong các lý do được chị nói lên cho thấy rõ ràng sức mạnh của chị. Mỗi ngày tôi mong đợi được rước Máu Thánh Chúa, tôi thấy mình như được truyền một sức sống mãnh liệt. Đó là cảm nghiệm đặc biệt chị không thể diễn tả cho ai khác được.
Câu chuyện của chị Marthe Robin là hình ảnh minh họa Lời Chúa chúng ta nghe hôm nay.
Bài đọc 1 chúng ta nghe tường thuật Chúa tạo thành trời đất.
“Thiên Chúa phán: "Hãy có ánh sáng". Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên Chúa phán: "Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước", và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía trên vòm trời với nước dưới vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên Chúa phán: "Nước dưới trời hãy tụ tại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: "Đất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống, và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
Thiên Chúa còn phán: "Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất".
Lời Chúa cho thấy Ngài là Đấng quyền năng vô hạn. Chúng ta chỉ biến đổi vật này, vật kia một chút, ta thường gọi đó là tài năng của mình.
Còn Thiên Chúa, Ngài phán thì có liền, từ hư không mà trở nên có, ta gọi đó là toàn năng.
Tiếp theo trong bài Tin Mừng chúng ta thấy được quyền năng sức mạnh của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu.
“Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó”.
Chúng ta cũng thấy tình thương của Chúa. Người ta tìm cách đưa các bệnh nhân đến với Chúa. Và câu kết của Tin Mừng là “tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”
Bệnh là một trong các đau khổ của con người. Bệnh bởi tội mà đến. Chúng ta mừng lễ thánh Phaolô Miki và Các Bạn tử đạo.
Các ngài là những người không sợ đau khổ, như chị Marthe Robin trong câu chuyện chúng ta nghe kể trên. Như vậy, trong các ngài có sự sống mãnh liệt, không phải là bên ngoài thể xác , nhưng là ở bên trong. Sức mạnh mà không có đau khổ nào có thể làm hại các ngài. Để trong cuộc sống các ngài cảm thấy vui tươi và bình an, dù phải chịu đựng đau đớn do bệnh tật. Đó là tình yêu từ Chúa lan tỏa đến cho chúng ta.
Như vậy, khi chúng ta thấy mình khổ thì chạy đến với Chúa. Và khi chạy đến “chạm đến Ngài
như dân chúng ngày hôm nay, họ không thấy mình khổ nữa. Các thánh tử đạo coi thập giá mình chịu treo là niềm vui hạnh phúc mà cả đời mong đợi.
Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan chỉ huy trong quân đội Nhật. Người sinh ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và nổi tiếng vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, người bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết: “Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả.”
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và tuyên thánh năm 1862.
Ngày nay chúng ta chạm vào Chúa qua Thánh Kinh, qua Thánh Thể và như chị Chị Marthe Robin dù cuộc sống hổ đau bệnh tật, chỉ nằm một chỗ, nhưng đã trở nên cảm hứng sống cho mọi người trong cộng đoàn Foyer de Charité
.Chúng ta cũng vậy, chỉ cần chúng ta được “chạm đến Chúa” là chúng ta sẽ có được niềm vui, bình an và hạnh phúc và dù đau khổ thử thách, chúng ta cũng có thể vượt qua được.
Lm. HK